Khủng hoảng lương thực do xung đột Nga-Ukraine có thể dẫn đến di cư ồ ạt từ Trung Mỹ sang Hoa Kỳ
Hôm thứ Bảy (17/04), ông David Beasley, giám đốc điều hành Chương trình Lương thực Thế giới của Liên Hiệp Quốc, cho biết cuộc xung đột Nga-Ukraine đang diễn ra và cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu tiếp sau đó có thể gây bất ổn cho các quốc gia và tạo ra làn sóng di cư ồ ạt từ Trung Mỹ sang Hoa Kỳ.
Ông Beasley nói với chương trình “Face the Nation” của CBS News rằng “không còn nghi ngờ gì nữa”, Tổng thống Nga Vladimir Putin đang sử dụng nạn đói như một vũ khí theo nhiều cách, khi nêu ra rằng lương thực đang được “sử dụng như một vũ khí chiến tranh.”
Ông lưu ý rằng Ukraine sản xuất đủ lương thực để nuôi sống 400 triệu người trên toàn cầu. Con số đó không bao gồm dân số của chính Ukraine.
Tuy nhiên, ông Beasley cho biết các tuyến đường cung cấp từ Ukraine đến phần còn lại của thế giới đã ngừng hoạt động, trong khi nông dân không còn có thể làm việc trên các cánh đồng để trồng trọt, bón phân, và thu hoạch mùa màng do cuộc xung đột hiện tại.
Vị quan chức Liên Hiệp Quốc này cho biết các cảng cần phải được khai thông và thông quan “nhanh chóng”, đồng thời lưu ý rằng “nếu chúng ta không mở lại các cảng này thì… đó là cơ sở để 400 triệu người lấy lương thực từ Ukraine.”
Ông Beasley đã nhấn mạnh rằng các quốc gia kém phát triển hơn và bị chiến tranh tàn phá như Syria và Yemen có khả năng bị ảnh hưởng nhiều hơn bởi cuộc xung đột hiện tại giữa Nga và Ukraine, và do đó sẽ phải đối mặt với nạn đói tiềm ẩn nhiều hơn.
Ông lưu ý rằng Liên Hiệp Quốc đã nghe nói về việc một số lượng lớn người dân ở Trung Mỹ — trong đó có người dân ở Guatemala, El Salvador, và Honduras — đang cân nhắc việc di cư đến Hoa Kỳ khi mức độ lạm phát ở các quốc gia của họ tiếp tục tăng vọt.
“Và để tôi nói cho quý vị biết điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta không đưa được lương thực cần thiết đến với những người cần, cho dù đó là ở Trung Đông, Bắc Phi, hay Trung Mỹ: quý vị sẽ có nạn đói và quý vị sẽ có sự bất ổn của các quốc gia và sau đó quý vị sẽ có di cư hàng loạt, và điều này sẽ tốn kém gấp một ngàn lần so với việc chúng ta có thể có được lương thực và tiếp cận người dân trước khi họ tử vong hoặc tạo ra bất ổn chính trị hoặc di cư,” ông Beasley nói.
Bên trong Ukraine, ông Beasley cho biết Liên Hiệp Quốc đã chứng kiến “các kho lương bị nổ tung” và “những nơi mà trong nhà kho chứa đầy lương thực, và đó thậm chí không phải là ở Mariupol.”
“Và vì vậy không có gì phải bàn cãi khi lương thực đang được sử dụng làm vũ khí chiến tranh theo nhiều cách khác nhau ở đây,” ông Beasley tiếp tục. “Tôi không biết lý do hay lời giải thích hợp lý cho việc này, tôi biết điều đó thật đau lòng vì tại làm sao mà quý vị lại không cho mọi người tiếp cận với lương thực? Không cho những nạn nhân vô tội của chiến tranh tiếp cận với lương thực?”
Tháng trước (03/2022), Tòa Bạch Ốc cho biết họ dự đoán tình trạng thiếu lương thực toàn cầu do cuộc xâm lược quy mô toàn diện do quân đội Nga tiến hành ở Ukraine có thể đẩy giá năng lượng, phân bón, lúa mì, và ngô lên cao hơn, nhưng các quan chức lưu ý rằng Hoa Kỳ không có khả năng bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu lương thực.
Trong khi đó, Liên Hiệp Quốc đã cảnh báo rằng chuỗi cung ứng thực phẩm của Ukraine đang “sụp đổ” do cuộc xâm lược của Nga. Cả hai quốc gia này đều là những nước xuất cảng ngũ cốc chủ chốt và cung cấp gần 30% lúa mì và gần 20% ngô trên thị trường toàn cầu.
Khi người dẫn chương trình của “Face the Nation”, bà Margaret Brennan, hỏi liệu ông có tin rằng Chương trình Lương thực Thế giới sẽ có thể giữ cho các đường cung cấp lương thực luôn mở hay không, ông Beasley đã trả lời, “Không, tôi không chắc.”
“Tôi không tự tin chút nào. Có những nơi mà chúng tôi không thể tiếp cận, như ở Mariupol và những nơi khác mà quân Nga đã bao vây thành phố và không cho phép chúng tôi quyền tiếp cận mà chúng tôi cần.”
Cô Katabella Roberts là một phóng viên hiện đang sống và làm việc tại Thổ Nhĩ Kỳ. Cô viết về tin tức nói chung và tin kinh doanh cho The Epoch Times, tập trung chủ yếu vào Hoa Kỳ.
Nguyễn Lê biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: