Lạm phát khu vực đồng tiền chung Âu Châu đạt mức cao mới
Tỷ lệ lạm phát tiền tệ hàng năm ở Khu vực đồng tiền chung Âu Châu đạt mức cao mới 7.5% vào tháng trước, đẩy nhanh đáng kể tỷ lệ lạm phát và vượt qua dự đoán của các nhà kinh tế, do hậu quả của cuộc xâm lược Ukraine của Nga đã khiến giá cả tăng trên khắp Âu Châu.
Hôm thứ Sáu (01/04), Eurostat đã công bố số liệu thống kê lạm phát của tháng Ba, cho thấy giá cả tại 19 quốc gia tạo thành Khu vực đồng tiền chung Âu Châu đã tăng kỷ lục mới 7.5% trong năm qua, cao hơn đáng kể so với tỷ lệ 5.9% của tháng Hai. Kết quả của tháng Ba đã vượt qua dự đoán của Ngân hàng Trung ương Âu Châu, vốn dự đoán tỷ lệ lạm phát hàng năm là 6.6%.
Tình trạng lạm phát đặc biệt nghiêm trọng ở các nước Baltic và Hà Lan, tất cả đều có mức lạm phát hai con số trong thời kỳ này, với Lithuania có tỷ lệ lạm phát cao nhất ở mức 15.6%. Lạm phát thấp nhất ở Cộng hòa Malta, nơi đã chứng kiến mức tăng giá hàng tháng 4.6% – vẫn cao hơn gấp đôi so với mức 2% mà Ngân hàng Trung ương Âu Châu cho biết để bảo đảm sự ổn định giá cả.
Giống như ở Hoa Kỳ, lạm phát được dẫn đầu bởi chi phí năng lượng cao hơn đáng kể, đã tăng 44.7% trong Khu vực đồng tiền chung Âu Châu trong suốt tháng trước. Sự gia tăng nhanh chóng này phần lớn là do Nga đang xâm lược Ukraine và các lệnh trừng phạt sau đó được áp đặt đối với nước này, gây ra tình trạng khan hiếm nhiên liệu trong khu vực: Liên minh Âu Châu nhập cảng hơn 40% khí đốt của mình từ Nga, và trong khi khí đốt được miễn hầu hết các lệnh trừng phạt cho đến nay, tuy nhiên cuộc chiến vẫn gây ra sự biến động giá đáng kể.
Xu hướng này có thể tiếp tục trở nên tồi tệ hơn, vì ông Putin đã yêu cầu tất cả các khoản thanh toán cho xuất cảng khí đốt của Nga phải được thực hiện bằng đồng rúp. Bộ trưởng Năng lượng Đức Robert Habeck đã tuyên bố rằng các quốc gia G-7 đã đồng ý rằng không có khoản thanh toán nào như vậy bằng đồng tiền của Nga sẽ được chấp nhận và hậu quả của tối hậu thư này có thể làm trầm trọng thêm lạm phát giá nhiên liệu trong những tháng tới.
Lạm phát cơ bản, loại bỏ chi phí nhiên liệu và thực phẩm theo xu hướng giá trung hạn ở các thị trường ít biến động hơn, được đo lường ở mức 3.2%, tăng từ 2.8% trong tháng Hai.
Ngân hàng Trung ương Âu Châu sẽ phải đối mặt với một sự cân bằng mong manh khi họ cố gắng kiềm chế lạm phát. Không giống như ở Hoa Kỳ, nơi tỷ lệ lạm phát cao đi đôi với tỷ lệ thất nghiệp tương đối thấp, tỷ lệ thất nghiệp trên toàn EU vẫn ở mức cao trong suốt thời kỳ đại dịch virus Trung Cộng. Nếu các chủ ngân hàng Âu Châu cần phải tăng lãi suất để làm chậm lạm phát, thì họ có thể sẽ chỉ làm vậy một cách miễn cưỡng và có nguy cơ gây thiệt hại cho nền kinh tế khu vực.
Ông Nicholas Dolinger là một phóng viên kinh doanh của The Epoch Times và là người tạo ra podcast “The Beautiful Toilet”.
Chánh Tín biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: