Lạm dụng số lượng hơn chất lượng trong giảng dạy học thuật
Một trong những vấn đề nan giải của lĩnh vực giáo dục ngày nay là nó đã trở nên quá nông cạn.
Nhiều người quan niệm rằng giáo dục hiệu quả là “giảng dạy” càng nhiều môn học “chính” càng tốt và trang bị cho những tâm hồn non nớt các dữ liệu của một thế giới hướng đến tiền bạc và thay đổi nhanh chóng. Vì vậy, đọc lướt những quyển sách “mì ăn liền”, những văn bản cô đọng, những tác phẩm giản lược, những bài thuyết trình Power Point và những đoạn ghi âm ngắn đã trở thành một đại dịch. Khi trí lực được đánh giá bằng việc lướt qua những tài liệu, đáp ứng các yêu cầu, truyền đạt sự kiện và điểm số thì giáo dục chủ yếu để phục vụ các kỳ thi hơn là lĩnh hội kiến thức. Quan điểm theo trường phái Hàn lâm Athen – việc học là quá trình hấp thu kiến thức từ từ, cho phép tâm trí tiến vào Chân, Thiện, Mỹ – đã biến mất.
Cách tiếp cận giáo dục theo định hướng nghề nghiệp mang tính công nghiệp trên thường được “đóng gói” như thể nỗ lực hướng đến một mô hình học tập truyền thống, hay là giáo dục cổ điển, mặc dù nó khác xa giáo dục cổ điển. Những trường học kiểu này thường chọn một danh mục dài các tư liệu, sau đó nhồi nhét chúng vào một giáo trình giảng dạy eo hẹp và ứng dụng trên sinh viên, dù sinh viên còn chưa kịp hiểu để trân trọng và hấp thu những thông tin đó trong khoảng thời gian quy định. Các khóa học đó nhằm mục đích tốt nhưng hiếm khi có hiệu quả vì chúng truyền thụ quá nhiều kiến thức với tốc độ quá nhanh cho những khối óc còn non nớt. Nó không chỉ không khởi tác dụng mà còn không đúng đắn. Nói một cách thẳng thắn, đó là một loại lạm dụng hàn lâm mà hậu quả là có thể hủy hoại năng khiếu và niềm yêu thích học tập của sinh viên.
Sự thư thái của việc học
Tôi có một đặc ân là dạy văn học cổ điển trong 20 năm. Tôi không đi qua các tác phẩm nhanh hơn mỗi năm bởi vì tôi hiểu rõ chuyên môn, và do đó, tôi có thể giảng dạy thêm nhiều kiến thức và làm được nhiều việc khác. Nó có vẻ khá ngược đời khi tôi đi qua các bài giảng chậm hơn. Tôi nói nhiều hơn, dạy nhiều hơn và chia sẻ nhiều hơn mỗi năm về những đoạn trích đắt giá đối với tôi – những người bạn cũ của tôi – và tôi thích thú giới thiệu chúng một cách trọn vẹn đến những tâm hồn và khối óc mới mỗi năm. Để truyền thụ kiến thức trọn vẹn cần có thời gian.
Tôi cũng dạy giỏi hơn mỗi năm; tôi tin rằng đọc và dạy một kiệt tác là một nghệ thuật được thực hiện với sự tự nhiên và một tốc độ vừa phải. Trường học được bắt nguồn từ một thuật ngữ nguyên gốc có nghĩa là (và hướng đến) sự thư thái. Đọc và học một cách khắc khổ không thúc đẩy một tình yêu đọc sách và học tập giống như phong cách thư thái có thể.
Lướt qua một tác phẩm sẽ không giúp cảm thụ được ý nghĩa của tác phẩm ấy. Đó là sự khác biệt giữa trải nghiệm một con đường nhỏ và một con đường cao tốc liên tiểu bang. Nên tìm tòi những điều sâu sắc, tích cực về một đoạn văn hay thay vì lướt qua, thờ ơ hoặc nhanh chóng đọc hết một vài đoạn trích. Chúng ta cần thời gian để làm tốt một việc và điều đó xứng đáng; đó mới chính là phương pháp giáo dục cổ điển.
Số lượng và chất lượng
Giáo sư John Senior tại Đại học Kansas đã viết trong cuốn sách của ông “Cái chết của nền văn hóa Cơ Đốc” (The Death of Christian Culture) rằng:
“Quý vị không thể cải tiến hay nâng cao trí tuệ và đạo đức của một đứa trẻ bằng cách ép chúng trưởng thành và … rút ngắn quá trình trở thành ‘người lớn’. Quý vị không thể cải thiện hoặc nâng cao một chương trình trung học bằng cách dạy thử những vấn đề to lớn hơn của khóa học cao đẳng. Trong một thời đại đầy lo lắng về quyền công dân, chúng ta không nên xem nhẹ quyền của trẻ thơ.”
Trong đoạn văn này, Senior đưa ra lời phê bình sắc sảo cho những mô hình giáo dục giảng dạy sâu về tính học thuật trước khi sinh viên được trang bị đầy đủ để tiếp cận chúng một cách hiệu quả, chứ chưa muốn nói đến việc thích học chúng. Không khó để tìm thấy một danh sách dài các tài liệu tham khảo, giáo trình và các khóa học nâng cao vốn cần rất nhiều thời gian để hấp thu nhưng lại được dạy trong khoảng thời gian ngắn hơn cần thiết để giáo viên có thể đề cập đến nhiều chủ đề nhất có thể.
Tuy nhiên, giáo dục cổ điển không bao giờ nên là sự nhồi nhét. Giới thiệu về những tác phẩm vĩ đại cho lứa tuổi nhỏ là một chuyện, nhưng khắc sâu ý nghĩa kinh điển của chúng lại là một chuyện khác. Giáo dục cổ điển vượt ra ngoài một chương trình giảng dạy thông thường. Nó cũng bao hàm cách tiếp cận truyền thống về giáo dục mà tương xứng và thích hợp với thực trạng dạy và học lâu đời của loài người.
Cố gắng dạy quá nhiều trong thời gian quá ngắn khiến chúng ta không thể cân nhắc đến khối lượng kiến thức và sự phù hợp. Đây là phương pháp sư phạm kết hợp cả số lượng và chất lượng, và có vẻ nó không phải là nguyên tắc sư phạm tốt. Đơn giản bởi vì nó không cải thiện được tình hình mà còn “đối xử” không công bằng với tác phẩm – và học sinh – vốn xứng đáng được tiếp nhận tốt hơn. Khi học những đoạn trích trên một cách vội vã, sự hối hả khi lướt qua các tác phẩm dài và giáo án không bao giờ có thể mang đến trải nghiệm ý nghĩa.
Thước đo sai lầm
Một trở ngại lớn để quay trở về giáo dục cổ điển là mong muốn “lượng hóa” giáo dục, mà biểu hiện là quan niệm càng dùng nhiều trí lực thì càng tốt. Một trong những dấu hiệu đó trong mô hình giáo dục chủ đạo là cường điệu sự quan trọng của toán học hơn suy ngẫm. Việc đặt nặng môn toán và khoa học thực nghiệm trong nhiều khóa học thật khó hiểu bởi không có lý do chính đáng để giải thích vì sao toán học được ưa chuộng hơn triết học hoặc thơ ca – những môn học yêu cầu sự suy ngẫm hơn là giải quyết vấn đề máy móc. Cách giải quyết máy móc vấn đề chỉ tiếp cận được bề mặt của kiến thức khi áp dụng những mục tiêu về “số lượng” của giáo dục lên nhân loại truyền thống.
Có bao giờ bằng khen của các trường được đánh giá dựa theo chương trình văn học thay vì chương trình STEM (Khoa học – Kỹ thuật – Công nghệ – Toán học). Nhìn chung là không – nhưng tại sao không? Một số xu hướng xã hội đòi hỏi con người để tâm đến các mục tiêu có thể đo lường và điều chỉnh được, khi lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ đạt được thành tựu lớn. Bởi vậy, sự chính xác và vật chất đã lấn át sự không chính xác và phi vật chất, trong một trận chiến mà vốn nên cân bằng trong giáo dục. Mỗi bên sẽ cần thời gian và không gian để làm quen với tâm trí và sự mường tượng cần thiết của sinh viên.
Có một vài yếu tố không thể đo đếm được, và những thứ đó thường là giá trị vô hình. Mặc dù chúng ta cần phản ứng trước sự thực dụng đang thống trị các chương trình giảng dạy hiện đại, nhưng chúng ta không nên phản ứng thái quá. Quay về với truyền thống là cần thiết. Cần khôi phục nghiên cứu những tác phẩm vĩ đại. Nhưng khi chiến lược cho sự hồi sinh này là học càng nhiều kiệt tác càng tốt thì quả lắc đang dao động về phía sai lầm và cực đoan còn lại.
Nhiều hơn hay ít hơn?
Ít hơn có thể là nhiều hơn nếu thực hiện tốt, và phong cách học “hết tất cả mọi thứ” sẽ nhanh chóng phản tác dụng nếu thực hiện sai cách. Senior nói thêm rằng: “Tại Princeton… sinh viên học chương trình 4 năm cao đẳng thường học 5 môn mỗi năm, những cá nhân ‘đặc biệt xuất sắc’ được cho phép học 4 môn một năm, dựa trên lập luận rằng học chậm thì tốt hơn.” Mặc dù trí lực không theo kịp nhịp độ hiện đại nhưng liệu quan niệm này có đúng với con người?
Ai đã từng thực sự đọc hết “The Iliad”, “The Odyssey”, “The Oresteia” và “The Aeneid” cũng như một chút khái quát về Sophocles, Plato, và Dante trong một vài tuần ngắn ngủi? Hoặc, nếu làm được như vậy – trừ phi họ thông minh xuất chúng và vô cùng kỷ luật – ai có thể hiểu hết ý nghĩa của chúng? Đây là những tác phẩm để trầm tư nghiền ngẫm, để được học và được thưởng thức, mà không phải để nhồi nhét. Chúng cần không gian và thời gian để đi sâu vào tâm trí người đọc, đặc biệt là vào lần đọc đầu tiên. Đọc lướt qua những trích đoạn hay nhất sẽ hủy hoại tác phẩm và gây ra rủi ro nghiêm trọng rằng trải nghiệm đọc này trở thành gánh nặng và sự bực bội trong tâm trí những người trẻ.
Yếu tố để đánh giá sự cân bằng trong giảng dạy những tác phẩm kinh điển của nền văn minh phương Tây là liệu trải nghiệm đó vất vả hay vui thích. Bất kỳ việc học tập nào mang tính thử thách và vội vã đều trở nên quá tải và gây khó chịu cho sinh viên. Những cuốn sách ấy vĩ đại bởi vì chúng khó đọc và khi tiếp cận chúng, sinh viên phải có thời gian để làm quen và nghiền ngẫm nội dung: để bước vào thế giới của sách, hiểu ngôn ngữ của sách, và khám phá những điều bí ẩn. Giáo dục lướt qua những môn học cổ điển giống như gạch bỏ những vật dụng trong một danh sách sẽ không thể hình thành và truyền tải kiến thức đến sinh viên. Những chương trình giáo dục kiểu marathon như vậy hơi thái quá – thậm chí là lạm dụng – bởi vì nó biến việc đọc những tư liệu khó “càng trở nên khó hơn” thay vì “khó nhưng thú vị”, và khiến sinh viên không hứng thú với việc học.
Sean Fitzpatrick dạy Khoa học Nhân văn tại Gregory the Great Academy, một trường nội trú ở Elmhurst, Pa. Những tác phẩm của ông về giáo dục, văn học và văn hóa được đăng tải trên một số tạp chí, bao gồm Crisis Magazine, Catholic Exchange và Imaginative Conservative.
Do Sean Fitzpatrick thực hiện
Ngọc Thuần biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: