Lạm phát là một thứ vũ khí hủy diệt
Lạm phát ở Hoa Kỳ có thể tồi tệ đến mức nào? Đừng tin vào những gì các chuyên gia cao cấp nói với quý vị.
Chính phủ Tổng thống Biden đã từng khẳng định với chúng ta rằng giá tăng chỉ là tạm thời. Nếu quý vị lắng nghe cẩn thận những lời họ nói khi đó, và biết một chút về kinh tế học, quý vị đã có thể biết ngay rằng những lời ấy là không đúng. Họ tuyên bố rằng việc tăng giá là một dấu hiệu phục hồi sau những sự gián đoạn do covid. Sau đó, họ làm chệch hướng đổ lỗi cho các công ty dầu mỏ, các nhà chế biến thực phẩm, các công ty vận chuyển, và ông Putin, tất cả mọi người trừ Thượng viện và ngân hàng trung ương.
Giờ đây, họ đang nói rằng đừng lo lắng: Fed đã xác định được tất cả mọi thứ và sẽ khắc phục vấn đề thông qua một cơ chế kiểm soát bí ẩn nào đó mà đơn giản là họ không có. Họ có thể kìm hãm thanh khoản trên toàn hệ thống nhưng không thể khắc phục những thiệt hại gây ra trong hai năm qua.
Dựa trên những con số mà tôi đang thấy — và dựa trên một mô hình rất đơn giản trong đó đặt việc tăng cung tiền lên cùng với giá tiêu dùng — (có thể thấy) chúng ta còn một chặng đường rất dài trước khi thảm họa chính sách trong hai năm qua được loại bỏ khỏi hệ thống nền kinh tế.
Dưới đây là lượng cung tiền (M2) so với chỉ số giá tiêu dùng kể từ năm 2019, cả hai đều được thể hiện theo tỷ lệ phần trăm tăng qua các năm. Tốc độ mở rộng cung tiền đỉnh điểm là 27,5%. Giá cả không có chỗ nào gọi là gần bắt kịp để điều chỉnh theo cơn lũ tiền mới trên thị trường. Dù sau đó, một cách đơn giản là giá cả (vẫn) sẽ phải điều chỉnh theo mà thôi.
Màu xanh là cung tiền, màu đỏ là lạm phát giá cả.
Đây là một bức tranh rất thú vị bởi vì, nếu giải mã nó thì gần như cho quý vị biết được toàn bộ câu chuyện xảy ra trong hai năm qua.
Ví như quý vị không biết gì khác ngoài những gì bức tranh này cho quý vị thấy, quý vị cũng có thể nói được ngay rằng có một điều gì đó vô cùng quái lạ đang diễn ra. Quý vị có thể thấy rõ rằng điều gì đó thực sự ghê gớm đã xảy ra thì mới gây đến sự thay đổi như vậy trong chính sách của ngân hàng trung ương. Dù là gì đi nữa, chính sách này đã thúc đẩy những hoạt động phá hoại, thứ chắc chắn sẽ gây ra những ảnh hưởng rất lớn về lâu dài.
Bây giờ chúng ta hãy vẫn cứ xem biểu đồ đó nhưng có thêm chỉ số giá của nhà sản xuất. Chỉ số này thống kê giá mà người bán cuối cùng phải trả cho các chi phí đầu vào trong toàn bộ cơ cấu sản xuất. Ở đây, chúng ta thấy mức độ thay đổi trực diện hơn: dòng tiền đến, độ trễ, và giá điều chỉnh. Các tác động của việc đồng tiền mất giá được các nhà sản xuất cảm nhận trực tiếp và sớm hơn trước khi nó tác động đến người tiêu dùng. Và ngay cả ở đây, nếu mô hình này đúng, thì khả năng thay đổi bất ngờ của giá bán buôn vẫn còn tồn tại.
Nếu mô hình này đúng, và chúng ta giả định rằng không có yếu tố nào khác có thể làm giảm bớt các hệ quả, thì giá cả ở mọi cấp độ, đặc biệt là đối với hàng tiêu dùng, còn đi một chặng đường rất dài theo một quỹ đạo tăng lên trước khi chúng ta đạt được đến trạng thái cân bằng mới. Và viễn cảnh đó là với giả định rằng Fed vẫn đi đúng hướng và tiếp tục cố gắng xử lý được mọi thứ sau thảm họa vừa qua. Mà giả định này về Fed \ hoàn toàn không phải là một điều chắc chắn.
Hãy nhớ lại năm 2008 khi chúng ta có một cuộc khủng hoảng khác trong đó Fed đã can thiệp để hỗ trợ cho các thị trường và tăng thanh khoản để cứu hệ thống. Các nhà quản lý của tổ chức này vào thời gian đó, do ông Ben Bernanke đứng đầu, đã nhận thức rất rõ rằng hành động của họ có thể gây ra những tác động xấu đến thị trường và giá cả.
Vì vậy, vào những ngày đó, họ đã nghĩ ra một kế hoạch để giữ lại số tiền mới này trong hệ thống thay vì để nó tràn ngập các nơi. Họ đã trả tiền cho các ngân hàng để giữ các nguồn tiền mới này trong hệ thống thay vì để chảy ra ngoài. Đó là một chương trình mới và nó đã khiến nhiều người trong chúng ta ngạc nhiên khi thực sự đạt được mục tiêu giảm thiểu thiệt hại.
Tuy nhiên, tình tiết nhỏ đó đã tạo ra một trạng thái tự cao tự đại của Fed. Người ta tin một cách rộng rãi rằng Fed có thể làm bất cứ điều gì Fed muốn để hỗ trợ thị trường mà không gây ra quá nhiều thiệt hại dưới hình thái lạm phát trên diện rộng. Chắc hẳn thế, tin như thế có nghĩa là vờ như thể toàn bộ lịch sử của chính sách tiền tệ không cho chúng ta bất cứ bài học nào, nhưng sự kiêu ngạo lại có khả năng phủ nhận đáng kể.
Theo đó, khi các đợt phong tỏa diễn ra vào năm 2020, Fed đã quyết định sử dụng toàn bộ quyền lực của mình để che đậy cho thảm họa do việc phong toả gây ra. Lại nói về những sự điên khùng này! Dù sao thì Fed cũng đã làm vậy. Hành động của Fed thực sự gây choáng ngợp.
Bây giờ, quý vị có thể nói rằng Fed không có lựa chọn nào khác. Quốc hội đã chi tiêu như điên, tạo ra hàng nghìn tỷ khoản nợ của liên bang mới với mỗi cuộc gọi qua Zoom. Ai đó đã phải hút đi tất cả những khoản tiền đó. Fed đã tạo ra một thị trường cho các khoản tiền này, giống như đã làm vào năm 2008 thông qua các chứng khoán được bảo đảm bằng thế chấp, biện pháp vốn đã thất bại.
Nhưng có một điểm khác biệt chính: lần này, lượng tiền của Fed được chuyển trực tiếp dưới hình thức thanh toán tiền mặt cho cả người sản xuất và người tiêu dùng. Nó thực sự gần giống như là bay trực thăng trên khắp đất nước (và thế giới) và thả tiền xuống.
Tất cả những ai biết chút ít về nguyên nhân và hệ quả trong kinh tế học đều hoàn toàn rất ngạc nhiên khi một chính sách như vậy lại được đưa ra. Thậm chí không ai ở Hoa Thịnh Đốn nghĩ về tương lai dù chỉ trong giây lát? Rõ ràng là không!
Mọi người bằng cách nào đó đã quên về kinh tế học trong suốt hai năm qua? Có vẻ điên rồ cho đến khi quý vị nhận ra rằng trong cùng hai năm, mọi người dường như cũng đã quên đi về sinh học tế bào. Vâng, không phải tất cả mọi người. Nhưng những người trong chúng ta, những người đã gióng lên hồi chuông báo động nhưng đã bị bôi nhọ, bị gạt bỏ, và buộc phải im lặng. Và chúng ta đang ở đây hôm nay, phải đối phó với tất cả các hậu quả xảy ra.
Một trăm năm trước, ngài Ludwig von Mises đã viết một kiệt tác mang tên “Chủ nghĩa xã hội”, mà nó, với từng chương một, vẫn là một trong những cuốn sách quan trọng nhất của ông. Thật vậy, nó có lẽ là cuốn sách yêu thích của tôi. Tôi vừa xem lại phần cuối cùng của cuốn sách, phần mà ông gọi là “chủ nghĩa hủy diệt”. Đây là giai đoạn của chủ nghĩa xã hội bộc lộ hết bản chất khi tất cả các chính sách của nó đã hoàn toàn thất bại.
Ông coi lạm phát như là một phần của chủ nghĩa hủy diệt. Tại sao? Bởi vì đó là những gì ngân hàng trung ương thực hiện, theo lệnh của các ông chủ lãnh đạo chính phủ, như một phương tiện che đậy cho những sai lầm chính sách của giới tinh hoa chính trị. Nói cách khác, đó là một trò lừa đảo để cứu vãn sự nghiệp và danh tiếng. Nhưng quan điểm của ngài Mises chỉ ra là nó không bao giờ hiệu quả. Nó chỉ làm các kết quả dài hạn tồi tệ hơn.
“Bằng cách phá hủy nền tảng các giá trị thanh toán – (là) khả năng tính toán theo một mẫu số chung của giá cả, mà giá cả này ít nhất trong thời gian ngắn không bị biến động quá mạnh—lạm phát làm rung chuyển hệ thống tính toán theo khái niệm tiền tệ, (thứ được cho là) sự trợ giúp quan trọng nhất cho hoạt động kinh tế, mà tư duy nhân loại đã phát triển ra.”
Lạm phát không phải là một phương tiện hữu hiệu để “loại bỏ tác động của một chính sách độc đoán xấu xa”, ngài Mises viết: “Nó chỉ đơn thuần che giấu các chính sách này khỏi tầm mắt của số đông… và sự hỗn loạn kéo theo đó, hệ thống tiền tệ sụp đổ dưới cơn thác của các đợt phát hành tiền mới liên tục, tạo cơ hội thuận lợi hoàn tất hoạt động hủy diệt.”
“Sự gia tăng về lượng tiền và các phương tiện tương đương tiền sẽ không làm giàu cho thế giới hoặc xây dựng lại những gì mà chủ nghĩa hủy diệt đã phá đi. Việc mở rộng tín dụng ban đầu sẽ dẫn đến sự bùng nổ, điều đó đúng, nhưng sớm hay muộn thì sự bùng nổ này sẽ sụp đổ và gây ra một đợt suy thoái mới. Các mánh khóe trong hoạt động ngân hàng và tiền tệ chỉ có thể đem lại sự giải thoát bề ngoài và tạm thời. Về lâu dài, các mánh khóe ấy sẽ đưa đất nước đến một thảm họa nghiêm trọng hơn. Vì các phương pháp như vậy gây ra những thiệt hại đối với sự lành mạnh của quốc gia càng nặng nề hơn bao nhiêu, thì người ta càng cố gắng tự lừa dối mình lâu hơn bấy nhiêu với ảo tưởng về sự thịnh vượng do việc phát triển liên tục của tín dụng đã tạo ra
Những lời tiên tri đó đã được viết cách đây 100 năm. Chúng mô tả hoàn hảo những gì đang xảy ra ngày hôm nay. Họ sử dụng mọi quyền lực của nhà nước để tiêu diệt một mầm bệnh sinh học mà họ không thể nhìn thấy và là thứ sẽ không biến mất. Đó hoàn toàn là một chính sách ảo tưởng. Tất nhiên, ngân hàng trung ương đã bị khai thác để che đậy sự thất bại ấy.
Sự điên rồ là không thể kể xiết và tác động của nó thật tàn khốc.
Ông Jeffrey Tucker là người sáng lập và là chủ tịch của Viện Brownstone. Ông là tác giả của năm cuốn sách, bao gồm “Right-Wing Collectivism: The Other Threat to Liberty” (“Chủ Nghĩa Tập Thể Cánh Hữu: Mối Đe Dọa Khác đối với Tự Do”).