Kinh tế Hoa Kỳ suy giảm 1.4% trong quý đầu tiên
Kinh tế Hoa Kỳ đã suy giảm với tốc độ hàng năm là 1.4% trong quý đầu tiên, thấp hơn nhiều so với kỳ vọng tăng trưởng 1% của thị trường.
Dữ liệu tổng sản phẩm quốc nội (GDP), do Bộ Thương mại Hoa Kỳ công bố hôm 28/04, đánh dấu mức tăng trưởng âm đầu tiên kể từ quý 2 năm 2020 và đảo ngược đáng kể so với mức tăng 6.9% trong quý trước.
Theo Bộ Thương mại, sự sụt giảm trong GDP là do giảm đầu tư vào hàng tồn kho tư nhân, xuất cảng, và chi tiêu của chính phủ liên bang, chính quyền tiểu bang, và địa phương. Nhập cảng tăng trong ba tháng kết thúc vào tháng Ba.
Ngoài ra, đầu tư cố định cho khu dân cư và ngoài khu dân cư đều tăng, trong khi chi tiêu cho tiêu dùng cá nhân (PCE) cũng tăng lên.
Thu nhập cá nhân tăng 268 tỷ USD trong quý đầu tiên, trong khi thu nhập cá nhân khả dụng tăng lên 21.6 tỷ USD. Tỷ lệ tiết kiệm cá nhân giảm xuống còn 6.6%, giảm từ 7.7% trong quý trước.
“Sự sụt giảm đầu tư tư nhân vào hàng tồn kho là do sự sụt giảm trong thương mại bán sỉ (chủ yếu là xe có động cơ) và thương mại bán lẻ (đặc biệt là các nhà bán lẻ và đại lý xe có động cơ ‘khác’)”, BEA cho biết trong một thông cáo báo chí. “Trong lĩnh vực xuất cảng, sự sụt giảm trên diện rộng đối với hàng hóa không lâu bền được bù đắp một phần bởi sự gia tăng của các dịch vụ kinh doanh ‘khác’ (chủ yếu là dịch vụ tài chính). Việc giảm chi tiêu của chính phủ liên bang chủ yếu phản ánh sự giảm chi tiêu quốc phòng đối với hàng hóa và dịch vụ trung gian. Sự gia tăng nhập cảng được thúc đẩy bởi sự gia tăng của hàng hóa lâu bền (đặc biệt là hàng tiêu dùng phi thực phẩm và phi động cơ).
Tòa Bạch Ốc đã chuẩn bị báo cho giới báo chí về mức tăng trưởng kinh tế chậm hơn vào đầu năm, với lý do tích lũy hàng tồn kho của doanh nghiệp giảm. Nhưng một quan chức chính phủ nói với Reuters rằng “các điều kiện kinh tế vẫn rất, rất mạnh.”
Một quan chức cao cấp khác của chính phủ cho biết trong một cuộc phỏng vấn với CNBC rằng nền kinh tế Hoa Kỳ sẽ chứng kiến tốc độ tăng trưởng GDP mạnh mẽ trong năm nay, bất chấp rủi ro lạm phát và cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng toàn cầu.
Vị quan chức này cho biết: “Khi quý vị tổng hợp tất cả các yếu tố lại với nhau, nền kinh tế Hoa Kỳ đang ở một vị trí vững chắc, ngay cả khi chúng ta phải đối mặt với một số rủi ro bổ sung trong những tháng tới.”
Các chuyên gia đã dự đoán những gì
Trong nhiều tuần, các chuyên gia tài chính đã dự đoán một chỉ số GDP ảm đạm trong giai đoạn từ tháng Một đến tháng Ba.
Các nhà kinh tế do Reuters thăm dò đã dự báo GDP tăng 1.1% trong quý đầu tiên.
Mô hình GDPNow cuối cùng của Ngân hàng Dự trữ Liên bang Atlanta ước tính tăng trưởng ở mức 0.4%.
Đầu tháng này, Conference Board đã dự báo tốc độ tăng trưởng GDP của Hoa Kỳ sẽ chậm lại ở mức 1.5% hàng năm, ám chỉ việc Nga xâm lược Ukraine, chính sách tiền tệ thắt chặt hơn, kỳ vọng lạm phát cao hơn, và sức mua của người tiêu dùng giảm.
Mặc dù tổ chức này không kỳ vọng sẽ có suy thoái trong năm nay, nhưng họ lo ngại về nhiều yếu tố có thể dẫn đến một sự suy giảm tăng trưởng, đặc biệt là những sai lầm của ngân hàng trung ương Hoa Kỳ, sự hồi sinh của COVID-19 và giá hàng hóa tăng vọt.
Dự báo chính thức của ngân hàng Morgan Stanley là 0.6%, mặc dù dự báo này không hoàn toàn loại trừ dấu ấn tiêu cực trong tăng trưởng GDP trong ba tháng đầu năm 2022.
“Dấu ấn tiêu cực của tăng trưởng GDP quý đầu tiên, nếu điều đó thực sự xảy ra, có thể sẽ được thúc đẩy bởi hai thành phần biến động của thu nhập quốc dân và các tài khoản sản phẩm: xuất cảng ròng và hàng tồn kho,” ngân hàng này cho biết trong một ghi chú nghiên cứu. “Đà tăng trưởng căn bản của nền kinh tế dường như vẫn khá mạnh trong quý đầu tiên.”
Câu hỏi trọng tâm mà nhiều người đặt ra là liệu một cuộc suy thoái có sắp xảy ra hay không?
Trong những tuần gần đây, nhiều công ty ở Phố Wall đã tăng tỷ lệ suy thoái kinh tế của họ. Những cuộc tranh luận này dường như cũng đang tập trung vào mức độ nghiêm trọng của sự suy giảm, với một số công ty dự đoán về một sự sụt giảm đáng kể và một số khác dự đoán có sự sụt giảm nhẹ trong GDP.
“Tôi sẽ không cho rằng cuộc suy thoái tiếp theo sẽ sâu như hai lần trước, rất có thể chúng ta sẽ có một đợt suy thoái thông thường hơn,” ông Nick Reece, một giám đốc danh mục đầu tư tại Merk Investments, cho biết trong một ghi chú nghiên cứu.
Deutsche Bank nghi ngờ nhiều hơn về nền kinh tế sau đại dịch, cảnh báo rằng Hoa Kỳ nên chuẩn bị cho một cuộc suy thoái kinh tế đáng kể.
Với việc Cục Dự trữ Liên bang (Fed) có khả năng trở nên quyết liệt hơn trong việc thắt chặt chính sách tiền tệ thông qua sự kết hợp của việc tăng lãi suất và thu hẹp bảng cân đối kế toán, tổ chức tài chính này cho biết sự biến động tài chính để ứng phó với những diễn biến này “sẽ đẩy nền kinh tế vào một cuộc suy thoái đáng kể vào cuối năm tới”.
“Chúng ta sẽ có một cuộc suy thoái lớn, nhưng quan điểm của chúng tôi là Fed hành động càng sớm và mạnh mẽ thì càng có ít thiệt hại lâu dài cho nền kinh tế,” các nhà kinh tế của Deutsche Bank, trong đó có ông David Folkerts-Landau, nhà kinh tế trưởng của nhóm này, người đứng đầu nghiên cứu, đã viết trong một báo cáo hôm thứ Ba.
Goldman Sachs đã nâng tỷ lệ suy thoái lên 35% trong hai năm tới. Mô hình xác suất suy thoái của Bloomberg Economics đặt xác suất suy thoái là 44% trước tháng 01/2024. Merk Research đặt xác suất suy thoái là 1 trên 3.
Chủ tịch Fed Jerome Powell đã nhiều lần tuyên bố rằng mục tiêu của ông là đạt được một cú hạ cánh nhẹ nhàng (soft landing): cắt giảm áp lực lạm phát trong khi ngăn chặn một cuộc suy thoái kinh tế và tỷ lệ thất nghiệp gia tăng.
Theo CME FedWatch Tool, thị trường đang đặt cược vào việc tăng lãi suất 50 điểm cơ bản tại hai cuộc họp chính sách của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) sắp tới.
Điều này có ý nghĩa gì đối với Phố Wall?
Đó là mùa thu nhập của Phố Wall, vì vậy các nhà đầu tư tập trung hơn vào các báo cáo hàng quý của công ty, với vấn đề lạm phát giá cả và chuỗi cung ứng. Ngoài ra, những lo ngại ngày càng tăng xung quanh nhu cầu giảm có thể là thách thức chính đối với các doanh nghiệp trong những tháng tới.
Đối với một nền kinh tế có mức tiêu dùng chiếm ⅔ GDP, điều này có thể ảnh hưởng đến các dự báo về GDP trong tương lai.
Ông Marc Scudillio, giám đốc điều hành của EisnerAmper Wealth Management, cho biết: “Câu hỏi đặt ra trong tương lai là chi phí hàng hóa và năng lượng sẽ ảnh hưởng như thế nào đến thu nhập trong tương lai. Giá đã tăng đáng kể trong một thời gian ngắn đối với các công ty, và sẽ sớm có kết quả để xem liệu mức tăng được chuyển đến người tiêu dùng có làm giảm nhu cầu, và thu nhập của công ty trong tương lai hay không. Chúng tôi đang lên kế hoạch cho sự biến động tiếp tục kéo dài và thiết lập đặc điểm chung cho khách hàng để dự đoán một thị trường đầy thách thức hơn.”
Cho đến thời điểm này trong năm, thị trường tài chính đã suy yếu đáng kể. Thị trường chứng khoán có thể giao dịch đi ngang “với sự biến động theo chiều hướng giảm trong một thời gian nữa,” ông Reece nói.
“Tôi không dự đoán một thị trường giảm xuống sâu và kéo dài như vào đầu những năm 2000 hay cuộc Khủng hoảng Tài chính Toàn cầu,” ông nói thêm trong ghi chú của mình. “Mức cao nhất mọi thời đại của S&P (ngày 03/01) không phù hợp với các mức cao nhất trong quá khứ của các thị trường chính trong nhiều bối cảnh. Tuy nhiên, tôi sẽ không ngạc nhiên nếu thị trường đi ngang với sự biến động giảm trong một thời gian nữa, có lẽ do một cuộc suy thoái nhẹ sẽ xảy ra trong hai năm tới.”
Thị trường tài chính Hoa Kỳ vẫn duy trì trạng thái tích cực trong giao dịch trước giờ mở cửa, với Chỉ số Công nghiệp Trung bình Dow Jones tăng 200 điểm và Chỉ số Tổng hợp Nasdaq cũng tăng 200 điểm. S&P 500 đã tăng thêm khoảng 1.1%.
Thị trường Trái phiếu Hoa Kỳ tăng điểm trên diện rộng khi các nhà đầu tư tìm kiếm giải pháp tránh khỏi sự sụt giảm hoạt động kinh tế.
Lợi suất chuẩn kỳ hạn 10 năm tăng 0.029% lên 2.847%. Trái phiếu kỳ hạn một năm tăng 0.018%, trong khi trái phiếu kỳ hạn 30 năm tăng 0.026%.
Chỉ số USD Hoa Kỳ (DXY), đo lường đồng bạc xanh so với rổ tiền tệ, tăng vọt 0.83% lên 103.81, bổ sung vào mức tăng hơn 8% kể từ đầu năm.
Ông Andrew Moran đưa tin về kinh doanh, kinh tế, và tài chính. Ông từng là một nhà văn và phóng viên trong hơn một thập niên ở Toronto, với các bài viết trên Liberty Nation, Digital Journal, và Career Addict. Ông cũng là tác giả của cuốn sách “The War on Cash” (“Cuộc Chiến Tiền Mặt”).
Nguyễn Lê biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: