Khủng hoảng điện năng của Trung Quốc có thể thúc đẩy giá cả kỳ Giáng sinh tăng tới 15% ở Hoa Kỳ
Hơn một nửa số tỉnh của Trung Quốc đã ban hành các hạn chế điện năng địa phương kể từ tháng Chín. Một nhà kinh tế đã nói, tình trạng mất điện trên diện rộng và cắt giảm theo các chính sách năng lượng mới của Bắc Kinh có thể sẽ thúc đẩy lạm phát toàn cầu từ 0.5 đến 1%, và khiến giá cả ở Hoa Kỳ tăng từ 10 đến 15% trong mùa Giáng sinh đối với hàng hóa bán lẻ nhập cảng từ Trung Quốc.
Ông Hoàng Tuấn (Huang Jun), một nhà kinh tế Trung Quốc hiện sống ở Hoa Kỳ, nói với The Epoch Times rằng việc mất điện ở Trung Quốc sẽ cắt đứt một phần ba năng lực sản xuất của đất nước. Ông Hoàng từng là người phụ trách chuyên mục chính của đài truyền hình nhà nước Trung Quốc CNTV và là cựu nhà kinh tế trưởng tại China Enterprise Capital Union (CECU). Ông hiện là giám đốc của Hiệp hội Bất động sản Á Châu tại Hoa Kỳ.
Bị ảnh hưởng bởi tình trạng mất điện và cắt giảm điện của Trung Quốc, một số mặt hàng bán lẻ của Hoa Kỳ có thể tăng giá từ 10 đến 15%, vì khoảng 40% sản phẩm đến từ Trung Quốc. Ông Hoàng cho biết thêm, đợt tăng giá này dự kiến sẽ diễn ra trong hai tháng trước và sau Giáng sinh.Theo ước tính của ông Hoàng sau một cuộc khảo sát các nhà sản xuất tại Trung Quốc, tác động của cuộc khủng hoảng điện năng của Trung Quốc đối với chuỗi cung ứng toàn cầu chủ yếu sẽ phản ánh vào bốn ngành: dệt may; đồ chơi, văn phòng phẩm, và đồ dùng văn phòng; máy tính và phụ kiện máy tính; và các bộ phận máy móc.
Theo các báo cáo địa phương, tại thành phố Đông Quan, tỉnh Quảng Đông của Trung Quốc, các nhà máy đã nhận được thông báo chính thức, hạn chế hoạt động từ 1-3 hôm mỗi tuần tùy thuộc vào quy mô và mức độ ưu tiên công việc của nhà máy theo quy định của chính quyền.
Tại tỉnh Chiết Giang, các nhà chức trách đang kiểm soát chặt chẽ năng lực sản xuất dệt nhuộm, và sợi hóa học và các sản phẩm nhựa ở các thành phố của tỉnh này, bao gồm Thiệu Hưng, Hồ Châu, Gia Hưng và Ôn Châu.
Trong khi đó, chính quyền tỉnh Giang Tô đã ban hành một thông báo khẩn cấp hôm 16/09, thông báo rằng họ sẽ hạn chế cung cấp điện từ nửa đêm hôm 15/09 đến hôm 30/09. Ảnh hưởng của việc hạn chế điện cũng đã lan rộng đến ngành công nghiệp bán dẫn của Giang Tô. Một số nhà cung cấp dịch vụ đóng gói vi mạch, như Intel, Nvidia và Qualcomm, đã nhận được thông báo đóng cửa các nhà máy của họ trong vài hôm. Chang Wah Technology, nhà cung cấp vật liệu đóng gói bán dẫn, cũng thông báo ngừng việc một tuần.
Eson Precision Industry, nhà cung cấp linh kiện cơ khí chính cho Apple, cho biết nhà máy của họ ở Côn Sơn, tỉnh Giang Tô, đã bị đình chỉ điện từ hôm 03/10 đến hôm 08/10 do chính sách của thành phố. Unimicron Technology, nhà cung cấp bảng mạch in cho Apple, cũng cho biết các nhà máy của họ ở Tô Châu và Côn Sơn sẽ ngừng sản xuất từ hôm 03/10 đến cuối tháng.
Theo báo cáo của Reuters, do cuộc khủng hoảng điện năng quy mô lớn của Trung Quốc, Nomura Securities đã giảm dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc xuống 4.7% trong quý 3 và 3.0% trong quý 4, giảm so với mức dự báo tương ứng là 5.1% và 4.4%, và đã cắt giảm toàn bộ dự báo Năm mới từ 8.2 % đến 7.7 %.
Ông Hoàng chỉ ra 4 yếu tố chính về nguyên nhân gây ra tình trạng thiếu điện của Trung Quốc.
“Nguyên nhân đầu tiên nằm ở sự mất cân bằng giữa sản xuất điện và tiêu thụ điện ở Trung Quốc: 16.4% sản lượng điện của Trung Quốc được cung cấp bởi thủy điện, và tiêu thụ cho điện công nghiệp và điện dân dụng không ngừng tăng lên, trong khi nguồn cung thủy điện giảm, đặc biệt là vào mùa đông khi nhiều các khu vực bước vào mùa khô trong năm.”
Ví dụ, vào tháng Giêng, ông Hoàng cho biết, khoảng 100 tỷ kilowatt giờ điện đã được tạo ra. “Nhưng hầu hết Trung Quốc vẫn rất lạnh vào tháng Giêng, và nhu cầu sưởi ấm có thể lên tới 120 tỷ kilowatt giờ, vì vậy lượng điện thiếu hụt 20 tỷ kilowatt giờ.”
Nguyên nhân thứ hai, ông Hoàng cho biết, là các nhà sản xuất Trung Quốc vẫn đang nhận được một lượng lớn đơn đặt hàng quốc tế, đặc biệt là trong nửa cuối năm 2020, nhu cầu này đã giữ cho tiêu thụ điện ở mức cao.
Theo ông Hoàng, lý do thứ ba có liên quan đến một cuộc giằng co chính trị giữa Trung Cộng và Úc, dẫn đến lệnh cấm than của Úc. Do đó, các nhà máy điện của Trung Quốc đã phải chuyển sang Indonesia và Nga để nhập cảng than, nhưng điều này đã gây ra tổn thất trong hoạt động cho các nhà máy điện.
Ông Hoàng nói: “Bây giờ thay vì đốt than của Úc, Trung Cộng đã yêu cầu [các nhà máy điện] đốt than của Indonesia và than của Nga. Thứ nhất, nhiệt trị của nó khi phát điện là khác nhau; Thứ hai, các thông số của nó khác nhau, điều này sẽ làm phát sinh các vấn đề về vận hành cơ học.”
“Tất nhiên, các nhà máy có thể sửa lỗi đó, nhưng điều đó cần phải ngừng hoạt động. Một khi động cơ dừng lại rồi khởi động lại, đó thực sự là một tổn thất rất, rất lớn.”
Lý do thứ tư là các cam kết về khí hậu của Trung Cộng, bao gồm việc Trung Quốc phải đóng cửa 588 nhà máy nhiệt điện than trong vòng 10 năm.
BBC đưa tin vào tháng Tư, Trung Quốc hiện đang vận hành 1,058 nhà máy than – hơn một nửa công suất của thế giới.
Ông Hoàng nói: “Về cơ bản, Trung Quốc phải đóng cửa rất nhiều nhà máy nhiệt điện than, khoảng một nửa trong số đó, để đáp ứng các yêu cầu về môi trường. Nhưng các nhà máy này cung cấp hơn 35% sản lượng điện của Trung Quốc. Điều đó có nghĩa là có khoảng cách năng lượng 35 %. Khó có thể bù đắp kể cả khi năng lượng gió tăng lên 7 hoặc 8 lần.”
Chánh Tín biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: