Ký ức có nằm bên ngoài bộ não không?
Sau nhiều thập kỷ nghiên cứu, các khoa học gia vẫn chưa thể giải thích được tại sao dường như không có phần nào của não bộ chịu trách nhiệm lưu trữ ký ức.
Hầu hết mọi người đều cho rằng ký ức phải tồn tại ở đâu đó trong đầu chúng ta. Nhưng dù cố gắng đến đâu, các chuyên gia nghiên cứu y tế vẫn không thể xác định được vùng não nào thực sự lưu trữ những gì chúng ta ghi nhớ. Vậy liệu có thể nào ký ức của chúng ta thực ra tồn tại trong một không gian nằm ngoài thế giới cấu trúc vật chất mà chúng ta biết?
Chuyên gia sinh học, nhà văn, và điều tra viên, Tiến sỹ Rupert Sheldrake lưu ý rằng nghiên cứu về tâm trí của con người đã đi theo hai hướng hoàn toàn đối nghịch. Trong khi phần đông các khoa học gia tìm kiếm bên trong hộp sọ, ông lại đi tìm ở bên ngoài.
Theo Tiến sỹ Sheldrake, tác giả của nhiều cuốn sách và bài báo, cho rằng ký ức không tồn tại trong bất kỳ vùng vật lý nào của não bộ, mà thay vào đó là một loại trường bao phủ xung quanh, và xuyên qua cả não bộ. Trong khi đó, não bộ thực ra hoạt động như một “bộ giải mã” các thông tin được tạo ra do sự tương tác giữa mỗi người và trường của họ.
Trong bài báo “Trí tuệ, Ký ức, Cộng hưởng Hình thái Kiểu mẫu và Vô thức Tập thể” (Mind, Memory, and Archetype Morphic Resonance and the Collective Unconscious) được đăng trên tạp chí Psychological Perspectives, ông Sheldrake so sánh não bộ như một chiếc TV – một cách tương đối để giải thích cách thức tương tác giữa tâm trí và não bộ.
“Nếu tôi làm hỏng TV của bạn khiến bạn không thể xem được một số kênh nhất định, hoặc khiến TV của bạn mất âm thanh bằng cách làm hỏng bộ phận xử lý tín hiệu âm thanh để bạn vẫn có thể xem được hình nhưng không có âm thanh, việc này cũng không chứng minh rằng âm thanh hay hình ảnh được lưu trữ bên trong TV.”
“Nó chỉ đơn thuần cho thấy rằng tôi đã ảnh hưởng đến hệ thống điều chỉnh [nhận tín hiệu] để bạn không thể nhận được tín hiệu đúng nữa. Trên thực tế, hầu hết việc mất trí nhớ là tạm thời: Ví dụ, chứng hay quên sau chấn động thường chỉ là tạm thời.”
“Sự phục hồi ký ức rất khó để giải thích theo các lý thuyết thông thường: Nếu ký ức đã bị phá huỷ vì các mô não chứa ký ức đã bị phá huỷ, thì chúng lẽ ra đã không quay trở lại; thế nhưng chúng thường tự khôi phục,” ông viết.
Tiến sỹ Sheldrake tiếp tục bác bỏ quan điểm rằng ký ức được lưu trong não bộ. Ông đề cập đến một số thí nghiệm quan trọng mà ông cho rằng đã bị hiểu sai. Những thí nghiệm này cho phép bệnh nhân nhớ lại một cách sống động những cảnh trong quá khứ của họ khi [người ta] dùng điện kích thích một số vùng của não bộ.
Trong khi các nhà nghiên cứu này kết luận rằng các vùng được kích thích phải tương ứng một cách hợp lý với phần ký ức được lưu trữ trong đó, ông Sheldrake đưa ra một góc nhìn khác khi ông so sánh sự tương đồng với TV: “… Nếu tôi kích thích mạch điều chỉnh [tín hiệu] TV của bạn và nó nhảy sang một kênh khác, thì việc này không chứng minh thông tin đã được lưu trữ trong mạch điều chỉnh [tín hiệu],” ông viết.
Leonardo Vintini
Thanh Tùng biên dịch
Xem thêm: