Kinh tế Hoa Kỳ có thêm 428,000 việc làm trong tháng Tư
Dẫu lương tăng, người lao động Mỹ trung bình vẫn mất tiền do lạm phát gia tăng
Theo Cục Thống kê Lao động (BLS), nền kinh tế Hoa Kỳ đã có thêm 428,000 việc làm trong tháng 4, cao hơn mức dự báo 391,000 việc làm của thị trường. Tỷ lệ thất nghiệp không thay đổi ở mức 3.6%.
Thu nhập trung bình theo giờ tăng với tỷ lệ hàng năm là 5.5%, thấp hơn tỷ lệ lạm phát 8.5%, cho thấy rằng người lao động đang bị thua thiệt. Tính theo cơ sở hàng tháng, thu nhập trung bình hàng giờ tăng 0.3%, tương đương 10 xu, lên 31.85 USD. Số giờ lao động trung bình hàng tuần được giữ ổn định ở mức 34.6. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động giảm 0.2 điểm phần trăm xuống 62.2 %.
Mức tăng việc làm diễn ra trên diện rộng, dẫn đầu là ngành giải trí và khách sạn (+78,000), giáo dục và dịch vụ y tế (+59,000), sản xuất (+55,000), và vận tải và kho bãi (+52,000).
Các dịch vụ chuyên nghiệp và kinh doanh đã có thêm 41,000 việc làm, trong khi dịch vụ tài chính tạo ra 35,000 việc làm mới. Thương mại bán lẻ đã thu hút thêm 29,200 việc làm, và số việc làm ở khu vực chính phủ tăng 22,000.
Trong một tuyên bố hôm 06/05, Tổng thống Joe Biden đã khoe rằng ông đã “tạo ra nhiều công việc ở mức kỷ lục” kể từ khi nhậm chức.
Ông nói, “Đây là một kết quả trực tiếp của Kế hoạch Giải cứu Hoa Kỳ, chương trình chích ngừa COVID của chúng tôi và kế hoạch phát triển nền kinh tế của tôi từ tầng lớp dưới lên và từ tầng trung lưu ra.”
Theo các nhà phân tích, một số chi tiết trong báo cáo việc làm không đạt được như mức ước tính, báo hiệu khả năng tăng trưởng việc làm trong tương lai sẽ chậm lại.
Ông Scott Anderson, nhà kinh tế trưởng tại Bank of the West đã viết trong một báo cáo: “Tỷ lệ thất nghiệp không thay đổi ở mức 3.6% so với kỳ vọng là giảm tiếp xuống còn 3.5%, và tỷ lệ tham gia lực lượng lao động trượt xuống 62.2% so với kỳ vọng đồng thuận là sẽ cải thiện lên 62.5% từ 62.4% vào tháng Ba.”
Tổng số người đang lao đông trong lĩnh vực phi nông nghiệp trong tháng Hai đã được điều chỉnh giảm 36,000 xuống còn 714,000. Con số tháng Ba cũng được điều chỉnh giảm 3,000 xuống 428,000.
Tỷ lệ thất nghiệp thực tế, một thước đo lao động khác phản ánh những người lao động không có việc làm nhưng không có ý định tìm việc và những cá nhân làm công việc bán thời gian, đã tăng lên 7%.
Các cổ phiếu tăng lượng bán tháo hôm 06/05 khi các chỉ số hàng đầu giảm khoảng 1%. Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones, S&P 500 và Chỉ số tổng hợp Nasdaq đã có những biến động dữ dội trong tuần này.
Thị trường Trái phiếu Ngân khố Hoa Kỳ chủ yếu là đã chìm trong sắc đỏ, với lợi suất chuẩn kỳ hạn 10 năm giảm 1.5 điểm cơ bản xuống 3.053%. Tín phiếu kỳ hạn một năm tăng lên đến 2.042%, trong khi trái phiếu kỳ hạn 30 năm giảm xuống còn 3.147%.
Chỉ số US Dollar Index (DXY), một thước đo của đồng bạc xanh so với rổ tiền tệ, giảm 0.35% xuống 103.36, từ mức mở cửa 103.56. Chỉ số này vẫn sẵn sàng cho mức tăng hàng tuần là 0.45%, nâng mức tăng hàng năm lên 7.75%.
Làn sóng về dữ liệu lao động
Đầu tuần này, công ty xử lý tiền lương ADP đã báo cáo rằng số lao động đang tham gia khu vực tư nhân đã tăng 247,000 trong tháng Tư, thấp hơn mức dự báo của thị trường là 390,000.
Báo cáo Việc làm Quốc gia, do Moody’s Analytics cung cấp, cho thấy rằng các doanh nghiệp nhỏ đã thông báo về tình trạng mất việc làm vào tháng trước, làm giảm 120,000 vị trí. Các công ty lớn đã có thêm 321,000 việc làm, trong khi các công ty quy mô vừa đã có thêm 46,000 việc làm.
Ông Nela Richardson, nhà kinh tế trưởng của ADP, cho biết trong một tuyên bố, “Trong tháng Tư, sự phục hồi của thị trường lao động có dấu hiệu chậm lại khi nền kinh tế tiếp cận trạng thái toàn dụng lao động.”
Nhưng một số người không tin rằng đó là một chỉ số đáng tin cậy cho báo cáo việc làm hàng tháng của BLS.
Ông Carlos Legaspy, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của Insight Securities, nói với The Epoch Times: “Số lượng lao động tham gia khu vực tư nhân của ADP yếu hơn dự kiến.” “Tuy nhiên, con số này theo truyền thống là không ổn định và không phải là một chỉ báo tốt về dữ liệu việc làm chính thức sắp tới.”
Theo số liệu của BLS, trong dữ liệu lao động khác, số lượng việc làm tăng lên mức cao nhất mọi thời đại là 11.549 triệu vào tháng Ba. Số người nghỉ việc cũng tăng lên mức cao kỷ lục là 4.536 triệu người, nâng tỷ lệ bỏ việc lên mức 3%.
Số đơn đăng ký trợ cấp thất nghiệp ban đầu bất ngờ tăng vọt lên 200,000 trong tuần kết thúc vào ngày 30/04, cao hơn mức ước tính trung bình là 182,000. Các đơn đăng ký trợ cấp thất nghiệp liên tục đã xuất hiện ở mức 1,384 triệu, thấp hơn dự kiến, trong khi mức trung bình bốn tuần của con số này sau khi loại bỏ sự biến động hàng tuần, đã tăng lên 188,000.
Chỉ số Chi phí Việc làm của BLS tăng 1.4% trong quý đầu tiên, cao hơn ước tính thị trường là 1.1%. Tiền lương và tiền công đã tăng 1.2%, trong khi phúc lợi đã tăng 1.8 %.
Có một sự kiện đáng chú ý khác đã xảy ra gần đây trên thị trường việc làm.
Trong quý đầu tiên, năng suất của người lao động giảm 7.5%, mức giảm nhanh nhất kể từ quý 3 năm 1947. Nhưng chi phí theo đơn vị lao động tăng vọt ở mức 11.6% — một thước đo tiền lương và phúc lợi trên một đơn vị sản lượng — mức tăng lớn nhất kể từ quý 3 năm 1982.
Có phải ngày càng nhiều người Mỹ thư giãn tại văn phòng khi biết rằng các ông chủ của họ đang rất cần người lao động?
Các chuyên gia cho rằng không hẳn là vậy.
Một điều đã xảy ra trong ba tháng đầu năm 2022 là làn sóng Omicron. Sự bùng phát của các ca nhiễm khiến hàng triệu người xin nghỉ ốm, khiến các doanh nghiệp phải ứng phó bằng cách thu hẹp hoạt động trở lại. Các nhà quan sát lưu ý rằng thực tế này đã xảy ra trong suốt đại dịch virus corona.
Nhà kinh tế trưởng Ian Shepherdson của Pantheon Macroeconomics viết trong một lưu ý cho khách hàng hôm 05/05: “Các con số về năng suất và chi phí luôn biến động nhưng chúng đã rất bất thường kể từ khi COVID xuất hiện, vì vậy những ảnh hưởng lớn này trong mỗi bản tin hàng quý sẽ lấn át tín hiệu [mang tính xu hướng căn bản].”
Nhìn về phía trước, nhiều nhà kinh tế không lo lắng về tăng trưởng năng suất, chủ yếu là do năng suất lao động của khu vực sản xuất tăng 0.7% trong giai đoạn từ tháng Một đến tháng Ba, với sản lượng tăng 5.7% và số giờ lao động tăng 5.1%. Ngoài ra, dữ liệu đầu tư cố định, trong đó nhấn mạnh chi tiêu vào tài sản để thúc đẩy tăng sản lượng, vẫn mạnh mẽ.
Việc làm và nền kinh tế
Theo một báo cáo gần đây của Fitch Ratings, Hoa Kỳ dự kiến sẽ khôi phục được tất cả việc làm bị mất trong cuộc khủng hoảng y tế cộng đồng do COVID-19 vào quý III.
Phân tích của Fitch, lần đầu tiên được chia sẻ với CNN, lưu ý rằng tất cả các tiểu bang ngoại trừ Hawaii và Louisiana đã khôi phục ít nhất 70% số việc làm bị mất vào thời điểm cao điểm của đại dịch. Hơn nữa, 13 trong số các tiểu bang đó, trong đó có Arizona, Florida, và Georgia, đã chứng kiến mức độ việc làm trở lại mức trước khủng hoảng.
Bà Jill Gonzalez, Nhà phân tích của WalletHub, cho biết xu hướng việc làm trong 12 đến 15 tháng qua cho thấy nền kinh tế Mỹ đã chuyển ra khỏi giai đoạn đại dịch virus corona.
Bà nói trong một báo cáo: “Tăng trưởng việc làm, kết hợp với ít khẩu trang và yêu cầu chích ngừa vaccine hơn trên toàn quốc, sẽ thúc đẩy sự phục hồi kinh tế nhiều hơn nữa.”
Ông Legaspy nói thêm, bởi vì thị trường lao động đã căng thẳng và vẫn đặc biệt eo hẹp, đấu trường việc làm “có thể chịu được mức suy yếu một chút và vẫn ở trạng thái toàn dụng.”
Tuy nhiên, trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Hoa Kỳ tháng Năm, Morning Consult cho biết, sự thắt chặt đáng chú ý này có thể làm trầm trọng thêm áp lực lạm phát, đặc biệt khi tỷ lệ tham gia lực lượng lao động vẫn ở dưới mức lịch sử.
Trong những tháng tới, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động có thể là vấn đề trọng tâm hơn do ngày càng có nhiều người trưởng thành từ bỏ lực lượng lao động và nghỉ hưu sớm. Ngoài ra, mặc dù tăng trưởng tiền lương đang tăng vọt, lạm phát đã xóa sạch mức tăng thu nhập của người lao động, và hiệu ứng này có thể có tác động làm nản lòng người lao động.
Báo cáo này nêu rõ, “Tại sao họ lại quay trở lại làm việc nếu họ không nhìn thấy thành quả thực sự từ sức lao động của mình? Tất nhiên, trừ khi họ phải quay trở lại để kiếm sống.”
Mặc dù thị trường lao động đang sôi sục, nền kinh tế Hoa Kỳ có thể sẽ chậm lại [tiếp] sau khi giảm 1.4% trong quý đầu tiên.
Cuộc thăm dò Marquee QuickPoll đối với các nhà đầu tư tổ chức của Bộ phận Thị trường Toàn cầu Goldman Sachs đã phát hiện ra rằng 2/3 [số tổ chức được thăm dò] tin rằng một cuộc suy thoái có thể đến trước cuối năm 2023, tăng từ mức 56% vào tháng Tư.
Cuộc khảo sát hàng tháng này đã cho thấy các nhà đầu tư cho rằng suy thoái kinh tế là cần thiết để hạ nhiệt lạm phát.
Những người khác cho rằng Hoa Kỳ có thể đang phải đối mặt với lạm phát đình trệ, một thời kỳ tăng trưởng kinh tế trì trệ, lạm phát cao, và tỷ lệ thất nghiệp gia tăng.
Ông Paul Ashworth, nhà kinh tế trưởng Hoa Kỳ tại Capital Economics tin rằng Hoa Kỳ sẽ ngăn chặn được một cuộc suy thoái, mặc dù triển vọng tăng trưởng còn khá rụt rè.
Ông viết trong một báo cáo nghiên cứu: “Chúng tôi dự đoán rằng tăng trưởng kinh tế thực tế sẽ vẫn duy trì liên tục ở dưới tốc độ tiềm năng 2% trong vòng hai năm rưỡi tới, nhưng rủi ro của suy thoái vẫn còn hạn chế.”
Báo cáo kinh tế quan trọng tiếp theo sẽ là tỷ lệ lạm phát của tháng Tư sẽ được công bố vào ngày 11/05.
Ông Andrew Moran đưa tin về kinh doanh, kinh tế, và tài chính. Ông từng là một nhà văn và phóng viên trong hơn một thập niên ở Toronto, với các bài viết trên Liberty Nation, Digital Journal, và Career Addict. Ông cũng là tác giả của cuốn sách “The War on Cash” (“Cuộc Chiến Tiền Mặt”).
Hoa Mai biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: