Lãi suất tăng và bong bóng ‘Đại Tái Thiết’
Mặc dù nhiều người phủ nhận, nhưng “Đại Tái Thiết” vẫn tồn tại. Đây là một nghị trình liên quan đến một tập hợp các ý tưởng trải dài từ “chủ nghĩa tư bản cho các bên liên quan” đến “sự thức tỉnh” và “cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư” cho đến “chủ nghĩa siêu nhân học.” Đại Tái Thiết được phổ biến một cách hiệu quả, đặc biệt là thông qua Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF). Cuộc chiến chống lại các loại virus và dịch bệnh và đặc biệt là hành động từ bỏ nhiên liệu hóa thạch để “cứu lấy khí hậu toàn cầu” có động cơ chính trị có lẽ là những dấu tích rõ ràng nhất của nghị trình Đại Tái Thiết.
Tóm lại, Đại Tái Thiết là một cuộc lật đổ có kế hoạch về mặt chính trị đối với hệ thống kinh tế và xã hội toàn cầu — một cuộc tái cấu trúc — và nỗ lực táo bạo nhất này đã đạt được động lực mạnh mẽ sau các chính sách lãi suất thấp cực độ của các ngân hàng trung ương trong những năm gần đây. Phát hiện này chẳng có gì đáng ngạc nhiên đối với những người nhận thức được các tác động của việc chi phí tín dụng bị thao túng theo hướng giảm đi.
Hãy để tôi nhắc quý vị: sau cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính toàn cầu năm 2008–2009, các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới đã giảm mạnh lãi suất. Ví dụ, ở Hoa Kỳ, lãi suất cơ bản đã duy trì ở mức 0% cho đến gần cuối năm 2015, rồi tăng lên chỉ tới mức 2.5% vào cuối năm 2018, sau đó lại giảm từ mùa hè năm 2019 — và duy trì ở mức 0% — cho đến tháng 03/2022.
Trong một môi trường lãi suất thấp cực độ, việc định hướng sai nguồn vốn trên quy mô lớn gần như đã không được chú ý. Ví dụ, lãi suất thấp giả tạo làm giảm động lực tiết kiệm và kích thích tiêu dùng. Đồng thời, các dự án đầu tư, mà lẽ ra là không có gì thú vị nếu không có các mức chi phí vay được ức chế, đã trở nên hấp dẫn. Kết quả là, các nền kinh tế bị dụ dỗ vào một chu kỳ đi lên giả tạo, tạo ra một sự bùng nổ.
Đặc biệt, việc vay thêm nợ đã trở nên hấp dẫn hơn, và tình trạng đó đã tạo ra một hệ quả tương ứng — các mức giá tài sản bị thổi phồng do dư thừa thanh khoản đã tràn ngập khắp nơi, đặc biệt là trong các lĩnh vực cổ phiếu và địa ốc. Một “ảo tưởng về sự giàu có” xuất hiện, che khuất đi thực tế rằng các nguồn tài nguyên là khan hiếm, khiến cho những cái giá phải trả rất lớn liên quan đến Đại Tái Thiết trông như chuyện cỏn con.
Lãi suất trên thực tế bằng 0 khiến xu hướng theo đuổi cảm giác hài lòng ngay lập tức (thỏa mãn nhu cầu trong hiện tại) của mọi người trở nên thậm chí còn thôi thúc hơn so với khi lãi suất cao hơn. Nhìn từ góc độ kinh tế, lãi suất thấp làm giảm giá trị tương lai theo hướng có lợi cho những hưởng thụ ngay trong hiện tại. Do đó, mong muốn cứu khí hậu hiện tại càng trở nên cấp thiết hơn trong mắt người dân so với mong muốn chính đáng là có được lượng hàng hóa dồi dào để sử dụng trong tương lai của họ.
Một điều không kém phần quan trọng là, lãi suất bị ức chế một cách giả tạo đã cho phép các quốc gia thực hiện các chính sách phản thị trường tự do của mình mà gần như không phải chịu hậu quả nào từ việc đó. Ví dụ như nhiều chính phủ trên thế giới đã ra lệnh phong tỏa trong những năm 2020–2021, gây ra cơn cuồng loạn do virus corona. Chi phí kinh tế thực sự của các biện pháp phong tỏa phần lớn vẫn bị che giấu khỏi tầm mắt của người dân vì các chính phủ đã khiến các nền kinh tế vận hành thông qua các gói chi tiêu được tài trợ bằng nợ kếch xù và nguồn cung tiền mở rộng hết sức lớn.
Mọi thứ dường như đang diễn ra theo chiều hướng có lợi cho những người ủng hộ Đại Tái Thiết. Hệ thống thị trường tự do cùng với một xã hội tự do đã ngày càng bị đẩy lùi về quá khứ xa hơn và xa hơn nữa, và nỗ lực hướng tới một “nền kinh tế chỉ huy” — một “nền kinh tế do nhà nước điều hành” — đã được củng cố và tăng tốc một cách hiệu quả. Sau đó, sự mở rộng mạnh mẽ của nguồn cung tiền — do các ngân hàng trung ương tiền tệ hóa nợ quốc gia trên quy mô lớn — đã cho thấy tác dụng phụ không mong muốn: lạm phát bắt đầu tăng vào năm 2020 mà không thấy hồi kết. Do lạm phát ngày càng tăng, nên các ngân hàng trung ương buộc phải tăng lãi suất để ngăn chặn sự sụp đổ niềm tin vào các loại tiền tệ pháp định của họ.
Trước sự bàng hoàng của những người ủng hộ Đại Tái Thiết, lãi suất tăng hiện đang làm xẹp “bong bóng Đại Tái Thiết”: đột nhiên, nguồn cung hàng hóa trong tương lai không còn quá vô nghĩa đối với những người đang sống ở hiện tại nữa; trên thực tế, nguồn cung hàng hóa trong tương lai đã lại trở nên có giá trị hơn nhiều. Thực trạng này làm cho chi phí của việc thoát khỏi dầu, than, và khí đốt theo dự định càng trở nên khó khăn hơn. Không chỉ sản lượng hiện tại bị thu hẹp do giá năng lượng tăng cao, mà nhiều công ty còn chịu thua lỗ bởi chi phí tín dụng và vốn tăng, khiến tình trạng suy giảm việc làm và sản lượng ngày càng tệ hơn.
Rõ ràng là tổn thất về thu nhập và phúc lợi đối với người dân nói chung là rất lớn. Đại Tái Thiết đột nhiên trở thành một dự án xa hoa hết sức tốn kém, và mọi người ngày càng bắt đầu nổi dậy chống lại hiệu ứng bần cùng hóa đi kèm với Đại Tái Thiết.
Có lẽ chúng ta có thể kết luận rằng Đại Tái Thiết đòi hỏi một mức lãi suất được hạ thấp một cách giả tạo? Phải chăng “chủ nghĩa tư bản của các bên liên quan,” và “sự thức tỉnh” cùng việc tránh xa nhiên liệu hóa thạch chỉ có tác dụng trong một thế giới lãi suất hạ thấp một cách giả tạo? Liệu “trật tự thế giới mới,” như những người ủng hộ Đại Tái Thiết đã hình dung, có nhất thiết cần phải có lãi suất thị trường bị ức chế một cách giả tạo không?
Lập luận này có thể là một sự cường điệu. Xét cho cùng, lãi suất thị trường bị thao túng chỉ là một biến số trong việc thực hiện kế hoạch Đại Tái Thiết. Bất kể mức lãi suất như thế nào, một xã hội của những người bị nhiễm, hoặc bị cuồng tín bởi một hệ tư tưởng vô nhân đạo rất có thể quyết định hy sinh sự thịnh vượng của họ trong hiện tại để đạt được một trạng thái hạnh phúc tưởng tượng trong tương lai — và cố gắng hướng tới một cuộc Đại Tái Thiết, và theo đó là chủ nghĩa xã hội mới.
Tuy nhiên, một mức lãi suất bị thao túng giảm chắc chắn sẽ tạo thuận lợi cho việc lật đổ cấu trúc sở hữu và tài sản hiện có, như dự định của Đại Tái Thiết. Điều đó nói lên rằng, chính sách lãi suất của các ngân hàng trung ương là một thứ gì đó giống như một “chiếc kim la bàn,” một chỉ báo mang tính định hướng: lãi suất tăng liên tục sẽ ném cát vào bánh răng của những kẻ cuồng tín trong nghị trình Đại Tái Thiết, trong khi việc quay trở lại chính sách giảm lãi suất có thể bơm đầy trở lại bong bóng Đại Tái Thiết bằng không khí mới.
Liệu các ngân hàng trung ương có thể làm suy yếu Đại Tái Thiết bằng các đợt tăng lãi suất mà họ đã tiến hành kể từ đầu năm 2022 để khiến cho dự án này phải đột ngột dừng lại? Có lẽ là không. Trên thực tế, có rất ít bằng chứng ủng hộ cho hy vọng này. Rốt cuộc, các hội đồng ngân hàng trung ương hoàn toàn ủng hộ nghị trình về chính sách kinh tế của chính phủ họ, kể cả Đại Tái Thiết. Vì vậy, chúng ta không nên nuôi quá nhiều hy vọng rằng đợt tăng lãi suất mới đây thực sự là màn chào đón cho sự kết thúc của cỗ máy Đại Tái Thiết.
Không, quá trình Đại Tái Thiết chỉ có thể bị dừng lại và bi đảo ngược khi và chỉ khi mọi người tỉnh ra. Sự tỉnh ngộ này yêu cầu mọi người phải bắt đầu nhìn thấu kế hoạch đó: cụ thể là, Đại Tái Thiết không đại diện cho một thế giới tốt đẹp hơn mà là nhằm mục đích áp đặt một chế độ áp bức và kiểm soát toàn cầu, trong đó cá nhân không còn được xem trọng nữa, nhà nước trở thành toàn trị, và sự tự do và thịnh vượng như chúng ta biết ngày nay sẽ không còn tồn tại.
Do đó, sự trở lại của chính sách hạ lãi suất từ phía các ngân hàng trung ương — dự kiến sẽ sớm diễn ra — phải được xem là sự khởi động lại của cuộc chiến mà Đại Tái Thiết đang tiến hành nhằm chống lại sự tự do và thịnh vượng của người dân. Lãi suất bị hạ thấp một cách giả tạo giúp ngăn chặn bong bóng Đại Tái Thiết nổ tung, hoặc ít ra là giữ cho bong bóng này tiếp tục căng phồng lâu dài hơn quãng thời gian mà bất kỳ ai quan tâm đến sự tự do và thịnh vượng mong muốn.
Một lần nữa, để chấm dứt Đại Tái Thiết một cách hiệu quả và làm vỡ bong bóng Đại Tái Thiết, mọi người phải tỉnh ngộ ngay bây giờ và chấm dứt nghị trình này — trước khi quá muộn.
Theo Mises.org
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times