Lạm phát cao có thể dai dẳng hơn dự kiến
Các công ty tăng giá để đối phó với chi phí lao động cao hơn, làm gia tăng lạm phát.
Lạm phát của Hoa Kỳ đã giảm nhiệt vào tháng Bảy sau khi công bố mức tăng lớn trong những tháng trước đó. Giá tiêu dùng tăng với tốc độ hàng tháng chậm nhất kể từ tháng Hai, mang lại một số hỗ trợ cho những người theo quan điểm (lạm phát) “tạm thời”, những người cho rằng đợt lạm phát này không phải là một hiện tượng dài hạn.
Tuy nhiên, lo ngại lạm phát vẫn còn kéo dài. Mức tăng giá tiêu dùng hàng năm vẫn ở mức cao 5.4%, giống như hồi tháng Sáu.
Mặc dù vẫn chưa rõ khi nào lạm phát có thể quay trở lại mức gần hơn với xu hướng dài hạn 2%, nhưng các nhà kinh tế đang ngày càng nói nhiều hơn về sự chậm lại dần của lạm phát trong những tháng và quý tới.
Trong một lưu ý gần đây, các nhà kinh tế của Goldman Sachs tuyên bố rằng mức lạm phát hiện tại sẽ chỉ là tạm thời, mặc dù thị trường lao động căng thẳng một cách nhanh chóng gây ra rủi ro bởi sự căng thẳng của thị trường lao động có thể “chuyển thành áp lực lạm phát dai dẳng hơn trong thời gian tới.”
Nền kinh tế phục hồi nhanh chóng và nguồn cung lao động eo hẹp đã trả lại thế thượng phong cho người lao động Hoa Kỳ. Các nhà tuyển dụng đang cạnh tranh để thu hút các ứng viên đủ tiêu chuẩn bằng cách tăng lương, thưởng và các đặc quyền khác.
Các công ty đang chuyển chi phí lao động cao hơn này cho người tiêu dùng thông qua
việc tăng giá, do đó làm tăng thêm áp lực lạm phát. Và mức độ mở cửa kỷ lục của các vị trí việc làm trong nước cho thấy các doanh nghiệp có thể tiếp tục tăng lương để thu hút mọi người, từ đó có thể thúc đẩy giá tiêu dùng hơn nữa.
Việc làm tại Hoa Kỳ đạt mức cao nhất mọi thời đại là 10.1 triệu vào tháng Sáu. Mức sa thải nhân viên cũng xuống mức thấp kỷ lục do các công ty muốn giữ chân nhân viên của họ để vượt qua cuộc khủng hoảng lao động tại quốc gia này.
Trong khi đó, sự lạc quan trong các doanh nghiệp nhỏ của Hoa Kỳ đang giảm dần khi tình trạng thiếu lao động và những hạn chế trong chuỗi cung ứng tiếp tục làm tê liệt hoạt động kinh doanh của họ. Cuộc khảo sát về Sự lạc quan của Doanh nghiệp Nhỏ của NFIB vào tháng Bảy cho thấy 49% doanh nghiệp nhỏ phải vật lộn để tìm nhân công cho các vị trí còn trống.
Cuộc khảo sát này cũng cho thấy 52% chủ doanh nghiệp nhỏ đã tăng giá hàng hóa và dịch vụ của họ để giảm tác độc của chi phí cao hơn.
Theo ông Scott Anderson, nhà kinh tế trưởng của Bank of the West, các công ty, cả quy mô nhỏ và lớn, hiện không gặp khó khăn gì trong việc chuyển tiếp sự gia tăng chi phí lao động cho người tiêu dùng. Ông viết trong một báo cáo gần đây: Và điều này cho thấy rằng “áp lực lạm phát sẽ giảm dần so với dự kiến sáu tháng trước.”
Những hạn chế trong chuỗi cung ứng
Ngoài ra, biến thể COVID-19 Delta đang làm sâu sắc thêm sự gián đoạn chuỗi cung ứng đáng kể, gây áp lực lên giá cả. Ví dụ, theo Goldman Sachs, những trở ngại ở khu vực Á Châu-Thái Bình Dương, đang trì hoãn việc bình thường hóa giá xe hơi.
Sự thiếu hụt nguyên liệu bán dẫn trong bối cảnh đại dịch tiếp tục ảnh hưởng đến sản xuất ô tô trên toàn thế giới. Nissan ngày 10/08/2021 thông báo sẽ đóng cửa nhà máy lớn ở Tennessee trong hai tuần vì tình trạng thiếu vi mạch bán dẫn của máy tính. Hơn một chục nhà máy ở Bắc Mỹ và Âu Châu đã tạm dừng hoặc giảm hoạt động trong những tuần gần đây.
Sự khan hiếm vi mạch bán dẫn trên toàn cầu đã thắt chặt lượng tồn kho xe mới và cũ và đẩy giá xe tăng cao trong năm nay. Giá xe mới và xe cũ đã tăng trong nhiều tháng, khiến chúng trở thành nguyên nhân chính gây ra lạm phát.
Trong khi giá ô tô đã qua sử dụng ổn định trong tháng Bảy, chỉ tăng 0.2% so với tháng trước, chúng vẫn cao hơn 40% so với xu hướng trước COVID. Và lạm phát hàng năm đối với xe mới đã ở mức 6.4% trong tháng Bảy, mức tăng lớn nhất trong gần bốn thập kỷ.
Theo ghi nhận của ông Elon Musk, người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của Tesla, trong một cuộc họp báo thu nhập vào cuối tháng Bảy, tình trạng thiếu vi mạch bán dẫn là “ngoài tầm kiểm soát” và rất khó để các nhà sản xuất ô tô dự đoán sự thiếu hụt này sẽ kéo dài bao lâu.
Tình trạng thiếu hụt nguồn cung liên tục đã vượt ra ngoài lĩnh vực ô tô và ảnh hưởng đến giá của các mặt hàng điện tử tiêu dùng và vận chuyển. Theo các nhà phân tích, nhiều lĩnh vực của nền kinh tế đang phải đối mặt với tình trạng thiếu cung, bao gồm nguyên liệu thô, nhà ở, vận chuyển hàng hóa, và lao động, những nguồn cung này có thể mất hơn một năm để bình thường hóa, theo các nhà phân tích.
Lạm phát có mức độ dai dẳng như thế nào?
Lạm phát đã trở thành một nguyên nhân chính gây bất đồng giữa các nhà kinh tế, vì họ đang bị chia rẽ về câu hỏi chính là lạm phát cao có thể tồn tại trong bao lâu.
Dự báo mới nhất của Cục Dự trữ Liên bang cho thấy lạm phát sẽ là 3.4% trong năm nay, trước khi giảm xuống chỉ hơn 2% vào năm 2022 và 2023.
Bà Nanette Abuhoff Jacobson, chiến lược gia đầu tư toàn cầu tại Hartford Funds, cho biết: “Rủi ro là lạm phát cao hơn có thể có ‘cái đuôi’ dài hơn dự kiến trước khi bình thường hóa, hoặc có thể là một thành phần mang tính cấu trúc lâu dài hơn.”
Một lĩnh vực cần theo dõi chặt chẽ, bà nói, là giá thuê nhà và nơi ở, thành phần lớn nhất trong chỉ số giá tiêu dùng.
Giá thuê nhà đã giảm đáng kể trong thời kỳ đại dịch trên khắp đất nước, nhưng hiện chúng đang tăng với tốc độ nhanh chóng, khi nhiều công nhân quay trở lại các khu vực đô thị lớn, thúc đẩy nhu cầu thuê căn hộ. Giá thuê nhà tăng liên tục có thể dẫn đến lạm phát dai dẳng hơn, vì việc tăng giá khó có thể đảo ngược.
Ông Ken McElroy, Giám đốc điều hành của Công ty MC, một công ty đầu tư bất động sản, cho biết trong một cuộc phỏng vấn rằng, “Chúng ta sẽ phải đối mặt với thời kỳ giá thuê [nhà] rất cao trong 10 năm tới.”
Giá nhà tăng vọt cũng đang đẩy mọi người đến thị trường cho thuê nhà. Giá nhà trên toàn quốc đã tăng 16.6% trong tháng Năm, lập kỷ lục, theo chỉ số S&P CoreLogic Case–Shiller.
Theo bà Jacobson, nếu giá thuê nhà theo sát giá nhà như trước đây, thì đây có thể là “một vấn đề lớn” đối với lạm phát, vì trong lịch sử, chi phí thuê nhà biến động theo giá nhà với thời gian trễ khoảng 18 tháng.
Ngoài ra, giá xăng tăng cao đã ảnh hưởng đáng kể đến lạm phát. Trong năm qua, giá xăng đã tăng 41.8%, trở thành mối lo ngại đối với Chính phủ của Tổng thống Biden. Hôm 11/08/2021, Tòa Bạch Ốc ra tuyên bố thúc giục Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và Nga (OPEC +) giải quyết chi phí xăng dầu tăng cao bằng cách thúc đẩy sản xuất dầu. Các nhà phân tích cho rằng nhu cầu mạnh mẽ và nguồn cung tăng trưởng chậm lại có thể sẽ đẩy giá năng lượng lên cao hơn trong những tháng tới.
Chính phủ kích thích [chi tiêu] quá mức và nợ quốc gia ngày càng tăng cũng đang thúc đẩy lo ngại lạm phát. Vào tháng Bảy, Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã cảnh báo rằng chi tiêu tài khóa nhiều hơn có thể làm tăng áp lực lạm phát ở Hoa Kỳ, thúc đẩy Cục Dự trữ Liên bang phải có hành động ngăn chặn.
Nhà kinh tế theo trường phái truyền thống Stephen Moore cho biết trong một cuộc phỏng vấn rằng, “tôi ngạc nhiên rằng mọi người ở Hoa Thịnh Đốn không nhận thức về chi tiêu và lạm phát’, chỉ trích chi tiêu tài khóa và chính sách tiền tệ siêu nới lỏng của Fed.
TNS. Joe Manchin, một thành viên Đảng Dân Chủ-West Virginia, gần đây đã về cùng phe truyền thống gióng lên hồi chuông cảnh báo về lạm phát gia tăng. Trong một tuyên bố hôm 11/08/201, TNS. Manchin đã nêu ra “những lo ngại nghiêm trọng” về gói chính sách xã hội trị giá 3.5 ngàn tỷ USD của Tổng thống Joe Biden và gọi lạm phát gia tăng là “một loại thuế không thể tránh khỏi đối với tiền lương và thu nhập của mọi người Mỹ.”
Tuy nhiên, Tòa Bạch Ốc đang đẩy lùi những lo ngại này, nói rằng các chính sách Xây dựng trở lại Tốt hơn của Tổng thống Biden sẽ giải quyết “áp lực chi phí lâu dài” mà các gia đình đang phải đối mặt.
Bình Hòa biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: