Lãi suất cao có ý nghĩa gì đối với người đi vay, người tiết kiệm, người mua nhà Mỹ
Cục Dự trữ Liên bang đã tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản tại cuộc họp chính sách của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) vào tháng Sáu khi ngân hàng trung ương cố gắng ngăn chặn lạm phát tăng vọt ngoài tầm kiểm soát.
Các nhà phân tích của Deutsche Bank đã dự đoán ủy ban thiết lập tỷ giá sẽ kích hoạt một đợt tăng ¾ điểm nữa tại cuộc họp vào tháng tới, có thể đưa lãi suất quỹ liên bang lên khoảng 2.3%.
Với việc Chủ tịch Fed Jerome Powell và các đồng sự đang mở một hướng bình thường hóa lãi suất, điều này sẽ có tác động như thế nào đối với những người đi vay, người gửi tiết kiệm, và các chủ nhà tương lai của Mỹ?
Ngân hàng trung ương Hoa Kỳ tác động trực tiếp đến lãi suất cơ bản — lãi suất cơ bản mà dựa theo đó các lãi suất khác được hình thành — vì vậy khi nó cao hơn, thì những người tiêu dùng phải chịu chi phí vay lớn hơn. Điều này có thể ảnh hưởng đến mọi thứ, từ các khoản vay cá nhân đến các thẻ tín dụng.
Các công ty thẻ tín dụng tính phí các khách hàng của họ một mức lãi suất thay đổi dựa trên lãi suất cơ bản. Do các hành động của Fed ảnh hưởng đến lãi suất ngắn hạn, điều này có thể ảnh hưởng đến những gì mà các khách hàng thanh toán bằng thẻ tín dụng.
Theo ông Wayne Winegarden, thành viên cao cấp tại Viện Nghiên cứu Thái Bình Dương, một tổ chức tư vấn thị trường tự do có trụ sở tại California, quyết định tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản của Fed là một phản ứng thích hợp trước áp lực lạm phát cao đang phá hoại nền kinh tế.
Tuy nhiên, ông nói rằng lãi suất tăng sẽ tiếp tục gây áp lực giảm đối với thị trường tài chính và giá trị nhà ở, đồng thời làm giảm việc đi vay và chi tiêu của người tiêu dùng.
Ông nói với The Epoch Times trong một thư điện tử: “Đối với những người tiêu dùng mắc nợ thẻ tín dụng hoặc các khoản thế chấp có lãi suất thay đổi, khả năng chi trả sẽ trở nên tồi tệ hơn khi lãi suất tăng lên.”
“Các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ, sẽ thấy cấu trúc chi phí tăng lên và tốc độ tăng trưởng doanh số bán hàng trì trệ (hoặc có thể giảm). Các công ty có đòn bẩy tài chính cao có thể, tùy thuộc vào cấu trúc của các khoản nợ này, đối mặt với tỷ lệ phá sản cao hơn.”
Mặc dù lãi suất thế chấp không liên quan trực tiếp đến các quyết định lãi suất hàng tháng của Fed, nhưng chủ yếu chúng được gắn với lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm chuẩn. Điều này thường đóng vai trò là một điểm chuẩn cho lợi suất thế chấp cố định trong 30 năm, đã tăng lên 6.28% hôm 14/06, tăng từ 5.55% trong tuần trước đó.
Điều đó cho thấy, lãi suất đối với hạn mức tín dụng mua nhà sẽ bị Fed tác động nhiều hơn, bởi vì các sản phẩm tài chính này thường được gắn với lãi suất cơ bản.
Điều tương tự cũng áp dụng đối với lãi suất cho vay mua xe hơi, thường được gắn với lãi suất cơ bản.
Các nhà phân tích đang cho rằng sẽ có nhiều đợt tăng lãi suất hơn trong năm nay, điều này có khả năng sẽ đẩy lãi suất quỹ liên bang lên khoảng 3.5% vào cuối năm nay.
Ông Greg McBride, phó chủ tịch cao cấp kiêm giám đốc phân tích tài chính tại Bankrate cho biết, nói một cách đơn giản, những người đi vay sẽ phải đối mặt với chi phí tăng cao trong môi trường chính sách tiền tệ thắt chặt này.
Ông nói với The Epoch Times: “Nếu quý vị đang tham gia thị trường để vay thế chấp mua nhà hoặc vay mua xe hơi, thì chi phí vay sẽ tăng lên. Nếu quý vị có nợ thẻ tín dụng hoặc một hạn mức tín dụng sở hữu nhà, thì chi phí đi kèm khoản nợ đó sẽ tăng ngay cùng với việc tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang. Và hiệu ứng tích lũy là những gì cần đề phòng.”
“Lãi suất thế chấp đã tăng gần 3 điểm phần trăm kể từ đầu năm, và nếu Fed tăng lãi suất tổng cộng 3 điểm phần trăm trong năm nay, thì thẻ tín dụng có lãi suất thay đổi và hạn mức tín dụng sở hữu nhà của quý vị cũng sẽ tăng lên nhiều.”
Tình hình hiện tại đã làm nảy sinh những lo ngại về khả năng chi trả. Theo dữ liệu từ Cục Điều tra Dân số và Bộ Gia cư và Phát triển Đô thị, giá bán trung bình của những ngôi nhà được bán lên tới 500,000 USD trong quý đầu tiên của năm 2022. Với khoản thanh toán giảm 20% và lãi suất vay thế chấp ngày càng tăng, có nguy cơ là sẽ có quá nhiều gia đình không tham gia vào thị trường bất động sản.
Theo ông Lawrence Yun, nhà kinh tế trưởng kiêm phó chủ tịch cao cấp đặc trách về nghiên cứu tại Hiệp hội Môi giới Bất động sản Quốc gia (NAR), trong khi lãi suất quỹ liên bang ngắn hạn đã tăng 175 điểm cơ bản, thì lãi suất vay thế chấp cố định 30 năm đã tăng khoảng 300 điểm cơ bản.
Ông nói trong một tuyên bố rằng, “Với cùng một khoản thế chấp trị giá 300,000 USD, khoản thanh toán hàng tháng đã tăng từ 1,265 USD hồi tháng 12 lên 1,800 USD ngày hôm nay. Điều đó gây khó khăn và, do đó, sẽ thu hẹp lượng người mua.”
“Chỉ khi lạm phát giá tiêu dùng tăng đạt mức cao nhất và bắt đầu giảm thì lãi suất thế chấp mới ổn định hoặc thậm chí giảm một chút.”
Những người tiết kiệm sẽ được lợi
Trong nhiều năm, những người gửi tiết kiệm đã phải chịu đựng lợi nhuận âm từ các khoản tiền gửi bằng tiền mặt của họ. Điều này là do lãi suất thực (đã điều chỉnh theo lạm phát) đã bị hạ thấp trong một thời gian.
Giờ đây, khi lãi suất đang thay đổi, những người gửi tiết kiệm sẽ được hưởng lợi vì họ sẽ nhận được nhiều tiền lãi hơn trong số tiền của mình. Lãi suất cao hơn sẽ dẫn đến lợi suất cao hơn.
Ngày nay, lợi suất phần trăm trung bình hàng năm trên toàn quốc chỉ là 0.07%, theo Tổng công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC). Nhưng những người tiêu dùng có thể tìm thấy lãi suất tốt hơn trong ngành ngân hàng, có thể là từ các tổ chức tài chính trực tuyến hoặc các tài khoản tiết kiệm lợi suất cao.
Tuy nhiên, ngay cả trong một nền kinh tế đang tăng lãi suất, người tiêu dùng vẫn đang mất tiền trên tài khoản tiết kiệm tiền mặt của họ vì lạm phát vẫn ở mức 8%. Sức mua của người Mỹ đã bị xói mòn, khiến việc tăng thu nhập của họ để mua các mặt hàng và dịch vụ thiết yếu và bắt buộc càng trở nên khó khăn hơn.
Theo Cục Phân tích Kinh tế, tỷ lệ tiết kiệm cá nhân của Hoa Kỳ đã giảm mạnh xuống còn 4.44% hồi tháng Tư. Đây là con số thấp nhất kể từ năm 2008.
Làm thế nào để tồn tại trong một thế giới có lãi suất cao
Cuối cùng, lãi suất tăng có thể dẫn đến vô số vấn đề cho nền kinh tế rộng lớn hơn, cho dù đó là một doanh nghiệp địa phương không đủ khả năng để thuê hoặc giữ chân nhân viên, hay một gia đình không thể mua một tài sản địa ốc để ở.
Khi Fed mở đường cho một mức lãi suất trung lập khoảng 2.5%, làm thế nào người tiêu dùng có thể tồn tại trong loại thị trường này?
Từ một quan điểm tài chính cá nhân căn bản, điều quan trọng là các gia đình phải trả bớt nợ và bổ sung vào quỹ dự phòng của họ.
“Hãy trả bớt nợ, đặc biệt là nợ có lãi suất thay đổi, mà quý vị phải gánh chịu nhiều nhất với việc lãi suất tăng,” ông McBride cho biết. “Tăng khoản tiết kiệm khẩn cấp của quý vị, vì không chỉ lợi nhuận cho các tài khoản tiết kiệm trực tuyến tăng cao, mà quý vị sẽ có thể vượt qua sự bất ổn kinh tế tốt hơn với một khoản dành dụm nhiều hơn.”
Theo ông McBride, yếu tố quan trọng khác là bảo toàn các kế hoạch hưu trí của quý vị thay vì lo sợ.
Ông nói: “Và tiếp tục duy trì khoản tiết kiệm khi về hưu của quý vị — hãy tiếp tục đóng góp theo gói 401(k) vào mỗi kỳ lương, và, ngoài việc tái cân bằng định kỳ thông thường, đừng chuyển hướng khỏi hỗn hợp đầu tư dự định của quý vị.”
Ông Andrew Moran đưa tin về kinh doanh, kinh tế, và tài chính. Ông từng là một nhà văn và phóng viên trong hơn một thập niên ở Toronto, với các bài viết trên Liberty Nation, Digital Journal, và Career Addict. Ông cũng là tác giả của cuốn sách “The War on Cash” (“Cuộc Chiến Tiền Mặt”).
Bà Emel Akan là phóng viên đưa tin về chính sách kinh tế của Tòa Bạch Ốc tại Hoa Thịnh Đốn. Trước đây, bà làm việc trong lĩnh vực tài chính với tư cách là chuyên viên ngân hàng đầu tư tại JPMorgan và là cố vấn tại PwC. Bà tốt nghiệp thạc sĩ quản trị kinh doanh tại Đại học Georgetown.