Cách lấy lại khứu giác hậu COVID
Trong số những di chứng sau nhiễm COVID-19 thì tình trạng thu hút khá nhiều sự chú ý là mất mùi hoặc vị. Đối với nhiều người, mất khứu giác và vị giác kéo dài và khó điều trị. Tại sao lại xảy ra tình trạng này, và có phương pháp điều trị nào hiệu quả để khôi phục khứu giác sau đợt nhiễm COVID không?
Mất mùi phổ biến với nhiều bệnh nhiễm virus
Sự phối hợp giữa vị giác và khứu giác giúp chúng ta thưởng thức đồ ăn và nước uống. Việc mất đi các giác quan này có thể khiến bữa ăn trở nên vô vị hoặc nhạt nhẽo. Quan trọng hơn, chúng ta có thể không nhận thức được những tình huống nguy hiểm có thể xảy ra như rò rỉ gas hoặc thực phẩm hư hỏng.
Mất vị giác (ageusia) và khứu giác (anosmia) không chỉ là triệu chứng sớm của nhiễm COVID-19 mà còn là triệu chứng phổ biến của COVID kéo dài.
Tuy nhiên, tình trạng này không chỉ xảy ra ở bệnh nhân COVID.
Tiến sĩ Jacob Teitelbaum, bác sĩ nội khoa được chứng nhận bởi hội đồng quản trị và là chuyên gia nổi tiếng toàn quốc trong các lĩnh vực mệt mỏi kinh niên, đau cơ xơ hóa, giấc ngủ và cơn đau, nói với The Epoch Times: “Mất khứu giác là hiện tượng phổ biến ở nhiều bệnh nhiễm virus, đặc biệt là ở COVID. Trong khoảng 95% trường hợp, khứu giác sẽ trở lại sau 6 tháng.”
Trong một nghiên cứu từ New York University, các nhà nghiên cứu phát hiện rằng sự hiện diện của virus COVID-19 gần các tế bào thần kinh trong mô khứu giác đã kích thích sự xâm nhập của các tế bào miễn dịch, như microglia (tế bào thần kinh đệm) và tế bào T, để chống nhiễm trùng.
Những tế bào này tiết ra các protein gọi là cytokine làm thay đổi hoạt động di truyền trong tế bào khứu giác, ngay cả khi tế bào không nhiễm virus. Trong những tình huống khác, tế bào miễn dịch nhanh chóng ngừng hoạt động, nhưng các nhà nghiên cứu đã đưa ra giả thuyết rằng tín hiệu miễn dịch có liên quan đến COVID vẫn tồn tại theo cách làm suy yếu hoạt động của các gene cần cho việc sản xuất các thụ thể khứu giác.
Một nghiên cứu khác tìm ra nguyên nhân mất khứu giác vĩnh viễn đối với một số người.
Các nhà khoa học tại Đại học Duke, cùng các chuyên gia từ Đại học Harvard và Đại học California–San Diego, đã dùng sinh thiết mô (mẫu chiết xuất) để phân tích các tế bào biểu mô khứu giác, đặc biệt là các tế bào của những bệnh nhân COVID bị mất khứu giác kéo dài.
Những phát hiện này cho thấy các tế bào miễn dịch của chúng ta có thể tiếp tục phản ứng ngay cả khi mối đe dọa đã biến mất.
Các phân tích cho thấy sự xâm nhập rộng rãi của tế bào T (tế bào miễn dịch), đã gây ra phản ứng viêm trong mũi, nơi có các tế bào thần kinh khứu giác.
“Phát hiện này thật đáng kinh ngạc,” Tiến sĩ Bradley Goldstein, phó giáo sư tại Khoa Sinh học Thần kinh của Đại học Duke, cho biết trong một tuyên bố.
“Điều này gần giống với các hoạt động tự miễn dịch ở mũi.”
Thuốc xịt mũi steroid cho thấy hứa hẹn
Một nghiên cứu được công bố trên Tập san Tai Mũi Họng Hoa Kỳ (American Journal of Otolaryngology) cho thấy thuốc xịt mũi fluticasone (Flonase) giúp những người tham gia lấy lại khứu giác.
Các nhà nghiên cứu đã quan sát 120 người bị mất khứu giác do COVID-19 và chia thành hai nhóm – một nhóm nhận điều trị và một nhóm không nhận điều trị.
Họ phát hiện rằng chức năng khứu giác và vị giác đã cải thiện rõ rệt trong một tuần ở tất cả bệnh nhân COVID-19 dùng thuốc xịt mũi fluticasone.
Tiến sĩ Teitelbaum cho biết thuốc xịt mũi có thể có tác dụng bởi vì nhiễm virus có thể gây viêm và sưng xung quanh dây thần kinh khứu giác. [Mà] fluticasone là loại thuốc xịt mũi steroid không kê đơn giúp giảm viêm.
“Sau khi hết nhiễm trong 1 tháng, dùng thuốc xịt mũi steroid OTC Flonase trong 6 đến 8 tháng có thể giảm sưng mũi và dây thần kinh,” Tiến sĩ Teitelbaum cho biết.
Nhưng ông cảnh báo rằng không nên dùng thuốc xịt mũi này khi có các triệu chứng nhiễm trùng như chảy mũi.
Rèn luyện lại cho khứu giác
Mất khứu giác đã được nghiên cứu từ rất lâu trước khi xảy ra đại dịch. Một nghiên cứu năm 2009 đã phát hiện rằng có thể khôi phục khứu giác ở những người mất khả năng phát hiện mùi.
Các nhà nghiên cứu đã cho những người tham gia tiếp xúc với một trong bốn mùi: đinh hương, chanh, bạch đàn và hoa hồng.
Bệnh nhân ngửi bốn loại mùi nồng hai lần một ngày trong 12 tuần. Họ được kiểm tra độ nhạy cảm [mùi] trước và sau huấn luyện bằng cách dùng bộ kit xét nghiệm “Sniffin’ Sticks” với các cường độ mùi khác nhau.
Theo thang điểm Sniffin’ Sticks, bệnh nhân được rèn luyện khứu giác đã nhạy cảm với mùi hơn so với lúc đầu. Độ nhạy cảm với mùi không thay đổi ở những bệnh nhân không được rèn luyện.
Nghiên cứu đặc biệt xem xét những người bị mất khứu giác liên quan đến COVID cho thấy rằng việc rèn luyện khứu giác giúp cải thiện hiệu quả khả năng phát hiện mùi của họ.
Ông Teitelbaum cho biết: “Khi bắt đầu sớm và tuân theo yêu cầu, rèn luyện khứu giác được báo cáo là có ích nhất cho việc nâng cao chức năng khứu giác.”
Vitamin có thể hữu ích
Có nhiều giả thuyết về lý do tại sao nhiễm COVID gây mất khứu giác, nhưng chúng tôi vẫn không biết chính xác nguyên nhân.
Ông Teitelbaum tin rằng có khả năng là do nhiều nguyên nhân kết hợp, bao gồm thiếu hụt một số chất dinh dưỡng như kẽm.
“Tôi [thường] kê 25 đến 50 mg kẽm mỗi ngày trong 6 tháng cho bệnh nhân,” ông nói.
Kẽm là chất quan trọng đối với chức năng miễn dịch, với hormone chính điều hòa hệ thống miễn dịch thymulin phụ thuộc vào kẽm. Nhiều bệnh nhiễm trùng, bao gồm AIDS, [bệnh nhân] bị thiếu kẽm dẫn đến suy giảm chức năng miễn dịch. Cảm giác về mùi cũng phụ thuộc vào kẽm.
Một chất dinh dưỡng quan trọng khác đối với khứu giác là vitamin A.
“Dùng retinol của vitamin A với liều 2500 đến 5000 đơn vị mỗi ngày, kết hợp với kẽm 25 đến 50 mg mỗi ngày, có thể dần cải thiện khứu giác,” ông Teitelbaum cho biết.
Tuy nhiên, phụ nữ mang thai cần thận trọng khi bổ sung loại vitamin này.
“Vitamin A sẽ gây dị tật bẩm sinh [cho trẻ] ở phụ nữ mang thai với liều lượng trên 8000 đơn vị,” ông Teitelbaum cho biết.
Một nghiên cứu điển hình từ năm 2021 mô tả cách phục hồi khứu giác của bệnh nhân bằng cách rèn luyện khứu giác kết hợp với liều dùng hàng ngày của các loại vitamin B tổng hợp dưới đây:
Vân Hi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times