Lại phơi bày nội tình hủ bại của gia tộc Giả Khánh Lâm
Lý do thực sự khiến kế hoạch niêm yết của Ant Group bị Trung Cộng đình chỉ hồi năm ngoái chính là do cơ cấu vốn chủ sở hữu phức tạp đằng sau Ant Group có liên quan đến nhiều gia tộc quyền lực của Trung Cộng. Trong số đó, lại một lần nữa nổi lên cái tên Lý Bá Đàm, con rể của Giả Khánh Lâm, cựu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Trung Cộng.
Ông Tập cắt đứt túi tiền của các gia tộc trong Thường ủy thuộc phe cánh của Giang, bao gồm gia tộc Giả Khánh Lâm
Một bài báo trên tờ Wall Street Journal vào hôm 16/2 đã phơi bày nhiều cựu Ủy viên Ban Thường vụ thuộc phe cánh của Giang ra trước ánh đèn sân khấu.
Bài báo dẫn lời hơn mười quan chức Trung Cộng và các cố vấn chính phủ, cho biết việc Trung Cộng chính thức đình chỉ kế hoạch niêm yết của Ant Group vào tháng 11 năm ngoái, ngoài lý do lo ngại về rủi ro hệ thống tài chính, còn có một lý do quan trọng khác, chính là phía Bắc Kinh ngày càng trở nên bất an với cơ cấu cổ phần phức tạp của Ant Group cũng như những nhân vật hứa hẹn sẽ được hưởng lợi từ sự kiện vốn đã có thể trở thành vụ IPO lớn nhất thế giới này.
Các quan chức và các cố vấn chính phủ biết rõ nội tình đã tiết lộ rằng một vài tuần trước khi niêm yết, người ta phát hiện ra rằng, bản cáo bạch của Ant Group đã che giấu tính phức tạp về vốn cổ phần của công ty này. Đứng sau tầng tầng các công cụ đầu tư không rõ ràng vào vốn cổ phần của Ant Group là một nhóm nhỏ các chức sắc Trung Cộng có quan hệ rộng.
Một cuộc điều tra của nhà chức trách phát hiện ra “Boyu Capital”, được sáng lập bởi cháu trai của Giang Trạch Dân là Giang Chí Thành, đã dùng dùng những cách thức lắt léo, thông qua quỹ đầu tư tư nhân “Beijing Management” (Quản lý Bắc Kinh) để nắm giữ cổ phần của Ant Group.
Ngoài ra, Lý Bá Đàm, thông qua việc kiểm soát bốn công ty là Công ty Đầu tư Chiêu Đức Bắc Kinh, Công ty Đầu tư Thế kỷ Hồng Đức Tây Tạng, Công ty Đầu tư Phúc Thanh Lân Sinh số 3, Công ty Đầu tư Thượng Hải Zhongpay, cuối cùng đã trở thành cổ đông giấu mặt của Ant Group.
Lý Bá Đàm là con rể của cựu Ủy viên Thường ủy Giả Khánh Lâm, một thành viên trong phe cánh của Giang.
Bài báo cho biết, các hoạt động được tổ chức bởi Mao Đài Hội do Lý Bá Đàm thành lập năm 2009 đã bị ông Tập coi là gây tổn hại đến hình tượng Trung Cộng. Một nhân sỹ biết rõ nội tình tiết lộ, trong cuộc họp nội bộ với các quan chức cao cấp của Trung Cộng vào thời kỳ đầu mới lên nắm quyền, ông Tập đã nói: “Mấy người các ông, không chết trên bàn rượu, thì cũng chết trên giường!”
Hoa Phả, một người quan sát tình hình Bắc Kinh đã nói với The Epoch Times rằng cuộc tấn công vào Ant Group thực chất là nhằm tấn công vào thế lực đứng phía sau, chính là thế lực phe cánh của Giang như Giả Khánh Lâm,… Những người này đã hình thành các nhóm lợi ích đặc quyền trong suốt mấy thập kỷ qua, Tập Cận Bình muốn đánh tan giai tầng dạng này và đoạt lợi ích về tay mình.
Thế lực to lớn phía sau “Mao Đài Hội” của Lý Bá Đàm
Giả Khánh Lâm có một con trai và một con gái. Con gái Giả Tường (còn được gọi là Lâm Thanh) kết hôn với Lý Bá Đàm và có một con gái tên Lý Tử Đan.
Lý Bá Đàm từng là giao dịch viên trong bộ phận ngân quỹ của Ngân hàng Trung Quốc (Bank of China) và là người phụ trách khu vực châu Á của HARLLOWBUTLER Hồng Kông (thuộc sở hữu của Anh); hiện là chủ tịch kiêm tổng giám đốc của Công ty Đầu tư Chiêu Đức Bắc Kinh và là Chủ tịch Trường Quản lý Khách sạn Trung Thụy.
“Mao Đài Hội” là một câu lạc bộ trực thuộc Hiệp hội Nghiên cứu Văn hóa Rượu Mao Đài Quốc gia Bắc Kinh do cựu Chủ tịch Tập đoàn Mao Đài Quý Khắc Lương, Viên Nhân Quốc và Lý Bá Đàm đồng sáng lập vào tháng 12/2009. Tại thời điểm đó, câu lạc bộ có tổng cộng hơn 600 hội viên, được biết đến là “bao gồm giới nghệ thuật, giới văn hóa cũng như vô số tinh anh trong giới kinh doanh.”
Địa chỉ của “Mao Đài Hội” nằm ở Công viên Xương Bồ Hà, Nam Trì Tử, Đại lộ Trường An, Bắc Kinh. Phố Nam Trì Tử là con phố lớn nằm bên trong Hoàng Thành từ thời nhà Thanh, sát bên Bức Tường đỏ của Tử Cấm Thành và tiếp giáp trung tâm chính trị của Bắc Kinh.
Chiều 21/12/2009, cuộc họp khai mạc của Hiệp hội Nghiên cứu Văn hóa Rượu Mao Đài Quốc gia Bắc Kinh đã khai màn tại hội trường tầng 3 của Đại lễ đường Bắc Kinh với gần 300 người tham dự.
Truyền thông Hồng Kông đưa tin rằng cuộc họp khai mạc do Triệu Trung Tường và Lưu Phương Phi của CCTV chủ trì. Chủ tịch Tập đoàn Mao Đài lúc ấy là Quý Khắc Lương đã đảm nhận vị trí Chủ tịch nhiệm kỳ 1, còn Chủ tịch tập đoàn Cao Đức Bắc Kinh là Lý Bá Đàm đảm nhận vị trí Phó chủ tịch và tổng thư ký.
Các chủ tịch danh dự của “Mao Đài Hội” bao gồm Lưu Trường Lạc, Chủ tịch Truyền hình vệ tinh Phượng Hoàng; Khổng Đan, cựu Chủ tịch Tập đoàn CITIC; Kiều Thanh Thần, cựu Tư lệnh Không quân Trung Cộng; Lưu Vĩnh Chí, cựu Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị Quân đội; Chu Khải, cựu Tư lệnh Quân khu Bắc Kinh; Kiều Tông Hoài, cựu Thứ trưởng bộ Ngoại giao; Dương Chiêu, cựu Chủ tịch Tập đoàn Bảo hiểm Nhân thọ Trung Quốc; Trương Lực, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn R&F Properties, v.v…
Jack Ma không chỉ là Chủ tịch danh dự của Mao Đài Hội, mà còn là Phó chủ tịch Hội đồng trị sự nhiệm kỳ 1 của “Mao Đài Hội.”
Ngoài ra, Xa Phong, con rể của cựu Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Cộng Đới Tương Long cũng được đưa vào vị trí Phó chủ tịch Hội đồng trị sự nhiệm kỳ 2. Xa Phong bị cáo buộc là “bạch thủ sáo” (găng tay trắng – trung gian rửa tiền, hoặc tham gia vào hoạt động phi pháp với lớp vỏ hợp pháp) của phe cánh họ Giang.
Kể từ khi “Mao Đài Hội” được thành lập, Lý Bá Đàm đã giữ vị trí tổng thư ký trong ít nhất hai nhiệm kỳ và là người điều hành thực sự của “Mao Đài Hội.”
Trong hai năm 2013 và 2014, Trung Cộng đã lớn tiếng “chỉnh trị các câu lạc bộ”, nghiêm cấm các quan chức đến hoạt động tại các câu lạc bộ tư nhân. Bắc Kinh tuyên bố rằng tất cả các câu lạc bộ tư nhân tại các công viên nội trong thành phố sẽ bị đóng cửa. Tuy nhiên, theo điều tra của giới truyền thông, dù đã bị “hủy niêm yết” nhưng “Mao Đài Hội” vẫn hoạt động bí mật.
Những nhân sỹ biết rõ nội tình ở Bắc Kinh đã tiết lộ rằng thủ đoạn “đầu tư” sở trường nhất của Lý Bá Đàm trong mười năm qua chính là dựa vào quan hệ cá nhân và hậu đài chính trị để vung tiền.
Giả Khánh Lâm là thân tín của cựu lãnh đạo Trung Cộng Giang Trạch Dân. Năm 2000, vụ án buôn lậu Hạ Môn Viễn Hoa đã liên lụy đến một số lượng lớn quan chức cấp cao của Trung Cộng. Thế nhưng dưới sự bảo hộ của Giang Trạch Dân, một nhân vật nhúng sâu vào vụ án là Giả Khánh Lâm, đã không chỉ an toàn thoát tội, mà còn được đề bạt lên Bắc Kinh, sau đó gia nhập Bộ Chính trị và nhận chức Ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội nghị Hiệp thương Chính trị (gọi tắt là Chính Hiệp).
Giang Nam Hội là một trong những chi nhánh của “Mao Đài Hội”
Các tài liệu công khai cho thấy ngoài Nam Trì Tử Bắc Kinh Tổng Hội, “Mao Đài Hội” còn có các chi nhánh Mao Đài Phổ Giang Hội ở Thượng Hải, Mao Đài Giang Nam Hội ở Hàng Châu, Mao Đài Lĩnh Nam Hội ở Quảng Châu, và Mao Đài Tam Giang Hội ở Đại Liên.
“Giang Nam Hội” là câu lạc bộ do Jack Ma sáng lập và đầu tư xây dựng. Những người đồng sáng lập bao gồm 8 ông chủ lớn ở Chiết Giang: Jack Ma, Đinh Lỗi, Trần Thiên Kiều, Phùng Căn Sinh, Thẩm Quốc Quân, Tống Vệ Bình, Lỗ Vĩ Đỉnh và Quách Quảng Xương. “Giang Nam Hội” cũng được coi là một nhánh của “Mao Đài Hội”.
Truyền thông Đại lục tiết lộ rằng có một bữa tiệc tối rất nổi tiếng ở Hàng Châu với hơn trăm nhân vật nổi tiếng tới tham dự, trong đó gồm cả Jack Ma, Quách Quảng Xương, Đinh Lỗi, Thẩm Quốc Quân, Phùng Căn Sinh, Quý Khắc Lương, vợ chồng Trần Khải Ca, Vu Khôi Trí và Phương Phương,… Người ta nói rằng “Giang Nam Hội” và “Mao Đài Hội” ở Bắc Kinh có cách uống rượu Mao Đài hơi khác nhau.
Tháng 1/2014, Thường vụ Tỉnh ủy Chiết Giang Trung Cộng đã tổ chức một hội nghị chuyên đề để truyền đạt chỉ thị của Tập Cận Bình liên quan đến vấn đề các “câu lạc bộ” cao cấp ở khu thắng cảnh Hồ Tây, yêu cầu Đảng bộ và chính quyền thành phố Hàng Châu chấn chỉnh và cho đóng cửa các “câu lạc bộ” cao cấp ở khu danh thắng Hồ Tây.
Sau đó, các cơ sở kinh doanh cao cấp như “Giang Nam Hội”,… đã “chủ động đóng cửa”.
Nhiều phương tiện truyền thông đưa tin, tại phiên họp toàn thể lần thứ ba của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương, ông Tập Cận Bình đã rất tức giận, chỉ trích “Tham nhũng công quỹ để ăn uống vì sao cấm mãi không chừa? Phải chăng có hậu đài phía sau?”
Ông trực tiếp nêu đích danh các câu lạc bộ tư nhân ở Công viên Bắc Hải và Khu thắng cảnh Hồ Tây.
Tin đồn tham nhũng của gia tộc Giả Khánh Lâm truyền khắp “kinh thành”
Nhiều năm qua, bê bối tham nhũng của gia tộc Giả Khánh Lâm đã lan rộng khắp “kinh thành”.
Theo báo cáo, vào năm 1993, con trai của Giả Khánh Lâm đã bị kết án 5 năm tù tại Úc vì tội rửa tiền, còn Giả Tường bị nghi ngờ “ngồi không” kiếm hàng trăm triệu USD.
Kể từ năm 1996, sau khi Giả Khánh Lâm được Giang Trạch Dân chuyển đến Bắc Kinh làm thị trưởng kiêm bí thư thành ủy thành phố, chuỗi lợi ích của gia đình họ Giả cũng chuyển từ Phúc Kiến lên Bắc Kinh.
Lý Bá Đàm thành lập Tập đoàn Chiêu Đức Bắc Kinh vào năm 2005 với số vốn đăng ký 100 triệu NTD. Đây là một tập đoàn doanh nghiệp đầu tư tư nhân liên quan đến các ngành nghề: bất động sản, năng lượng, giáo dục, quảng cáo và các ngành công nghiệp khác. Các khu vực đầu tư gồm Bắc Kinh, Hà Bắc, Hàng Châu, Trùng Khánh, Vân Nam, Hải Nam,…
Trong lĩnh vực đầu tư bất động sản, tập đoàn này đầu tư chủ lực vào du lịch, bất động sản thương mại và nhà ở cao cấp. Các dự án được phân bổ tại những khu vực như Bắc Kinh, Chiết Giang, Vân Nam, Hải Nam,…
Trong lĩnh vực năng lượng, tập đoàn tập trung vào đầu tư dự án than, dầu khí, nước và kim loại màu; tiến hành đầu tư vào một số dự án nhất định khai thác tài nguyên than và khoáng sản ở Vân Nam và Tân Cương.
Trong lĩnh vực truyền thông, tập đoàn này sở hữu hai công ty quảng cáo tài nguyên truyền thông, chuyên kinh doanh quảng cáo tại các biển báo đường nổi tiếng ở Bắc Kinh, biển báo dừng taxi, sảnh ga tàu điện ngầm, đường sắt cao tốc sân bay và các trụ đơn trên Đường vành đai 4 phía Đông.
Trong lĩnh vực giáo dục, tập đoàn này đã hợp tác với các đơn vị như Trường Quản lý Khách sạn Lausanne của Thụy Sĩ, Trường Đại học Nghiên cứu Quốc tế Bắc Kinh,…để đầu tư thành lập và vận hành Học viện Quản lý Khách sạn Quốc tế Bắc Kinh tại Bắc Kinh.
Trong lĩnh vực văn hóa, tập đoàn này đầu tư thành lập Công ty đấu giá quốc tế Vĩnh Lạc, đưa nhà đấu giá Christie’s (Anh quốc) vào thị trường đấu giá Trung Quốc.
Ngoài ra, công ty đã có được quyền đầu tư, xây dựng và khai thác BOT đường cao tốc sân bay mới Côn Minh trong 30 năm. Tổng kim ngạch đầu tư là 2.2 tỷ NDT.
Tiêu Kiến Hoa, người được coi là “bạch thủ sáo” (găng tay trắng) của gia tộc Tăng Khánh Hồng, có quan hệ mật thiết với nhiều “thái tử đảng” của phe cánh họ Giang như Lý Bá Đàm,…
Vào tháng 1 năm 2009, công ty niêm yết Baotou Tomorrow Technology Co., Ltd. (Bao Đầu Minh Thiên) thông báo sẽ đầu tư 350 triệu NDT để mua lại một công ty bất động sản ở thành phố cổ Lệ Giang từ tập đoàn Chiêu Đức Bắc Kinh.
Ông Tập truy kích gia tộc Giả Khánh Lâm
Kể từ nửa cuối năm 2013, Lý Bá Đàm hiếm khi xuất hiện trước công chúng với tư cách là Tổng thư ký của “Mao Đài Hội” mà chỉ sử dụng chức danh chủ tịch tập đoàn Chiêu Đức Bắc Kinh để đi khảo sát các nơi.
Ngày 17/12/2014, Lý Bá Đàm được bầu làm giám đốc độc lập của Mao Đài Quý Châu. Mao Đài Quý Châu là một trong những công ty con được niêm yết của tập đoàn Mao Đài.
Ngay sau đó, nhà cầm quyền bắt đầu một “cơn bão chống tham nhũng” chống lại tập đoàn Mao Đài. Cho đến nay, đã có ít nhất hơn mười giám đốc điều hành cấp cao của tập đoàn này bị điều tra. Những người này bao gồm Viên Nhân Quốc, một trong những người sáng lập “Mao Đài Hội”, và Lưu Tự Lực, phó chủ tịch kiêm tổng giám đốc của Công ty sản xuất rượu Mao Đài Quý Châu, người từng là phó chủ tịch Mao Đài Hội.
Ngày 17/12/2020, Lý Bá Đàm từ chức giám đốc độc lập của Mao Đài Quý Châu.
Năm 2019, trong một cuộc phỏng vấn, học giả Đài Loan Ngô Gia Long cho biết kể từ khi phong trào “chống dự luật dẫn độ” bùng nổ ở Hồng Kông, các chức sắc Trung Cộng thuộc phe cánh của Giang đã chuyển tiền sang Campuchia, Singapore và những nơi khác.
Ngô Gia Long tiết lộ, “Cựu Chủ tịch Chính Hiệp toàn quốc Giả Khánh Lâm đã thuê một phi cơ riêng chở vàng, đô la Mỹ, Euro,… đến Campuchia. Đây là những gì một doanh nhân Đài Loan nói với tôi.”
Vào tháng 2 năm nay, tờ “Financial Times” đưa tin Trung Cộng đang nghiên cứu việc thắt chặt các biện pháp chống rửa tiền ở Hồng Kông. Các biện pháp chống rửa tiền ở Hồng Kông vốn chỉ nhắm đến những người ở hải ngoại, hiện đã được mở rộng để bao gồm cả các quan chức đại lục.
Thêm vào đó, một số thân tín của Giả Khánh Lâm cũng đã xảy ra chuyện.
Hoàng Như Luân, chủ tịch của Century Golden Resources Group, người bị cáo buộc là một trong những “túi tiền” của gia tộc Giả Khánh Lâm, đã bị bãi miễn chức vụ Ủy viên Ủy ban Chính Hiệp Nhân dân Trung Quốc tỉnh Phúc Kiến vào tháng 6/2017 vì nghi ngờ hối lộ.
Truyền thông nước ngoài dẫn lời nhân sỹ biết rõ nội tình ở Bắc Kinh cho biết: “Ngoại giới vẫn cho rằng tập đoàn Kim Nguyên “mang họ Hoàng”, về mặt pháp lý thì không sai, nhưng trên thực tế, Hoàng Như Luân chỉ là tay sai của nhà họ Giả, là người vận hành các công việc kinh doanh cụ thể. Ông chủ thực sự là Lý Bá Đàm, con rể của Giả Khánh Lâm.”
Ngày 2/3/2017, “phó bí thư” của Giả Khánh Lâm là Tôn Hoa Sơn, cựu ủy viên Chính Hiệp toàn quốc và cựu giám đốc Ủy ban Hoa kiều Hong Kong, Macao, Đài Loan ngã ngựa. Tháng 9/2018, Tôn Hoài Sơn bị kết án 14 năm tù.
Tôn Hoài Sơn từng giữ chức Phó Tổng thư ký Chính Hiệp Toàn quốc trong 17 năm, trong đó có 10 năm làm việc cùng cựu Chủ tịch Chính Hiệp Toàn quốc Giả Khánh Lâm.
Do Ye Ziming thực hiện
Hằng Nga biên dịch
Xem thêm: