Kinh tế Hoa Kỳ thời hậu khủng hoảng: Lạm phát đình trệ hay suy thoái?
Nền kinh tế Hoa Kỳ bất ngờ thu hẹp trong quý đầu tiên, giảm 1.4%. Ba tháng tăng trưởng âm nữa về sản lượng hàng hóa và dịch vụ có thể đẩy nền kinh tế lớn nhất thế giới vào một cuộc suy thoái về mặt kỹ thuật (“technical recession”, được định nghĩa là khi nền kinh tế sụt giảm trong hai quý liên tiếp).
Mặc dù các đám mây suy thoái có thể đang hình thành phía trước, nhưng một số nhà phân tích thị trường đã bác bỏ chỉ số tốc độ tăng trưởng GDP hàng quý tính theo tỷ lệ hàng năm điều chỉnh theo mùa (SAAR) trong giai đoạn từ tháng Một đến tháng Ba nói trên, do nhu cầu trong nước tăng mạnh. Chi tiêu của người tiêu dùng tăng 2.7%, đầu tư vào nhà ở tăng 2.1% và đầu tư không phải vào lĩnh vực nhà ở tăng 9.2%. Tăng trưởng âm chủ yếu do xuất cảng giảm, hàng tồn kho nhiều, và chi tiêu chính phủ giảm.
Tuy nhiên, các chuyên gia tài chính thừa nhận rằng đây không phải là một quý tốt đối với nền kinh tế sau đại dịch, với tình trạng lạm phát giá cả tràn lan trong hầu hết các lĩnh vực. Dữ liệu và xu hướng cũng đè nặng lên các dự báo.
Nhà kinh tế Robert Dent của ngân hàng Nomura cảnh báo trong một báo cáo nghiên cứu: “Chúng tôi kỳ vọng sự suy giảm tăng trưởng đáng chú ý hơn vào năm 2023 và tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, với nguy cơ suy thoái nhẹ tăng cao.”
Thế nghĩa là lạm phát đình trệ có nhiều khả năng xảy ra trong 12 đến 24 tháng tới?
Lạm phát đình trệ thường đề cập đến một khoảng thời gian tăng trưởng kinh tế chậm lại, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, và lạm phát gia tăng.
Sự kiện kinh tế này đã xảy ra hai lần ở Hoa Kỳ vào những năm 1970, do giá năng lượng tăng cao ngất ngưởng, và các biện pháp kiểm soát giá và tiền lương của chính phủ đã hạn chế nguồn cung.
Thời kỳ đầu tiên của lạm phát đình trệ diễn ra từ năm 1974 đến năm 1975 khi tỷ lệ tăng trưởng hàng năm là -6.19% và 0.34%. Giai đoạn thứ hai của lạm phát đình trệ xảy ra từ năm 1978 đến năm 1982 khi tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm là 0.91% (1978), -2.37% (1979), -3.42 % (1980), 2.79 % (1981) và -4.34 % (1982). Tỷ lệ thất nghiệp lên tới 10% trong khung thời gian này, trong khi tỷ lệ lạm phát hàng năm vượt quá 13.5% vào năm 1980.
Để đối phó với tình trạng lạm phát vượt ngoài tầm kiểm soát, Fed, do thành viên Đảng Dân Chủ Paul Volcker dẫn đầu, đã tăng lãi suất quỹ liên bang chuẩn từ 11.2% năm 1979 lên 20% vào tháng 06/1981.
Nhìn về tương lai, lo ngại lạm phát đình trệ ngày càng rõ nét hơn.
Cuộc khảo sát quản lý quỹ tháng Ba của Bank of America nhấn mạnh rằng kỳ vọng lạm phát đình trệ của Hoa Kỳ đã tăng lên 66% — mức cao nhất trong vòng 14 năm.
Trình bày trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg News hồi tháng trước, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Canada Tiff Macklem đã bác bỏ khả năng xảy ra viễn cảnh này.
Ông nói: “Rất nhiều thứ đã thay đổi kể từ những năm 1970. Các ngân hàng trung ương sẽ đi trước nhiều hơn trước đây.”
Âu Châu có thể đang trên bờ vực của lạm phát đình trệ. Trong khu vực đồng euro, GDP chỉ tăng 0.2% trong quý đầu tiên, trong khi lạm phát đạt 7.5% trong tháng Tư.
Ở Pháp, tăng trưởng thu nhập đã bị đình trệ và giá cả hàng hóa và dịch vụ tăng vọt. Lần cuối cùng một trong những nền kinh tế lớn nhất Âu Châu chứng kiến trường hợp tương tự là vào những năm 1980.
Trong nước, ông Ray Dalio, người sáng lập và đồng giám đốc đầu tư của Bridgewater Associates, tin rằng một môi trường lạm phát đình trệ có thể đang diễn ra.
Ông gần đây đã nói với Yahoo Finance Presents rằng, “Tôi nghĩ rằng rất có thể những gì chúng ta sẽ gặp phải là một thời kỳ lạm phát đình trệ. Vì vậy, những gì quý vị có là sự thắt chặt của Cục Dự trữ Liên bang đủ để đối phó với lạm phát một cách thỏa đáng, và đó là sự thắt chặt quá mức đối với thị trường và nền kinh tế. Vì vậy, Fed sẽ ở một vị trí rất khó khăn trong một năm tới khi lạm phát vẫn ở mức cao và điều này bắt đầu ảnh hưởng đến cả thị trường và nền kinh tế.”
Một cuộc suy thoái thì sao?
Nếu Hoa Kỳ rơi vào tình trạng lạm phát đình trệ, khả năng xảy ra suy thoái là bao nhiêu?
Các nhà kinh tế và Wall Street đang theo dõi một loạt các chỉ báo suy thoái đáng báo động.
Trong tháng Ba và tháng Tư, đường cong lợi suất đã đảo ngược. Đây là khi trái phiếu ngắn hạn tạo ra lãi suất cao hơn trái phiếu dài hạn. Khi điều này xảy ra, nó thường cho thấy các nhà đầu tư đang mất niềm tin vào nền kinh tế.
Nhưng không phải ai cũng tin rằng đường cong lợi suất là một chỉ báo đáng tin cậy trong loại môi trường này.
Ông Neil Shearing, trưởng nhóm nhà kinh tế tại Capital Economics, lập luận: “Tuy nhiên, vấn đề ngày nay là đường cong lợi suất đã bị bóp méo do tác động của việc mua tài sản quy mô lớn của ngân hàng trung ương trong thập niên vừa qua. Những điều này đã nén mức bù đắp rủi ro theo kỳ hạn [của trái phiếu] và kéo lợi suất xuống ở phần cuối của đường cong, do đó khiến nó dễ bị đảo ngược hơn. Do đó, chúng tôi nghi ngờ rằng đường cong lợi suất có thể đã mất đi một phần sức mạnh dự đoán của nó.”
Trước khi chu kỳ thắt chặt của Cục Dự trữ Liên bang bắt đầu, các nhà giao dịch suy đoán rằng ngân hàng trung ương sẽ cắt giảm lãi suất vào nửa cuối năm 2023 hoặc nửa đầu năm 2024 trong bối cảnh triển vọng tăng trưởng suy yếu.
Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) sẽ kết thúc cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày vào thứ Tư (04/05). Thị trường dự đoán rộng rãi rằng Fed sẽ kích hoạt việc tăng lãi suất 50 điểm trong tháng này và vào tháng Sáu khi tổ chức này vật lộn với lạm phát cao nhất trong vòng bốn thập niên.
Một số nhà quan sát cảnh báo rằng việc thắt chặt định lượng có thể tác động đến nền kinh tế thời hậu khủng hoảng.
Ông Nikolai Roussanov, giáo sư tài chính tại Trường Wharton thuộc Đại học Pennsylvania, cho biết: “Nền kinh tế Hoa Kỳ hiện tại khá mạnh, nhưng thực sự có một số nguy cơ rơi vào suy thoái. Độ dài và mức độ nghiêm trọng của suy thoái sẽ phụ thuộc phần lớn vào phản ứng của Fed và tôi hy vọng Fed sẽ làm tất cả những gì có thể để giảm thiểu thiệt hại.”
Chủ tịch Fed Jerome Powell đã tuyên bố rằng mục tiêu của ông là đạt được hạ cánh mềm: kiềm chế lạm phát giá cả, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, và bảo đảm rằng thị trường lao động vẫn vững mạnh.
Ngay cả khi hỗ trợ tài chính và tiền tệ suy yếu và lạm phát gia tăng, ING dự đoán sẽ có một đợt phục hồi trong quý II.
Ông James Knightley, Nhà kinh tế trưởng của Nhóm Kinh tế Quốc tế tại ING, cho biết: “Trong khi lạm phát đang làm tổn hại sức chi tiêu, thu nhập danh nghĩa đang tăng mạnh và có những khoản thu nhập từ việc làm khá tốt, kết hợp lại có thể giữ cho chi tiêu ổn định. Hơn nữa, còn có di sản của khoản tiết kiệm cao hơn tích lũy được trong thời đại dịch và sự gia tăng của cải lớn do giá trị tài sản tăng lên có thể được sử dụng để giữ cho chi tiêu của người tiêu dùng tăng trưởng tốt.”
ING dự báo tăng trưởng hàng năm trong khoảng 2% và 2.5% trong giai đoạn từ tháng Tư đến tháng Bảy.
Goldman Sachs đã lặp lại quan điểm này, kỳ vọng rằng Hoa Kỳ có thể ngăn chặn suy thoái do thị trường lao động mạnh mẽ và việc “các gia đình đang có tình hình tài chính tốt hơn so với thời điểm bắt đầu của hầu hết các cuộc suy thoái.”
Ngân hàng này viết: “Tỷ lệ tổng tài sản ròng gia đình trên thu nhập khả dụng đang ở mức cao kỷ lục, tỷ lệ tiết kiệm cá nhân tăng cao, tiết kiệm dồn nén đang dư dả và người Mỹ nhìn chung có thặng dư tài chính lành mạnh. Điều này có nghĩa là tăng trưởng thu nhập lao động chậm lại ít có khả năng khiến các gia đình cắt giảm mạnh chi tiêu hơn so với một số chu kỳ trước đây.”
Các nhà nghiên cứu của tập đoàn lớn tại Wall Street này gần đây đã nâng tỷ lệ suy thoái trong 24 tháng tới lên 35%.
Cục Dự trữ Liên bang không dự đoán về một giai đoạn thu hẹp [trong chu kỳ kinh tế, mà] dự đoán 2.8% vào năm 2022, 2.2% vào năm 2023, và 2% vào năm 2024.
Ông Andrew Moran đưa tin về kinh doanh, kinh tế, và tài chính. Ông từng là một nhà văn và phóng viên trong hơn một thập niên ở Toronto, với các bài viết trên Liberty Nation, Digital Journal, và Career Addict. Ông cũng là tác giả của cuốn sách “The War on Cash” (“Cuộc Chiến Tiền Mặt”).
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: