Kinh tế gia cho biết ‘giai đoạn tiếp theo’ của lạm phát đang đến
Một nhà kinh tế cảnh báo rằng những người dân Mỹ bị tác động bởi lạm phát gia tăng nên chuẩn bị tâm lý sẵn sàng rằng nền kinh tế sẽ trở nên bấp bênh hơn. Ông cho biết, lạm phát xảy ra theo nhiều giai đoạn, và dựa trên tiền lệ lịch sử, giai đoạn tiếp theo mà Hoa Kỳ phải đối mặt sẽ không tốt đẹp.
Lạm phát đã gia tăng trong hơn một năm sau khi chi tiêu khổng lồ của chính phủ trong đại dịch COVID-19 khiến Cục Dự trữ Liên bang phải in thêm hàng ngàn tỷ dollar. Giá tiêu dùng tăng 8.6% trong tháng Năm so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó giá một số mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, nhà ở, và thực phẩm, tăng đặc biệt mạnh.
Người dân Mỹ hiện đang nhanh chóng nhận ra những hậu quả kinh tế. Theo ông Ross McKitrick, giáo sư kinh tế tại Đại học Guelph ở Ontario, đây là giai đoạn 2, với giai đoạn 3 và 4 dự kiến sẽ tiếp tục.
‘Ảo tưởng về tiền bạc’
Giai đoạn đầu của lạm phát xảy ra khi tiền mới in đi vào nền kinh tế.
Ông nói, “Chính là tại giai đoạn đầu tiên đó mà quý vị có ảo tưởng về tiền bạc. Có nghĩa là mọi người nghĩ rằng họ có nhiều tiền hơn họ thực có,” và lưu ý rằng điều này khiến mọi người chi tiêu nhiều hơn, tạo ra một thời kỳ bùng nổ kinh tế ngắn hạn.
Ông McKitrick nói với The Epoch Times: “Nhưng họ không thực sự có nhiều tiền hơn so với khi họ bắt đầu. Những gì họ có là nguồn cung tiền bị pha loãng.”
Tuy nhiên, sự pha loãng như vậy không ảnh hưởng đến mọi người như nhau.
Ông nói, “Có một lợi thế khi đến sớm bởi vì nếu quý vị nhận chi phiếu kích thích chi tiêu đó sớm, quý vị sẽ ra ngoài và có thể mua hàng khi các mức giá khác vẫn còn thấp. Một tháng sau, những mức giá đó có thể tăng lên. Đương nhiên, vào lúc đó, cùng là tấm chi phiếu đó lại có sức mua kém hơn rất nhiều, nhưng tất cả các khoản tiền khác của quý vị cũng vậy.”
Theo ông McKitrick, nếu mọi người có thể dự đoán chính xác giá trị số tiền của họ sẽ giảm đi bao nhiêu do sự lạm phát của cung tiền, thì họ sẽ suy nghĩ kỹ về những gì mà họ thực sự có khả năng mua được. Thật không may, mọi người thường chỉ đi đến kết luận đó khi nhìn lại, sau khi giá đã tăng.
Ông nói, “Tại thời điểm đó, quý vị có thể xem xét kỹ điều này và nhận ra, “Được rồi, đáng lẽ tôi sẽ không mua chiếc xe đó nếu tôi biết điều gì sắp xảy ra.”
Thực tế bắt đầu
Khi mọi người nhận ra rằng họ có thể mua ít hơn bao nhiêu với những mức giá mới, thì đó là lúc mà kỳ vọng sẽ phát huy tác dụng. Đây có phải là một việc chỉ xảy ra một lần không? Giá sẽ hạ xuống trở lại một lần nữa?
Ông McKitrick nói: “Mọi người có thể đương đầu với rất nhiều thứ tạm thời. Nếu quý vị nghĩ rằng, ‘Được thôi, giá xăng tăng và sẽ cao trong một hoặc hai tháng, và sau đó nó sẽ trở lại bình thường,’ thì sẽ không ai thay đổi hành vi của họ để thích ứng với điều đó.”
“Nhưng bây giờ chúng ta đang ở thời điểm mà mọi người đang nhận ra, ‘Được rồi, giá xăng và dầu diesel đã tăng gấp đôi … và tôi không thấy có sự thuyên giảm trong thời gian trước mắt,’ và sau đó, ‘Tôi thực sự phải bắt đầu đưa ra quyết định kinh doanh bây giờ.’”
Vào lúc này, mọi người bắt đầu cắt giảm chi phí của họ.
Ông nói, “Vì vậy, đó là giai đoạn của chúng ta hiện nay.”
‘Thương lượng khó khăn’
Ông McKitrick nói: “Giai đoạn tiếp theo của quá trình lạm phát này xảy ra khi thị trường lao động bắt đầu điều chỉnh.”
Ông nói, “Vì vậy, ngay bây giờ, quý vị có rất nhiều công nhân đã bị cắt giảm 10% lương trong thực tế. Và họ sẽ không chỉ đầu hàng điều đó. Bây giờ họ sẽ đến gặp người sử dụng lao động của họ và đòi hỏi kiểu trợ giúp nào đó bằng hình thức trả lương cao hơn, và phản ứng của người sử dụng lao động là sẽ chống lại điều đó bởi vì tất cả chi phí đầu vào của họ đã tăng lên và họ không cảm thấy họ có được một khoản tăng 10% trong ngân sách của họ để chi trả.”
“Và trên thực tế, cả hai bên đều có một trường hợp xác thực để chứng minh rằng đây không phải là khoản tiền mới, đây không phải là tỷ suất lợi nhuận lớn hơn – người lao động đã mất đi sức mua.”
Anh ta sẽ dự tính một kiểu “hành động đình công và thương lượng cứng rắn” nào đó trong thời gian tới đây.
Ông nói: “Nếu kiểu quy trình dàn xếp tiền lương đó được điều chỉnh theo tỷ lệ lạm phát, thì điều đó sẽ trở thành động lực tăng giá mới” được gọi là “vòng xoáy tiền lương – giá cả.”
Tương tự như lạm phát trong những năm 1970, chừng nào mà mọi người còn mong đợi lạm phát và cố gắng được tăng lương để theo kịp nó, thì lạm phát sẽ không biến mất, vì chi phí trả lương cần phải được tính vào giá của sản phẩm cuối cùng.
Ông McKitrick nói: “quý vị không bao giờ thoát khỏi lạm phát chừng nào mọi người còn dự kiến về lạm phát ở đó.”
Cắt lương
Giai đoạn thứ tư xảy ra sau khi doanh nghiệp và người lao động cuối cùng đã có thể hòa giải.
Ông McKitrick nói: “Điều quý vị đang tìm kiếm trong toàn bộ quá trình đó là ai sẽ đầu hàng?”
“Cuối cùng thì… nếu quý vị có mức tăng giá vĩnh viễn lên 10 hoặc 20%, vào thời điểm việc này kết thúc, ai đó phải đầu hàng và chấp nhận điều đó như một khoản giảm lương. Giai đoạn mà chúng ta đang tiến vào bây giờ sẽ là một cuộc thương lượng khó khăn về việc ai sẽ đầu hàng.”
Các giải pháp
Tại Hoa Kỳ, cơ quan chịu trách nhiệm chống lạm phát là Cục Dự trữ Liên bang.
Chủ tịch Fed, ông Jerome Powell, đã trích dẫn số liệu cơ hội việc làm gần đây nhất — khoảng hai công việc có sẵn cho mỗi người đang tìm việc — như một lý do để Fed tăng lãi suất, thắt chặt nguồn cung tiền, làm chậm nền kinh tế, và do đó hạn chế số lượng cơ hội việc làm. Về lý thuyết, điều đó sẽ làm giảm áp lực tăng lương đối với người sử dụng lao động.
Ông McKitrick nghi ngờ logic đó.
Đúng là trong tháng Tư, ước tính có khoảng 11.4 triệu cơ hội việc làm và chưa đến 6 triệu người được phân loại là thất nghiệp. Nhưng đó là bởi vì bất kỳ ai không tìm việc trong bốn tuần trước đó sẽ không được tính là thất nghiệp nữa.
Ông nói, “Đó không phải là bởi vì nền kinh tế Hoa Kỳ đang tăng trưởng với tốc độ đặc biệt và có điều gì đó bất thường xảy ra ở phía cầu.”
“Đây là một tình huống bất thường về phía cung, và điều đó liên quan nhiều hơn đến các biện pháp chính sách khác nhau đã được thực hiện… theo đó mọi người không cần phải tham gia vào thị trường lao động như trước đây. Vì vậy, trong vài năm qua, sự gắn bó của người dân với thị trường lao động đã yếu đi khá nhiều.”
Thật vậy, việc rót thêm tiền mới đi kèm với nỗi lo về COVID-19 và sự đóng cửa kinh tế do chính phủ gây ra. Hàng triệu người Mỹ đã mất hoặc rời bỏ việc làm, và ngay cả khi nền kinh tế mở cửa trở lại, nhiều người vẫn chưa quay trở lại.
Nếu nền kinh tế trước đại dịch chỉ cố gắng xoay sở để bắt kịp với sự gia tăng dân số, tạo thêm khoảng 74,000 việc làm trung bình mỗi tháng, thì Hoa Kỳ lẽ ra phải có thêm khoảng 2.4 triệu người làm việc vào tháng Năm.
Ông McKitrick nói: “Vì bất cứ lý do gì, rất nhiều người vẫn chưa điều chỉnh bản thân trở lại với những kỳ vọng thông thường của công việc toàn thời gian và họ đã không phải làm như vậy.”
Như ông đã chỉ ra, đây không phải là “điều mà Fed có thể sửa chữa.”
Ông nói: “Điều đó xảy ra thông qua việc chính phủ xem xét lại tất cả các chính sách thị trường lao động để cố gắng thu hút sự tham gia của lực lượng lao động.”
‘Hạ cánh mềm’
Ông cho hay, để kiềm chế lạm phát, các nhà chức trách “trước hết phải ngừng mở rộng cung tiền,” có nghĩa là phải kiểm soát “chính sách tài khóa” của chính phủ.
Không có dấu hiệu nào cho thấy chính phủ đang đi theo con đường đó. Ý tưởng mới nhất của chính phủ Biden là cho phép người Mỹ tạm thời miễn đóng thuế xăng dầu. Cố định ở mức 18.4 xu/gallon, việc miễn thuế này sẽ giúp người lái xe tiết kiệm dưới 4% chi phí nhiên liệu hiện tại.
Khoản thuế này đóng góp khoảng 36 tỷ USD mỗi năm cho Quỹ Tín thác Xa lộ liên bang, quỹ này chi trả cho việc sửa chữa cầu đường cũng như phát triển phương tiện công cộng. Về cơ bản, quỹ này đã phá sản, và chính phủ liên bang, dù bản thân đã lâm vào cảnh thâm hụt, đã liên tục cứu trợ nó. Do đó, việc giảm thuế sẽ có nghĩa là phải vay nhiều tiền hơn hoặc in nhiều hơn.
Các đại diện của Fed đã nói về một “sự hạ cánh mềm” — làm chậm nền kinh tế vừa đủ để kiềm chế lạm phát, nhưng không quá nhiều để gây ra suy thoái.
Ông McKitrick thừa nhận rằng Fed đã “làm khá tốt” trong việc hạ cánh mềm nền kinh tế vào những năm 1990 khi lạm phát tăng nhẹ và Fed nhanh chóng ngăn chặn điều đó bằng cách mạnh tay tăng lãi suất.
Tuy nhiên, lần này Fed đã đợi một năm với việc tăng lãi suất, ban đầu coi nhẹ lạm phát là “tạm thời”.
Ông McKitrick nói: “Hiện tại, họ đang ở tụt lại phía sau trong việc cố gắng hạ cánh mềm.”
Tuy nhiên, sự can thiệp của Fed vẫn có thể đóng một vai trò nào đó.
Ông nói: “Những gì Fed cuối cùng có thể làm là thay đổi kỳ vọng.”
Ông nói: Nếu mọi người tin chắc rằng giá cả ít nhất sẽ ngừng tăng đáng kể, thì “điều đó sẽ loại bỏ nhiều áp lực lạm phát trong nền kinh tế” vì “về cơ bản, mọi người học cách sống với mức giá hiện tại của mọi thứ,” mà không đòi hỏi mức lương cao hơn.
Vấn đề là Fed đang phải đối mặt với một hệ thống tài chính đầy biến động, trong đó lãi suất cao hơn có thể dễ dàng kích hoạt một cuộc suy thoái.
Nghiện nới lỏng định lượng
Sau cuộc khủng hoảng nhà đất năm 2008, Fed đã bơm hàng ngàn tỷ dollar vào nền kinh tế mà không gây ra lạm phát tăng nhanh đối với hàng tiêu dùng.
Ông McKitrick nói: “Cơ chế ở đó là mua tài sản.”
Ban đầu Fed mua cổ phiếu và chứng khoán được bảo đảm bằng thế chấp (MBS) và sau đó chứng khoán kho bạc và MBS trong trạng thái mà họ gọi là “nới lỏng định lượng,” sẽ tạo ra những đồng dollar mới trong quá trình này. Nhưng số dollar đó phần lớn đổ về các tổ chức tài chính không sử dụng chúng để mua hàng tiêu dùng mà là để mua cổ phiếu, trái phiếu, và các cổ phiếu khác.
Ông McKitrick nói, trong khi đó, “các ngân hàng không tham gia cho vay quy mô lớn.” Điều đó có nghĩa là những đồng dollar mới này ở một mức độ nào đó đã được giữ ở ngoài thị trường tiêu dùng và do đó nằm khuất tầm nhìn của những nhà quản lý ngân sách của chính phủ, những người tính toán chỉ số giá tiêu dùng và chi tiêu tiêu dùng cá nhân – những thước đo lạm phát được sử dụng phổ biến nhất.
Tuy nhiên, nhiều nhà kinh tế lập luận rằng số tiền mới đó đã gây ra “lạm phát tài sản” trên thị trường vốn cổ phần – thúc đẩy giá cổ phiếu vượt quá mức định giá được hỗ trợ bởi các nguồn tài chính cơ bản.
Ông McKitrick nói, một số công ty “giao dịch dựa trên bội số rất cao so với lợi nhuận thực tế của họ.”
Thông thường, các nhà đầu tư sẽ định giá một cổ phiếu ở mức gấp 5 đến 10 lần thu nhập hàng năm của công ty.
Ông cho biết, “Nhưng quý vị đã có sự xuất hiện của tất cả các công ty truyền thông xã hội này, và các công ty phát trực tuyến, và các công ty dịch vụ phần mềm, nơi mọi người đặt giá lên tới 75 hoặc 80 lần doanh thu bán hàng thực tế và tất cả đều dựa trên kỳ vọng về tăng trưởng thu nhập trong tương lai.” “Đó là nơi quý vị có một công thức cho rất nhiều biến động.”
Ông nói, bây giờ Fed đang tăng lãi suất, “tất cả các nguồn tài chính giá rẻ cho phép các công ty đó phát triển nhanh chóng sẽ không có sẵn.”
“Sẽ có một số công ty có số nợ rất cao, và khi nó chuyển sang lãi suất cao hơn, thì đối với các công ty có dòng tiền hiện tại khá nhỏ — và tất cả đều dựa trên tăng trưởng trong tương lai — thì có thể rất khó khăn cho một công ty để có thể chi trả cho hóa đơn lãi suất của mình tăng gấp đôi.”
Hơn nữa, việc định giá thổi phồng đã trực tiếp gắn liền với kỳ vọng rằng Fed sẽ tiếp tục in thêm tiền.
Ông McKitrick nói: “Thị trường trở nên phụ thuộc rất nhiều vào hành động của Fed.
“Vì vậy, bất cứ khi nào có khoảng thời gian mà họ [Fed] đang cố gắng giảm nhẹ việc nới lỏng định lượng hoặc thực sự bắt đầu bán tài sản, thì sẽ có một phản ứng tiêu cực khá nhanh trên thị trường chứng khoán.”
Fed hầu như không bắt đầu làm như vậy.
Ông Petr Svab là một phóng viên chuyên đưa tin về New York. Trước đây, ông từng đưa tin về các chủ đề quốc gia bao gồm chính trị, kinh tế, giáo dục và việc thực thi pháp luật.