Kỹ thuật ‘miếng vá vô hình’ biến quần áo hỏng thành nguyên vẹn như mới
Khi bộ quần áo yêu quý của bạn có những lỗ thủng hoặc vết rách, chắc hẳn bạn sẽ hy vọng rằng những bộ quần áo đó có thể được sửa chữa, bởi vì dù sao chúng cũng đã ở bên bạn trong một khoảng thời gian dài và mang theo nhiều kỷ niệm quý giá.
Ở Nhật Bản, có một nghề thủ công được gọi là “Kaketsugi” (miếng vá vô hình), có thể sửa chữa quần áo đã bị hỏng trở nên hoàn hảo đến mức không thể nhận ra sự khác biệt so với tình trạng ban đầu.
Vào cuối năm 2021, Đài truyền hình NHK của Nhật Bản từng phát sóng bộ phim tài liệu về một xưởng thủ công “Kaketsugi” ở thành phố Minokamo, tỉnh Gifu. Bộ phim mô tả cách người thợ thủ công Kataoka Tesshu và con gái Yoshiko Goto sửa chữa những bộ quần áo bị hỏng trở nên hoàn hảo như thế nào.
(Mời bấm vào đây để xem phim tài liệu, có phụ đề tiếng Anh và tiếng Trung)
“Kaketsugi” là một kỹ thuật vá các lỗ thủng hoặc vết rách trên quần áo. Mỗi sợi vải đều phải được khâu một cách chính xác bằng kim, và còn phải xét đến phương thức đan riêng biệt của các loại vải khác nhau. Vải được sử dụng để vá phải giống như mẫu ban đầu, hơn nữa còn phải đủ lớn.
Trong bộ phim tài liệu này, cô Yoshiko Goto đã trình diễn cách sửa áo vest cho một người đàn ông trung niên, ông Kato. Chiếc áo vest của ông Kato bị điếu thuốc làm cháy thủng một đoạn dài khoảng 2.5 cm, ông rất hụt hẫng vì đó là chiếc áo vest đầu tiên ông tự tay lựa chọn loại vải để may, nó có một ý nghĩa đặc biệt đối với ông.
Vì ông Kato không có vải thừa trong tay nên cô Goto đã xin phép ông cắt một miếng vải ở mặt trong của chiếc áo. Cô bắt đầu bằng cách tuốt từng sợi ngang của miếng vải, sau đó đem nó che lên lỗ thủng, rồi đan từng sợi dọc của miếng vải lên áo.
Thông thường, vải của quần áo được đan từ các sợi dọc và sợi ngang. Cô Goto phải tìm hiểu xem các sợi dọc và sợi ngang chồng lên nhau như thế nào, sau đó quyết định vị trí và thứ tự đan từng sợi để may miếng vải này lên áo vest sao cho che được lỗ thủng.
Công việc này rất hao tổn tinh lực, phải mất khoảng 40 phút để vá một lỗ thủng dài 1cm. Cách vá của cô Yoshiko Goto đã khiến ông Kato cùng gia đình rất hài lòng và hạnh phúc, bởi vì nhìn từ bên ngoài, họ không thể thấy bất kỳ dấu vết sửa chữa nào trên chiếc áo vest.
Con gái kế thừa nghề nghiệp của cha, thừa hưởng kỹ năng và văn hóa
Ông Kataoka Tesshu đã nghiên cứu “Kaketsugi” trong 40 năm và có rất nhiều kinh nghiệm. Khi còn trẻ, ông đã kế thừa tiệm may của cha mình và tiếp tục may quần áo cho khách hàng. Nhưng 7 năm sau, tiệm may của ông phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng lớn, khi quần áo may sẵn giá rẻ trở nên phổ biến hơn và khách hàng may đo quần áo ngày càng ít đi.
Để có tiền nuôi vợ và ba người con, ông Kataoka Tesshu – lúc đó 37 tuổi – đã từ bỏ công việc thợ may và chuyển sang làm “Kaketsugi”, ông bắt đầu lại từ đầu và khổ công nghiên cứu.
Ông đã không ngừng nghiên cứu các phương thức cấu thành của vải và ghi chú khá chi tiết. Lượng tài liệu nghiên cứu khổng lồ này về sau đã trở thành tài liệu giảng dạy quý giá cho cô con gái Yoshiko Goto.
Cô Yoshiko Goto là con thứ ba trong gia đình. Cô đã bị công việc của bố thu hút ngay từ khi còn nhỏ, và cuối cùng đã bước vào làm nghề “Kaketsugi”. Vì anh trai và chị gái của cô không muốn đi theo con đường của cha, nên cô quyết định đi theo bước chân của cha mình vào năm 20 tuổi.
Dưới sự kỳ vọng và yêu cầu khắt khe của cha, cô không ngừng tự yêu cầu bản thân về mặt chuyên môn. Cô hiện đã nắm vững tất cả các thành quả nghiên cứu của cha và đang bắt đầu nghiên cứu trên các loại vải mới.
Các loại vải như áo phông và áo thể thao có sợi chỉ rất nhỏ, nên rất khó để vá lại hoàn toàn mà không để lại vết. Nhưng cô đã có những nghiên cứu thành công trong lĩnh vực này và hoàn thành những gì mà cha cô chưa làm được.
Cô còn ra mắt một trang web cách đây vài năm để cho nhiều người biết hơn về “Kaketsugi”. Cô cũng đã từng đến New York vào năm 2019 để tham gia một sự kiện giới thiệu văn hóa Nhật Bản, đồng thời thể hiện kỹ năng này với khán giả và các quan chức đại sứ quán với tư cách là đại diện của thợ thủ công về “Kaketsugi”.
Xưởng của ông Tesshu và con gái nhận được khoảng 2,000 yêu cầu sửa chữa quần áo mỗi năm từ khắp Nhật Bản. Trong những năm qua, họ đã phục chế hơn 100,000 bộ quần áo, không chỉ mang lại nụ cười cho khách hàng mà còn thu về vô số lời khen ngợi.
Cô Yoshiko Goto cho biết: “Bất cứ khi nào tôi bắt gặp những bộ quần áo mang theo kỷ niệm, tôi đều không muốn làm chủ nhân của chúng thất vọng. Có thể sẽ vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng tôi sẽ tiếp tục trau dồi các kỹ năng của mình”.
Ông Kataoka Tesshu nói: “Tôi đã có Goto làm truyền nhân. Con gái đã vượt quá sự mong đợi của tôi, tôi đã có thể yên tâm phó thác cho con rồi”.