Lạm phát gia tăng ở mức cao trong vòng 13 năm giữa bối cảnh hỗn loạn của chuỗi cung ứng toàn cầu
Theo số liệu do Bộ Lao động công bố hôm thứ Tư (13/10), giá tiêu dùng của Hoa Kỳ trong tháng Chín tăng với tốc độ hàng năm nhanh nhất trong 13 năm qua giữa bối cảnh giá năng lượng tăng vọt và gián đoạn chuỗi cung ứng.
Dữ liệu do cơ quan này công bố cho thấy chỉ số giá tiêu dùng, đo lường giá cả mà người tiêu dùng trả cho hàng hóa và dịch vụ và đóng vai trò như một thước đo chính của lạm phát, đã tăng khoảng 0.4% trong tháng Chín so với tháng Tám, sau khi đã tăng 0.3% trong tháng Tám so với Bảy.
Trong 12 tháng qua, giá đã tăng 5.4% trước khi điều chỉnh theo mùa, tương đương với mức tăng lớn nhất tính theo năm kể từ năm 2008.
Bộ Lao động (pdf) cho biết các chỉ số về lương thực và chỗ ở tăng trong tháng Chín, đóng góp hơn một nửa mức tăng “hàng tháng của tất cả các mặt hàng được điều chỉnh theo mùa.” Theo cơ quan này, tháng trước, chỉ số lương thực tăng 0.9%, chỉ số thực phẩm gia đình tăng 1.2%, chỉ số năng lượng tăng 1.3%, và chỉ số xăng dầu tăng 1.2%.
Báo cáo của bộ này cho biết: “Chỉ số cho tất cả các mặt hàng trừ thực phẩm và năng lượng tăng 0.2% trong tháng Chín, sau khi tăng 0.1% trong tháng Tám. Cùng với chỉ số về chỗ ở, các chỉ số về xe mới, đồ đạc và hoạt động gia đình, và bảo hiểm xe cơ giới cũng tăng trong tháng Chín. Các chỉ số về giá vé phi cơ, hàng may mặc, xe hơi, và xe tải đã qua sử dụng đều giảm trong tháng.”
Tình trạng thiếu lao động và nguyên vật liệu cùng với những khó khăn về vận chuyển và chuỗi cung ứng đã làm tăng chi phí cho các nhà sản xuất, và nhiều công ty trong số đó đã chuyển những chi phí đó cho người tiêu dùng gánh chịu. Điều đó dẫn đến áp lực lạm phát kéo dài hơn so với dự đoán của một số nhà phân tích, bao gồm cả Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell.
Ông Randy Frederick, giám đốc điều hành giao dịch và chứng khoán phái sinh của Trung tâm Nghiên cứu Tài chính tại Schwab, cho biết: “Hầu hết mọi người đều hiểu rằng sự gián đoạn chuỗi cung ứng và tình trạng thiếu hàng tồn kho đang diễn ra; có rất ít người dự báo rằng những yếu tố đó sẽ sớm chấm dứt … tôi nghĩ rằng họ đang ngắm đến việc cắt giảm chương trình mua tài sản (của Fed). Dữ liệu này sẽ không thay đổi những điều đó. Tôi nghĩ điều cần chú ý là báo cáo lợi nhuận ngân hàng sẽ được công bố trong tuần này và số liệu về [chỉ số giá sản xuất].”
Lạm phát dai dẳng có thể sẽ tiếp tục khiến Tổng thống (TT) Joe Biden và các thành viên Đảng Dân Chủ của ông căng thẳng vì Đảng Cộng Hòa thường đổ lỗi cho việc tăng giá trong các chính sách từ chính phủ của ông. Cũng không rõ ràng là yêu cầu chích ngừa vaccine COVID-19 bắt buộc của liên bang từ ông Biden nhắm vào các doanh nghiệp tư nhân với 100 nhân viên trở lên sẽ tác động đến nền kinh tế và chuỗi cung ứng ra sao.
Tuy nhiên, một số quan chức của TT Biden như Bộ trưởng Ngân khố Janet Yellen tin rằng lạm phát sẽ hạ nhiệt khi các chuỗi cung ứng điều chỉnh.
Bà Yellen nói với CBS News vào tối thứ Ba (12/10) rằng, “Tôi tin rằng điều đó chỉ là tạm thời, nhưng tôi không có ý đề nghị rằng những áp lực này sẽ biến mất trong một hoặc hai tháng tới.”
Báo cáo của Bộ Lao động được đưa ra khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo hôm thứ Ba (12/10) về sự gia tăng lạm phát toàn cầu, hạ dự đoán tăng trưởng kinh tế toàn cầu xuống mức 5.9% vào năm 2021 do những lo ngại liên quan đến COVID-19 và những gián đoạn trong chuỗi cung ứng.
Bà Gita Gopinath, nhà kinh tế trưởng tại IMF, cho biết trong báo cáo: “Triển vọng đối với nhóm các nước đang phát triển có thu nhập thấp đã xấu đi đáng kể do động lực của đại dịch ngày càng tồi tệ. Việc rớt hạng cũng phản ánh triển vọng khó khăn hơn trong ngắn hạn đối với nhóm nền kinh tế phát triển, một phần do nguồn cung bị gián đoạn.”
Ông Jack Phillips là một phóng viên tin thời sự của The Epoch Times tại New York.
Bản tin có sự đóng góp của Reuters.
Lưu Đức biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: