Kiểm chứng sự thật: Không, bác bỏ phán quyết vụ Roe kiện Wade sẽ không gây nguy hiểm cho các quyền khác
Trong một bài luận trước đây trên Epoch Times, tôi đã phỏng đoán rằng mục đích của việc làm rò rỉ bản ý kiến dự thảo của Tối cao Pháp viện về việc bác bỏ [phán quyết] vụ Roe kiện Wade (pdf) là để khiến một hoặc nhiều thẩm phán hơn phải chịu áp lực chính trị. Những người đề xướng việc phá thai hiện đang sử dụng áp lực đó — trong giới truyền thông, từ giới học viện, trong Quốc hội, và trên các đường phố.
Giới truyền thông lâu năm đã đang cung cấp các giảng đài cho những vị giáo sư luật tuyên bố việc bác bỏ vụ Roe (pdf) sẽ gây nguy hiểm cho một loạt các án lệ khác của SCOTUS. Nhưng các cảnh báo của họ giải thích cho lý do tại sao quý vị cần coi các tuyên bố của hầu hết các giáo sư luật về những vấn đề có thể gây tranh cãi là không chỉ đáng ngờ, mà là không chuẩn xác.
Chẳng hạn, hôm 12/05, CBS News đã nhường lại cho bà Jessica Levinson, một giáo sư luật tại Trường Luật Loyola ở Los Angeles, gần bảy phút thời lượng phát sóng toàn quốc để bà ấy có thể cảnh báo rằng việc bác bỏ vụ Roe sẽ gây nguy hiểm cho các án lệ khác. Tôi đã sao chép lại một vài tuyên bố của bà ấy ở bên dưới, cùng những hiệu đính cho từng tuyên bố.
Tôi nên làm rõ rằng tôi tuyệt nhiên không chống lại bà Levinson. Tôi cũng không nói rằng bà ấy là người không am hiểu duy nhất. Ngược lại, như tôi giải thích ở cuối bài luận này, thì những sai sót của bà ấy đều quá điển hình về mức độ kém uyên bác trong các trường luật của Hoa Kỳ.
Câu chuyện hoang đường về ‘bản Hiến pháp mơ hồ’
Hãy bắt đầu với tuyên bố của bà Levinson với hãng truyền thông CBS rằng Hiến pháp “để lại nhiều chỗ để giải thích … Chúng ta có những từ, chẳng hạn như trong Tu chính án thứ Mười Bốn, chúng ta đang bảo vệ ‘tự do’ của chúng ta. Đó là Điều khoản Thủ tục Tố tụng. Nhưng ‘tự do’ có nghĩa là gì? Đó là một phần của những gì chúng ta đã đang giải thích trong nhiều thập niên nay.”
Đây là một ví dụ về tuyên bố phổ biến rằng nhiều từ và cụm từ của Hiến pháp là mơ hồ — hoặc là, theo biệt ngữ học thuật, là “vô định”—do đó đem lại cho các tòa án [quyền] giải thích chúng theo bất kỳ cách nào họ muốn.
Tuy nhiên, trên thực tế, các nguồn lịch sử và pháp lý cho chúng ta biết rằng Hiến pháp là một văn bản chính xác một cách hợp lý. Nhiều cụm từ mà giới học thuật dán nhãn “vô định” là những thuật ngữ pháp lý chính thức của thế kỷ 18 hoặc là có các nghĩa được xác định trong lịch sử.
Điều khoản Thủ tục Tố tụng của Tu chính án thứ Năm và thứ Mười Bốn là những ví dụ. Chúng ngăn cản các chính phủ liên bang và tiểu bang tước đoạt “tính mạng, tự do, hoặc tài sản của bất kỳ người nào, mà không có thủ tục tố tụng hợp pháp.” Khi thứ ngôn ngữ này được đưa vào Hiến pháp, thì ý nghĩa của nó đã được hiểu trong hàng trăm năm. (Nó bắt đầu từ một quy chế của Anh được thông qua năm 1354.)
Điều khoản Thủ tục Tố tụng nghĩa là thế này: Nếu chính phủ tìm cách hành quyết (“tước đoạt… mạng sống”), tống giam (“tước đoạt… tự do”), hoặc lấy đi tài sản của một người — cả dân sự lẫn hình sự — thì trước đó phải tuân theo quy trình (các thủ tục) được thiết lập bởi luật pháp. Chính phủ có thể không đối xử phân biệt với bị đơn bằng việc tạo ra các thủ tục mới khi vụ việc diễn tiến.
Không may là, Tối cao Pháp viện đã đang giải thích sai các Điều khoản Thủ tục Tố tụng trong hơn một thế kỷ. Bởi vì hầu hết các giáo sư luật đọc các vụ kiện của Tối cao Pháp viện thay vì lịch sử hiến pháp, họ thường lặp lại những sai lầm của tòa án này.
‘Thủ tục tố tụng độc lập’
Một trong những sai lầm quá xá nhất của pháp viện là sử dụng Điều khoản Thủ tục Tố tụng để hủy bỏ luật, không phải vì quy trình sai sót, mà là vì pháp viện phản đối bản chất của các luật đó. Thủ tục kỳ cục này có một cái tên kỳ cục: “thủ tục tố tụng độc lập”.
Bà Levinson đã dựa vào thủ tục tố tụng độc lập khi tuyên bố rằng, “Và điều đầu tiên mà pháp viện nhận thấy là việc theo từ ‘tự do’ đó, thì nó bảo vệ quyền riêng tư.”
Nếu bà ấy có ý muốn nói rằng quyền riêng tư là lĩnh vực đầu tiên mà pháp viện tuân theo “thủ tục tố tụng độc lập”, thì bà ấy đã sai. Thủ tục tố tụng độc lập bắt đầu từ vụ án tai tiếng năm 1857, Dred Scott kiện Sanford, trong đó Chánh án Roger Taney đề nghị (mặc dù ông không ra phán quyết) rằng các luật cấm chế độ nô lệ ở các vùng lãnh thổ của Hoa Kỳ đã vi phạm Điều khoản Thủ tục Tố tụng của Tu chính án thứ Năm (pdf, trang 450).
Việc ra quyết định theo thủ tục tố tụng độc lập công bằng đầu tiên đã bảo vệ không phải quyền riêng tư mà là quyền tự do kinh tế (pdf). Nó đã bị chỉ trích chính đáng, và sau đó bị bác bỏ, phần lớn là vì nó đã đưa các quan điểm kinh tế bảo thủ vào Hiến pháp một cách không phù hợp. Tuy nhiên, gần đây hơn, pháp viện đã sử dụng “thủ tục tố tụng độc lập” để đưa các quan điểm chính trị tự do cấp tiến vào Hiến pháp. Roe kiện Wade là một vụ án điển hình.
‘Chúng ta đã quyết định …’
Bà Levinson tiếp tục: “Vậy điểm dừng tiếp theo, quyền riêng tư nghĩa là gì? Chúng ta đã quyết định nó có nghĩa là quyền được sử dụng biện pháp tránh thai, cho dù quý vị đã kết hôn hay chưa kết hôn. Chúng ta đã quyết định nó có nghĩa là quyền kết hôn với người bạn đời mà quý vị lựa chọn. Có thể người đó thuộc chủng tộc đối lập hoặc chủng tộc khác, có thể người đó cùng giới tính. Chúng ta đã quyết định nó có nghĩa là quyền được lựa chọn sinh sản; nó bao gồm quyền phá thai trước khi bào thai có khả năng sống được bên ngoài tử cung.”
“Chúng ta đã quyết định sao?” Chúng ta đã không quyết định những điều đó.
Chín thẩm phán đã quyết định chúng bằng cách làm mất hiệu lực các luật được ban hành một cách dân chủ. Vụ Roe kiện Wade đã lật ngược lại các đạo luật được áp dụng một cách dân chủ ở tất cả 50 tiểu bang. Obergefell kiện Hodges, phán quyết kết hôn đồng giới, đã đảo ngược sự ủy thác dân chủ áp đảo ủng hộ hôn nhân truyền thống được đưa ra trong 30 cuộc trưng cầu dân ý liên tiếp ở cấp tiểu bang.
Việc bà Levinson sử dụng từ “chúng ta” để mô tả các quyết định chống dân chủ của pháp viện làm gợi nhớ đến việc cánh tả chính trị sử dụng cụm từ “nền dân chủ của chúng ta” để chỉ chế độ đầu sỏ cầm quyền của họ.
Tuyên bố ‘toàn bộ phạm vi các vụ án’
Bà Levinson tiếp tục: “Và đó là những gì chúng ta sẽ nói đến khi chúng ta đang nói điều gì được bảo vệ theo Điều khoản Thủ tục Tố tụng, điều gì được bảo vệ theo quyền riêng tư. Đó là toàn bộ phạm vi các vụ án này. … Toàn bộ bản dự thảo ý kiến thực sự theo sau ý tưởng này: ‘Đây không phải là vai trò của tôi. Tôi sẽ để nó cho các tiểu bang vì nó không được viết trong Hiến pháp’. Nếu đó là sự thật, thì trong tâm tôi không có cách nào để phân biệt quyền được phá thai, điều mà chúng ta đã nói, được bảo vệ theo quyền riêng tư so với quyền kết hôn với người bạn đời mà quý vị lựa chọn, điều mà tương tự như vậy chúng ta đã nói là được bảo vệ theo Tu chính án thứ Mười Bốn. Cả hai điều này đều không được viết cụ thể trong Hiến pháp.”
Các án lệ chính mà bà Levinson đề cập đến bao gồm bốn vụ án sau:
- Griswold kiện Connecticut (1965) (pdf), sử dụng “thủ tục tố tụng độc lập” để làm vô hiệu một luật tiểu bang hạn chế quyền mua các dụng cụ tránh thai của các cặp đôi đã kết hôn;
- Eisenstadt kiện Baird (1972) (pdf), làm mất hiệu lực một luật tiểu bang hạn chế quyền mua các dụng cụ tránh thai của những người chưa kết hôn;
- Loving kiện Virginia (1967) (pdf), hủy bỏ một lệnh cấm của tiểu bang đối với hôn nhân giữa các chủng tộc; và
- Obergefell kiện Hodges (2015) (pdf), trong đó yêu cầu các tiểu bang cấp đặc quyền kết hôn dân sự cho các cặp đồng tính.
- Theo quan điểm của tôi, vụ Loving được phán quyết một cách chính xác và ba vụ còn lại thì không chính xác. Nhưng bất kể tôi nghĩ gì về những phán quyết này, thực tế là việc đảo ngược vụ Roe kiện Wade sẽ không gây nguy hiểm cho bất kỳ vụ nào kể trên.
Đầu tiên, đối với vụ Griswold: Ý kiến dự thảo của Thẩm phán Samuel Alito làm rõ rằng việc huỷ bỏ vụ Roe sẽ không huỷ bỏ vụ Griswold. Điều này là do vụ Griswold phù hợp với quy tắc của pháp viện rằng “thủ tục tố tụng độc lập” bảo vệ duy chỉ các quyền tự do “bắt nguồn sâu xa từ lịch sử và truyền thống của Quốc gia này” và “ẩn chứa trong khái niệm tự do có trật tự.” Những “quyền tự do” này bao gồm cả hôn nhân và các hoạt động liên quan của nó.
Trong vụ Roe kiện Wade, pháp viện đã cố gắng chỉ ra rằng việc phá thai trước khi bào thai có khả năng sống được bên ngoài tử cung cũng “bắt rễ sâu trong lịch sử và truyền thống của Quốc gia”. Pháp viện khẳng định rằng phá thai trước khi bào thai có khả năng sống được bên ngoài tử cung được bảo vệ bởi thông luật và là hợp pháp ở hầu hết các tiểu bang khi Tu chính án thứ Mười Bốn được thông qua. Pháp viện đã theo sự giải thích lịch sử này từ một giáo sư luật tên là Cyril Means (pdf).
Nhưng ông Means đã hiểu sai lịch sử. Trên thực tế, việc phá thai trước khi bào thai có khả năng sống được bên ngoài tử cung là một tội ác theo thông luật và ở hầu hết các tiểu bang khi Tu chính án thứ Mười Bốn được thông qua. Vì vậy, phá thai, không giống như kết hôn, không phải là một quyền “bắt rễ sâu trong lịch sử và truyền thống của Quốc gia”.
Vụ án tiếp theo, Eisenstadt kiện Baird, được phân xử theo Điều khoản Bảo vệ Bình đẳng của Tu chính án thứ Mười Bốn: “Nếu không bất kỳ Tiểu bang nào sẽ … từ chối đối với bất kỳ người nào trong phạm vi quyền hạn của mình sự bảo vệ bình đẳng của luật pháp.” Vì vậy, trái ngược với những gì bà Levinson đề xuất, học thuyết “các quyền không được nêu ra” trong thủ tục tố tụng độc lập đằng sau vụ Roe chỉ đơn giản là không liên quan đến vụ Eisenstadt.
Vụ án Loving kiện Virginia, bảo vệ hôn nhân giữa các chủng tộc, cũng được phân xử chủ yếu dựa trên Điều khoản Bảo vệ Bình đẳng. Điều khoản Thủ tục Tố tụng chỉ được đề cập đến một cách thứ yếu.
Vụ án Obergefell kiện Hodges, vụ về hôn nhân đồng giới, dựa trên cả hai điều khoản. Ngay cả khi Tối cao Pháp viện tuyên án theoi một nghĩa hẹp hơn của Điều khoản Thủ tục Tố tụng, thì vụ Obergefell hẳn vẫn giữ nguyên theo Điều khoản Bảo vệ Bình đẳng.
Tóm lại: Việc bác bỏ vụ Roe sẽ không ảnh hưởng đến bất kỳ vụ án nào trong số những vụ này.
Đặc quyền hay quyền miễn trừ?
Một trong những xướng ngôn viên của CBS đã hỏi bà Levinson rằng liệu việc phá thai có thể là một “đặc quyền hoặc quyền miễn trừ” của quyền công dân, được bảo vệ bởi Điều khoản Đặc quyền hoặc Miễn trừ của Tu chính án thứ Mười Bốn (“Không Tiểu bang nào được đưa ra hoặc thực thi bất kỳ luật nào mà sẽ tước bỏ các đặc quyền hoặc quyền miễn trừ của công dân của Hoa Kỳ.”)
Bà trả lời, “Có lẽ [Điều khoản Đặc quyền hoặc Miễn trừ] có thể được đặt ở vị trí tốt hơn để bảo vệ những quyền này. Nhưng về cơ bản pháp viện đã hiểu là điều khoản đó không tồn tại”.
Câu trả lời này cũng sai. Các từ “đặc quyền” và “quyền miễn trừ” xuất hiện trong bản Hiến pháp gốc, nơi chúng đề cập đến các quyền được tạo ra bởi chính phủ thay vì các quyền tự nhiên (pdf). Mặc dù một số người cho rằng việc sử dụng Tu chính án thứ Mười Bốn là rõ ràng hơn, nhưng tuyên bố đó không được chứng minh bởi bất kỳ tuyên bố nào trong các cơ quan lập pháp của tiểu bang vốn đã thông qua bản tu chính án này.
Khi có nghi ngờ, các tòa án cho rằng các từ trong một tu chính án có nghĩa giống như trong Hiến pháp gốc. Về cơ bản, đó là những gì Tối cao Pháp viện đã làm trong quyết định năm 1872 mà bà Levinson chỉ trích. Pháp viện đã không “hiểu là Điều khoản Đặc quyền hoặc Miễn trừ không tồn tại.” Họ chỉ đơn thuần đã giới hạn điều khoản này theo ý nghĩa ban đầu của nó.
Tại sao họ sai nhiều như vậy?
Làm sao một người nào đó dạy luật hiến pháp lại có thể sai nhiều như vậy? Câu trả lời ít liên quan đến bà Levinson hơn là đến các trường luật nói chung.
Trong hầu hết các lĩnh vực, một giáo sư – đặc biệt là một người đang giảng dạy ở cấp độ sau đại học – phải là một chuyên gia có bằng Tiến sĩ trong bộ môn của mình. Người đó được mong đợi không chỉ giảng dạy mà còn xuất bản các nghiên cứu thúc đẩy các giới hạn tri thức của nhân loại.
Ngược lại, các giáo sư luật thường không có sở học ngoài môn luật. Hầu hết không được đào tạo đặc biệt về lịch sử, lịch sử pháp lý, phương pháp lịch sử, tác phẩm kinh điển, văn học đương thời, hay bất kỳ chủ đề nào khác có liên quan đến Hiến pháp Hoa Kỳ. Thậm chí rất ít người có kinh nghiệm hành nghề luật sư trên thực tế, vì vậy họ không có sự cộng hưởng với phần lớn những Tổ phụ Lập Quốc hàng đầu từng hành nghề luật sư. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi thay vì thúc đẩy giới hạn của tri thức nhân loại, họ thường thúc đẩy các quan điểm chính trị ngây thơ của mình.
Ông Alan Watson, một người Scotland đã giảng dạy nhiều năm tại các trường luật của Hoa Kỳ, được người ta cho là học giả luật so sánh vĩ đại nhất thế hệ của ông. Năm 2006, ông đã viết một cuốn sách có tựa đề “Sự hổ thẹn của Nền giáo dục Pháp luật Hoa Kỳ” (“The Shame of American Legal Education”). Ông Watson nghiêng theo cánh tả về mặt chính trị, nhưng trung thực trong các báo cáo của mình về tình trạng đáng sợ trong “sự uyên bác” về pháp luật của nước Mỹ. Bài tường thuật của ông giải thích lý do tại sao quý vị nên xem các tuyên bố của hầu hết các giáo sư luật về những vấn đề gây tranh cãi là không chuẩn xác.
Không – hãy hiểu là rất không chuẩn xác.
Ông Robert G. Natelson, một cựu giáo sư luật hiến pháp, đã phục vụ 25 năm trước khi rời khỏi giới học viện vào năm 2010. Ông là viện sĩ cao cấp về luật hiến pháp tại Viện Độc lập ở Denver và là tác giả cuốn “The Original Constitution: What It Actually Said and Meant” [tạm dịch: Hiến pháp Gốc: Những gì Nó Thực sự Đã Nói và Ý nghĩa] (xuất bản lần thứ ba vào năm 2015) và nhiều tác phẩm uyên bác khác.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Ông Rob Natelson, một cựu giáo sư về luật hiến pháp, là viện sĩ cao cấp về luật hiến pháp tại Viện Độc lập (Independence Institute) ở Denver.