Kỹ sư chèn sóng truyền hình Trung Quốc bị bắt giữ trái phép một lần nữa sau 13 năm tù giam
Năm 2018, ông Lã Khai Lợi (Lu Kaili) đã hoàn toàn thay đổi sau khi được trả tự do khỏi bản án 13 năm tù. Một vụ tai nạn đã khiến ông bị liệt từ thắt lưng trở xuống, và những năm tháng bị tra tấn dưới bàn tay của cai ngục đã khiến cho toàn bộ cơ thể ông yếu đi rất nhiều.
Tất cả là do vị cựu kỹ sư xây dựng này đã trợ giúp chiếm quyền phát sóng một kênh truyền hình cáp Trung Quốc để chiếu một bộ phim tài liệu phơi bày lịch sử tàn sát và dối trá của Trung Cộng vào năm 2005.
Tình trạng của ông Lã có nghĩa là ông phải dựa vào gia đình ở tỉnh Liêu Ninh, đông bắc Trung Quốc trong nhiều sinh hoạt hàng ngày của mình.
Khoảng một tháng trước, vợ của ông Lã là bà Tôn Yến (Sun Yan) trở về nhà vào buổi tối và phát hiện ra ông Lã, 57 tuổi, đã mất tích.
Bà Tôn đã hỏi thăm xung quanh suốt một ngày trước khi hay tin cảnh sát đã đột kích vào nhà họ trong lúc bà đi vắng và đưa chồng bà đến một trung tâm giam giữ. Khi người nhà của ông Lã đến trung tâm này, họ nhìn thấy một chiếc xe cảnh sát chở ông Lã đang lao ra từ phía bên hông.
Sự việc này đã được báo cáo trên Minh Huệ (Minghui.org), một trang web có trụ sở tại Hoa Kỳ chuyên theo dõi cuộc bức hại Pháp Luân Công của Trung Cộng.
Giống như bảy người khác tham gia vào sự kiện chèn sóng truyền hình năm 2005, ông Lã là một học viên Pháp Luân Công, một môn tu luyện tinh thần bao gồm các bài tập thiền định chậm rãi và một bộ các bài giảng về đạo đức. Năm 1999, nhóm tu luyện này nhận ra họ đã nằm trong tầm ngắm của một chiến dịch xóa sổ sâu rộng do Trung Cộng phát động. Kể từ đó, ước tính có khoảng 100 triệu học viên ở Trung Quốc đã trở thành mục tiêu của việc giam giữ, bỏ tù, tra tấn và mổ cướp nội tạng.
Một người bạn của gia đình ông Lã là bà Dương Xuân Hoa (Yang Chunhua), cũng là một học viên Pháp Luân Công, đã bị choáng váng khi biết về vụ giam giữ ông Lã xảy ra gần đây. Bà Dương, hiện đang sống tại New York, biết được tin tức này do đọc trang Minh Huệ.
Em gái của bà Dương cũng bị bỏ tù vì tham gia vào sự kiện chèn sóng truyền hình này. Cô đã qua đời tại nhà không lâu sau khi được trả tự do sau bảy năm lao tù. Nhiều năm trước đó, bà Dương cũng đã mất mẹ vì cuộc bức hại.
Vợ của ông Lã, bà Tôn, từng là giáo viên mẫu giáo, cũng là một học viên Pháp Luân Công. Bà cũng đã bị bỏ tù nhiều lần vì kháng nghị và lan truyền thông tin về cuộc bức hại.
Bà Dương cho biết, từ khi bắt đầu cuộc bức hại cho đến khi ông Lã được thả vào năm 2018, hai vợ chồng họ chỉ được chung sống bên nhau tính ra chưa đầy một tháng.
Theo lời bà Dương, bà Tôn cũng từng bị lạm dụng tình dục trong tù. Bà Tôn từng ở trong căn hộ của bà Dương vài ngày sau khi bà ra tù để tránh bị cảnh sát rình rập và sách nhiễu.
Bà Dương nhớ lại lời mà chủ nhà đã nói với bà, “Không được cho mấy người tập Pháp Luân Công ở đây.” Bà Tôn tình cờ nghe thấy họ nói chuyện và sau đó đã chuyển ra ngoài mà không nói cho bà Dương.
Theo nhiều báo cáo trên Minh Huệ, ông Lã đã trải qua sự tra tấn nghiêm trọng tại ba nhà tù mà ông từng bị giam giữ với mức án hơn 13 năm.
Các cai ngục đã dùng dùi cui điện cao thế để giật điện lên người ông Lã cho đến khi khắp cơ thể ông phủ đầy những vết bỏng lớn. Ông đã bị biệt giam trong xà lim và bị ép phải ăn thức ăn của heo trong nhiều ngày liền. Các cơ trên chân ông co rút lại do bị xích lâu ngày. Là một phần của hệ thống lao động khổ sai trong tù, ông Lã đã phải làm việc trên những cánh đồng ngô, mỏ đá và công trường xây dựng trong nhiều giờ mỗi ngày.
Trong một sự cố, ông Lã bị rơi từ sân thượng xuống khi đang làm việc tại một công trường xây dựng vào một buổi sớm tháng 08/2010. Một ngày trước đó, ông đã bị giật bằng dùi cui điện liên tục trong suốt bốn giờ đồng hồ.
Sau vụ việc, trong vòng 14 tháng, các cán bộ nhà tù đã ngăn chặn không cho phóng viên và người nhà của ông Lã đến thăm ông. Vào thời khắc mà thân nhân của ông được nhìn thấy ông, thì ông Lã đang được một tù nhân khác cõng trên lưng. Ông Lã đã không thể đứng dậy được nữa. Ông đã không thể nói chuyện được với người nhà nhiều hơn mười phút vì ông đã quá yếu. Chứng kiến cảnh tượng này, bà Tôn đã không cầm được nước mắt. Sau đó, ông Lã được đưa trở lại phòng giam.
Bà Dương hiện không giữ liên lạc với ông Lã hay bà Tôn. Bà vô cùng lo lắng cho hai người họ và tất cả các học viên Pháp Luân Công khác vẫn còn ở Trung Quốc.
“Tôi không muốn họ bị cướp đi sinh mạng như em gái tôi,” bà Dương nói.
Theo trang Minh Huệ, hôm 25/06, ông Lã đã được chuyển đến trung tâm giam giữ Diêu Gia ở Đại Liên, nơi ông đã vẫn đang bị giam giữ.
Do Shuhan Zhao thực hiện
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: