Kyushu, Nhật Bản: Vùng đất lửa
Kyushu là nơi có ngọn núi lửa hoạt động mạnh nhất của Nhật Bản, đỉnh núi Aso cao hơn 1,500 mét, nó cũng là vùng cận nhiệt đới, trù phú và xanh tươi với những bãi biển và cây cọ. Kyushu cũng là nơi kết nối duy nhất của Nhật Bản với thế giới bên ngoài trong suốt thế kỷ “sakoku”, khi đất nước đóng cửa từ thế kỷ 17 đến thế kỷ 19.
Cái nóng — tôi sẽ không bao giờ quên cái nóng đó. Toàn bộ những gì xung quanh tôi đang xâm nhập, nướng cơ thể tôi như một miếng bít tết trong túi hút chân không. Tôi trèo vào nằm trong một cái hố dài và nông do hai người phụ nữ miệt mài đào, họ nhanh chóng dùng xẻng xúc đất đổ lên người tôi, cho đến khi gần như tất cả mọi chỗ, tay, chân, thậm chí cả cổ tôi đều bị lấp. Chỉ còn khuôn mặt và đỉnh đầu tôi trồi lên khỏi lớp đất đen núi lửa. Tôi nhanh chóng đổ mồ hôi đầm đìa, chảy dài trên mặt và hòa tan vào lớp đất bùn cổ xưa. Họ nói với tôi rằng nó tốt cho tôi, rất tốt cho da — là một quá trình phục hồi. Ngâm mình tối thiểu trong 15 phút. Nhưng sau 10 phút, cái nóng vẫn tăng lên, tôi đã không chịu nổi mà rũ bỏ lớp cát tắm và đi xả mình trong suối khoáng nóng.
Tôi đã ở Kyushu, vùng cực nam của các hòn đảo chính của Nhật Bản. Đây là vùng đất có suối nước nóng, mạch nước phun và hoạt động địa nhiệt sôi sục. Là nơi có ngọn núi lửa hoạt động mạnh nhất của đất nước, đỉnh núi Aso cao hơn 1,500 mét, nó cũng là vùng cận nhiệt đới, trù phú và xanh tươi với những bãi biển và cây cọ. Và cũng có một lịch sử lâu đời ở đây — hòn đảo gần lục địa Á Châu nhất, Kyushu là nơi kết nối duy nhất của Nhật Bản với thế giới bên ngoài trong suốt thế kỷ “sakoku”, khi đất nước đóng cửa từ thế kỷ 17 đến thế kỷ 19.
Đi tàu cao tốc từ Tokyo, tôi đến Beppu, một thành phố nhỏ ven núi với dân số khoảng 120,000 người. Đây là một địa điểm nổi tiếng đối với người Nhật nhưng vẫn ít được du khách quốc tế biết đến. Ở đây, khoảng 2,000 suối khoáng nóng chảy khắp thị trấn, các miệng núi lửa dọc theo hai bên đường bốc hơi cả ngày, giải phóng chỉ một phần nhỏ năng lượng sôi sục bên dưới thông qua các đường ống, ống khói và các lỗ trên mặt đất. Tất cả những điều đó đem lại ấn tượng rằng cả thị trấn luôn ở trong lửa. (Tất nhiên, theo một cách nào đó, nó chính là như vậy).
Đầu tiên? Tắm cát. Có người chọn làm điều này trên bãi biển, nhưng đêm đầu tiên của tôi ở thị trấn có mưa, vì vậy tôi đi đến Takegawara. Được công nhận là một địa danh lịch sử quốc gia, tòa nhà này ngày nay trông giống như một ngôi đền. Ban đầu nó được xây dựng vào năm 1879, trên một suối nước nóng, nơi những người tắm tụ tập trong các bồn đá. Sau đó, người ta xây dựng lại nó ba lần; và nó có tình trạng như hiện tại vào năm 1938.
Ở Nhật Bản, có 27,000 suối khoáng nóng, truyền thống nói rằng các vị thần cổ đại đã được năng lường từ những con suối này chữa lành. Bạn phải thực hiện một quy trình tẩy rửa nghiêm ngặt trước khi bước vào bồn tắm — bất kỳ vết bẩn hoặc xà phòng nào đều không được chấp nhận. Việc tắm thường được phân chia theo giới tính và bạn sẽ không tìm thấy bất kỳ bộ đồ bơi nào — đây là kiểu tắm mà bạn phải tận hưởng khi khỏa thân.
Sau khi ngồi trên một chiếc ghế đẩu thấp và tắm rửa sạch sẽ trong phòng thay đồ nhỏ của Takegawara, khách sẽ mặc “yukata”, một chiếc áo choàng mùa hè và tiến vào một căn phòng chứa đầy đất đen bốc hơi. Nghi lễ này đã được người Nhật thực hiện từ thời Edo, bắt đầu từ thế kỷ 17. Ngâm trong cát, có thể đạt đến nhiệt độ 130 độ F (khoảng 54 độ C), tràn ngập khoáng chất. Người dân địa phương gọi nó là “suna-mashi”, nó có tác dụng cải thiện mọi bệnh tật, từ bệnh tiểu đường, hen suyễn cho đến bệnh thiếu máu.
Nhưng Beppu còn nhiều điều hơn là cát, bao gồm cả Địa ngục. Một loạt bảy bể nước nóng, được nối với nhau bằng các con đường và cầu, mỗi bể này có một chủ đề riêng, với chỉ số nhiệt độ cao nhất lên đến 200 độ F (93 độ C). Các hướng dẫn viên rất nhiệt tình kể về các sự kiện và bình luận ở mỗi điểm dừng, nhưng đối với tôi thì hầu như tất cả phần diễn giải đều không được trọn vẹn.
Với mỗi khúc ngoặt, bạn sẽ có những trải nghiệm khác biệt, từ những chậu bùn sủi bọt ở Oniishibozu Jigoku đến mạch nước phun ở Tatsumaki Jigoku, cứ mỗi nửa giờ hoặc hơn sẽ phóng nước lên không trung trong khoảng 10 phút. Kỳ lạ hơn cả là Oniyama Jigoku, nơi có một tấm biển thông báo cho du khách bằng tiếng Anh và tiếng Nhật: “Lực hơi nước ở đây mạnh đến nỗi có thể kéo được một toa rưỡi xe lửa, và nó tạo điều kiện lý tưởng cho cá sấu sinh sản.” Như lời quảng cáo, bể chứa đầy cá sấu, mũi chúng chạm đến mép của lối đi bộ vốn đã được rào an toàn.
Gần đó, bạn có thể đặt bữa trưa tại một nơi trông giống như quán ăn nhanh bình thường, ngoại trừ thay vì nướng, thức ăn được đặt trong hộp gỗ và được làm nóng trên một lò đá truyền năng lượng địa nhiệt bên dưới. Mặc dù thực đơn hoàn toàn bằng tiếng Nhật, nhưng có các bức ảnh hữu ích minh họa — gà, cá, cơm, bánh bao. Chỉ vào lựa chọn của bạn và chỉ đợi tám phút để nhân viên phục vụ mang đến cho bạn.
Là một hòn đảo tương đối nhỏ và cực kỳ nhiều núi, bạn có thể dễ dàng đến Kyushu bằng các chuyến tàu, những con tàu này uốn lượn dọc theo hai bên của các thung lũng sâu và vang vọng qua vô số đường hầm. Fukuoka, phía bắc Beppu, là thành phố lớn nhất trên đảo và là một nơi dễ chịu. Tại đây có bảo tàng nghệ thuật và một lâu đài, cùng với một công viên lớn mà du khách có thể thư thả trên những chiếc thuyền thiên nga chạy bằng bàn đạp mỗi buổi chiều. Hướng về phía nam, ở Nagasaki, Công viên Hòa bình trôi qua với các đài phun nước và một số đài kỷ niệm, tất cả đều ghi nhớ ngày định mệnh năm 1945 khi quả bom hạt nhân phá hủy một khu vực rộng lớn của thành phố này. Một bức tượng duyên dáng, cao 33 feet hướng lên bầu trời, chú tâm đến những mối đe dọa vô hình từ trên cao.
Có một cầu cảng với các nhà hàng ngay trên mặt nước, và một chiếc thuyền chèo truyền thống đưa bạn lên đỉnh núi, bao quát thành phố dưới chân. Và chính tại đây, trên hòn đảo nhân tạo hình quạt Dejima (nghĩa đen là “Đảo Lối Ra”) mà Nhật Bản vẫn kết nối với thế giới bên ngoài trong Thời kỳ đóng cửa Quốc gia từ năm 1641 đến năm 1859. Ban đầu Dejima được xây dựng để cung cấp một nơi tách biệt khỏi thành phố để tạo thuận lợi cho giao thương với người Bồ Đào Nha. Người Hà Lan trong phần lớn thời kỳ này đã mang theo lụa và bông, với các chuyến tàu chở bạc, đồng và sứ Nhật Bản đến Batavia – Jakarta ngày nay. Đi dạo quanh trạm giao dịch được xây dựng lại sẽ đưa bạn quay ngược thời gian đến với một phần của đất nước Hà Lan ở phía bên kia thế giới.
Hành trình đến đảo của tôi kết thúc, tôi lăn bánh vào thành phố Kagoshima trên tàu cao tốc. Đó là một thành phố ấn tượng, những đỉnh cao trên đường chân trời ở trung tâm thành phố như bị thu nhỏ trước ba đỉnh Sakurajima — những luồng hơi nước tỏa ra từ đỉnh là một lời nhắc nhở liên tục rằng đây vẫn là một ngọn núi lửa đang hoạt động. Sau khi đi dạo quanh thị trấn, tôi bắt một chuyến tàu nhỏ hơn đến một ryokan (một quán trọ truyền thống của Nhật Bản) gần đó, và chẳng bao lâu sau, tôi muốn tìm kiếm thêm một chút nhiệt.
Kết thúc bữa tối 10 món, no căng và mệt mỏi sau một ngày trên tàu, tôi trở về phòng của mình. Ban công căn phòng đặt một phòng tắm khoáng nóng riêng. Tôi bước xuống nước, ánh sáng của một buổi tối dài nhạt dần, hơi ấm Kyushu bao trùm khiến tôi đắm chìm trong những điều kỳ diệu của hòn đảo này.
Nhà văn Tim Johnson sống ở Toronto luôn đi du lịch để tìm kiếm những câu chuyện tuyệt vời. Ông đã đi qua 140 quốc gia trên khắp bảy lục địa, ông đã theo dõi những con sư tử bằng cách đi bộ ở Botswana, đào xương khủng long ở Mông Cổ và đi dạo giữa nửa triệu con chim cánh cụt trên Đảo Nam Georgia. Ông viết cho một số nhà xuất bản lớn nhất của Bắc Mỹ, bao gồm CNN Travel, Bloomberg, và The Globe and Mail.
Do Tim Johnson thực hiện
Ngân Hà biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: