Kinh tế Hoa Kỳ tăng trưởng 2.6% trong quý 3 nhưng triển vọng tương lai mờ mịt
Nền kinh tế Hoa Kỳ phục hồi trong quý thứ ba sau khi suy giảm trong sáu tháng đầu năm nay, thúc đẩy quan điểm cho rằng nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể không rơi vào suy thoái, mặc dù các dấu hiệu kinh tế suy yếu ngày càng tăng cho thấy nó có thể sẽ lại rơi vào vùng tăng trưởng âm.
Dữ liệu của chính phủ công bố hôm 27/10 cho thấy nền kinh tế đã mở rộng với tốc độ 2.6% hàng năm trong khoảng thời gian từ tháng Bảy đến tháng Chín. Con số này cao hơn một chút so với một dự báo đồng thuận ở mức 2.4%.
Sự phục hồi này thể hiện sự đảo ngược mạnh mẽ từ mức giảm 1.6% trong quý đầu tiên và giảm 0.6% trong quý thứ hai, đáp ứng định nghĩa không chính thức cho một cuộc suy thoái, làm dấy lên cuộc tranh luận gay gắt về việc liệu nền kinh tế có thực sự đang trong suy thoái hay không.
Con số GDP của ngày thứ Năm là một ước tính “trước”, với một vài sửa đổi sẽ được đưa ra trước khi ước tính thứ hai được công bố hôm 30/11.
Đầu năm nay, Tòa Bạch Ốc phủ nhận nền kinh tế đã rơi vào suy thoái sau khi báo cáo GDP quý 2 âm, với lý do tiêu chuẩn được sử dụng bởi các trọng tài chính thức về suy thoái của Hoa Kỳ, một hội đồng các nhà kinh tế tại Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia (NBER), sử dụng một định nghĩa trên diện rộng hơn là GDP.
Vào thời điểm đó, Bộ trưởng Ngân khố Janet Yellen đã củng cố quan điểm của Tổng thống Joe Biden rằng trên thực tế, nền kinh tế Hoa Kỳ đã không rơi vào suy thoái.
“Đó không phải là những gì chúng ta đang chứng kiến ngay lúc này khi quý vị nhìn vào nền kinh tế. Việc làm đang tiếp tục tăng, tài chính hộ gia đình vẫn mạnh, người tiêu dùng đang chi tiêu và các doanh nghiệp đang phát triển,” bà Yellen cho biết trong một cuộc họp báo ngày 28/07, trong đó bà nhấn mạnh rằng “hầu hết các nhà kinh tế và hầu hết người Mỹ” đều định nghĩa suy thoái là “sự suy yếu trên diện rộng” của nền kinh tế Hoa Kỳ, bao gồm các doanh nghiệp đóng cửa với số lượng đáng kể và sa thải hàng loạt.
Nhưng kể từ đó, những tai ương kinh tế của Mỹ hầu như không biến mất. Lạm phát, gần chạm mức cao nhất trong 40 năm, đang bóp nghẹt ngân sách của các hộ gia đình. Lãi suất tăng đã làm hạ nhiệt thị trường nhà đất vốn phát triển mạnh mẽ trước đây và các nhà kinh tế ngày càng cảnh báo rằng việc Fed thắt chặt quá mức có thể gây ra những thiệt hại nghiêm trọng hơn cho nền kinh tế, bao gồm cả vấn đề thất nghiệp.
Tỷ lệ thất nghiệp tăng khi Fed thắt chặt
Sau khi coi lạm phát gia tăng là một tình trạng “tạm thời” vào thời điểm đầu, một Fed lúng túng đã tích cực hành động để thắt chặt các thiết lập tiền tệ và dập tắt áp lực giá cả tăng. Tuy nhiên, tác động của việc tăng lãi suất đã không đáng kể, khiến các quan chức Fed liên tục nói rằng việc thắt chặt hơn đang được tiến hành.
Với tất cả các biện pháp thắt chặt đang được tiến hành, các nhà hoạch định chính sách của Fed kỳ vọng rằng nền kinh tế sẽ chậm lại và tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng cao hơn từ 3.5% hiện tại lên 4.4% vào năm 2023 và 2024.
Nhưng một lưu ý phân tích gần đây từ Deutsche Bank cho biết Fed đang đánh giá sai ước tính của mình về số lượng người Mỹ sẽ phải mất việc làm khi ngân hàng trung ương điều chỉnh hướng đi của mình.
“Phân tích cập nhật của chúng tôi tiếp tục chỉ ra nhu cầu về tỷ lệ thất nghiệp tăng mạnh hơn so với dự báo mới nhất của Fed cho tháng Chín,” các nhà phân tích của Deutsche Bank viết, dự đoán tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng cao tới 6% vào cuối năm 2023.
Tỷ lệ thất nghiệp ở mức 6% có nghĩa là khoảng 4 triệu người Mỹ mất việc làm.
Nhà phân tích thị trường và thương nhân Sven Henrich cho biết trong một loạt bài đăng trên Twitter hôm thứ Năm rằng dự đoán tỷ lệ thất nghiệp của Fed đạt mức cao nhất 4.4% từ mức 3.5% hiện tại là không có tiền lệ.
Ông nói, “Không có ví dụ nào mà tỷ lệ thất nghiệp đạt đỉnh điểm 4.4% đến từ 3.5%. Không có. Mà các mức đỉnh điểm theo sau các số liệu thấp như vậy kết thúc ít nhất là 6%-8% hoặc tệ hơn. Vì vậy, Fed đang bám vào một cuộc hạ cánh nhẹ nhàng không có câu chuyện suy thoái bất chấp tất cả lịch sử.”
Ông Henrich cho rằng Fed nên tạm dừng các đợt tăng lãi suất nhanh chóng để đánh giá tác động của chúng đối với nền kinh tế.
Ông nói, “Fed sẽ khôn ngoan khi giảm tốc độ và đánh giá các tác động của độ trễ. Nếu không, mọi thứ, cũng có thể trở nên xấu đi. Tóm lại: Vẫn còn rất nhiều điều để đánh giá trong những tháng tới vì rủi ro lớn vẫn còn.”
Bên cạnh việc tăng lãi suất nhanh chóng của Fed có khả năng kéo nền kinh tế đi xuống trong quý 4 và hơn thế nữa, còn có những đám mây khác ở phía chân trời.
Các cơn gió lạm phát đình trệ ở Hoa Kỳ đã tăng cường, với dữ liệu gần đây từ Ngân hàng Dự trữ Liên bang Richmond cho thấy hoạt động sản xuất giảm mạnh cùng lúc với áp lực lạm phát gia tăng.
Ngoài ra, còn có một thực tế là yếu tố đóng góp lớn vào sự thể hiện tương đối mạnh mẽ cho GDP quý 3 là con số xuất cảng ròng cao bất thường, mà các chuyên gia cho rằng sẽ không xảy ra trong tương lai.
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times