Lạm phát: Nhất thời hay vĩnh viễn?
Lạm phát vẫn đang ở mức cao và nhiều người vẫn tin rằng đó là một hiện tượng tạm thời sau đại dịch. Tuy nhiên, những thay đổi về cấu trúc diễn ra trong nền kinh tế cho thấy giá cả có thể không sớm trở lại bình thường.
Một số nhà kinh tế và nhà đầu tư cho rằng chi tiêu kích thích quá mức và tạo thêm tiền để chống lại đại dịch là thủ phạm thực sự gây ra lạm phát. Họ cho rằng lạm phát là sản phẩm của các quyết định chính sách, chứ không phải là một sự trùng hợp ngẫu nhiên.
Bất chấp sản lượng kinh tế và việc làm bị mất đi, tài sản của gia đình Mỹ đã tăng đáng kinh ngạc ở mức 32 ngàn tỷ USD kể từ khi bắt đầu đại dịch nhờ vào các biện pháp kích thích chưa từng có để thúc đẩy tiết kiệm và giá trị tài sản, chẳng hạn như giá cổ phiếu và giá trị nhà.
Bảng cân đối kế toán của Fed đã tăng thêm hơn 4 ngàn tỷ USD do kết quả của chương trình nới lỏng định lượng, giúp tăng cung tiền trong nền kinh tế và khuyến khích cho vay. Quốc hội cũng đã chi khoảng 5.3 ngàn tỷ USD cứu trợ cho người dân Mỹ. Tất cả những hành động này đã thúc đẩy tổng cầu và chi tiêu của người tiêu dùng khi nền kinh tế mở cửa trở lại.
Giám đốc điều hành Euro Pacific Capital và chiến lược gia toàn cầu Peter Schiff cho biết trong Hội nghị Đầu tư New Orleans vào tháng Mười: “Kết quả là, quý vị có nhiều tiền hơn để theo đuổi ít thứ hơn và giá cả tăng vọt. Không hề có giới hạn về số tiền mà Cục Dự trữ Liên bang có thể in. Nhưng lại có giới hạn đối với sản lượng thực tế mà nền kinh tế có khả năng sản xuất ra.”
Mặc dù tốc độ lạm phát hàng tháng đã chậm lại trong những tháng gần đây, mức tăng giá tiêu dùng hàng năm vẫn ở mức cao 5.4%. Bỏ qua những thay đổi về giá thực phẩm và năng lượng dễ biến động hơn, lạm phát căn bản cũng tăng 4% trong tháng Chín so với một năm trước, mức tăng lớn nhất trong gần 30 năm.
Một số tên tuổi lớn nhất trong thế giới đầu tư, bao gồm ông Carl Icahn, ông Paul Tudor Jones và ông David Einhorn, gần đây đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về áp lực giá dai dẳng.
Ông Icahn nói với CNBC hôm 18/10: “Về lâu dài, chúng ta chắc chắn sẽ gặp khó khăn” do việc in tiền.
Các nhà đầu tư lo ngại rằng Fed vẫn phản ứng chậm chạp với lạm phát. Họ lo sợ rằng Fed có thể hãm phanh đột ngột trong tương lai, và đẩy nền kinh tế vào suy thoái.
Ông Schiff nói: “Đối với lạm phát, quý vị càng chần chừ hành động, thì sự việc càng trở nên tồi tệ hơn.”
Nợ liên bang ngày càng tăng làm hạn chế khả năng chống lạm phát của chính phủ. Các nhà hoạch định chính sách đang chọn cách chần chừ vì lãi suất cao hơn đồng nghĩa với việc chính phủ Mỹ sẽ tăng thêm gánh nặng về lãi suất.
Theo bà Danielle DiMartino Booth, một nhân vật kỳ cựu của Fed Dallas và là tác giả của cuốn sách “Fed Up”, các ngân hàng trung ương đang ở trong thế khó khăn.
Bà Booth nói, vào đêm Giáng sinh năm 2018, thị trường chứng khoán Hoa Kỳ đã phải chịu một trong những đợt giảm mạnh nhất trong nhiều thập kỷ và điều đó “chứng minh cho việc thị trường sẽ rơi vào tình trạng khó khăn và dè dặt nếu bị lấy đi tính thanh khoản.”
Bà nói, sẽ rất khó để thị trường và nền kinh tế xoay sở khi thanh khoản giảm, đặc biệt là khi nền kinh tế bắt đầu chậm lại.
Khủng hoảng dầu lửa
Tăng giá năng lượng, hàng hóa và thực phẩm gần đây đã làm dấy lên lo ngại lạm phát, khiến nhiều người suy đoán rằng chúng ta có thể quay trở lại những năm 1970, khi lạm phát vượt khỏi tầm kiểm soát.
Hai cú chấn động lớn diễn ra trong những năm 1970 – Chiến tranh Ả Rập-Israel năm 1973 và Cách mạng Iran năm 1979 – khiến nguồn cung năng lượng bị cắt giảm đáng kể. Lạm phát đã ở mức cao trong thời gian đó, cuộc khủng hoảng dầu kép đã đẩy lạm phát của Hoa Kỳ lên mức hai con số. Cuộc khủng hoảng dầu mỏ đã tạo ra nhiều bài học cho Hoa Kỳ, một trong số đó là việc cần phải giảm phụ thuộc vào dầu mỏ ngoại quốc.
Nhà phân tích Henry Allen của Deutsche Bank cho biết đợt tăng giá khí đốt gần đây “gợi nhớ đến những gì đã xảy ra với dầu vào đầu những năm 1970”.
Ông Allen cho biết trong một báo cáo mới đây: “Khi toàn cầu cố gắng cai nghiện nhiên liệu hóa thạch hơn nữa, chúng ta có thể gặp nhiều sự chấn động về năng lượng hơn trong suốt thập kỷ này.”
Giá tại trạm xăng đã tăng lên 3.39 USD mỗi gallon đối với xăng thông thường hôm 26/10, cao hơn 1 USD so với giá vào tháng 10/2020.
Ông Allen nói, “Hiện tại, vẫn còn là một khoảng cách xa so với những gì chúng ta đã thấy trong những năm 1970,” nhưng lưu ý rằng một số yếu tố, chẳng hạn như chính sách tiền tệ nới lỏng, mức nợ quốc gia đáng kể, thiếu hụt lao động và phi toàn cầu hóa “chỉ ra rằng áp lực lạm phát ngày nay lớn hơn nhiều.”
Khí đốt là một trong những động lực lớn của lạm phát trong tháng Chín, tăng 42% so với một năm trước. Bất chấp giá dầu tăng, các nhà sản xuất Hoa Kỳ tiếp tục giữ chi tiêu vốn (capex) ở mức thấp, do họ không được khuyến khích bởi các chính sách khí hậu hiện tại.
Theo cơ quan xếp hạng Moody’s, các công ty khai thác và sản xuất dầu mỏ cần đầu tư 542 tỷ USD trên toàn thế giới để ngăn chặn cú sốc nguồn cung toàn cầu tiếp theo.
Tương tự, giá kim loại đã tăng đáng kể so với năm 2020. Chi phí năng lượng cao đang khiến các nhà máy luyện kim phải cắt giảm sản xuất kẽm và nhôm trên toàn cầu.
Bùng nổ tiền mặt, nhiều công ty dầu mỏ, kim loại và khai thác mỏ đã mua lại cổ phiếu hoặc trả cổ tức, thay vì mở rộng chi tiêu vốn để giải quyết tình trạng thiếu hụt nguồn cung.
Sự gia tăng mới nhất về lây nhiễm virus corona, đặc biệt là ở các nước Đông Nam Á, cũng đã khiến các nhà máy và cảng ngưng hoạt động, làm tăng gián đoạn nguồn cung vi mạch bán dẫn và các nguyên liệu thô khác.
Phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh Yahoo Finance hôm 25/10, Giám đốc điều hành Pat Gelsinger của Intel nói rằng “tình trạng thiếu vi mạch bán dẫn đang ở mức tồi tệ nhất hiện nay.”
Ông dự đoán tình trạng thiếu hụt sẽ tiếp tục kéo dài đến năm 2023, vì các công ty cần có thời gian để xây dựng năng lực sản xuất. Các nhà sản xuất xe hơi đã bị ảnh hưởng nặng nề vì việc cung cấp vi mạch bán dẫn này, khiến lượng xe tồn kho giảm. Giá xe hơi đã qua sử dụng, một trong những nguyên nhân dẫn đến lạm phát lớn nhất vào năm 2021, đã tăng 24% trong tháng Chín so với một năm trước. Giá xe mới cũng tăng 9%.
Khủng hoảng lao động
Bên cạnh sự gián đoạn chuỗi cung ứng, tình trạng thiếu hụt lao động đang diễn ra đã trở thành một vấn đề lớn đối với các công ty Hoa Kỳ. Cơ hội việc làm mới đã tăng lên mức cao kỷ lục trong thời gian gần đây, nhưng nhiều người Mỹ vẫn miễn cưỡng tái tham gia vào lực lượng lao động.
Bà Sara Gordon, phó chủ tịch kiêm trưởng bộ phận thành công của khách hàng tại công ty cung cấp nhân sự Adecco Group, cho biết đại dịch đã dẫn đến sự thay đổi mô hình trong thị trường lao động nơi các nhân viên hiện đang “đánh giá lại các ưu tiên của họ.”
Công nhân Hoa Kỳ, những người đã phải chịu mức lương trì trệ trong nhiều năm, đang được chứng kiến quyền lực. Tiền lương trong tháng Chín tăng 4.6% so với năm 2020, nhưng vẫn không thể bắt kịp với giá tiêu dùng tăng.
Đại dịch cũng đã đẩy nhanh việc nghỉ hưu đối với những người thuộc thế hệ bùng nổ trẻ sơ sinh (sinh khoảng năm 1946-1964). Ông Gordon cho biết, rất nhiều những người thế hệ đó đã thành công trong các công việc chân tay, do đó, việc họ rời bỏ lao động đang khiến nguồn lao động chân tay giảm dần.
Các doanh nghiệp dự kiến sẽ tiếp tục tăng lương và cung cấp nhiều đặc quyền hơn để thu hút và giữ chân người lao động. Theo các nhà phân tích, việc tăng lương sẽ khó thay đổi hơn nhiều so với giá hàng hóa và ít có khả năng đảo ngược trong ngắn hạn, gây ra nhiều áp lực lạm phát hơn trong nền kinh tế.
Chi phí nhân công tăng và nhu cầu tăng cao từ các nhà hàng mở cửa trở lại cũng đã làm tăng giá thịt trong những tháng gần đây. Giá thịt bò tăng 18% trong năm qua, trong khi thịt heo tăng 13%, cá và hải sản tươi sống tăng 11%.
Tổng thống Joe Biden nói khi được hỏi về lạm phát tại chương trình CNN Town Hall ở Baltimore hôm 21/10: “Tôi không nghĩ lạm phát sẽ kéo dài.”
Nhưng ông Biden cũng nói rằng lạm phát có tiếp tục đến năm 2022 hay không sẽ phụ thuộc vào việc Quốc hội có thông qua các gói chi tiêu xã hội và cơ sở hạ tầng của ông hay không.
Khi được hỏi về giá khí đốt cao, ông Biden đổ lỗi cho tổ chức OPEC không sản xuất đủ dầu. Sau đó, ông cho biết câu trả lời cho sự thiếu hụt khí đốt là “đầu tư vào năng lượng tái tạo.”
Ông Biden cũng cho biết ông sẽ xem xét sử dụng Vệ binh Quốc gia để hỗ trợ các vấn đề về chuỗi cung ứng và vận tải đường bộ.
Các công việc tồn đọng do gián đoạn chuỗi cung ứng trên khắp thế giới đã diễn ra tại hai cảng bận rộn nhất của Hoa Kỳ là Los Angeles và Long Beach trong những tháng gần đây. Ngoài ra, tình trạng thiếu hụt tài xế xe tải trên toàn quốc đã làm trầm trọng thêm các vấn đề trong chuỗi cung ứng, cản trở khả năng vận chuyển hàng hóa trên toàn quốc và tăng chi phí vận chuyển.
Thời gian tạm thời là bao lâu?
Cục Dự trữ Liên bang nói rằng lạm phát tăng chủ yếu là do các yếu tố “nhất thời” và một khi các yếu tố này mờ đi, lạm phát sẽ giảm trở lại mục tiêu 2%.
Nhưng câu hỏi chính xác là “tạm thời” trong bao lâu vẫn chưa được giải đáp. Cho đến nay, các quan chức Fed và nhiều nhà kinh tế đã không dự báo được lạm phát một cách chính xác. Ngân hàng trung ương đã nâng đáng kể dự báo lạm phát cho năm 2021 ba lần trong năm nay.
Ông Wouter Sturkenboom, trưởng chiến lược gia đầu tư tại Northern Trust, cho biết sự gia tăng đột biến về giá gần đây sẽ chỉ là nhất thời.
Ông Sturkenboom viết trong một báo cáo tháng Chín: “Nhưng chúng tôi không xác định nhất thời theo thời gian.”
Thay vào đó, lạm phát nhất thời có thể được sửa chữa, thông qua các điều kiện cung và cầu căn bản được tự giải quyết hoặc thông qua sự can thiệp, chẳng hạn như việc Fed tăng lãi suất để hạn chế nhu cầu, ông lưu ý.
Bộ trưởng Ngân khố Janet Yellen nói với CNN hôm 24/10 rằng lạm phát sẽ vẫn ở mức cao trong nửa đầu năm 2022.
Fed đang có kế hoạch quay cắt giảm chương trình mua trái phiếu trị giá 120 tỷ USD mỗi tháng. Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết ngân hàng trung ương đang “đi đúng hướng” để hoàn thành việc cắt giảm vào giữa năm 2022.
Phát biểu tại một hội nghị trực tuyến hôm 22/10, ông Powell thừa nhận rằng “những hạn chế từ phía nguồn cung đã trở nên tồi tệ hơn.”
Ông nói: “Rủi ro rõ ràng là hiện hữu nếu các nút thắt cổ chai là lâu dài và dai dẳng hơn, và do đó dẫn đến lạm phát cao hơn.”
Các quan chức Fed đã nhiều lần đưa ra bảo đảm rằng họ có các công cụ để chống lại lạm phát, nếu tình hình trở nên tồi tệ hơn. Tăng lãi suất là cách hiệu quả nhất để Fed kiểm soát lạm phát.
Do lạm phát cao hơn dự kiến, các quan chức Fed đã đưa ra khung thời gian tăng lãi suất của họ. Các dự báo của tháng Chín cho thấy 9 trong số 18 quan chức dự kiến sẽ tăng lãi suất vào năm 2022, trong khi trước đó chỉ có 7 chuyên gia đồng tình.
Bà Emel Akan là phóng viên đưa tin về chính sách kinh tế của Tòa Bạch Ốc tại Hoa Thịnh Đốn. Trước đây, bà làm việc trong lĩnh vực tài chính với tư cách là chuyên viên ngân hàng đầu tư tại JPMorgan và là cố vấn tại PwC. Bà tốt nghiệp thạc sĩ quản trị kinh doanh tại Đại học Georgetown.
Lưu Đức biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: