Lạm phát căn bản ở mức cao nhất trong 29 năm, tăng nhanh hơn lương
Giá tiêu dùng tiếp tục tăng với tốc độ nhanh nhất trong nhiều thập kỷ, khiến các nhà phê bình cho rằng các chính sách của chính phủ Tổng thống (TT) Biden đang “làm nóng” nền kinh tế. Theo các nhà kinh tế hàng đầu của cựu Tổng thống Barack Obama, lạm phát cũng đang xóa sổ lợi ích của người lao động khi giá tiêu dùng đang tăng nhanh hơn tiền lương.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng 0.9% trong tháng trước, mức tăng lớn nhất kể từ hồi tháng 06/2008. Trong 12 tháng tính đến tháng 06/2021, lạm phát đã tăng 5.4%.
Lạm phát lõi (căn bản), không bao gồm các thành phần thực phẩm và năng lượng dễ biến động, cũng tăng 4.5% trong năm vừa qua, đứng ở mức cao nhất trong 29 năm. CPI cốt lõi trong tháng 06/2021 tăng 0.88%, cao hơn gấp đôi so với ước tính đồng thuận là 0.4%.
Nhiều nhà kinh tế học nổi tiếng, trong đó có ông Larry Summers, đã chỉ trích mạnh mẽ các gói kích thích thái quá, làm dấy lên lo ngại về nguy cơ nền kinh tế phát triển quá nóng và tạo ra mức lạm phát có hại.
Ông Summers, người từng là Bộ trưởng Tài chính dưới thời cựu Tổng thống Bill Clinton và là giám đốc của Hội đồng Kinh tế Quốc gia dưới thời cựu TT Obama, đang ngày càng lo ngại hơn sau kết quả lạm phát tháng 06/2021.
Ông nói với tờ Politico hôm 13/07 rằng, “Những con số này cùng với sự thắt chặt của thị trường lao động và hành vi của thị trường nhà ở và giá tài sản đều đang tăng theo một cách đáng lo ngại hơn những gì tôi đã lo lắng vài tháng trước đây.”
“Điều này làm tăng mức độ lo ngại của tôi về một kịch bản phát triển quá nóng của nền kinh tế. Có những bất ổn rất lớn trong triển vọng, nhưng tôi tin rằng trọng tâm của mối quan tâm lúc này là tình trạng quá nóng.”
Trong một bài bình luận gần đây trên tờ Financial Times, ông Mohamed El-Erian, một trong những nhà kinh tế học được nhiều người theo dõi nhất, cũng lặp lại những lo ngại tương tự, khi nói rằng có quá nhiều “bằng chứng thực tế” cho thấy lạm phát sẽ tiếp tục ở mức cao.
Cả hai nhà kinh tế học đều tin rằng Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ có thể đang hành động quá tự mãn về khả năng kiềm chế rủi ro lạm phát và có thể sẽ là chờ đợi quá lâu trước khi kiềm hãm [lạm phát gia tăng].
Tuy nhiên, theo bà Sarah House, nhà kinh tế học cao cấp tại Wells Fargo, báo cáo lạm phát tháng 06/2021 “không có khả năng khiến các quan chức Fed suy nghĩ về lạm phát.”
Bà nói trong một báo cáo rằng, “Với tính đặc thù của giai đoạn hiện tại, những thông tin nhiễu loạn còn chưa rõ ràng, và hầu hết các quan chức dường như hài lòng với việc chờ đợi thêm thông tin về lạm phát (và thị trường lao động) trước khi cảm thấy sẵn sàng thực hiện giảm dần việc mua tài sản.”
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell đã nhiều lần nói rằng sự gia tăng lạm phát gần đây sẽ cho thấy chỉ mang tính “nhất thời.”
Theo các quan chức Fed, nền kinh tế vẫn phải đạt được “sự tiến triển nhiều hơn nữa” đối với các mục tiêu về việc làm và lạm phát của ngân hàng trung ương, trước khi cơ quan này giảm chương trình mua tài sản và tăng lãi suất.
Giá tăng cao hơn lương
Theo các nhà phân tích Wall Street, báo cáo lạm phát tháng 06/2021 cho thấy sự tắc nghẽn nguồn cung và sự phục hồi đang diễn ra trong các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch đã tiếp tục nâng giá tiêu dùng.
Giá xe hơi đã qua sử dụng đã tăng hơn 10% trong tháng 06/2021 (45% trên cơ sở hàng năm), chiếm gần một nửa mức tăng của lạm phát căn bản. Sự thiếu hụt chất bán dẫn toàn cầu tiếp tục cắt giảm sản xuất xe hơi, đẩy giá xe hơi và xe tải đã qua sử dụng lên cao. Theo các chuyên gia trong ngành vi mạch bán dẫn, trong khi các nhà sản xuất vi mạch bán dẫn đã tăng cường sản xuất để đáp ứng nhu cầu, thì công suất mới sẽ không đi vào hoạt động cho đến năm 2022.
Các vấn đề về chuỗi cung ứng chất bán dẫn cũng ảnh hưởng đến giá xe hơi mới, vốn đã tăng 2% trong tháng 06/2021.
Bà House viết: “Ngoài các vấn đề về nguồn cung, đã có thêm dấu hiệu lạm phát gia tăng trong tháng Sáu.”
Nền kinh tế mở cửa trở lại, kỳ nghỉ hè và giá xăng tăng cao đã thúc đẩy [tăng] chi phí đi lại và du lịch, góp phần làm tăng hơn 20% lạm phát căn bản. Giá vé phi cơ tăng 2.7% và khách sạn tăng 7% trong tháng trước.
Theo các nhà kinh tế, chỉ số giá khách sạn đã trở lại gần mức trước khi xảy ra đại dịch, trong khi giá vé phi cơ vẫn còn dư địa để tăng trưởng.
Giá thực phẩm đã tăng 0.8% trong tháng 06/2021, do các chủ nhà hàng và cửa hàng tạp hóa ngày càng thực hiện việc chuyển chi phí sang cho người tiêu dùng [gánh chịu].
Theo bà House, giá hàng hóa nông nghiệp đang ở gần mức cao nhất trong một thập kỷ và thực phẩm có thể là “động lực chính gây ra lạm phát trong vài tháng tới.”
Một báo cáo của hãng JPMorgan cho biết việc tăng lương trong lĩnh vực khách sạn cũng đang được chuyển sang giá nhà hàng, vốn đã tăng 0.7% trong tháng 06/2021, “mức tăng hàng tháng lớn nhất kể từ năm 1981.”
Và giá xăng đã tăng 2.5%, tương đương 45% so với cùng thời kỳ năm ngoái.
Các nhà phân tích cho biết, trong khi các yếu tố tạm thời tiếp tục đẩy giá lên cao hơn, các thành phần dai dẳng của lạm phát cũng đang thể hiện sức mạnh.
Giá thuê tương đương của chủ sở hữu, được sử dụng để ước tính chi phí chỗ ở – một khoản tiền thuê hàng tháng tương đương với chi phí hàng tháng để sở hữu một ngôi nhà – đã tăng 0.32% trong tháng 06/2021 và giá thuê tăng 0.23%.
Theo bà Ellen Zentner, nhà kinh tế trưởng của Hoa Kỳ tại Morgan Stanley, những mức tăng này là đáng chú ý.
“Cả hai yếu tố này tạo nên một phần của áp lực lạm phát dai dẳng hơn mà chúng tôi đã dự tính sẽ hình thành trong suốt năm nay và trong năm tới,” bà Zentner viết trong một báo cáo.
Theo các nhà kinh tế hàng đầu của chính phủ cựu TT Obama, tình trạng thiếu lao động lan rộng khiến các công ty phải tăng lương, nhưng giá tiêu dùng đang tăng nhanh hơn nhiều so với mức lương đó.
Ông Jason Furman, Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Kinh tế dưới thời cựu TT Obama, viết trên Twitter rằng, “Tiền lương thực tế được điều chỉnh theo lạm phát đang giảm xuống.”
“Tăng trưởng tiền lương danh nghĩa đã tăng 3.6% [tỷ lệ hàng năm] kể từ tháng 12/2019, nhanh hơn 0.9 pp [điểm phần trăm] so với thời kỳ trước đại dịch. NHƯNG lạm phát thậm chí còn tăng cao hơn, nên tiền lương thực tế thấp hơn 1.3% so với xu hướng.”
Ông Steven Rattner, cựu lãnh đạo Lực lượng Đặc nhiệm Công nghiệp Xe hơi dưới thời cựu TT Obama, cũng phản ứng với những con số lạm phát trên Twitter.
Ông viết: “Việc tăng lương gần đây sẽ chẳng có ý nghĩa gì đối với người lao động nếu lạm phát leo thang.”
Do Emel Akan thực hiện
Chánh Tín thực hiện
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: