Kỹ sư hàng không vũ trụ tuyên bố xác định được vị trí phi cơ MH370
Một kỹ sư hàng không người Anh tuyên bố đã tìm thấy nơi an nghỉ cuối cùng của chuyến bay mất tích số 370 của hãng Malaysia Airlines bằng cách sử dụng công nghệ theo dõi mới mang tính đột phá.
Chuyên gia Richard Godfrey, một thành viên sáng lập của Nhóm Độc lập MH370 phi chính phủ, cho biết ông tin rằng phi cơ này đã rơi xuống vùng biển phía nam Ấn Độ Dương, cách Perth 1,993 km (1,238 dặm) về phía tây và nằm ở độ sâu 4,000 m (4,374 thước Anh) dưới mặt nước. Vị trí rơi tại chân một cao nguyên đại dương được gọi là Broken Ridge.
Phi cơ này đang ở trong một khu vực núi cao với địa hình hiểm trở dưới nước, giữa các vách đá, một ngọn núi lửa dưới nước, và một hẻm núi, ông Godfrey nói.
Trong một báo cáo hôm 30/11 (pdf), vị kỹ sư cho biết ông đã phân tích đường bay và chuyển động cuối cùng của phi cơ này bằng nhu liệu Phát hiện và Theo dõi Toàn cầu Mọi Phi cơ ở Mọi nơi (GDTAAA) dựa trên dữ liệu Báo cáo Truyền tín hiệu Yếu (WSPR) được công bố công khai trên mạng WSPRnet.
“Cứ mỗi hai phút, dữ liệu WSPRnet lại cung cấp hàng trăm tín hiệu vô tuyến trong chuyến bay của MH370,” ông Godfrey viết trong bản báo cáo. “Những tín hiệu vô tuyến này lan truyền trên toàn cầu giữa các máy phát và máy thu nhờ sự khúc xạ trong tầng điện ly. Đường đi của một phi cơ có thể làm nhiễu loạn đường truyền của các sóng vô tuyến.”
“Mỗi một tín hiệu WSPRnet bị nhiễu loạn là một chỉ báo cho tiến trình của phi cơ, nhiều tín hiệu WSPRnet bị nhiễu loạn là một chỉ báo cho vị trí phi cơ, trong đó hai hoặc nhiều đường truyền giao nhau tại một vị trí cụ thể.”
Trong khi đó, nhu liệu GDTAAA được sử dụng để dự đoán vị trí của phi cơ này cứ hai phút một lần bằng cách sử dụng tốc độ so với mặt đất và vị trí theo dõi thực tế của phi cơ này.
“Khi vị trí dự đoán của phi cơ này phù hợp với một chỉ báo vị trí hoặc tiến trình WSPRnet, thì các đặc điểm tín hiệu vô tuyến sẽ được phân tích để xem có phi cơ nào được phát hiện không,” ông Godfrey viết. “Khi có một số phi cơ ở trong vùng lân cận phi cơ mục tiêu, thì cần phải thực hiện quá trình loại bỏ. Trong vùng không gian tương đối trống trải của khu vực nam Ấn Độ Dương, quá trình loại bỏ này là không nhất thiết.”
Vào ngày 08/03/2014, chuyến bay 370 đang bay từ Kuala Lumpur, Malaysia, đến Bắc Kinh, với 239 người trên khoang thì đột ngột biến mất khỏi radar. Tất cả các hành khách và phi hành đoàn được cho là đã thiệt mạng, nhưng vẫn chưa có lời giải cho bí ẩn về sự mất tích của chuyến bay này và các nỗ lực tìm kiếm vẫn đang tiếp tục.
“Kết hợp lại, dữ liệu này là bằng chứng ủng hộ mạnh mẽ cho một cuộc tìm kiếm mới ở vị trí rơi chính ở 33,177°N 95,300°Đ,” ông Godfrey viết về phát hiện của mình hôm 30/11.
“Khu vực tìm kiếm được đề nghị được xác định bởi một vòng tròn có bán kính 40 hải lý, tập trung vào vị trí rơi chính.”
Hôm 01/12, ông Godfrey nói với Sunrise Australia rằng ông “rất tự tin” mình đã xác định được vị trí của MH370.
“Chúng tôi có khá nhiều dữ liệu từ vệ tinh, chúng tôi có hải dương học, phân tích trôi dạt, chúng tôi có dữ liệu hiệu suất từ Boeing, và giờ là công nghệ mới này,” ông nói. “Cả bốn đều hướng đến một vị trí cụ thể ở Ấn Độ Dương.”
Chuyên gia này cho biết ông cũng tin rằng phi cơ đã bị cướp và vụ tai nạn là “một hành động khủng bố” của Cơ trưởng Zaharie Ahmad Shah, người mà ông tin rằng “đã quyết định chuyển hướng phi cơ của mình và khiến nó biến mất ở một trong những nơi xa xôi nhất trên thế giới.”
Vị trí mà ông Godfrey tin là MH370 bị rơi cũng nằm trong cùng khu vực mà Giáo sư Hải dương học Charitha Pattiaratchi của Đại học Tây Úc (UWA) tuyên bố là vị trí của chiếc phi cơ này trước đó.
Nói chuyện với Sunrise, biên tập viên hàng không của nhật báo The West Australian, ông Geoffrey Thomas đã mô tả báo cáo của ông Godfrey là một “bước đột phá lớn.” Ông cũng lưu ý rằng những phát hiện của ông Godfrey giống với các phát hiện của ông Pattiaratchi.
“Điều thú vị về việc này là vị trí được xác định bởi ông Richard Godfrey vô cùng gần với vị trí được Đại học Tây Úc và mô hình trôi dạt của họ xác định, điều vốn đã đưa thợ săn xác phi cơ Blaine Gibson đến nhiều vùng khác nhau của Phi Châu để tìm hầu hết các mảnh vỡ từ thảm kịch khủng khiếp này,” ông Thomas nói hôm 01/12.
“Đây thực sự là bằng chứng rõ ràng hơn về nơi mà UWA đã nói về chiếc phi cơ này, đó là nơi chúng ta phải có một cuộc tìm kiếm thật kỹ lưỡng.”
Cô Katabella Roberts là một phóng viên hiện đang sống tại Thổ Nhĩ Kỳ. Cô đưa tin về tin tức nói chung và tin kinh doanh cho The Epoch Times, tập trung chủ yếu vào Hoa Kỳ.
An Nhiên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: