Lại Tiểu Dân nhanh chóng bị xử tử, Tập Cận Bình đang răn đe ai?
Vụ án Lại Tiểu Dân, vụ án tham nhũng tài chính cực lớn của Trung Cộng, từ khi phán quyết cho đến khi bị hành quyết, chỉ vẻn vẹn có 24 ngày. Những người làm truyền thông có thâm niên cho biết, việc nhà cầm quyền Tập Cận Bình cho hành quyết nhanh chóng Lại Tiểu Dân chủ yếu là để răn đe các trùm tài phiệt Trung Quốc và cũng răn đe thế lực sau lưng họ Lại là những gia tộc như Tăng Khánh Hồng.v.v…
Đại tham quan Lại Tiểu Dân nhanh chóng bị xử tử
Vào sáng ngày 29/01, cựu bí thư kiêm chủ tịch tập đoàn Hoa Dung Lại Tiểu Dân đã bị xử tử.
Lại Tiểu Dân đã bị kết án tử hình vào ngày 05 tháng 01 vì tội nhận hối lộ hơn 1.788 tỷ NDT, tham nhũng hơn 25.13 triệu NDT và vi phạm luật hôn nhân. Sau đó, Lại Tiểu Dân đã đệ đơn kháng cáo.
Tuy nhiên, vào ngày 21/01, Tòa án cấp cao Thiên Tân đã phúc thẩm và vẫn giữ nguyên bản án sơ thẩm là tử hình đối với Lại Tiểu Dân.
Thời gian từ khi phán quyết cho đến khi thi hành án, chỉ vẻn vẹn có 24 ngày. Lại Tiểu Dân cũng trở thành quan chức cấp thứ trưởng đầu tiên bị xử tử vì tội tham nhũng kể từ khi ông Tập Cận Bình nhậm chức. Kể từ sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 18 của Trung Cộng, cấp thứ trưởng trở lên bị kết án tử hình còn có những quan tham như Bạch Ân Bồi, Vũ Trường Thuận, Chu Minh Quốc, Hình Vân và Triệu Chính Vĩnh, nhưng tất cả đều được xử tử hoãn[1].
Kể từ sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 18 của Trung Cộng, quan chức đầu tiên bị xử tử là Triệu Lê Bình, nguyên là cựu giám đốc Sở Công an, cựu phó chủ tịch Chính Hiệp [2] khu tự trị Nội Mông. Mặc dù Triệu Lê Bình cũng là một quan tham, nhưng ông ta bị kết án tử hình vì tội danh “cố ý giết người” vào ngày 11/11 năm 2016 và bị xử tử vào ngày 28/02/2017.
Thời gian từ khi kết án cho đến khi thi hành án của Triệu Lê Bình là ba tháng rưỡi.
Ngày 28/03/2018, Trương Trung Sinh, cựu Phó thị trưởng thành phố Lã Lương, tỉnh Sơn Tây bị kết án tử hình. Kể từ sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 18 của Trung Cộng, đây là quan chức đầu tiên bị kết án tử hình vì tội tham nhũng (số tiền lên tới hơn 1.17 tỷ NDT).
Sau đó, Trương Trung Sinh đã đệ đơn kháng cáo. Vào ngày 07/05/2019, Tòa án cấp cao tỉnh Sơn Tây vẫn giữ nguyên bản án tử hình, nhưng cho đến nay Trương Trung Sinh vẫn chưa bị thi hành án.
Ngoài ra, Khương Nhân Kiệt, Phó thị trưởng thành phố Tô Châu, tỉnh Giang Tô, bị kết án tử hình vào ngày 24/10/2008. Sau đó, Khương Nhân Kiệt làm đơn kháng cáo và phải đến ngày 31/03/2011 mới quyết định giữ nguyên bản án, và ngày 19/07/2011 mới bị xử tử hình, như vậy kéo dài gần 3 năm.
Ngược lại với những trường hợp trên, Lại Tiểu Dân đã nhanh chóng bị hành quyết, điều này ngay lập tức gây sự chú ý của dư luận.
Tập Cận Bình răn đe ai?
Nhiều hãng truyền thông nước ngoài đặt nghi vấn việc chính quyền Tập Cận Bình xử tử nhanh chóng Lại Tiểu Dân có phải là vì cân nhắc ngăn chặn “rủi ro tài chính”?
Người làm truyền thông kỳ cựu và là nhà bình luận các vấn đề thời sự, Lý Lâm Nhất, nói với phóng viên Epoch Times rằng việc Tập Cận Bình xử tử nhanh chóng Lại Tiểu Dân là do muốn răn đe giới tài chính Trung Quốc.
Trang web chính thức của Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương cũng tuyên bố tội danh của Lại Tiểu Dân, nhà cầm quyền nhìn nhận “đây là một trường hợp điển hình trong việc chống tham nhũng và ngăn chặn, hóa giải những rủi ro lớn trong lĩnh vực tài chính.”
Ông Lý Lâm Nhất cho rằng vụ hành quyết Lại Tiểu Dân có liên quan đến việc răn đe và bảo vệ quyền “lãnh đạo tập trung” của Tập Cận Bình. Đài truyền hình trung ương CCTV cũng tuyên bố rằng Tập Cận Bình đã bàn với Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương trong ba năm liền về việc chống tham nhũng tài chính và đã có những tín hiệu rất khả quan. Nguyên nhân khiến Lại Tiểu Dân có thể một tay che trời trong doanh nghiệp tài chính nhà nước là có liên quan đến việc thiếu giám sát chặt chẽ, nên cần tăng cường mạnh mẽ việc giám sát, quản lý các nhà quản lý cao cấp, các vị trí chủ chốt và nhân sự quan trọng.
Khi ông Tập Cận Bình chủ trì cuộc họp Bộ Chính trị ngày 28/01, cũng nhấn mạnh việc tăng cường giám sát các nhóm lãnh đạo các cấp và một số chủ chốt, đặc biệt là các “lãnh đạo cao nhất”.
Lý Lâm Nhất cũng chỉ ra rằng việc chính quyền Tập Cận Bình xử tử Lại Tiểu Dân cũng không loại trừ khả năng vì muốn răn đe đối với gia tộc Tăng Khánh Hồng, cựu Ủy viên Thường vụ phe Giang, nhưng cho đến nay vẫn chưa có dấu hiệu hành động với hội này.
Sau khi Lại Tiểu Dân bị bắt vào ngày 17/04/2018, vì ông ta bị liên quan đến việc chuyển lợi nhuận cho cháu gái của Tăng Khánh Hồng là Tăng Bảo Bảo (còn gọi là Tăng Khiết) bị bại lộ. Lại Tiểu Dân và Tăng Khánh Hồng đều là người Giang Tây.
Lin Yan
Sương Sương biên dịch
[1] Theo Wikipedia: Tử hoãn là tội danh tử hình, nhưng cho bị cáo được hoãn tử hình 2 năm và bị theo dõi. Nếu trong 2 năm đó tiếp tục phạm tội thì khi hạn 2 năm hết, sẽ thi hành án tử hình. Nếu ko phạm tội gì thì tự động giảm xuống chung thân. Nếu biểu hiện tốt thì giảm án xuống nữa.
[2] Viết tắt của Hội nghị Hiệp thương và Chính trị.
Xem thêm: