Kỳ 4: Long tộc và long mạch thời Văn Lang
Rồng là một con vật thần thoại vô cùng phổ biến trong cả hai nền văn minh Đông và Tây. Nếu ở văn minh Tây Phương, rồng hiện thân cho cái ác, được xem như một loài quái vật thì ở Đông Phương rồng lại là một loài Thần thú cao quý, đứng đầu tứ linh, là hiện thân của Long vương, là biểu tượng của Thiên tử con Trời tại nhân gian. Truyền thuyết về Rồng tại phương Đông có nhiều vô số, vậy thì con Rồng là có thật hay tưởng tượng? Và nếu Lạc Long Quân, vị khai tổ đáng kính của tộc Việt là vua Rồng, vậy thì long tộc của Ngài là dân tộc như thế nào, có thật hay không?
EpochTimes Tiếng Việt trân trọng giới thiệu chuyên đề lịch sử TRUYỀN KỲ VỀ LONG TỘC VÀ LONG MẠCH ĐẠI VIỆT. Thông qua sử liệu và các câu chuyện truyền thuyết, hy vọng sẽ mang đến cho quý độc giả góc nhìn toàn cảnh về nguồn gốc con Rồng cháu Tiên của dân tộc Việt.
Kỳ 1: Truyền kỳ về long tộc và long mạch Đại Việt
Kỳ 2: Long tộc, long mạch và sự hình thành triều đại
Kỳ 3: Long tộc, long mạch và khí số quốc gia
Khởi nguồn từ Lạc Long Quân với huyết thống của Thần long cổ đại và Giao long hồ Động Đình, nên long tộc Việt có đặc điểm mang tính khác biệt hơn so với long tộc các triều đại Trung Hoa. Đặc điểm của tạo hình Rồng mỗi triều đại cũng thể hiện tính cách riêng của triều đại đó.
Hình tượng Rồng thời Văn Lang
Hầu như những hình tượng Rồng thời Văn Lang lưu lại rất ít, chỉ còn thấy qua 1 số ít di vật Đông Sơn còn sót lại. Rồng thời kỳ này luôn được điêu khắc kèm với chim Lạc (mà người viết cho rằng đó là hình tượng của chim Phụng vì Long Phụng là cặp đôi tượng trưng cho vương quyền) và chim Phụng còn biểu thị cho nguồn gốc của dòng họ Tiên trong huyết thống Rồng Tiên của dân Lạc Việt. Nền văn minh Văn Lang cũng như văn minh Trung Hoa đều cùng thừa hưởng những di sản của văn minh tiền sử truyền thừa lại bởi long tộc, nên các khái niệm sẽ đại đồng tiểu dị. Nên việc con chim Phụng qua thời gian gọi thành chim Lạc hay tên của nó tại Văn Lang là chim Lạc thì cũng có thể hiểu được.
Bảo hộ dân tộc, duy hộ quốc gia
Thời kỳ này là thời ghi dấu rất rõ sự bảo hộ của long tộc đối với đất nước và dân tộc qua các đại diện của họ tại trần gian, đó là Kinh Dương Vương và Lạc Long Quân. Hai Ngài đã làm rất nhiều việc vì dân vì nước thuở sơ khai, có thể kể ra các việc tiêu biểu như sau:
Diệt trừ yêu quái, giáo hóa dân chúng:
Trong thời gian còn làm Vua của xứ Văn Lang, việc đầu tiên là 2 ngài đi khắp đất nước dùng thần thông của mình tiêu diệt các loài yêu quái, thú dữ hại người như Cáo chín đuôi, Mộc Tinh, Ngư Tinh. Sau đó dạy cho dân cày cấy, phong tục ăn ở, xăm mình chống thủy quái.
“Dân ở rừng núi xuống sông ngòi đánh cá, thường bị giao long làm hại nên bạch với vua. Vua bảo rằng:– Ở núi là loài rồng cùng với thủy tộc có khác, bọn chúng ưa đồng mà ghét dị cho nên mới xâm hại.Bèn khiến lấy mực châm hình trạng thủy quái ở thân thể, từ đó tránh được nạn giao long cắn hại; cái tục văn thân của Bách Việt thực khởi thủy từ đấy.Ban đầu quốc dân ăn mặc chưa đủ, phải lấy vỏ cây làm áo mặc, dệt cỏ ống làm chiếu nằm; lấy cốt gạo làm rượu, lấy cây quang lang, cây soa đồng làm bánh; lấy cầm thú, cá tôm làm nước mắm, lấy rễ gừng làm muối; lấy dao cày, lấy nước cấy; đất trồng nhiều gạo nếp, lấy ống tre thổi cơm, gác cây làm nhà để tránh nạn hổ lang; cắt ngắn đầu tóc để tiện vào rừng núi, con đẻ ra lót lá chuối cho nằm; nhà có người chết thì giã cối gạo để cho hàng xóm nghe mà chạy đến cứu giúp; trai gái cưới nhau trước hết lấy muối làm lễ hỏi, rồi sau mới giết trâu để làm lễ thành hôn, đem cơm nếp vào trong phòng cùng ăn với nhau cho hết, rồi sau mới tương thông; lúc bấy giờ chưa có trầu cau nên phải thế. (Lĩnh Nam Chích Quái)
Linh hiển trợ giúp chống ngoại xâm:
Một quốc gia mới non trẻ như Văn Lang sẽ là miếng mồi ngon cho ngoại bang xâm lăng. Vì thế Lạc Long Quân luôn luôn dùng pháp lực thần thông của mình để giúp các triều đại chống ngoại xâm.
Sau khi chấm dứt thời gian trị vì của mình ở triều đại Hùng vương, ngài đã lấy 4 vuốt rồng của mình trấn giữ bốn phương của quốc gia này chống họa xâm lăng. Đến đời Hùng Vương thứ sáu, ngài đã hóa thân thành ông lão chỉ cho vua Hùng biết mà đi tìm Thánh Gióng cứu nguy cho quốc gia. Cho đến thời Thục An Dương Vương, ngài cũng sai Thanh Giang sứ giả (thần Kim Quy) lên trần giúp vua xây thành Cổ Loa và làm nỏ Liên Châu.
Trong thời Bắc thuộc, Ngài cũng cho Triệu Việt Vương mượn móng rồng gắn lên mũ chiến Đâu Mâu mà dành chiến thắng quan trọng. Tuy nhiên sau khi Đại Việt giành được độc lập, nhà Ngô thành lập thì hầu như không thấy ngài xuất hiện trợ giúp nữa.Chỉ đến thời Bắc thuộc lần 2, Lê Lợi khởi nghĩa chống quân Minh, ngài mới lần nữa đem thanh Thần kiếm của mình trao cho Lê Lợi dẫn đến khởi nghĩa toàn thắng. Hồ Hoàn Kiếm đến nay lưu danh thiên cổ là nhờ vào thần tích này.
Hậu duệ long tộc Thần Nông, khai mở triều đại
Như đã nói bên trên, khai tổ sinh ra vị vua đầu tiên của nước Nam ta vốn một vị vua tên là Đế Minh [chữ Hán 帝明] , ông là cháu ba đời của Viêm Đế hay còn gọi là Thần Nông (một trong ba vị Thần long chuyển sinh đã nói bên trên). Ông có một con trai đầu gọi là Đế Nghi ở phương Bắc rồi sau đó đi tuần du xuống phương nam, đến núi Ngũ Lĩnh (giới hạn ở động Bạch Hổ tỉnh Vân Nam – xưa gọi là động Xích Quỷ) thì gặp nàng Vụ Tiên thần nữ, sinh ra con đặt tên là Lộc Tục (sau lên ngôi xưng là Kinh Dương vương) ở đây. Sau đó Kinh Dương Vương lên ngôi vua ở phương Nam, là vua đầu tiên của triều đại Hùng Vương.
Lúc bấy giờ Đế Minh đã có một con lớn là Đế Nghi đang ở phương Bắc. Sau khi lấy nàng Vụ Tiên Thần nữ thì sinh ra con thứ hai tên là Lộc Tục, sau xưng là Kinh Dương Vương. Vua thông minh thánh trí, vượt trội hơn tầm của Đế Nghi nên rất được lòng vua cha. Vì thế Đế Minh muốn truyền ngôi báu cho Kinh Dương Vương cai quản cả thiên hạ phương Bắc và phương Nam, để làm chính thống cho muôn nước. Nhưng Kinh Dương vương lại không phải là người tham quyền cố vị nên cố từ chối để nhường cho anh. Thế là Đế Minh quyết định lập Đế Nghi nối ngôi, cai trị phương Bắc, phong cho Kinh Dương vương làm vua phương Nam. Nước ta lúc ấy gọi tên là nước Xích Quỷ. Tước vị Kinh Dương Vương nghĩa là vua của Kinh Châu và Dương Châu, phần lãnh thổ phía Nam sông Trường Giang từ hồ Động Đình và đến biển Đông, Chiêm Thành, đây là vị vua chân chính của phương Nam, hậu duệ Thần Nông chứ không phải một tù trưởng nào đó tự nhận ở miền Bắc Việt Nam như các sử gia theo chủ nghĩa “dân tộc nhược tiểu” hay gán ghép mà tạo ra.
(Ghi chú: Xích Quỷ không phải là Quỷ đỏ, nó mang nghĩa là lớn lao, thường đi với chữ Chủ để chỉ người nắm quyền lớn ở miền Nam. Xích là phần tinh hoa, tốt nhất (tự điển Thiều Chửu). Vậy nên Xích Quỷ nghĩa là nơi làm chủ cái tinh hoa của phương Nam, miền xích đạo, miền nông nghiệp lúa nước.)
Đại long mạch dựng nên đế đô nghìn năm
Sau khi vâng mệnh vua cha lên ngôi vua ở Phương Nam, điều đầu tiên Kinh Dương Vương làm là chọn đất đóng đô, vì đế đô chính là long mạch, có nó mới được long tộc giúp thủ hộ cho triều đại. Sau khi xem khắp núi non phương Nam, Ngài quyết định chọn đất Phong Châu, một đại long mạch có thể nói là tốt nhất và lớn nhất của phương Nam, đủ tiêu chuẩn để duy hộ cho một triều đại hơn nghìn năm. Tất cả các long mạch còn lại sau này đều không được tốt như thế. Sau khi long mạch nhà Hùng hết vượng khí, An Dương Vương nhà Thục dời đô xuống Cổ Loa cũng chỉ được thời gian ngắn là mất nước.“Qua cửa Ải, lòng sông thoát mạch, rồng đi gần xa đến núi Tụ Long tiếp với châu Thu Vật xứ Tuyên Quang, biến ra toà Kim tinh cao muôn nhẫn. Mạch đất chảy đến các làng Hạ Hoa, Thanh Ba, Sơn Vi, Tây Lan, Phù Ninh phủ Lâm Thao, rồi đến chùa Long Hoa thôn Việt Trì ở Ngã ba sông Bạch Hạc là dừng. Mạch này bên trái từ sông Lôi Hà núi đi đến đâu sông theo đến đó, qua các huyện Đông Lan, Sơn Dương, Đương Đạo, Tam Dương đột khởi núi Tam Đảo, Tả cung Tiên làm thanh long. Trùng sơn vạn thuỷ, nổi lên các dãy núi ở Lập Thạch, Bách Ngõa, Chu Diên, Thanh Tước, Ngọc Bội, Khai Quang. Phụ bên trái có các núi Châu Sơn, Sóc Sơn, Chung Sơn, Trà Sơn, Từ Sơn, Trạm Sơn, Tích Sơn, An Lão sơn thuộc xứ Kinh Bắc chầu về, dẫn đến Hải Dương, Đông Triều, Hoa Phong, Yên Tử thoát ra đến biển, Đồ Sơn tám xã làm Long đầu chầu án. Mạch bên phải từ Ba Thục, Hán Giang, Nhị Hà, Lô Giang, Thao Giang, núi chạy đến đâu sông theo đến đấy. Đến Tuyên Quang, Hưng Hoá, Thập Châu, Thanh Nguyên, Bạn Hà, Đà Hà đến huyện Bất Bạt đột khởi núi Tản Viên. Hữu cung tiên làm Bạch hổ, muôn nhánh quần sơn nổi lên ở Minh Nghĩa, Phúc Lộc, Thạch Thất,Yên Sơn, Tây Phương, Sài Sơn, Tử Trầm, hữu bật đến Chương Đức, Đại Yên, Hương Tích sơn thuộc xứ Sơn Nam. Bên phải là Na Sơn, Nam Công, Vũ Phượng sơn, Đội sơn, Điệp sơn, Nghi Dương sơn, chầu phục vào trong, chảy thoát đến núi cửa biển Thần Phù ở núi Chính Đại thuộc Ái Châu, thoát đến Chích Trợ sơn, cửa Trà Lý làm đầu hổ chầu, lấy sông Bạch Hạc làm Nội minh đường, lấy Ngã Ba Lãnh ở sông Cả thuộc huyện Nam Xương làm Trung minh đường, núi Tượng Sơn ở Nam Hải làm Ngoại minh đường. Nghìn non nâng chủ, vạn thuỷ chầu nguồn, đều hướng về ngọn tổ sơn Nghĩa Lĩnh.” (Ngọc phả Hùng Vương)
Nam Bắc hùng cứ nhất phương, phương Nam thịnh tất phương Bắc suy
Có điều trùng hợp là Kinh Dương Vương kế thừa huyết thống long tộc của tiên tổ Thần Nông, kết hợp với dòng Tiên phương Nam mà sinh ra long tộc phương Nam. Sau này dòng Thần Nông bị dòng Hiên Viên tiêu diệt ở phương Bắc thì dân tộc Việt Nam ta coi như là huyết thống long tộc Thần nông cuối cùng còn lưu lại ở phương Nam vậy. Do đó chúng ta có thể tự hào mà nói rằng người Việt chính là một trong ba dòng họ Rồng lớn nhất, cổ xưa nhất của phương Đông còn lưu lại đến ngày nay, là đại diện cho long tộc Thần Nông phả hệ phương Nam.
Ứng với lai lịch của Kinh Dương Vương thì long mạch của đất nước Văn Lang lại chính là long chi phía Nam của long mạch kéo dài từ dãy núi Côn Luân sang chứ không phải từ Himalaya như nhiều thuyết của một số tác giả Việt Nam đã dẫn. Vì sao lại nói như thế? Như đã nói bên trên, long mạch chính là cái trường năng lượng tổng hòa của thế nước và thế núi, của Phong và Thủy. Thế núi của Việt Nam là chi phía nam của long mạch Côn Luân, từ dãy Côn Luân, xuống dãy Hoành Đoạn Sơn, xuống Ai Lao Sơn, xuống Hoàng Liên Sơn rồi đổ ra biển ở cửa sông Hồng. Nhánh long kia đi từ Hoành Đoạn Sơn xuống Vô Lượng Sơn, rồi xuống Trường Sơn, rồi bám dòng Cửu Long, đổ ra biển.
Do long mạch của Việt Nam là cùng long hệ với Côn Luân và sông Trường Giang nên thời thế thịnh suy của Việt Nam sẽ đối lập với Trung Quốc ở phía Bắc. Vì thế trong lịch sử, khi Trung Hoa mạnh thì Đại Việt tất suy, đó là quy luật Âm Dương mà cũng bởi lẽ long mạch nước ta là đối ứng với long mạch phía Nam Côn Luân vậy. Chỉ có điều hình thế long mạch như thế nói rõ rằng chúng ta và nước Trung Hoa là cùng chung một trường long mạch, sự thịnh suy của họ sẽ ảnh hưởng đến ta vô cùng to lớn. Điều này hẳn là do chúng ta và Trung Hoa đều cùng kế thừa một phần của nền văn minh tiền sử của Long tộc cổ xưa, vì nguyên lý Âm Dương mà phân ra Nam Bắc, tuy nhiên vẫn là đại đồng tiểu dị và tương phụ tương thành với nhau.
Vì thế mà các chủ trương “thoát Trung” gì đó đối với Việt Nam có lẽ sẽ khó thành hiện thực, và nước ta chỉ có thể mạnh lên khi thời thế làm cho phương Bắc là Trung Hoa bị suy yếu mà thôi, chứ thoát ra khỏi tầm ảnh hưởng của nó là chuyện không thể. Vì sao lại nói thế? Vì khái niệm “thoát Trung” mang tính dân tộc cực đoan và sai lầm. Khái niệm đúng hơn phải là “Hòa Trung” hay “Dụng Trung” nghĩa là tận dụng ưu thế tương đồng về văn hóa chính trị kinh tế với Trung Hoa mà phát triển quốc gia của mình. Điều này là con đường thành công duy nhất đã từng được chứng minh qua hai triều đại hùng mạnh nhất Việt Nam là Lý Trần. Họ đã tận dụng thành công mọi ưu thế của văn hóa kinh tế Trung Hoa, tối ưu nó vào hoàn cảnh Việt Nam để đạt lợi ích cao nhất và vẫn giữ được độc lập. Bởi vì nước ta cùng chung trường long mạch với Trung Hoa, nếu “thoát Trung” nghĩa là cắt đứt sự ảnh hưởng của nó, gắn liền với tai họa lập tức đến. Hãy nhìn Hàn Quốc và Nhật Bản, họ không hề nêu lên cái gì là “thoát Trung” mà còn thực hiện vô cùng thành công chủ trương “hòa Trung” và “dụng Trung” để trở thành cường quốc.
Có thể nhiều người không thích nghe điều này, nhất là những người theo trường phái dân tộc cực đoan. Nhưng đây là Thiên mệnh, không thể cải được. Chỉ duy có một điểm khả thi còn lại cho việc phát triển quốc gia này thành cường quốc là long mạch dãy Trường Sơn. Long mạch này do đi xa khỏi Côn Luân nhiều, đổ xuống đồng bằng Nam Bộ nên còn ảnh hưởng khá ít của long mạch Côn Luân. Xét hình thế hiện nay, nếu như muốn đưa quốc gia hùng mạnh và dần dần ít bị lệ thuộc vào Trung Hoa thì chỉ có thể thực thi ở miền Nam mà thôi, chỉ có kinh tế miền Nam mới có khả năng thực hiện thành công phần nào việc “thoát Trung”. Ngày nào mà ảnh hưởng địa chính trị của miền Nam cao hơn hiện nay, đất nước ta mới có cơ hội trở thành cường quốc lần nữa.
Ngoài ra còn một cơ hội thoát Trung nữa khả thi nhất, mà cha ông ta đã làm thành công ở các triều Văn Lang, Lý Trần, đó là hoằng dương Phật Pháp, lãnh đạo phải nhất tâm tu hành như các vua Hùng, vua Lý Trần và đến dân phải sống đời sống đạo đức theo Chính Pháp. Khi đó trường năng lượng vĩ đại của một dân tộc sống trong Chính Pháp, lãnh đạo bởi người chân tu, thì Thiên thượng sẽ phái đến số lượng lớn Thiên long bộ chúng để bảo hộ. Lúc đó toàn thể nước Nam là một siêu cấp long mạch cực thịnh, không một tai họa nào có thể ảnh hưởng đến và chúng ta sẽ sống trong thời kỳ thịnh trị hòa bình lâu dài như các triều Văn Lang và Lý Trần. Lúc đó chúng ta sẽ không cần nói đến hai chữ “thoát Trung” vì lúc đó theo quy luật Âm Dương, Trung Hoa phía Bắc ắt sẽ suy bại và phương Nam chính là “Trung Nguyên” như các vua nhà Trần vào thời đại đỉnh cao đã nhìn nhận như thế.
(Ghi chú: thời điểm đó 1279 nhà Tống diệt vong, nhà Nguyên là dân du mục lên thay. Các vua Trần đánh bại quân Nguyên Mông nên tự coi mình là Hoa Hạ, là Trung Nguyên chính thống thay cho triều Tống đã bị man di cai trị)
Một triều đại kéo dài 26 thế kỷ và để lại một di sản văn hóa thâm hậu đến nay hậu thế vẫn chưa khám phá hết. Liệu điều này có thể chỉ đơn giản là một nhà nước lạc hậu mặc khố cởi trần lại có thể làm được như xưa nay chúng ta vẫn học về ông cha?
Nên chăng chúng ta hãy bỏ hết thành kiến khoa học hạn hẹp và những khái niệm vô Thần đi thì mới có thể nhìn nhận đúng về Tiên tổ và hiểu được sự vĩ đại thiêng liêng của hai tiếng Rồng Tiên?
Đông Phong