Kinh tế thời Biden sẽ trở thành đoàn tàu trượt bánh
Đèn cảnh báo cần phải bật lên. Mới chưa đầy một tháng tồn tại, mọi việc trở nên rõ ràng là các chính sách kinh tế của Tổng thống Joe Biden có khả năng kết thúc trong thảm họa. Việc chẩn đoán sai lầm về kinh tế và chính trị nhằm không để bất kỳ cuộc khủng hoảng nào xảy ra một cách lãng phí đang dẫn đến sự kết hợp chính sách kinh tế có hại nhất trong nhiều thập kỷ.
Chính phủ đang bị bó buộc trong mô hình kinh tế quản trị nhu cầu của Keynes, coi mọi cuộc suy thoái kinh tế lớn như một tái diễn tiềm năng của cuộc Đại suy thoái, do đó đòi hỏi phải có biện pháp kích thích tài chính và tiền tệ lớn để phục hồi nhu cầu. Tuy nhiên, sự sụt giảm do COVID không phải vì thiếu nhu cầu, mà là vì các quyết định chính sách có chủ ý của các chính phủ liên bang và tiểu bang nhằm phong tỏa hoạt động kinh tế vì lý do sức khỏe cộng đồng.
Trong thời điểm hiện tại, chính sách COVID là chính sách kinh tế, 11 tiểu bang có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất đều có màu xanh lam đậm (thuộc Đảng Dân Chủ); họ đã áp đặt một số chính sách phong tỏa hà khắc nhất của quốc gia. Mười một trong số 12 tiểu bang có tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất là các tiểu bang đỏ (thuộc Đảng Cộng Hòa). Do đó, tốc độ phục hồi kinh tế sẽ được quyết định bởi tốc độ giảm hoặc bỏ các biện pháp kiểm soát đại dịch nhanh như thế nào.
Tuy nhiên, để đối phó với sự sụt giảm từ phía nguồn cung do cố ý làm như vậy (phong tỏa), giải pháp của chính phủ ông Biden là một gói kích thích 1.9 nghìn tỷ USD. Ý tưởng này đã gây nên sự chỉ trích gay gắt từ không ai khác mà chính là từ ông Larry Summers, cựu Bộ trưởng Tài Chính, người đã thấy rằng gói kích thích của ông Biden lớn hơn gấp ba lần so với thiếu hụt dự tính về sản xuất. Cùng với các điều kiện tiền tệ nới lỏng chưa từng có do Chủ tịch Fed Jerome Powell giám sát, chúng ta phải đối mặt với “nguy cơ kỳ vọng lạm phát tăng mạnh”, ông Summers lập luận.
Như thể được gợi ý, chủ tịch Fed đã thắp sáng thêm những kỳ vọng đó. “Thành thật mà nói, chúng tôi hoan nghênh lạm phát … cao hơn một chút,” ông Powell tuyên bố hồi tháng trước. “Loại lạm phát đáng lo ngại mà những người như tôi lớn lên cùng với nó dường như không thể xảy ra trong nước cũng như toàn cầu, môi trường mà chúng ta đã ở trong đó bấy lâu nay,” ông ta nói—những ngôn từ này có thể quay lại ám ảnh ông ta nếu lạm phát tăng mạnh.
Chúng ta đã thấy lạm phát, ít nhất là con số đề cập trong các chính sách. Trong chiến dịch tranh cử, ông Biden nói rằng Hoa Kỳ phải đối mặt với bốn cuộc khủng hoảng lịch sử, nhưng những cuộc khủng hoảng mà ông muốn nói đến là “thực tế trừng phạt của biến đổi khí hậu” (những cuộc khủng hoảng khác là COVID, kinh tế và “chủng tộc”). Vào thời điểm diễn ra cuộc họp báo về biến đổi khí hậu của Tòa Bạch Ốc vào ngày 27/01, số lượng các loại khủng hoảng đã tăng 50%. Tại sự kiện đó, ông John Kerry, đặc phái viên về khí hậu của ông Biden, đã nói về “tất cả sáu cuộc khủng hoảng lớn” mà tổng thống đang phải đối mặt (một phóng viên đã thêm nhập cư vào danh sách và ông Kerry đã liệt kê sáu loại khủng hoảng). “Mỗi loại trong số chúng đều có ý nghĩa sống còn.”
Ông Kerry và cựu quản trị viên EPA và hiện là cố vấn khí hậu quốc gia của Tòa Bạch Ốc Gina McCarthy đang nói về sắc lệnh biến đổi khí hậu mà ông Biden vừa ký. Sắc lệnh tuyên bố: “Chúng ta phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng khí hậu đe dọa người dân và cộng đồng của chúng ta, sức khỏe cộng đồng và nền kinh tế, và đặc biệt là khả năng sinh sống của chúng ta trên hành tinh Trái đất. Mục đích của nó là biến việc chống biến đổi khí hậu trở thành nguyên tắc tổ chức của chính phủ TT Biden.”
Bà McCarthy tuyên bố một cách chắc chắn rằng, “Biến đổi khí hậu là thách thức sức khỏe cộng đồng quan trọng nhất trong thời đại của chúng ta.”
Ông Kerry gợi ý rằng việc cắt giảm lượng khí thải carbon-dioxide sẽ làm giảm bệnh hen suyễn ở trẻ em. Ông nói thêm: “Chất lượng cuộc sống sẽ tốt hơn khi bà Gina tổ chức xong nhóm của bà ấy để đưa ra cho chúng ta những lựa chọn lành mạnh hơn, ít bệnh ung thư hơn, không khí trong sạch hơn.”
Chẳng bao lâu nữa, chính phủ ông Biden sẽ phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng do chính mình tạo ra-một cuộc khủng hoảng việc làm do chính sách tạo thành. Như các công nhân của công trình đường ống Keystone XL đã nhận thấy, tạo ra việc làm trong tương lai hóa ra lại liên quan đến việc phá hủy công việc của hiện tại. Bà McCarthy giải thích một cách khéo léo rằng, “Tất cả là nhằm xây dựng những công việc trong tương lai mà chúng ta muốn có, không tiếp tục lãng phí cho một ngành kinh tế mà tương lai của chúng ta sẽ không cần đến.”
Không có công việc nào có thể được chi trả một cách lâu bền cao hơn giá trị sản phẩm mà nó tạo ra mà không cần trợ cấp vĩnh viễn. Việc liên tục niệm câu thần chú “việc công đoàn trả lương cao” sẽ không tạo nên điều gì khác, và không thể thay đổi tính kinh tế căn bản để biện minh cho việc chấm dứt các công việc ngành dầu khí năng suất cao đổi lấy các công việc năng suất thấp cho ngành điện gió và năng lượng mặt trời. Theo ông Mark Perry của Viện Doanh nghiệp Hoa Kỳ, cần một công nhân làm trong lĩnh vực nguyên tử và khí đốt tự nhiên để sản xuất ra lượng điện tương đương 1.1 công nhân làm trong ngành điện than, 5.2 công nhân làm trong ngành điện gió và con số khủng 45.8 công nhân làm trong ngành điện năng lượng mặt trời. Mức phạt năng suất của ngành điện gió và đặc biệt là ngành năng lượng mặt trời không thể tránh khỏi đồng nghĩa với việc tiền lương thấp hơn. Bà McCarthy nói: “Việc làm trong ngành điện năng lượng mặt trời sẽ có ở khắp mọi nơi—ngụ ý rằng rất nhiều công việc được trả lương thấp sẽ thay thế những công việc được trả lương cao mà chính phủ đang cố gắng loại bỏ.
Sắc lệnh của tổng thống cũng nêu rõ rằng chống biến đổi khí hậu sẽ là một phần không thể thiếu trong chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia của Hoa Kỳ. Mặc dù việc coi biến đổi khí hậu như một mối đe dọa an ninh quốc gia nghiêm trọng đã bị thổi phồng quá mức, nhưng nhìn nhận nó qua lăng kính an ninh quốc gia có thể hữu ích ở một khía cạnh nào đó. Giống như việc chống chiến tranh, việc chống lại sự biến đổi khí hậu đòi hỏi phải khai triển các nguồn lực khổng lồ nhưng mục đích mang lại rất ít hoặc không có lợi ích kinh tế trực tiếp. Những lợi ích của chính sách khí hậu—nếu có—sẽ chỉ có trong tương lai xa, vì sự thành công của chúng phụ thuộc vào việc tất cả các nền kinh tế lớn cắt giảm lượng khí thải, chứ không chỉ riêng Hoa Kỳ. Các lợi ích sẽ ở dạng như giảm các tác động bất lợi, chứ không phải là các khoản đầu tư tạo ra tăng trưởng kinh tế nhanh hơn và mức sống cao hơn. Chúng ta hy sinh ngày hôm nay cho một khí hậu trong tương lai ít tồi tệ hơn vào một thời điểm chưa được xác định.
Kinh tế học chống biến đổi khí hậu ít có điểm chung với kinh tế học thời Đại suy thoái trong Lý thuyết chung của Keynes, vốn là học thuyết mà những người ủng hộ kích cầu lấy cảm hứng cho họ, hơn là với cuốn sách “Cách trả tiền cho chiến tranh” năm 1940 của ông. Keynes đã lo lắng rằng sức mua tăng thêm của người lao động do nỗ lực sản xuất cho chiến tranh sẽ không được hấp thụ bởi việc sản xuất thêm hàng tiêu dùng, dẫn đến nền kinh tế tăng nóng và lạm phát tăng mất kiểm soát.
Keynes viết: “Mọi việc sử dụng tài nguyên của chúng ta đều có nghĩa là tài nguyên đó không được dùng cho các mục đích khác được nữa.”
Vẫn còn xa mới đạt được mục tiêu hai bên cùng có lợi về kinh tế, chính sách khí hậu là hai bên cùng lỗ. Việc thay thế năng lượng tạo ra từ hydrocacbon bằng năng lượng gió và năng lượng mặt trời sẽ thu hẹp tiềm năng sản xuất của nền kinh tế. Ngoài ra, sử dụng năng lượng không tạo carbon có nghĩa là sẽ đắt hơn để chế tạo ra sản phẩm và làm mọi việc khác, chẳng hạn như sưởi ấm nhà cửa và cung cấp năng lượng cho các nhà máy. Đó là lý do tại sao chi phí năng lượng ở Âu Châu cao hơn nhiều lần so với ở Hoa Kỳ. Do đó, quá trình bỏ khí carbon là một sự tạo lạm phát kép. Nó thu hẹp sản lượng nên nền kinh tế trở nên kém năng suất hơn, và bằng cách đưa nhiều điện gió và năng lượng mặt trời vào lưới điện, nó làm cho lưới điện trở nên mỏng manh hơn và đẩy chi phí năng lượng lên cao, đẩy lạm phát chi phí vào nền kinh tế.
Ông Powell có thể nghĩ rằng lạm phát của những năm 1970 đã chết và bị chôn vùi. Nhưng ông ta và chính phủ ông Biden đang làm mọi thứ để tái diễn điều đó cho những năm của thập kỷ 2020.
Từ RealClearWire.
Ông Rupert Darwall là một thành viên cao cấp của Tổ chức RealClear và là tác giả của cuốn sách “Chế độ chuyên chế xanh: Phơi bày gốc rễ toàn trị của Tổ hợp công nghiệp khí hậu” và báo cáo “Thòng lọng khí hậu: Kinh doanh, Net Zero và Chủ nghĩa chống tư bản của IPCC”.
Quan điểm được trình bày trong bài viết này là ý kiến của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Rupert Darwall
Minh Khanh biên dịch
Xem thêm: