Khứu giác: Tìm lại giác quan bị lãng quên
Khả năng nhìn, nghe, sờ, nếm và ngửi đem lại cho chúng ta năm cách khác nhau để trải nghiệm thế giới. Nhưng chúng ta lại ưu ái một số giác quan hơn những giác quan khác.Với hầu hết [mọi người] chúng ta, thị giác là chủ yếu, sau đó mới đến thính giác. Khứu giác thường [được đặt] ở cuối cùng của danh sách.
Khứu giác của chúng ta có một vai trò đặc biệt, là [giác quan] duy nhất kết nối tới não bộ.
Tuy nhiên, tài sản này của chúng ta thậm chí có thể đứng đầu những giác quan thiên bẩm. Một cuộc khảo sát đã yêu cầu 7,000 người trong độ tuổi từ 16 đến 30 tuổi chỉ chọn hai thứ cần thiết trong danh sách các mặt hàng như: mỹ phẩm, ô tô, hộ chiếu, điện thoại và khứu giác của họ. Khoảng một nửa đã chọn hy sinh khứu giác.
Có lẽ đó là vì khứu giác đóng một vai trò khá nhỏ trong cuộc sống hiện đại. Không giống như tổ tiên chúng ta, rất ít người trong chúng ta có thể xác định hoặc giải thích những mùi hương tinh tế được tìm thấy trong tự nhiên.
Wendy Gardner, một nhà trị liệu bằng hương thơm tại Vương quốc Anh, cho biết khứu giác có thể là giác quan cơ bản nhất của chúng ta. Ví dụ, trẻ sơ sinh sử dụng mùi hương để gắn kết với mẹ mình. Nhưng Gardner tin rằng chúng ta đã đánh mất rất nhiều thông tin mà khứu giác ngụ ý muốn cung cấp.
“Chúng ta đã từng sử dụng nó để tìm thức ăn, tìm đường về nhà, để tránh những kẻ săn mồi (ái chà, hãy nghĩ rằng những con sư tử trong sở thú hôi hám như thế nào), để biết khi một người nào đó là mối đe dọa (nỗi sợ hãi tiết ra một mùi hương nhất định) hoặc làm thế nào để tìm bạn đời để các gen được tổ hợp của chúng ta có cơ hội sống sót cao nhất,” Gardner nói. “[Bây giờ] nước hoa và nước cạo râu đã che mất đi mùi tự nhiên, vì vậy việc lựa chọn bạn đời theo cách đó rất khó.”
Tất cả chúng ta đều có những mùi hương mà chúng ta thích và những mùi khác mà chúng ta xem thường. Đối với tổ tiên chúng ta, giác quan này là điều cần thiết để sinh tồn. Ngày nay, khứu giác đã trở nên gần như bị lãng quên. Một ví dụ [có vẻ] hoang đường là một chiến lược tiếp thị được gọi là nhận diện thương hiệu bằng mùi hương. Cũng giống như cách logo đem lại một nhận diện trực quan cho công ty, nhận diện thương hiệu bằng mùi hương kết nối với người tiêu dùng thông qua khứu giác của họ.
Khách hàng tiếp xúc với mùi hương của công ty được chứng minh là đã gia tăng đáng kể thời gian mua sắm của họ.
Nhưng vào năm ngoái, khứu giác đã được kết nối trở lại với nguồn gốc sinh tồn của nó. Với bằng chứng cho thấy rằng mất khứu giác là một dấu hiệu đáng tin cậy của việc nhiễm COVID-19, người ta đã bắt đầu chú ý theo dõi giác quan này chặt chẽ hơn.
Mất khứu giác
COVID-19 không phải là bệnh duy nhất dẫn đến mất khứu giác (còn được gọi là chứng mất khứu giác). Một nghiên cứu năm 2017 từ Tạp chí của Hiệp hội Lão khoa Hoa Kỳ cho thấy rằng tình trạng kém khả năng ngửi ở người lớn tuổi có nhận thức bình thường thường nhất quán xác định rằng những người này sau này sẽ mắc bệnh Alzheimer trong cuộc đời họ. Các nhà nghiên cứu hiện đang phát triển một phương pháp kiểm tra khứu giác để có thể chẩn đoán ít tốn kém và đáng tin cậy (mùi hương mục tiêu là bơ đậu phộng) để xác định sự khởi phát sớm của bệnh.
Mất khứu giác cũng liên quan đến bệnh Parkinson và bệnh đa xơ cứng, cho thấy mối liên hệ nghiêm trọng giữa khả năng ngửi và chức năng não bộ chúng ta. Tuy nhiên, đối với COVID-19, mất khứu giác dường như là một triệu chứng khá nhỏ.
Mặc dù tất cả chúng ta đều đã trải qua chứng mất khứu giác tạm thời do bị nghẹt mũi khi cảm lạnh hoặc bị dị ứng, nhưng những người bị COVID-19 hiếm khi được báo cáo về tình trạng tắc nghẽn xoang. Theo một nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế do các nhà khoa học thần kinh tại Trường Y Harvard dẫn đầu, nguyên nhân gây mất khứu giác do COVID-19 rất phức tạp, nhưng không có gì đáng lo ngại.
Các nhà nghiên cứu đã xác định một số loại tế bào nhất định trong khoang mũi trên dễ bị lây nhiễm nhất bởi SARS-CoV-2, loại vi rút gây ra COVID-19. Các tế bào thần kinh cảm giác phát hiện và truyền dẫn khứu giác đến não bộ không nằm trong số các loại tế bào dễ bị tổn thương, nhưng chúng phụ thuộc vào các tế bào dễ bị tổn thương để hoạt động.
Theo Sandeep Robert Datta, Giáo sư sinh học thần kinh tại Trường Y Harvard, điều này có nghĩa là thiệt hại mà chứng mất khứu giác do COVID gây ra đối với cơ thể chúng ta là tối thiểu.
Datta cho biết trong một bản báo cáo: “Tôi nghĩ đó là một tin tốt, bởi vì sau khi đợt lây nhiễm qua đi, các tế bào thần kinh khứu giác dường như không cần phải bị thay thế hoặc tái tạo lại từ đầu.”
Rất may, chứng mất khứu giác là triệu chứng duy nhất của căn bệnh truyền nhiễm khét tiếng này mà nhiều người từng trải qua. Đối với hầu hết [mọi người], khứu giác thường trở lại sau một vài tuần. Tuy nhiên, một số ít bị mất khứu giác lâu dài.
Đối với một số người, khứu giác có thể bị sai lệch. Một cuộc khảo sát lớn toàn cầu từ Đại học Hebrew của Jerusalem theo dõi các vấn đề về mùi và vị với COVID-19 từ hơn 4,000 bệnh nhân cho thấy 6% số người được báo cáo bị ảo tưởng khứu giác. 7% được báo cáo bị biến dạng mùi.
Được biết đến với cái tên parosmia (rối loạn khứu giác), sự biến dạng mùi có thể khiến chanh có mùi như bắp cải thối, hay socola có mùi như xăng.
Khi một cư dân Florida là Beth Reider, 65 tuổi, bị nhiễm COVID-19 vào tháng 6 năm 2020, bà đã trải qua tất cả những triệu chứng trên. Đầu tiên, cảm giác của bà biến mất. Sau đó, bà sẽ ngửi thấy mùi khói. Và cuối cùng, mọi thứ bắt đầu mất mùi thực sự. Vị giác của Reider cũng trở nên biến dạng, nhưng bà nói rằng khứu giác mới là mối bận tâm lớn hơn.
Sau một tháng, khứu giác của Reider gần như đã trở lại bình thường. Nhưng bà nói, ngay cả đến hôm nay, hai loại thực phẩm yêu thích của bà, ớt và rau diếp, vẫn có mùi nồng nặc.
“Điều làm tôi khó chịu nhất là mùi của rau diếp giòn. Trước đây, chỉ cần một chút dầu giấm trộn salad là đủ, nhưng bây giờ, tôi đổ ngập nó,” Reider nói, “bởi vì tôi phải át đi cái mùi đó.”
Trị liệu khứu giác
Nếu bạn bị rối loạn khứu giác, đừng lo lắng. Có những điều bạn có thể làm để xoay chuyển tình thế. Reider cho biết bà đã nhẹ nhõm hơn khi sử dụng một phương pháp điều trị tại nhà phổ biến từ y học Ayurvedic (y học Hindu truyền thống): nhỏ những giọt dầu thầu dầu ấm vào lỗ mũi.
Nghiên cứu từ Đại học East Anglia ở Vương quốc Anh đưa ra một phương pháp khác. Nghiên cứu được tiến hành vài tháng trước khi đại dịch xảy ra, nhưng nó cho thấy rằng các trục trặc về khứu giác do căn bệnh này gây ra cũng có được lợi ích từ bài tập đánh hơi.
Giáo sư Carl Philpott của trường y khoa UEA giải thích rằng khóa trị liệu bao gồm việc ngửi ít nhất bốn mùi khác nhau hai lần một ngày trong vài tháng. Ông cho biết đây là một phương pháp điều trị đơn giản, không có tác dụng phụ đối với nhiều nguyên nhân gây mất mùi.
“Nó nhằm mục đích giúp phục hồi dựa trên tính khả biến thần kinh – một khả năng của não bộ tự tổ chức lại để bù đắp cho sự thay đổi hoặc chấn thương”, Philpott phát biểu trong một bản báo cáo,
Trong cuộc nghiên cứu, những người tham gia bị rối loạn khứu giác sau khi nhiễm virus đã được phát những bộ dụng cụ luyện mùi — tập hợp các mùi hương bao gồm bạch đàn, chanh, hoa hồng, quế, socola, cà phê, hoa oải hương, mật ong, dâu tây và cỏ xạ hương. Sau sáu tháng trị liệu, những người tham gia đã cho thấy sự phục hồi đáng kể về mặt lâm sàng chức năng khứu giác.
Philpott nói: “Chúng tôi cũng phát hiện ra rằng, đặc biệt là những người lớn tuổi hơn có nhiều khả năng bắt đầu phục hồi khứu giác hơn. Và những cải biến lớn nhất đã xảy ra ở những người ngay từ đầu đã bị mất chức năng khứu giác nhiều nhất.”
Một giác quan đặc biệt
Bạn không cần phải mất khứu giác để rồi trân trọng nó. Nhưng nó có thể hữu ích khi chúng ta xem xét giác quan đặc biệt này có thể thu thập được loại thông tin nào.
Trong khi chó và voi được biết đến với khả năng siêu ngửi, khả năng ngửi mùi của con người vẫn còn rất lớn. Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Science cho thấy con người có thể phân biệt được 1 nghìn tỷ mùi hương khác nhau.
Mùi cung cấp màu sắc cho nhận thức của chúng ta về vị. Tất nhiên, lưỡi có thể tự cảm nhận được hương vị. Nhưng nếu bạn đã từng ăn bất cứ thứ gì khi bị nhiễm trùng xoang, bạn sẽ nhận ra mùi hương mang lại ý vị như thế nào cho bàn ăn.
Một đặc tính thậm chí còn sâu sắc hơn của mùi hương là làm thế nào nó có thể chạm sâu vào tâm hồn của chúng ta. Khi ngửi một cây bút chì màu và đột nhiên có thể đưa bạn trở lại thời thơ ấu. Hoặc một làn hương từ một nhãn hiệu bột giặt nào đó và nó có thể gợi lại kỷ niệm của hơn 20 năm trước.
Người ta đã nhận thấy rằng từ xa xưa mùi hương gắn liền với ký ức. Các nhà khoa học thần kinh cho biết đó là do các cơ quan khứu giác có đường truyền trực tiếp đến hệ limbic (hệ viền), phần não bộ xử lý cảm xúc và trí nhớ. Khứu giác đặc biệt bởi vì tất cả các giác quan khác trước tiên phải được xử lý bởi đồi thị trước khi các tác nhân kích thích được gửi đến các bộ phận khác của não để diễn giải thêm.
Những cơ chế này cho thấy rằng mùi hương không phải chỉ là một niềm vui hay một nỗi phiền muộn. Chúng ta có thể không còn sử dụng nó để tìm thức ăn hoặc tránh những kẻ săn mồi, nhưng Gardner nói rằng chúng ta vẫn dựa vào giác quan này để chữa bệnh và giữ cho chúng ta được an toàn.
Ngọc Anh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times