Lạc lối ở Istanbul
Tôi yêu thích một chuyến lang thang khám phá thủ đô Istanbul lâu đời của người Byzantine và Ottoman. Các chuyến đi như vậy mang đến vô số những ngạc nhiên nho nhỏ cho những du khách gan dạ.
Nằm trên hai lục địa, với một lịch sử của các đế chế, và bầu không khí bên bờ biển độc nhất vô nhị, Istanbul là thành phố tôi yêu thích ghé thăm trên thế giới. Tôi đã từng ở đó với tư cách là một khách du lịch, một người làm công, một cư dân, và thậm chí là một người nổi tiếng (rất) nhỏ khi trình bày hồi ký du lịch của mình cho hội nghị thượng đỉnh về ẩm thực, Gastro Istanbul, vào năm 2013.
Mỗi lần đến với Istanbul là một lần tôi thấy một khía cạnh hoàn toàn khác của thành phố.
Khu di tích lịch sử Thành cổ Istanbul là nơi nhất định phải đến thăm. Ở đó có nhà thờ Byzantine là Hagia Sophia có niên đại từ thế kỷ thứ 6. Đây là nhà thờ lớn nhất ở Christendom trong nhiều thế kỷ, trước khi nhà thờ St. Paul tiếp quản danh tiếng đó. Và Đền thờ Hồi giáo Sultan Ahmed Mosque, còn được gọi là Blue Mosque (Thánh đường Xanh,) là nơi thờ phượng được đặt tên theo tên của vị vua Hồi giáo Sultan Ahmet. Bên cạnh đó còn có một cung điện, và chợ lớn Grand Bazaar.
Đó một danh sách đơn giản [những nơi có thể tham quan]. Thậm chí cả những chiếc tàu tuần dương cũng có thể đậu lại để có một chuyến du ngoạn trên bờ trong 1 ngày.
Thi thoảng, tôi lại quay lại tham quan một số nơi này. Tuy nhiên, tôi thích một chuyến lang thang khám phá thủ đô Istanbul lâu đời của người Byzantine và Ottoman. Các chuyến đi như vậy mang đến vô số những ngạc nhiên nho nhỏ cho những du khách gan dạ. Hãy mang giày đi bộ của bạn vào nào.
Du lịch đơn độc
Đi taxi thì rẻ, nhưng hệ thống giao thông công cộng – xe buýt, xe điện, tàu điện ngầm, phà, và xe buýt nhỏ – lại rất đáng để thử. Trong một lần ghé thăm thành phố, tôi bắt xe buýt công cộng để tới tham quan bức tường thành Byzantine có từ thế kỷ thứ 5, dài bốn dặm. Vị tài xế xe buýt thân thiện với [những câu từ] tiếng Anh đơn giản đã cho tôi xuống xe giữa các trạm dừng cách lối vào Thánh đường Chora vài dãy nhà.
Thánh đường Chora (hay còn gọi là Kariye Muze trong tiếng Thổ Nhĩ Kỳ) là một nhà thờ Byzantine. Cái này này có nghĩa là “bên ngoài thành phố” – và chính xác là như vậy, trước khi bức tường thành được xây dựng. Mặc dù con đường ở đó được nhiều người biết đến, nhưng lại có chiều dài dằng dặc. Vì vậy, Thánh đường này thường là một điểm đến đáng chú ý trong một chuyến du lịch chớp nhoáng giản tiện, giới hạn trong khuôn viên Thành cổ Istanbul.
Được biết đến với những bức tranh khảm và những bức bích họa nổi tiếng từ thế kỷ 14, Thánh-đường-trở-thành-Đền-thờ Chora không hẳn là không có người tham quan. Tôi đã sững sờ không thốt nên lời khi ngắm nhìn những bức bích họa rực rỡ bên trong các mái vòm và các kiến trúc hình vòng cung phía trên đầu mình.
Sau đó, tôi bắt đầu đi bộ về phía bắc – nơi có bức tường được UNESCO vinh danh, để tìm một chỗ có thể trèo lên ngắm cảnh. Tuy nhiên, khi đi dọc bên trong các hàng phòng thủ của thành phố, tôi đã tìm ra một cái hang tối trên những phiến đá.
Tôi thò đầu vào và để mắt thích nghi với độ sáng bên trong. Một vài người đàn ông thân lấm lem mùn cưa mỉm cười và vẫy tôi vào uống trà. Đó là một nét văn hóa xã hội căn bản mà bạn không thể tránh được. Họ rất vui vẻ cho tôi xem hoạt động chế tác gỗ phía bên trong cái hang-trong-tường theo đúng nghĩa đen của họ. Những trải nghiệm như vậy của tôi ở Thổ Nhĩ Kỳ đã xảy ra nhiều hơn số lần tôi có thể đếm được.
Từ nơi đó, tôi đi bộ trở lại Thành cổ Istanbul. [Trên đường trở về, tôi đi] qua tàn tích của một cây cầu dẫn nước La Mã. Tình cờ, tôi bắt gặp một vài ngôi nhà bằng gỗ của Đế quốc Ottoman còn sót lại. Ở đó, tôi mua dâu tây từ một người bán hàng rong, và trò chuyện với một người thợ may lớn tuổi đang quản lý một trong những tòa nhà cũ nát này.
Vượt biển
Chia cắt hai bờ Âu Châu (Thrace) và Á Châu (Anatolia) của Istanbul, eo biển Bosphorus là một eo biển hẹp liên kết Biển Đen ở phía bắc với Biển Marmara ở phía nam và phía tây (biển Marmara dẫn ra biển Aegean và biển Địa Trung Hải.)
Eo biển Bosphorus là một kênh vận chuyển tấp nập nhộn nhịp với vùng nước đen bị cắt chéo bởi một đoàn phà chở khách nhỏ. Tôi gọi chúng là những con tàu du lịch của người dân.
Với khoảng 50 xu, người ta có thể đi từ bến tàu ở Quảng trường Eminonu – từ những điểm tham quan trên đồi của Thành cổ Istanbul đi xuống – đến phía Á Châu, xuống tàu ở Uskudar, khu di tích lịch sử đông đúc dân cư, hoặc Kadıkoy, một địa điểm thời thượng và nổi tiếng hơn gần đây.
Cách đây nhiều năm, từ bến phà ở Uskudar, tôi đã men theo con đường lên ngọn đồi cao để đến một nhà hàng do người bạn địa phương giới thiệu, có tên là Temel Reis, hay Popeye trong tiếng Anh. Họ phục vụ món bánh pide truyền thống lấy cảm hứng từ Biển Đen (Kara Deniz.)
Không giống như các loại bánh mì phẳng phổ biến khác của Thổ Nhĩ Kỳ, bánh pide này có một lớp vỏ khép kín, và được phục vụ với những muỗng bơ nóng chảy trên đó. Hoặc một chiếc bánh pide hình tròn đẹp mắt với phô mai Trabzon, bơ, và lòng đỏ trứng mềm.
Chiếc bánh ngon đến mức nào ư? [Đến mức] tôi luôn quay trở lại nhà hàng này mỗi khi đến Istanbul.
Con trâu không chìm
Tôi nhớ khi đi ngang qua cảng biển/vịnh hẹp Halic (hay còn gọi là Golden Horn,) bản thân tôi đã đi bộ từ bến tàu của Thành cổ Istanbul, và băng qua hàng loạt người câu cá đang thả câu từ Cầu Galata. Vịnh hẹp này kéo dài sang phía Âu Châu của thành phố, tách Thành cổ Istanbul khỏi quận Beyoglu.
Quận Beyoglu là nơi có bao gồm khu dân cư Galata bên bờ biển và đỉnh đồi Pera, hai khu phố lịch sử từng bị chi phối bởi các ngân hàng nước ngoài và các lợi ích thương mại. Giờ đây, hai khu phố vẫn là nơi đặt trụ sở của nhiều lãnh sự quán nước ngoài.
Kể từ năm 1875, một đường tàu điện ngầm đã được chạy từ bến tàu ở Karakoy đến cuối Đại lộ Istiklal Caddesi, nối liền hai nơi này.
Đại lộ Istiklal Caddesi, hay còn gọi là Con đường Độc lập, là phố đi bộ nổi tiếng ở Istanbul. Con phố cách Quảng trường Taksim một dặm.
Đường tàu điện ngầm dây cáp này [có lịch sử lâu đời] chỉ sau mạng lưới tàu điện ngầm London Underground. Khi lên tới trên đỉnh, du khách có thể bước lên một chiếc xe điện chạy lên và xuống con phố Istiklal, mang theo cảm giác hoài cổ như đang trong thế kỷ 19.
Tôi chọn cách đi bộ, lướt qua một vài hiệu sách, trước khi thoát khỏi đám đông trên Đại lộ Istiklal, để vào những con đường nhỏ hẹp. Tôi tìm thấy một nơi có phục vụ manti, loại bánh bao nhân thịt băm nhỏ được làm thủ công, tương tự như bánh tortellini. Bánh bao manti được ủ trong sữa chua tỏi với dầu và hạt tiêu Aleppo, rắc thêm gia vị sumac và bạc hà khô. Đây là một món ăn mà tôi mong đợi sẽ được tìm hiểu sâu hơn ở vùng Tiểu Á của Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, tất cả mọi con đường ẩm thực đều dẫn đến Istanbul.
Tôi leo từng bước đến nơi-mà-ai-cũng-biết {Beyoglu}, đi qua [những bức tường có] vẽ graffiti đầy nghệ thuật, và cuối cùng tìm thấy Bảo tàng Ngây thơ. Bảo tàng này là một ngôi nhà có từ thế kỷ 19, được tu sửa cho đồng dạng với cuốn tiểu thuyết cùng tên của Orhan Pamuk, tác giả người Thổ Nhĩ Kỳ từng đạt giải Nobel.
Quanh co trở lại Đại lộ Istiklal lần nữa, tôi đi thẳng vào một con hẻm khuất. Ở đó, tôi tìm thấy tiệm cà phê Mandabatmaz, cái tên có nghĩa là “con trâu không chìm”. Tiệm cà phê nhỏ với cửa sổ mở này phục vụ một trong những loại cà phê Thổ Nhĩ Kỳ ngon nhất trong thị trấn.
Hầu hết mọi mô tả về quy trình pha chế cà phê truyền thống đều nhấn mạnh vào việc đun sôi cà phê một cách từ từ 2 lần trước khi phục vụ. Tuy nhiên, ông chủ tiệm cà phê này đã nhảy ngay đến bước cuối với vô số những chiếc bình cezve – bình cà phê nhỏ cán dài – trên ngọn lửa bếp gas, và rót chúng ra để phục vụ nhanh nhất có thể. Khi đã nốc đầy caffein, tôi quay trở lại Đại lộ, đi xuống ngọn đồi dốc về phía biển, trên con đường đá cuội, ngang qua các cửa hàng nhạc cụ và Tòa tháp Galata cao 220 foot do người Genova xây dựng vào năm 1348.
Trên con đường đất cạnh bến cảng, tôi dừng lại để ăn nhẹ món hến chiên giòn với với nước sốt tỏi, một món ăn phổ biến của Istanbul. Bên kia đường, một người đàn ông đang bán những món đồ đã qua sử dụng trên chiếc xe đẩy. Một chiếc bình moka kiểu cũ đã thu hút sự chú ý của tôi. Đồ bỏ đi của người này là cả một kho báu đối với người khác. Anh ta muốn số lira tương đương 10 USD cho chiếc bình. Tôi mặc cả 5 USD. Cả anh ấy và tôi đều ra về với ý nghĩ rằng mình là người được hời. Tôi bật cười khi thấy những giọt cà phê cuối cùng vẫn còn đọng lại trong bình. Chiếc bình moka có lẽ vừa được sử dụng và vứt đi vào sáng hôm đó. (Sau khi được đánh bóng, chiếc bình sẽ được lên kệ cùng với các dụng cụ pha cà phê cổ khác ở nhà tôi.)
Thành phố bốn mùa
Bạn có thể ghé thăm Istanbul vào bất kể thời điểm nào trong năm. Trong quá khứ, mùa xuân và mùa thu đồng nghĩa với việc có ít khách du lịch hơn, mặc dù sự gia tăng du lịch đã giảm thiểu lợi thế đó. Mùa hạ oi ả cũng có sức hấp dẫn. Để dịu bớt cái nắng nóng, tôi đã đi phà đến Quần đảo Hoàng Tử ở Biển Marmara, để ngắm nhìn cảnh biển tuyệt đẹp và thăm thú các tu viện kiểu Hy Lạp cổ. Hãy lên tàu du lịch đến Kadıkoy vào cuối ngày để tận hưởng làn gió biển mát lạnh. Bạn có thể quay đầu lại ngắm nhìn Thành cổ Istanbul khi mặt trời lặn sau đường chân trời độc đáo, trước khi tìm [cho mình] một bữa tối đầy mỹ vị với hải sản tươi.
Vào mùa đông, hãy mặc ấm và quan sát hơi thở của bạn phả ra trong cái giá lạnh và ẩm ướt của eo biển Bosphorus trong khi đang nhâm nhi một tách sữa sahlep nóng phủ quế. Đây là thức uống được làm từ bột củ hoa lan chỉ dành cho mùa đông.
Một lớp tuyết đã phủ kín Istanbul. Có một lần, trên chuyến phà đến phía Á Châu của thành phố, tôi đã chứng kiến một cơn bão mùa đông ập đến từ phía sau, làm mờ dần bóng dáng khu Thành cổ Istanbul, cho đến khi chỉ còn lại một màu trắng xóa. Cơn bão dường như đã xóa sổ thế giới, chỉ để lại tôi và những người Thổ, trên một chiếc phà lênh đênh trên eo biển Bosphorus. Những cơn gió dữ dội bất ngờ đóng sập cửa cabin khiến tôi phải dốc toàn lực chống chọi lại, để ra ngoài boong tàu quan sát.
Trong 15 phút cuối của cuộc hành trình, Istanbul [dường như] không còn tồn tại, mà chỉ còn là một quả cầu tuyết. Bến tàu Kadıkoy hiện ra trước mắt chúng tôi. Các công nhân ở bến tàu nghiêm túc và hối hả làm việc để bảo đảm an toàn cho con tàu. Họ thả tấm ván lên tàu với một tiếng lách cách và chào đón tất cả chúng tôi trở lại vùng đất liền của Istanbul.
Để biết thêm những câu chuyện về Thổ Nhĩ Kỳ, hãy tìm đọc cuốn sách “The Yogurt Man Cometh: Tales of an American Teacher in Turkey” của tác giả.
Ông Kevin Revolinski là người đam mê du lịch, tác giả của 15 cuốn sách, bao gồm một số những cuốn sách hướng dẫn về du lịch ngoài trời và xưởng bia. Ông hiện đang sống tại Madison, Wisconsin, và bạn có thể truy cập vào trang web của ông tại TheMadTraveler.com.
Nhã Liên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: