Khủng hoảng thiếu phân bón tác động mạnh mẽ đến Hoa Kỳ và thế giới
Bà Samantha Power: ‘Đừng bao giờ để một cuộc khủng hoảng trở nên vô ích.’ Diễn đàn Kinh tế Thế giới và Trung Quốc có đồng ý không?
“Tình trạng thiếu phân bón hiện nay là có thực.”
Trong một cuộc phỏng vấn hôm 01/05 trên ABC với cựu cố vấn Đảng Dân Chủ George Stephanopoulos, những lời lẽ do bà Samantha Power của USAID thốt ra đã nhanh chóng át đi sự buồn tẻ của chu kỳ tin tức.
Những lời ấy không nằm ngoài dự đoán của một số người.
Bà Power, người từng là đại sứ Liên Hiệp Quốc dưới thời ông Obama, đã đề cập đến tình trạng thiếu phân bón sau nhiều tuần chính phủ Tổng thống (TT) Biden gợi ý.
Tham vụ Báo chí Tòa Bạch Ốc Jen Psaki liên tục ám chỉ những thách thức về việc có được phân bón trong các cuộc họp báo gần đây. Chính TT Joe Biden cũng nói về việc này trong một tuyên bố chung với Chủ tịch EU Ursula von der Leyen.
Các nhà lãnh đạo này tuyên bố, “Chúng tôi vô cùng lo ngại về cách cuộc chiến của ông Putin ở Ukraine gây ra những gián đoạn lớn đối với chuỗi cung ứng nông sản và lương thực quốc tế, cũng như mối đe dọa mà cuộc chiến này gây ra đối với an ninh lương thực toàn cầu. Chúng tôi nhận thấy rằng nhiều quốc gia trên thế giới đã phụ thuộc vào nguồn cung cấp ngũ cốc và phân bón nhập cảng từ Ukraine và Nga, với sự hiếu chiến của ông Putin đang làm gián đoạn hoạt động thương mại đó.”
Trong một báo cáo hồi tháng Tư có nhan đề “Xung Đột Ukraine và Các Yếu Tố Khác Góp Phần Khiến Giá Hàng Hóa Cao và Mất An Ninh Lương Thực” (“The Ukraine Conflict and Other Factors Contributing to High Commodity Prices and Food Insecurity”), Cơ quan Nông nghiệp Ngoại quốc thuộc Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) thừa nhận rằng “đối với các nhà sản xuất nông nghiệp trên khắp thế giới, giá phân bón và giá nhiên liệu cao là một mối lo ngại lớn.”
Trong khi các luận điệu chính trị thường tập trung vào Nga, thì việc tăng giá phân bón không khởi nguồn từ việc Nga xâm lược Ukraine.
Một phân tích của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson cho thấy giá phân bón đã nhanh chóng leo thang kể từ giữa năm 2021, lần đầu tiên tăng vọt vào cuối năm 2021 và một lần nữa vào khoảng thời gian xảy ra cuộc xâm lược.
Các nhà quan sát trong ngành đã chỉ ra rằng giá cả hàng hóa không chỉ do ông Vladimir Putin chi phối.
Ông Max Gagliardi, một nhà bình luận về ngành dầu khí ở Thành phố Oklahoma, người đồng sáng lập công ty tiếp thị năng lượng Ancova Energy, nói với The Epoch Times rằng chiến tranh và các lệnh trừng phạt đã thúc đẩy xu hướng tăng của giá khí đốt tự nhiên ở Âu Châu.
Khí đốt tự nhiên được sử dụng trong quy trình Haber-Bosch, tạo ra amoniac trong phân đạm. Những loại phân bón đó nuôi sống một nửa hành tinh này.
Ông Gagliardi cho rằng bức tranh phức tạp hơn ở trong nước, nơi môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp (ESG) đã trở thành một công cụ gây tranh cãi của thứ chủ nghĩa tư bản vì các bên liên quan, thường được sử dụng để buộc thoái vốn khỏi nhiên liệu hóa thạch hoặc các ngành khác mà cánh tả không ủng hộ.
Ông nói: “Đó là sự kết hợp của nhu cầu kỷ lục trong nước và từ việc xuất cảng LNG [khí đốt tự nhiên hóa lỏng] kết hợp với nguồn cung ít hơn dự kiến, một phần do nguồn vốn cạn kiệt cho ngành dầu khí do áp lực của ESG/phong trào xanh đối với các nhà cung cấp vốn, cộng với áp lực từ Wall Street để sử dụng ít vốn hơn và trả lại lợi ích ít hơn cho các cổ đông.”
Ngôn ngữ của bà Power lặp lại quan điểm của các nhà hoạt động xanh, EU, và WEF
Trong trường hợp chi phí dầu, khí đốt tự nhiên, và than đá ngày càng tăng, một số chính trị gia và các nhà hoạt động xanh đã lập luận rằng những mức giá tăng nhanh đó đánh dấu một cơ hội để đẩy nhanh quá trình chuyển từ hydrocarbon sang năng lượng gió, năng lượng mặt trời, và điện khí hóa.
Hồi tháng Ba, TNS. Ed Markey (Dân Chủ-Massachusett) cho biết trên Twitter: “Các đại công ty dầu lửa (Big Oil) đang tăng giá quá cao cho các tài xế Mỹ. Những kẻ nói dối này không làm gì để khiến Hoa Kỳ độc lập về năng lượng hoặc làm ổn định giá xăng. Đã đến lúc chúng ta chia tay với các đại công ty dầu lửa và khơi dậy một cuộc cách mạng năng lượng sạch.”
Cựu đại diện và bình luận chính trị của ông Joe Biden, bà Lindy Li nói trên Twitter về việc ExxonMobil rút lui khỏi vùng Viễn Đông của Nga: “Tôi nói rằng chúng ta tận dụng cơ hội này để mở rộng các khoản đầu tư vào năng lượng tái tạo và từ bỏ các nhiên liệu hóa thạch hủy diệt hành tinh[.] Đừng bao giờ để một cuộc khủng hoảng trở nên vô ích.”
Trong khi đó, bà Mandy Gunasekara, một luật sư môi trường từng là tham mưu trưởng Cơ quan Bảo vệ Môi trường dưới thời cựu TT Trump, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times rằng, “làm cho giá các nguồn năng lượng truyền thống tăng lên luôn là một phần trong kế hoạch của họ, để rồi gió và quang năng thực sự có thể cạnh tranh với các nguồn năng lượng này.”
Bà Power nghe có vẻ giống bà Li khi mô tả việc thiếu phân bón thực sự có thể giúp thúc đẩy một nghị trình cụ thể như thế nào.
Thậm chí bà Li còn sử dụng một cụm từ giống hệt thế: “Đừng bao giờ để một cuộc khủng hoảng trở nên vô ích.”
Dù cố ý hay không, cụm từ này đã lặp lại một câu nói của một cựu nhân viên cao cấp khác của ông Obama, ông Rahm Emanuel: “Đừng bao giờ để một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng trở nên vô ích.” Ông Emanuel từng nói vậy về cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008-2009.
Bà Power nói với ông Stephanopoulos: “Ngày càng ít phân bón hơn từ Nga. Do đó, chúng tôi đang làm việc với các quốc gia để nghĩ về các giải pháp tự nhiên, như phân hữu cơ và phân ủ từ chất thải người và động vật. Và điều này có thể thúc đẩy quá trình chuyển đổi mà dù sao thì cũng có lẽ có lợi cho người nông dân thực hiện. Vì vậy, đừng bao giờ để một cuộc khủng hoảng trở nên vô ích.”
Ngôn ngữ của bà Power khi cho rằng khủng hoảng là cơ hội cũng tương đồng với các tuyên bố tương tự từ các nhóm môi trường.
Một nhóm các tổ chức môi trường của Âu Châu và quốc tế đã kêu gọi Liên minh Âu Châu (EU) tiếp tục theo nghị trình về chính sách môi trường trong thư gửi Chủ tịch EU von der Leyen và các quan chức EU khác.
“Cuộc khủng hoảng ở Ukraine là một lời nhắc nhở khác về việc thực hiện Thỏa thuận Xanh và các Chiến Lược từ Nông Trại đến Bàn Ăn và Đa Dạng Sinh Học của thỏa thuận này là cần thiết như thế nào.”
Chiến Lược từ Nông Trại đến Bàn Ăn tự tin khẳng định rằng các hành động của mình nhằm hạn chế việc lạm dụng phân bón hóa học “sẽ giảm thiểu việc sử dụng [phân bón] ít nhất là 20% vào năm 2030.”
Bức thư của các nhà hoạt động này lập luận rằng: “Việc cày thêm đất nông nghiệp, như hiện đang được đề xướng, để trồng cây làm nhiên liệu sinh học và chăn nuôi thâm canh bằng cách sử dụng nhiều thuốc trừ sâu và [phân bón] tổng hợp hơn sẽ là vô lý và làm tăng sự sụp đổ hệ sinh thái một cách nguy hiểm, và là mối đe dọa nghiêm trọng nhất đối với sự ổn định xã hội-sinh thái và an ninh lương thực.”
“Liên minh Âu Châu phải giải quyết những thách thức hiện tại bằng cách đẩy nhanh việc thực hiện các chiến lược nhằm giảm việc sử dụng các loại thuốc trừ sâu và [phân bón] tổng hợp, để bảo vệ môi trường tự nhiên và sức khỏe của người dân.”
Nhiều ấn phẩm từ Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), được biết đến với vai trò điều phối phản ứng toàn cầu đối với COVID-19, cũng đưa ra lập luận tương tự.
Bạch thư hồi năm 2020 của WEF và công ty tư vấn McKinsey and Company cảnh báo về phát thải khí nhà kính và nguy cơ phân bón bị cuốn trôi và hòa tan vào nguồn nước, ủng hộ việc chấm dứt trợ cấp phân bón ở các nước đang phát triển và ca ngợi Trung Quốc vì đã nỗ lực giảm sử dụng phân bón.
Bạch thư của WEF hồi năm 2018, đồng tác giả với công ty tư vấn Accenture, tuyên bố rằng “cách tiếp cận của thế kỷ 21 đối với nông nghiệp hữu cơ” nên cố gắng thu hẹp khoảng cách về sản lượng giữa canh tác hữu cơ và canh tác thông thường.
Tầm nhìn của WEF về nông nghiệp thế kỷ 21 được chú trọng hơn trong một báo cáo khác hồi năm 2018 có nhan đề “Đổi Mới Sinh Học trong Hệ Thống Lương Thực” (“Bio-Innovation in the Food System”).
Họ ủng hộ việc áp dụng kỹ thuật sinh học về các loại vi sinh vật cố định đạm mới hiệu quả hơn trong cây trồng.
Báo cáo của WEF nêu rõ: “Kỹ thuật này mang lại triển vọng giảm lượng phân đạm và áp dụng phân đạm một cách tối ưu hơn.”
WEF cũng đã thúc đẩy việc sử dụng “chất rắn sinh học” — hay nói cách khác là bùn thải — làm phân bón.
Tổ chức này lưu ý rằng nước tiểu “tạo ra một loại phân bón nông nghiệp tuyệt vời.”
Bà Gunasekara, trước đây làm việc cho EPA, nói rằng việc sử dụng phân bón quá mức và nguy cơ phân bón bị cuốn trôi và hòa tan vào nguồn nước gây ra nhiều rủi ro nghiêm trọng, làm phát sinh các loại tảo nở hoa có hại ở Great Lakes và Vịnh Mexico.
Tuy nhiên, bà nói với The Epoch Times rằng “nhìn chung, nông dân sử dụng phân bón rất, rất hiệu quả. Họ có một động lực nội tại để không lãng phí thứ gì đó là một loại chi phí đầu vào cao,” và cho biết thêm rằng, theo kinh nghiệm của mình, ngành nông nghiệp và các cộng đồng có thể tìm ra các giải pháp tích cực với các cơ quan quản lý.
Bà cho rằng những hạn chế nặng tay không phải là giải pháp.
Báo cáo “Độ Không Tuyệt Đối” (“Absolute Zero”) của Vương quốc Anh, do các học giả tại các trường đại học hàng đầu của Anh thực hiện, thậm chí còn đi xa hơn một số báo cáo khác khi phản đối phân bón dựa trên nitơ và nông nghiệp thông thường nói chung.
Báo cáo này dự đoán một giai đoạn ngừng sản xuất thịt bò và thịt cừu, với “việc sử dụng phân bón giảm đáng kể,” để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Bản báo cáo nêu: “Có những cơ hội đáng kể để giảm sử dụng năng lượng bằng cách giảm nhu cầu về [phân bón].”
Báo cáo này cũng dự kiến cắt giảm 60% năng lượng trong lĩnh vực lương thực trước năm 2050.
Sự khắc khổ năng lượng được hình dung đó, với nhiều hậu quả không thể lường trước của nó đối với cuộc sống của nhân loại, dường như sẽ không lâu bền.
Báo cáo này tuyên bố rằng sau năm 2050, năng lượng cho phân bón và các khía cạnh khác của sản xuất lương thực sẽ “[tăng] cùng điện không phát thải.”
Ông Marc Morano, chủ sở hữu của trang web Climate Depot, nói với The Epoch Times: “Một cuộc khủng hoảng lương thực/nạn đói thúc đẩy mục tiêu dài hạn là kiểm soát tập trung hơn năng lượng, thực phẩm, giao thông vận tải, v.v., như đã được nhóm Davos của WEF xúc tiến. Các chính phủ phải mở rộng quyền hạn của mình để ‘quản lý’ các cuộc khủng hoảng, và những người cấp tiến yêu thích điều này hơn bất cứ thứ gì.”
Thử nghiệm hữu cơ của Sri Lanka là một lời cảnh báo nghiêm trọng
Mặc dù những nhận xét của bà Power phù hợp với các quan điểm thảo luận từ Đảng Dân Chủ, WEF, EU, và các phe phái tương tự, nhưng chúng đến vào một thời điểm đặc biệt bất tiện cho những người ủng hộ phân bón hữu cơ – thử nghiệm gần đây của Sri Lanka về việc từ bỏ phân bón hóa học đã khiến quốc đảo này rơi vào tình trạng hỗn loạn không có dấu hiệu đi đến hồi kết.
Theo một báo cáo năm 2021 từ Cơ quan Nông nghiệp Ngoại quốc của USDA, các nhà kinh tế nông nghiệp Sri Lanka cảnh báo rằng việc chuyển đổi nhanh chóng từ phân bón hóa học sang phân bón hữu cơ “sẽ dẫn đến năng suất cây trồng giảm đáng kể.”
Như hãng thông tấn Al Jazeera đã đưa tin, quốc gia này đã phải bồi thường cho một triệu nông dân của mình với số tiền lên đến 200 triệu USD.
Với tình trạng thiếu lương thực hiện giờ đã thành hiện thực, các cuộc biểu tình chống chính phủ đã khiến Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa phải ban bố tình trạng khẩn cấp hôm 06/05 – lần thứ hai trong vòng hai tháng.
Ông Gunasekara nói: “[Sri Lanka] hiện đang trên bờ vực của nạn đói, vì họ đã bị mất mùa nghiêm trọng.”
Bà nói thêm rằng, “Chính phủ muốn sử dụng tình huống này như một cơ hội để thúc đẩy các chiến thuật canh tác theo phong cách Thỏa thuận Xanh Mới của họ, mà chúng ta đã chứng kiến được thực hiện ở những nơi khác, gây ra những vấn đề đáng kể ngoài những gì chúng ta hiện đang đối mặt từ quan điểm của nông dân và những gì mà người tiêu dùng sẽ phải đối mặt.”
Ông Morano của Climate Depot cho biết: “Phân hữu cơ không thể cạnh tranh với nông nghiệp hóa học hiện đại để canh tác năng suất cao mà thế giới đang phụ thuộc vào.”
Ông Rufus Chaney, một nhà khoa học đã về hưu của USDA nổi tiếng với nghiên cứu về phân bón làm từ bùn thải, đã lặp lại sự hoài nghi của ông Morano về việc bù đắp lượng phân bón hóa học bị thiếu bằng các chất hữu cơ thay thế.
Ông Rufus nói với The Epoch Times qua thư điện tử: “Không có đủ phân bón hữu cơ hữu ích (và chưa được sử dụng) để thay đổi sự cân bằng của bất kỳ sự thiếu hụt phân bón hóa học nào.”
“Không có đủ phân hữu cơ hữu ích để thay đổi sự cân bằng của bất kỳ sự thiếu hụt phân bón hóa học nào.”
— Ông Rufus Chaney, chuyên gia về phân bón dựa trên bùn thải đã về hưu của USDA
Ông nói thêm: “Gần như tất cả các loại phân bón hữu cơ đều được sản xuất dựa trên phân gia súc và chỉ có thể được vận chuyển trong quãng đường ngắn trước khi nó trở nên quá đắt đỏ.”
Những thực tế này nhấn mạnh mâu thuẫn rõ ràng khác trong chính sách xanh — ngay cả khi các nhà hoạt động khí hậu thúc đẩy cắt giảm sử dụng phân bón hóa học và phụ thuộc nhiều hơn vào các chất hữu cơ thay thế, thì họ đang nỗ lực hủy diệt các quần thể vật nuôi cung cấp phân bón cho các loại phân bón đó.
Ví dụ như ở Bắc Ireland, Đạo luật khí hậu mới được thông qua sẽ yêu cầu khu vực này mất một triệu con cừu và gia súc.
Thậm chí Chiến Lược từ Nông Trại đến Bàn Ăn của EU còn tuyên bố rằng công việc về phân bón sẽ được tập trung “ở các khu vực điểm nóng về chăn nuôi gia súc thâm canh và tái chế chất thải hữu cơ thành phân bón tái tạo.”
Ông Morano nói với The Epoch Times: “Trong nhiều năm, chúng ta đã được cảnh báo rằng ‘biến đổi khí hậu’ sẽ gây ra tình trạng thiếu lương thực, nhưng giờ đây dường như chính sách khí hậu sẽ là một trong những yếu tố lớn nhất gây ra tình trạng thiếu lương thực.”
Ông trích dẫn nghiên cứu gợi ý rằng việc chuyển sang canh tác hữu cơ ở Vương quốc Anh thực sự có thể làm tăng lượng khí thải carbon dioxide, vì sản lượng trong nước giảm có thể thúc đẩy những mặt hàng nhập cảng thâm dụng carbon.
Ông nói thêm: “Những gì chính phủ Tổng thống Biden đang làm là nắm bắt ‘các cuộc khủng hoảng’ để thúc đẩy nghị trình của họ. Greta [Thunberg] đã có câu nói nổi tiếng, ‘Tôi muốn bạn hoảng sợ.’ Bởi vì khi hoảng sợ, quý vị không suy nghĩ thấu đáo và bình tĩnh, và đưa ra những lựa chọn thiếu sáng suốt. Cách duy nhất để họ có thể thuyết phục được những câu chuyện về sản xuất lương thực và năng lượng không tưởng lấy cảm hứng từ khí hậu này là trong thời kỳ khủng hoảng COVID hoặc khủng hoảng thời chiến.”
Vai trò của Trung Quốc được xem xét kỹ lưỡng
Tuy nhiên, những người khác lại coi việc chú tâm vào Nga là một sự sao lãng khỏi hành động của Trung Quốc trên trường thế giới.
Năm 2021, Trung Quốc hạn chế xuất cảng cả phân lân và phân urê. Quốc gia này cũng tăng cường nhập cảng phân bón.
Theo một tài liệu về triển vọng [ngành này] của Hiệp hội Hóa Chất và Hóa Dầu Vùng Vịnh, các hạn chế xuất cảng của Trung Quốc được đưa ra sau khi nước này nhanh chóng nổi lên là “quốc gia quan trọng nhất và có ảnh hưởng nhất trong ngành kinh doanh phân bón.”
Phân tích của Viện Peterson cho thấy khi giá phân bón toàn cầu tăng vọt vào năm 2021 và 2022, giá phân bón của Trung Quốc hầu như chững lại.
Mặc dù báo cáo hồi tháng Tư của USDA đã ghi nhận tác động của việc hạn chế xuất cảng phân bón của Trung Quốc và nhập cảng phân bón nhiều, nhưng phần tóm tắt của USDA đã thu hút sự chú ý lớn hơn đến xung đột Nga-Ukraine.
Nội dung phần tóm tắt đó đã không đề cập đến tên Trung Quốc trong số “các quốc gia áp đặt các lệnh cấm và hạn chế xuất cảng.”
Hôm 06/05, ông Gordon Chang, một chuyên gia về Trung Quốc của Đại học Stanford, đã cảnh báo trên Twitter rằng Trung Quốc đã “mua các công ty hóa chất có sản phẩm cần thiết cho phân bón và nói chung là cần thiết cho sản xuất thực phẩm,” trích dẫn những bình luận từ nhà ủng hộ hoạt động sản xuất trong nước, ông Jonathan Bass.
We must, as a national priority, protect our farmland, ranches, processing facilities, distribution channels, and all the other elements that support agriculture and the food chain. #China’s regime is seeking control. Its intentions are undoubtedly malign. #CCP
— Gordon G. Chang (@GordonGChang) May 7, 2022
The Epoch Times đã liên lạc với ông Chang và ông Bass để biết thêm chi tiết.
Trung Quốc cũng đang mua đất nông nghiệp của Mỹ cũng như các cảng trên khắp thế giới, bao gồm cả các cảng ở đất nước Sri Lanka hiện đang bị mất an ninh lương thực.
Nhà vật lý Michael Sekora, cựu giám đốc dự án của Cơ quan Tình báo Quốc phòng (DIA), nói với The Epoch Times rằng tình trạng thiếu phân bón trên toàn thế giới có thể phản ánh chiến lược công nghệ tầm xa của Trung Quốc.
Ông lập luận, một yếu tố quan trọng của chiến lược đó là hạ gục Hoa Kỳ bất cứ khi nào và bất cứ nơi nào có thể.
Ông Sekora nói: “Khả năng sản xuất lương thực của chúng ta hiện đang bị tấn công rất nhiều. Một số người nói, ‘Ồ, đó chỉ là một sự trùng hợp.’ [Nhưng] đó là Trung Quốc.”
Ông Gunasekara nói: “Trung Quốc đã rất chiến lược trong việc bảo đảm họ tích lũy những gì họ có và hạn chế quyền tiếp cận trên khắp thế giới.”
“Khi quý vị có những người rất chống lại sự phát triển và chống lại tăng trưởng nắm quyền, Trung Quốc có thể đặt ngón tay vào thị trường toàn cầu, khiến thị trường trở nên khó khăn hơn nhiều, và sau đó cố gắng lấy đó làm ví dụ để sử dụng thêm nhiều quyền lực và sự tiếp cận hơn để có sức mạnh lớn hơn.”
Nỗi đau được cảm nhận trên khắp thế giới
Nông dân thuốc lá Nam Phi Herman J. Roos nói: “Thật là bận rộn.”
Ông Roos nói với The Epoch Times rằng giá phân bón gần ông đã tăng vọt kể từ cuộc xâm lược Ukraine, sau khi tăng mạnh so với năm trước (2021).
Ông đã có thể mua tất cả các loại phân bón mà ông cần cho năm nay trước khi xảy ra cú sốc giá gần đây nhất. Tuy nhiên, ông dự đoán tình trạng thiếu urê, monoamoni photphat (MAP) và các loại phân bón khác sẽ gây quá sức cho một bộ phận nông dân vốn đang bị căng thẳng nghiêm trọng.
Trộm cắp đồng, thiếu sự hỗ trợ của chính phủ, và mối đe dọa bạo lực luôn hiện hữu đang đẩy ông Roos và các nhà sản xuất như ông đến bờ vực.
Tuy nhiên, đối với tất cả những thách thức ở Nam Phi, ông Roos dự đoán hậu quả sẽ tồi tệ hơn ở những nơi khác trên lục địa này.
Ông nói thêm, “Nền kinh tế sẽ bị ảnh hưởng nặng nề hơn ở các quốc gia như Mozambique, Zambia, và Zimbabwe – những quốc gia nơi hệ thống nông nghiệp của họ tập trung hơn vào canh tác tự cung tự cấp.”
Các quốc gia này và các nước Phi Châu hạ Sahara phụ thuộc nhiều vào Nam Phi để cung cấp lương thực.
Ông Roos cầu nguyện bạo loạn lương thực sẽ không đến Nam Phi. Quốc gia này vẫn đang phục hồi sau làn sóng bạo loạn vào mùa hè năm 2021, được thúc đẩy bởi vụ bắt giữ cựu Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma.
Ông dự đoán rằng một số nông dân trong nước sẽ phá sản.
Trở lại Hoa Kỳ, anh Adam Geriak, chuyên gia cảnh quan Connecticut vẫn chưa phải đối mặt với những lựa chọn khó khăn như vậy.
Anh nói với The Epoch Times rằng giá phân bón gần chỗ anh đang tăng, phù hợp với ước tính mà một cửa hàng làm vườn ở Connecticut cung cấp cho The Epoch Times.
Anh Geriak cho biết: “Tôi làm công việc chính trong vườn và sử dụng phân hữu cơ, chủ yếu là phân gia cầm,” và cho biết thêm rằng giá phân gia cầm cũng có thể đã tăng.
Anh không nghĩ rằng việc tăng giá phân bón sẽ ảnh hưởng nhiều đến mình. Tuy nhiên, những khía cạnh khác của bức tranh kinh tế hiện tại đang khiến anh lo ngại khi cố gắng quản lý doanh nghiệp nhỏ của mình một cách hiệu quả nhất.
Anh Geriak nói: “Tôi đang gặp khó khăn trong việc lập kế hoạch cho tương lai vì sự không chắc chắn, và tôi nghĩ những người chủ doanh nghiệp khác cũng đang cảm thấy điều này. Trong hai năm trước, khách hàng dường như có sẵn tiền. Họ muốn nhiều dự án được thực hiện hơn và dường như có rất nhiều tiền. Giờ đây, khách hàng có vẻ eo hẹp hơn một chút, và hỏi làm cách nào để họ có thể tiết kiệm tiền cho một số dự án nhất định và những thứ như vậy.”
Anh nói thêm: “Đang trên bờ vực suy thoái, và tài khoản hưu trí giảm xuống có thể dẫn đến những vấn đề này.”
Báo cáo của USDA về thí nghiệm hữu cơ của Sri Lanka cho thấy chính phủ nước này đã đưa ra những lời hứa bất khả thi với các bên khác nhau.
Họ thông báo cho nông dân rằng họ sẽ giải quyết chi phí rời chuyển khỏi phân bón hóa học trong khi nói với người tiêu dùng rằng gạo trên kệ của họ sẽ không trở nên đắt hơn, đồng thời nỗ lực thực hiện các lợi ích về môi trường và sức khỏe cộng đồng thông qua việc chuyển đổi chóng mặt sang phân bón hữu cơ.
Ông Gunasekara nói với The Epoch Times: “Nếu quý vị quá chú trọng đến các vấn đề môi trường, và bỏ qua tác động thực sự có thể có đối với cuộc sống hàng ngày của con người, thì điều này có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng.”
“Thật không may, chúng ta đang thấy điều đó trong hoàn cảnh thảm khốc nhất, đó là nguồn cung cấp lương thực bị kìm hãm. Tôi nghĩ rằng tình hình sẽ chỉ trở nên tồi tệ hơn do giá phân bón và dầu diesel và mọi thứ khác tăng sẽ gây khó khăn hơn cho việc sản xuất của nông dân ở Hoa Kỳ, sau đó là trên toàn cầu.”
Anh Josh, một nông dân ở Texas chăn nuôi gia súc nhỏ, cũng tin rằng mọi thứ sẽ trở nên tồi tệ hơn trước khi chúng trở nên tốt hơn. Anh không muốn chia sẻ họ của mình.
Anh nói trong một tin nhắn gửi tới The Epoch Times: “Cá nhân tôi nghĩ rằng chúng ta thậm chí còn chưa bắt đầu cảm nhận được tác động của lạm phát trong hóa đơn hàng bách hóa của mình, bởi vì năm ngoái, chi phí sản xuất bằng 1/3 đến 1/2 chi phí mà nông dân và chủ trang trại phải trả trong năm nay. Chi phí đó phải được người mua hấp thụ thậm chí chỉ để nông dân và chủ trang trại có thể tiếp tục hoạt động.”
“Gia đình tôi hiện đang chuẩn bị và tích trữ tủ đông và tủ đựng thức ăn của chúng tôi vì chúng tôi thực sự lo ngại tình hình có thể tồi tệ như thế nào trong năm tới.”
Anh ước tính rằng giá phân bón gần chỗ anh đã tăng 200 hoặc thậm chí 300%, “phụ thuộc vào loại chương trình quý vị đang sử dụng.”
Giá dầu diesel tăng đã khiến anh bị thiệt hại nhiều nhất. Anh chỉ ra: “Thiết bị trang trại chạy bằng dầu diesel.”
Theo trang web về giá xăng của AAA, dầu diesel ở Texas đang ở mức trung bình là 5.231 USD, tăng từ mức 2.820 USD một năm trước.
Anh Josh cho biết: “Tôi không thể tưởng tượng được làm cách nào ai đó có thể kiếm lợi nhuận hoặc duy trì việc trồng trọt hoa màu hoặc chăn nuôi gia súc với tất cả những đợt tăng giá ảnh hưởng đến chi phí của quý vị,” và cho biết thêm anh đã nghe nói về việc các chủ trang trại và nông dân khác tiêu hủy đàn gia súc của họ để tránh thua lỗ.
Ông Morano, thuộc Climate Depot, nói với The Epoch Times: “Tình trạng thiếu lương thực là một cách hữu hiệu để phá vỡ hệ thống hiện tại và thiết lập một cuộc Đại Tái Thiết.”
Ông Nathan Worcester là một phóng viên môi trường tại The Epoch Times. Quý vị có thể liên lạc với ông tại [email protected] hoặc theo dõi ông trên Twitter @nnworcester.
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: