Làm mẹ cũng là một nghề chuyên nghiệp!
Làm vợ làm mẹ toàn thời gian sẽ thường xuyên bị người khác bàn tán chỉ trỏ, có người cho rằng đó là “phu nhân mệnh tốt”, nhưng cũng có người nói “vô công rỗi nghề”.
Cho dù là gọi như thế nào, thì cảm giác cũng không mấy thiện cảm. Phu nhân và kẻ không nghề nghiệp, cả hai đều có điểm chung là “rất nhàn”, điểm khác biệt là ở chỗ “có tiền hay không” mà thôi. Trên thực tế, làm bà nội trợ toàn thời gian không hề nhàn, bởi họ đều đem thời gian và tinh lực đặt vào việc “kinh doanh” gia đình!
Khi trở lại Đài Loan sau nhiều năm xa cách, ông chủ Tăng của Văn phòng Thiết kế Hiệu sách Thành phẩm đã mời những đồng nghiệp cũ tụ họp dùng cơm… Trong bữa tiệc, điều khiến cho tôi ấn tượng sâu nhất chính là hơn phân nửa đồng nghiệp cũ bây giờ đang phát triển ở những ngành nghề khác nhau, điện thoại di động của họ cái này so với cái kia càng thời thượng lóa cả mắt. Còn có không ít nữ đồng nghiệp cũ đã đến tuổi lập gia đình rồi mà cũng không kết hôn, vẫn tiếp tục theo đuổi quyền uy nơi làm việc.
Cô L trước đây là nhân viên làm việc trực tiếp dưới quyền ông chủ, là một người phụ nữ trưởng thành tài năng, ngoại hình xinh đẹp và chưa lập gia đình. Cô ấy đột nhiên trêu tôi rằng: “Mẹ của Gấu Nhỏ, em không thể ngờ rằng chị lại là vị phu nhân duy nhất có mặt ở đây? Em cứ nghĩ chị là ‘Oshin’ cơ! Ha ha ha…”
Tôi sửng sốt một chút: Oshin trở thành phu nhân, và tôi trở thành phu nhân trẻ? (Oshin là một nữ nhân vật trong bộ phim cùng tên của Nhật Bản, ngày nay người ta gọi Oshin là để chỉ những người làm nghề giúp việc nhà hoặc là người ở đợ). Cô L hẳn là cho rằng, trở về làm một bà mẹ toàn thời gian trong gia đình chính là kiểu một quý phu nhân nhấc bàn tay yêu kiều, nhàn nhã ngồi uống trà chiều ư? Nói thật, thời tôi chưa kết hôn quả thực là cùng với các nữ đồng nghiệp từng có chung “giấc mộng phu nhân”. Mỗi lần phải tăng ca ban đêm, chúng tôi thường lấy cuộc sống của một phu nhân trẻ ra để khích lệ lẫn nhau: sáng sớm vui vẻ đánh tennis, rảnh rỗi thì đi dạo phố, buổi chiều thì uống trà…
Những đồng nghiệp cũ ngồi ở đây đều nhớ lại đoạn chuyện cũ này, có người cho rằng mệnh tôi rất tốt, có người thì biểu lộ vẻ mặt không thể tưởng tượng được: Sao có thể có người phụ nữ buông bỏ sự nghiệp, ở nhà không làm gì cả nhỉ? Tôi chỉ biết cười, không muốn nói gì nhiều. Tại sao tất cả mọi người đều hiểu lầm rằng làm một người mẹ toàn thời gian là dễ dàng, hoặc nhàn rỗi không có việc gì như vậy?
Đến 9 giờ tối, nhà hàng chuẩn bị đóng cửa, mọi người cảm thấy trò chuyện chưa hết hứng, nên quyết định dời qua quán rượu nhỏ gần bên để tiếp tục câu chuyện. Ông chủ nói phải bắt kịp chuyến tàu cao tốc về nam để gặp con, tôi cũng nói không thể bỏ chồng bỏ con quá lâu. Vì vậy, ông chủ nói đùa: “Vậy thì, ai có 2 con nhỏ, có thể về trước!”
Chỉ có tôi và ông chủ là đủ điều kiện trên, hơn mười mấy vị đồng nghiệp ở đây, có rất nhiều người vẫn chưa lập gia đình, có vài vị kết hôn muộn mà sinh con cũng muộn, hơn nữa phần lớn là chỉ sinh một con.
Thời gian của một người đầu tư vào nơi nào, thì thành tựu của họ sẽ là nơi đó. Thành tựu của các đồng nghiệp hiện giờ là sự nghiệp, còn thành tựu của tôi ở đâu? Là ở “gia đình” ư? Cá và chân gấu, chỉ có thể chọn một mà không thể có cả hai.
Nhờ có bạn mà thế giới này trở nên tốt đẹp hơn – hãy tin vào giá trị siêu phàm của chính mình!
Tuy nhiên, tôi cũng không phải là “phu nhân” buổi chiều nhấc tay nhàn nhã uống trà. Gia đình là sự nghiệp mà tôi đã lựa chọn, cũng là một nghề chuyên nghiệp. Công việc của một bà mẹ toàn thời gian cũng không dễ dàng, bản thân phải trở thành đầu bếp, chuyên gia dinh dưỡng, nhân viên mua sắm, công nhân vận chuyển, người quét dọn, chuyên gia tính toán tài chính, gia sư, chuyên gia tâm lý…
Quan trọng hơn là, một người làm nhiều việc như thế, bản thân kiêm nhiệm mấy chức vụ, lại không oán không hận chấp nhận thực tế không có lương, càng không có bảo hiểm lao động! Đây cũng là một nghề nghiệp có mức độ nguy hiểm cao, nếu như ngày nào đó chợt xuất hiện một vị “nhị phu nhân” hay tiểu tam nào đó nhảy lên đoạt chức chính thất, thì thật muốn tự mình cắn mình.
Trở lại Đài Loan được hai năm, rốt cuộc tôi đã tìm được một số bà mẹ có cùng chung chí hướng, hẹn nhau làm tình nguyện viên trường học, đồng thời tổ chức nhóm đọc sách, định kỳ thảo luận các biện pháp nuôi dưỡng trẻ. Trong đó có một bà mẹ tên M, học thức xuất chúng, tính tình chân thành. Chồng của cô ấy thường đi công tác ở bờ bên kia (Trung Quốc), cha mẹ lớn tuổi sức khỏe không tốt, cô phải chăm sóc gia đình hai bên. Cô ấy một mình hăng hái chăm lo cho hai con nhỏ, lại luôn nhiệt tình tham gia công ích, là một người mẹ tỏa sáng như ánh nắng mai, là hội trưởng hội phụ huynh. Rất nhiều bạn bè đều yêu quý cô ấy, và tôi cũng không ngoại lệ.
Có một hôm, một bà mẹ tên U là hội trưởng hội đọc sách (cũng là một giáo viên dạy dương cầm) viết một lá thư gửi cho mọi người, đại ý là thời gian gần đây cô được một trường học nào đó mời làm giáo viên âm nhạc dạy thay tạm thời, rất ngại ngùng muốn tạm nghỉ ở hội đọc sách vài tuần.
Cô M đã viết một lá thư trả lời gửi cho cô U cùng với toàn bộ thành viên trong hội đọc sách, trong thư có một câu đã khiến cho tôi cảm thấy đau xót trong lòng: “Không sao, chị cứ đi đi… Có thể dạy thay chứng tỏ rằng chị còn có công việc có thể làm, dù sao cũng tốt hơn so với kẻ nhàn hạ không việc làm như tôi đây…”. Người đời có nhiều hiểu lầm đối với những người mẹ toàn thời gian, người làm mẹ toàn thời gian cũng thường xuyên thiếu tự tin đối với giá trị bản thân.
Những bà nội trợ toàn thời gian thường bị người khác bàn tán chỉ trỏ, có người nói là “phu nhân mệnh tốt”, có người nói là “kẻ vô công rỗi nghề”, điểm chung của cả hai loại người này là “rất nhàn”, chỉ khác nhau ở chỗ “có tiền hay không” mà thôi. Nhưng những điểm này đều không phải là đặc điểm của một bà mẹ toàn thời gian.
Năm 2010, tạp chí “Tesco” của Anh quốc đã tiến hành một cuộc điều tra, tính toán xem nếu như để cho một người chuyên nghiệp đến làm tất cả công việc của một người mẹ từ khi sinh con cho đến khi đứa trẻ 18 tuổi, thì hết thảy phải chi hết bao nhiêu tiền? Các chuyên gia đã tính toán, cho rằng người mẹ đã nấu ăn, dọn dẹp, giặt quần áo, làm cố vấn, với nhiều vô số kể các công việc đã bỏ công ra làm cho con cái, nếu tính tiền lương theo giờ, tổng số tiền lên tới 1,424,504 Bảng Anh (tương đương gần 41 tỷ VNĐ ). Nói cách khác, lương hàng năm cho chức vụ “làm mẹ” này, có giá trị tới 377 vạn Đài tệ (gần 2.28 tỷ VNĐ).
Bà Maureen Rice,Tổng biên tập tạp chí “Tesco” cho biết, bà cũng là người mẹ, khi biết được giá trị lao động của người làm mẹ thì bà vô cùng kinh ngạc. Bà nói: Người làm mẹ chăm sóc con cái là xuất từ tình yêu thương của người khiến cho các bà mẹ cảm thấy tự hào hơn.
Tôi muốn nói với những bà mẹ toàn thời gian rằng: Các vị không phải là người vô công rồi nghề, mà là một người mẹ có tài đức; rất nhiều người cần có các vị, dựa vào các vị; nhờ có các vị, thế giới này trở nên tốt đẹp hơn; xin hãy tin tưởng vào giá trị bất phàm của chính mình! Cho dù người khác không hiểu được, cũng phải tin tưởng bản thân: “Tự phản nhi súc, tuy thiên vạn nhân, ngô vãng hĩ!” (Câu nói của Mạnh Tử, tạm dịch ý là: Tự xét bản thân mình thấy mình ngay thẳng, tuy đối phương có ngàn vạn người, ta cũng thản nhiên bước tới).
Các bà mẹ toàn thời gian không cần tự coi nhẹ mình, cho dù có đạt được thu nhập thực tế là 377 vạn Đài tệ hay không, cũng đều nên tự hào về bản thân mình: chúng ta là những đầu bếp riêng, những người quản lý mua sắm, chuyên gia quản lý tài chính, gia sư gia đình, chuyên gia dinh dưỡng, chuyên gia tư vấn tâm lý, đội trưởng đội vệ sinh, đội trưởng đội cổ động viên và duy trì trật tự…
Điều quan trọng nhất đó là, chúng ta hy vọng xã hội trở nên tốt đẹp hơn, và chúng ta thực sự chính là những người làm cho nó tốt đẹp hơn!
Bài viết được trích từ “Phương pháp giáo dục suy nghĩ sáng tạo của mẹ Gấu nhỏ” do Nhà xuất bản Dã Nhân cung cấp.
Trương Mỹ Lan thực hiện
Lê Vi biên tập
Tiểu Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ
Xem thêm: