Kiểm soát dữ liệu lớn: Trận địa giữa Tesla và Trung Cộng
Đại công ty xe điện Tesla Inc. của Hoa Kỳ, vốn đã có những bước tiến lớn tại thị trường Trung Quốc, đang bị Đảng Cộng sản Trung Quốc (Trung Cộng) giám sát dữ liệu bất chấp sự tham gia của các cơ quan quản lý.
Hôm 02/11, nhà sáng lập hãng Tesla, ông Elon Musk, đã đăng trên Twitter một bài thơ có tựa đề “Nhân loại,” theo sau là một trích dẫn gốc gồm 4 dòng từ một bài thơ cổ ‘Thất bộ thi’ nổi tiếng với độc giả Trung Quốc, như sau:
“Thất bộ thi”
Chử đậu trì tác canh,
Lộc thị dĩ vi trấp,
Cơ tại phủ há nhiên.
Đậu tại phủ trung khấp,
Bản tự đồng căn sinh,
Tương tiễn hà thái cấp.
Diễn nghĩa:
Đun đậu nấu làm canh,
Lọc đậu để lấy nước.
Cành đậu đốt ở dưới nồi,
Hạt đậu ở trong nồi khóc.
Vốn từ một gốc sinh ra,
Sao lại đốt nhau khốc liệt như vậy?
Tạm dịch:
Nấu đậu đốt cành đậu
Đậu ở trong nồi khóc
Vốn sinh cùng một gốc
Sao nỡ đốt thiêu nhau?
(Trích bản dịch của Phan Kế Bính)
Tác phẩm này mang ẩn ý chỉ trích bóng gió rằng nên tránh việc hành xử tàn bạo giữa những người có quan hệ thân thiết.
Truyền thuyết kể rằng tác giả của bài thơ, Tào Thực (Cao Zhi), một trong những huynh đệ của Ngụy vương, Tào Phi (Cao Pi), trong lịch sử Trung Quốc đã tự cứu mạng mình bằng tác phẩm này. Tại cung điện, do tật đố với tài năng của em trai mình và coi ông là một mối họa, nên nhà vua đã ra lệnh cho ông làm một bài thơ chỉ với bảy bước chân. Nếu ông không làm được, nhà vua có thể ra lệnh cho thuộc hạ lấy mạng ông. Tào Thực bị dồn vào đường cùng nhưng ông đã nhanh trí hoàn thành bài thơ này và thoát nạn.
Vị giám đốc điều hành hãng Tesla đã không đưa ra bất kỳ diễn giải nào cho dòng tweet nói trên, điều này đã gây ra hàng ngàn cách diễn giải. Hiện tại, công ty của ông ở Trung Quốc đang phải đối mặt với những thách thức to lớn do các cơ quan quản lý của Trung Cộng đặt ra.
Sự bó buộc trong việc kiểm tra dữ liệu của Bắc Kinh
Tesla đã phát triển mạnh mẽ tại thị trường xe điện của Trung Quốc trong vài năm qua, và quốc gia này trở thành thị trường đơn lẻ lớn thứ hai của hãng này. Tuy nhiên, người phụ trách chuyên mục tài chính tại Hồng Kông Alexander Liao nhận thấy vấn đề khó khăn của hãng Tesla tại Trung Quốc.
Ông Liao nói: “Khả năng thu thập dữ liệu đáng kinh ngạc của những chiếc xe hơi điện Tesla luôn bị coi là một mối đe dọa đối với chính quyền Trung Cộng.”
Theo ông Liao, vì Bắc Kinh coi dữ liệu là mối quan tâm hàng đầu trong chiến lược AI của mình, nên họ đang tìm cầu quyền thống trị nguồn tài nguyên này. Cuộc tranh chấp về quyền kiểm soát dữ liệu này có thể nằm trong toàn bộ quá trình phát triển của Tesla ở Trung Quốc vì nhà sản xuất xe hơi này khó có thể từ bỏ lợi thế cốt lõi của mình trong việc thu thập và ứng dụng dữ liệu.
Hồi giữa tháng Sáu, cơ quan lập pháp bù nhìn của Trung Cộng đã thông qua một luật bảo mật dữ liệu nhằm siết chặt gọng kìm của mình trong lĩnh vực này. Luật này có hiệu lực từ ngày 01/09.
Ngày 01/11, Trung Quốc bắt đầu thực thi một luật về bảo vệ thông tin cá nhân, đặt ra nhiều thách thức hơn nữa đối với luồng dữ liệu cá nhân xuyên quốc gia.
Tuy nhiên, ông Liao nghi ngờ rằng mục đích thực sự của Trung Cộng không phải là để bảo vệ quyền riêng tư mà là để bảo đảm quyền thống trị dữ liệu của chế độ cộng sản này, bằng việc ngăn chặn tất cả các tổ chức hoặc cá nhân khác tham gia vào lĩnh vực này.
“Ai thao khống dữ liệu lớn sẽ thao khống AI,” ông Liao nói. “Và thao khống AI có nghĩa là thao khống tương lai.”
Bị thất sủng
Tesla đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của nhà cầm quyền cộng sản này khi bắt đầu kinh doanh ở Trung Quốc.
Năm 2019, Tesla bắt đầu xây dựng nhà máy ở Thượng Hải. Họ đã nhận được hơn 2.3 tỷ USD cho vay từ một số ngân hàng Trung Quốc với lãi suất thấp chỉ dành cho các doanh nghiệp nhà nước được ưu ái nhất của Trung Quốc. Nhà máy này đã xuất xưởng những chiếc xe Model 3 đầu tiên vào cuối năm 2019. Bất chấp đợt bùng phát virus COVID-19, hoạt động sản xuất của công ty vẫn không bị ảnh hưởng. Vào cuối năm 2019, giá cổ phiếu của Tesla bắt đầu tăng nhanh.
Theo một bài báo hồi tháng 01/2020 trên cổng thông tin Sina của Trung Quốc, Trung Quốc đã du nhập Tesla vào đất nước với hy vọng giúp xây dựng một chuỗi cung ứng hoàn chỉnh cho ngành công nghiệp xe điện ở Trung Quốc. Bài báo này lưu ý rằng mắc xích yếu nhất trong ngành công nghiệp này nằm ở việc sản xuất xe hoàn chỉnh, hy vọng Tesla sẽ đóng vai trò của mình trong lĩnh vực đó, giống như Apple đã làm với ngành công nghiệp điện thoại di động của Trung Quốc.
Đáng ngạc nhiên là tuần trăng mật giữa Tesla và Bắc Kinh không kéo dài lâu, khi nhà sản xuất xe hơi Mỹ này phải ra đi vì bị tình nghi gián điệp.
Dữ liệu lớn của người dùng đã được coi là một nguồn tài nguyên chiến lược mới trong bối cảnh căng thẳng gay gắt giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ cao.
Một bài báo đăng trên cổng thông tin Trung Quốc NetEase hồi tháng Ba đã nghi ngờ các xe điện Tesla là “những quái vật dữ liệu” thu thập đủ loại thông tin.
Bài báo này cáo buộc xe hơi của Tesla là một hệ thống thiết bị đầu cuối gián điệp thông minh di động thu thập và truyền dữ liệu trong thời gian thực — bao gồm cả thông tin mà các camera của xe này quét được từ một phương tiện quân sự Trung Quốc mà nó gặp — về lại bộ cơ sở dữ liệu đặt tại Hoa Kỳ. Bản tin này cho rằng đây có khả năng là một hình thức thu thập thông tin tình báo.
Thậm chí tệ hơn nữa, bài báo này tuyên bố, một chiếc xe Tesla có thể được sử dụng để tạo ra một vụ tai nạn rõ ràng cho mục đích ám sát nếu chương trình Starlink của hãng SpaceX do ông Musk sở hữu thành công, sau đó [chương trình Starlink] có thể được kết nối với thiết bị đầu cuối của nó và điều khiển nó. Ít nhất, bài báo này giả định rằng, chỉ riêng việc truy cập vào cơ sở dữ liệu của Tesla có thể dễ dàng tiết lộ sự phân bố và vị trí chính xác của các tổ chức nòng cốt của một quốc gia, vốn có thể bị phá hủy lập tức trong trường hợp có chiến tranh.
Bài báo kết luận: “Tất cả các quốc gia cần phải cảnh giác [với Tesla].”
Theo hãng Tesla Trung Quốc, mỗi chiếc xe điện của họ được trang bị 8 camera và 12 cảm biến siêu âm cũng như tầm nhìn 360 độ để phục vụ cho hệ thống lái tự động của xe Tesla.
Theo báo cáo của phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc, đã có những dấu hiệu cho thấy ít nhất một số nhà chức trách Trung Quốc đã ra lệnh chặn các xe Tesla đi vào các căn cứ quân sự hoặc các cơ sở nhạy cảm khác, với lý do lo ngại về an ninh. Các hạn chế liên quan đến các tổ chức quân sự và chính phủ, các doanh nghiệp nhà nước chủ chốt, cũng như các cộng đồng dân cư nơi các nhân viên có liên quan và gia đình của họ cư ngụ. Trong một số trường hợp, các lệnh hạn chế chỉ bằng lời nói.
Những người trong cuộc nói với Reuters hồi tháng Năm rằng các quan chức của ít nhất hai cơ quan chính phủ ở Bắc Kinh và Thượng Hải đã được các cấp trên chỉ thị bằng lời rằng không được đậu xe điện Tesla của họ tại nơi làm việc.
Tesla miễn cưỡng giao nộp dữ liệu của mình
Tesla đã phủ nhận tất cả các cáo buộc chống lại mình liên quan đến việc bị tình nghi là gián điệp.
“Có một động lực rất lớn để chúng tôi giữ bí mật đối với bất kỳ thông tin nào,” ông Musk nói trên một diễn đàn nổi tiếng của Trung Quốc trong một cuộc thảo luận trực tuyến hôm 20/3. “Nếu Tesla sử dụng các xe hơi để do thám ở Trung Quốc hoặc bất cứ nơi nào, thì chúng tôi sẽ phải đóng cửa.”
Hồi cuối tháng Mười, Tesla thông báo họ đã hoàn thành việc xây dựng trung tâm dữ liệu của mình tại Trung Quốc và dữ liệu thu thập được tại quốc gia này sẽ được lưu trữ trong phạm vi lãnh thổ của họ.
Tuy nhiên, ông Liao nói rằng Trung Cộng vẫn bồn chồn không yên, họ coi trung tâm này là một rủi ro, và sợ rằng dữ liệu của hãng này có thể được chuyển về quê hương của Tesla hoặc bị rò rỉ do thiết kế hoặc do ngẫu nhiên vì nó không được lưu giữ tại thiết bị cuối [xử lý] dữ liệu mà Trung Cộng kiểm soát.
Hành động của Tesla gợi lại trường hợp của Apple Inc., công ty đã tuyên bố xây dựng trung tâm dữ liệu iCloud ở Trung Quốc hồi tháng 07/2017, một tháng sau khi luật an ninh mạng của Trung Quốc có hiệu lực. Sau đó, Apple đã chuyển iCloud của mình cho một công ty quốc doanh Trung Quốc có tên Dữ liệu Lớn Đám mây-Quý Châu (Guizhou-Cloud Big Data) để vận hành.
Tuy nhiên, Tesla đã không theo chân Apple để hợp tác với một công ty quốc doanh. Thay vào đó, nhà sản xuất xe hơi này bắt đầu thuê các kỹ sư về nền tảng dữ liệu để vận hành một trung tâm của riêng mình.
Ông Liao nói với The Epoch Times rằng, đối với Tesla, dữ liệu lớn và điện toán AI đại diện cho một trong những lợi thế cốt lõi của Tesla để hỗ trợ hệ thống tự lái của mình. Đại công ty xe hơi này sẽ do dự trong việc giao dữ liệu cho Trung Cộng.
“Hành động tiếp theo của Bắc Kinh có thể là gây áp lực buộc Tesla phải đồng ý tách việc kiểm soát dữ liệu khỏi việc sản xuất và bán xe,” ông Liao cho hay, “chẳng hạn như lập một công ty liên doanh riêng để quản lý dữ liệu của mình cùng với một đối tác do Trung Cộng chỉ định.”
Tuy nhiên, Tesla, coi các phương tiện của mình như một hệ thống lái xe [ứng dụng] AI, có thể không quan tâm đến việc hợp tác như vậy.
Theo cổng thông tin nhà nước Tencent, ông Musk cho biết chức năng tự hành phụ thuộc nhiều vào dữ liệu từ các kịch bản khác nhau. Cho đến nay, FSD (hoàn toàn tự lái) được sử dụng tốt nhất ở California vì dữ liệu thu thập trong giai đoạn nghiên cứu và phát triển ban đầu đến từ tiểu bang này. Tương tự như vậy, Tesla không thể thiếu dữ liệu từ Trung Quốc nếu họ muốn các phương tiện của mình thích nghi hơn với điều kiện đường xá của Trung Quốc và những thói quen lái xe địa phương.
Tính năng Autopilot của Tesla yêu cầu một lượng dữ liệu để đào tạo mô hình [tự lái] của họ. Năm 2017, hãng xe này đã yêu cầu các chủ xe cho phép nhà sản xuất thu thập các video quay bằng các camera tự động lái khi hãng phát hành một bản cập nhật. Vào thời điểm đó, hầu hết các chủ xe đều đồng ý để Tesla thu thập dữ liệu của họ.
Với sự phổ biến của Model 3 và Model Y và việc khai triển FSD, hãng Tesla đã có được quyền truy cập vào lượng lớn dữ liệu do chủ xe điều khiển để đào tạo mạng lưới thần kinh thị giác của mình, cho phép hãng này giải quyết được nhiều tình huống hơn và liên tục tối ưu hóa các thuật toán của mình, từ đó có thể đưa ra các giải pháp lái xe tự động có một không hai.
Ngoài ra, Tesla không thể giao dữ liệu của mình cho Bắc Kinh, nếu chỉ là để bảo vệ quyền riêng tư của các khách hàng.
Tổ chức tư vấn: Trung Quốc là quốc gia hạn chế dữ liệu nhất trên thế giới
Sự thống trị của Trung Cộng về dữ liệu lớn đã làm dấy lên lo ngại toàn cầu.
Quỹ Đổi mới và Công nghệ Thông tin (ITIF) có trụ sở tại Hoa Thịnh Đốn, một tổ chức tư vấn chính sách công bất vụ lợi của Hoa Kỳ, cho biết trong một báo cáo hồi tháng Bảy rằng, “Trung Quốc là quốc gia hạn chế dữ liệu nhất trên thế giới.”
Tài liệu này cung cấp một danh sách các biện pháp bản địa hóa dữ liệu theo quốc gia, bao gồm 30 trang, trong đó có 5 trang thuộc về Trung Quốc, mức tồi tệ nhất trong số các quốc gia có liên quan.
Tài liệu nói trên viết rằng các chính phủ độc tài như Trung Quốc coi quyền truy cập vật lý vào các trung tâm dữ liệu như một “biện pháp quan trọng để giám sát và kiểm soát chính trị.” Báo cáo này lưu ý rằng khả năng nhắm mục tiêu vào các cá nhân và tác động đến quyền riêng tư và quyền tự do ngôn luận của họ, hoặc sự đàn áp chính trị, có thể được thực hiện khi thông tin nằm trong tầm kiểm soát của chính phủ.
“Dữ liệu lớn là điều bắt buộc đối với Trung Cộng,” nhà kinh tế Đài Loan Trương Thanh Khê (Chang Ching-His) nói với The Epoch Times. “Sẽ nguy hiểm cực độ nếu các công ty không thể tự quản lý dữ liệu một cách hợp lý. Trung Cộng có thể lấy nó đi một cách dễ dàng.”
Bắc Kinh đang cố gắng nắm thật chặt dữ liệu trong tay mình, không để các công ty công nghệ trong nước như Tencent, Douyin, Alibaba, Baidu hay các công ty ngoại quốc như Google, Tesla, và Apple Inc nắm được.
Hồi tháng Bảy, các cơ quan quản lý của Trung Quốc đã nhắm mục tiêu đến đại công ty gọi xe Didi chỉ vài ngày sau khi hãng này ra mắt trên Thị trường Chứng khoán New York. Một mối quan tâm chính đối với các nhà chức trách Trung Quốc là Didi có thể cung cấp lượng lớn dữ liệu của mình cho các cơ quan quản lý của Mỹ.
Ba tháng trước đó, các nhà quản lý Trung Quốc đã thúc giục 13 công ty tư nhân lớn và quyền lực, bao gồm Tencent, Jingdong và ByteDance, nộp đơn xin cấp giấy phép cho các công ty nắm giữ tài chính cho các nền tảng tài chính của họ. Bằng cách này, các nhà chức trách có thể chuyển dữ liệu thanh toán của họ vào trong phạm vi giám sát.
Một cuộc chiến mới về dữ liệu lớn dường như đang diễn ra khi các quốc gia tìm hiểu cụ thể hơn về vai trò của AI, sự cạnh tranh công nghệ trong tương lai, và mối quan hệ của họ — và ông Musk có thể đã ngửi thấy mùi thuốc súng.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Ông Frank Yue là một ký giả tại Canada của The Epoch Times, chuyên đưa tin về các vấn đề Trung Quốc. Ông cũng có bằng Thạc sĩ Ngôn ngữ và Văn học Anh tại Đại học Ngoại Ngữ Thiên Tân, Trung Quốc.
Cô Anne Zhang là một tác gia của The Epoch Times chuyên viết về các chủ đề liên quan đến Trung Quốc. Cô bắt đầu viết cho ấn bản Hoa ngữ vào năm 2014.
Bà Ellen Wan đã làm việc cho ấn bản Nhật ngữ của The Epoch Times từ năm 2007.
Do Frank Yue, Anne Zhang, và Ellen Wan thực hiện
Bản tin có sự đóng góp của Wendy Yue
Huệ Giao biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: