Kỳ vọng suy thoái khiến giá dầu giảm 6%; xăng giảm 3 xu
Lo ngại rằng Hoa Kỳ đang rơi vào một cuộc suy thoái đã làm các nhà giao dịch dầu sôi sục sau đợt tăng lãi suất lịch sử của Cục Dự trữ Liên bang hồi tuần trước.
Dầu thô được giao dịch quanh mức 110 USD/thùng trên thị trường Hoa Kỳ hôm 20/06, giảm so với mức hơn 117 USD hôm 16/06 và khoảng 123 USD hai ngày trước đó. Sự sụt giảm đã bắt đầu chuyển thành các mức giá thấp hơn một chút tại máy bơm xăng với một gallon xăng thông thường giảm xuống mức trung bình 4.98 USD sau khi dao động trên mốc 5 USD kể từ giữa tháng Sáu.
Mức giảm khiêm tốn cho thấy các nhà giao dịch vẫn tin tưởng vào nhu cầu dầu mạnh mẽ bất chấp việc Fed tăng lãi suất thêm 0.75% hôm 15/06, mức tăng mạnh nhất trong hơn hai thập kỷ. Fed đang trong quá trình nâng lãi suất trong năm nay để thắt chặt tín dụng và theo đó là nguồn cung tiền. Lạm phát hồi tháng Năm đã tăng 8.6% so với cùng kỳ năm ngoái sau khi ngân hàng trung ương in hàng ngàn tỷ USD để trả cho các gói chi tiêu của chính phủ trong đại dịch COVID-19.
Dầu đã tăng giá trong hơn một năm qua, do nhu cầu phục hồi từ các đợt đóng cửa nền kinh tế được thiết lập trong đại dịch cũng như nguồn cung bị hạn chế bởi các chính sách chống nhiên liệu hóa thạch của chính phủ Hoa Kỳ.
Việc giá xăng tăng gần gấp đôi so với cuối năm 2019 đã bóp nghẹt ngân sách gia đình của người Mỹ khi nền kinh tế lao đao dưới sức nặng của lạm phát.
Chính phủ ông Biden đã đổ lỗi giá xăng cao là do chiến tranh Nga-Ukraine và ngành dầu khí không sẵn lòng tăng sản lượng. Tuy nhiên, các chuyên gia mà đã nói chuyện với The Epoch Times thì đổ lỗi chủ yếu cho chính phủ ông Biden.
Ông Ross McKitrick, một giáo sư kinh tế tại Đại học Guelph ở Ontario và là chuyên gia về chính sách năng lượng và môi trường cho biết: “Đây không phải là do cuộc chiến ở Ukraine. Thực ra là do trong nước tạo ra sự hạn chế về phía cung.”
Ông McKitrick lưu ý rằng các biện pháp trừng phạt áp đặt lên Nga nhằm đáp trả cuộc xâm lược Ukraine hồi đầu năm nay đã buộc Nga phải bán dầu của mình với giá chiết khấu khoảng 30%, tạo lợi thế cạnh tranh cho các doanh nghiệp ở Trung Quốc và Ấn Độ vẫn đang mua dầu này.
Ngay cả khi có nhiều dầu hơn trên thị trường, thì nguồn cung xăng vẫn sẽ bị hạn chế bởi công suất nhà máy lọc dầu của Hoa Kỳ, vốn đã giảm trong những năm gần đây khi các nhà điều hành dự đoán việc chính phủ ông Biden dần dần loại bỏ ngành này như một phần trong kế hoạch “khử carbon” nền kinh tế.
Các chính sách này đã khiến các công ty dầu mỏ không muốn đầu tư vào công suất nhà máy lọc dầu vì “hiện tại nó rất rủi ro và rất có thể sẽ thất bại,” ông McKitrick nói.
“Trong nhiều thập kỷ, đã không có ai xây dựng một nhà máy lọc dầu mới ở Hoa Kỳ,” ông cho biết. “Không có ai sẵn sàng đầu tư vào việc mở rộng công suất nhà máy lọc dầu bởi vì triển vọng từ mọi thứ mà chính phủ đã nói là quý vị sẽ không nhận được sự chấp thuận.”
Do đó, những hạn chế về nguồn cung khiến người Mỹ có khả năng phải đối mặt với các mức giá xăng cao ngay cả khi cuộc suy thoái bắt đầu. Theo một vài chuyên gia, nền kinh tế sẽ cần phải suy giảm nghiêm trọng để khiến những nhà đầu cơ dầu lửa bỏ chạy và giá dầu giảm mạnh. Ngay cả khi đó, họ vẫn dự tính giá sẽ tăng trở lại.
Ông Petr Svab là một phóng viên chuyên đưa tin về New York. Trước đây, ông từng đưa tin về các chủ đề quốc gia bao gồm chính trị, kinh tế, giáo dục và việc thực thi pháp luật.