Khủng hoảng chuỗi cung ứng toàn cầu trầm trọng hơn trong dịp Tết Nguyên Đán, Thế vận hội
Kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán kéo dài gần một tuần, cùng với Thế vận hội Mùa Đông Bắc Kinh và chính sách chống dịch “không khoan nhượng” của nhà cầm quyền Cộng sản có thể làm cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng toàn cầu trầm trọng hơn trong bối cảnh vận chuyển toàn cầu bị gián đoạn nghiêm trọng.
Nền tảng theo dõi container Container xChange cho biết trong một cuộc khảo sát cuối tháng Một rằng 66% trong số 500 người được hỏi trong ngành vận tải hàng hóa giữ quan điểm rằng kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán từ hôm 31/01 đến hôm 06/02 sẽ gây thêm áp lực lên chuỗi cung ứng toàn cầu về vận tải biển, với nhà máy Trung Quốc và cảng đóng cửa làm kéo dài thêm thời gian vận chuyển và làm căng thẳng sự sẵn có của các container.
Ông Johannes Schlingmeier, đồng sáng lập và Giám đốc điều hành của Container xChange, cho biết: “Việc dự đoán tác động của những ngày nghỉ Tết Nguyên Đán năm 2022 là mơ hồ.”
Chính sách zero COVID của Trung Quốc đã áp dụng đối với Tây An của tỉnh Thiểm Tây, tiếp theo là hàng chục tỉnh hoặc thành phố khác như Hà Nam, Quảng Đông, Quảng Tây, Thượng Hải, và Bắc Kinh. Mỗi nơi này đều là nạn nhân của đợt bùng phát dịch nghiêm trọng hơn kể từ tháng 12/2021, với việc chính quyền địa phương khẩn trương thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt bao gồm xét nghiệm acid nucleic, cách ly, và phong tỏa.
Chính sách buộc các nhà máy ở các khu vực bị ảnh hưởng bao gồm Canon, Toyota, Volkswagen, và Foxconn đóng cửa mà không có ngày cụ thể để hoạt động trở lại.
Ông Ambrose Conroy, Giám đốc điều hành của Seraph, một công ty tư vấn chuỗi cung ứng của Hoa Kỳ, nói với VOA hôm 19/01 rằng cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng có thể kiểm soát được nếu chỉ các nhà máy tạm thời đóng cửa, nhưng việc đóng cửa cảng là một vấn đề quan trọng hơn: Khá khó khăn khi giao hàng ra khỏi Trung Quốc do các hạn chế và phong tỏa cảng của Trung Quốc.
The Epoch Times cho biết tất cả các cảng ở tỉnh Sơn Đông đã ngừng hoạt động kể từ giữa tháng 12/2021, bao gồm cả Hải quan Thanh Đảo, trong khoảng thời gian từ 2-3 tháng. Ông Vương ở thành phố Uy Hải, tỉnh Sơn Đông, nói với The Epoch Times rằng hôm 20/12/2021 khi ông cố gắng gửi một số đồ lưu niệm tại cơ quan hải quan của thành phố cho con gái mình, người đang định cư ở ngoại quốc, ông được thông báo rằng tất cả các cảng trong tỉnh đã bị đình chỉ vào dịp năm mới, mà không có lý do.
Sự gián đoạn chuỗi cung ứng khiến giá ở Hoa Kỳ tăng cao
Hoa Kỳ là thị trường tiêu dùng lớn nhất thế giới, nhưng nhiều tháng có tình trạng hậu cần yếu kém khiến hàng hóa trong các siêu thị lớn bị thiếu hụt trầm trọng và giá cả tăng đột biến. The Epoch Times đã nhận thấy rằng giá trứng gà tại Restaurant Depot, một nhà kho bán buôn, đã tăng từ 8 USD một hộp (180 quả trứng) một năm trước lên 27.39 USD một hộp hiện tại, tăng 242%. Giá thực phẩm và các nhu yếu phẩm hàng ngày nhìn chung cũng tăng.
Theo dữ liệu mới nhất do Bộ Lao động Hoa Kỳ công bố vào hôm 10/02, tỷ lệ lạm phát của Hoa Kỳ đạt 7.5% trong tháng Một, mức lạm phát cao nhất trong 40 năm.
Với việc chi phí hàng hóa và vận tải tăng cao có tác động to lớn đến nền kinh tế toàn cầu và chuỗi cung ứng, Cục Dự trữ Liên bang đã phát minh ra một công cụ phân tích mới—Chỉ số Căng thẳng Chuỗi Cung ứng Toàn cầu (GSCP)—sử dụng dữ liệu gần 25 năm và nhiều chỉ số khác nhau để lập bản đồ, đo lường, và quản lý các tác động tiêu cực đến chuỗi cung ứng và nền kinh tế toàn cầu.
Nghiên cứu cho thấy chi phí vận chuyển từ Trung Quốc đến Bờ Tây Hoa Kỳ đã tăng 72% từ mùa xuân năm 2020 đến mùa thu năm 2021, điều này cho thấy giá cước vận chuyển container đã tăng hơn 50% so với dự báo xu hướng dài hạn. Đáng báo động hơn, giá cước vận chuyển quốc tế đối với container 40 feet đã tăng gần gấp 7 lần từ 1,400 USD vào đầu năm 2020 lên hơn 11,000 USD vào tháng Chín năm 2021.
Vận chuyển hàng hóa đường biển chiếm khoảng 90% vận chuyển hàng hóa toàn cầu. Chi phí vận chuyển hàng hóa đường biển đã tăng vọt trong năm qua do tắc nghẽn cảng liên tục.
Theo công ty tư vấn vận chuyển Drewry, từ hôm 10/02 đến 17/02, Chỉ số Container Thế giới giảm nhẹ 0.2% với giá trung bình của một container 40 feet ở mức 9,379 USD, tăng 79% so với một năm trước, giá cước vận chuyển Thượng Hải-Los Angeles lần lượt tăng 2% đạt 10,682 USD/feu và giá cước Thượng Hải-New York giảm 3% xuống 13,061 USD/feu so với 7 ngày qua từ hôm 03/02 đến 10/02.
Trong khi đó, tình trạng tắc nghẽn tại các cảng của Hoa Kỳ vẫn chưa được cải thiện. Theo Marine Traffic, một trang web theo dõi tàu trực tuyến, hôm 19/02 theo giờ địa phương, có tổng cộng 201 tàu container đã xếp hàng chờ bên ngoài cảng Los Angeles và Long Beach, hai cảng bận rộn nhất ở Hoa Kỳ, và 152 chiếc khác sắp cập bến.
Theo VOA hôm 04/02, các công ty Trung Quốc ở Los Angeles gần đây nhận thấy quần áo và các hàng hóa khác của họ nhập cảng từ Trung Quốc, vốn chỉ mất 3 tuần để đến trước dịch bệnh, nay mất thêm 6 tuần và 3 ngày (45 ngày).
Tiến sĩ Hoa Giai Chính (Hua Chia-Cheng), Giám đốc Bộ phận II của Viện Nghiên cứu Kinh tế Đài Loan, nói với The Epoch Times rằng, trước mắt, để kiềm chế lạm phát, Hoa Kỳ sẽ đẩy nhanh việc tăng lãi suất; trong trung và dài hạn, để tránh phụ thuộc quá nhiều vào hàng nhập cảng của Trung Quốc, Hoa Kỳ có thể xem xét phân cấp chuỗi cung ứng hoặc ít nhất một số sản phẩm công nghiệp thiết yếu cho sinh kế của người dân sẽ được cung cấp ở trong nước, bao gồm cả nguồn cung cấp phòng chống dịch bệnh.
‘Lệnh ngừng làm việc’ vì Thế vận hội Mùa Đông khiến chi phí vận chuyển của tàu chở hàng rời giảm
Mặc dù giá cước vận chuyển container cao, Nikkei News báo cáo rằng giá cước vận tải hàng rời lớn đã giảm 90% xuống còn 5,826 USD/ngày từ mức cao nhất của năm 2021 là 80,000 USD/ngày, đây là mức thấp nhất trong gần 20 tháng, do sự giảm mạnh của nhu cầu toàn cầu đối với quặng sắt xuất cảng từ Trung Quốc, nhà sản xuất thép lớn nhất thế giới.
Ông Hoàng Tuấn (Huang Jun), nhà kinh tế trưởng của China Enterprise Capital Union (CECU) cho biết trong một cuộc phỏng vấn trước đó với phiên bản Hoa ngữ của The Epoch Times, nhu cầu giảm sút gần đây đối với thép do Trung Quốc sản xuất là do “lệnh bảo vệ môi trường” kéo dài 6 tháng của Bắc Kinh đối để bảo đảm cho Thế vận hội Mùa Đông. Lệnh chính thức được gọi là “lệnh ngừng làm việc” trong ngành công nghiệp Trung Quốc.
Một chương trình sửa đổi hôm 16/09/2021 của Bộ Sinh thái và Môi trường Trung Quốc đã chỉ đạo Bắc Kinh và tổng số 65 thành phố ở 7 tỉnh xung quanh đạt được các mục tiêu về kiểm soát nồng độ trung bình của PM2.5 và số ngày bị ô nhiễm nghiêm trọng kể từ hôm 01/10/2021 đến hôm 31/03/2022.
Ngoài ra, theo Mạng lưới Mua Sơn phủ của Trung Quốc (China Coatings Purchase Net) hôm 31/11/2021, Trung Quốc gần đây đã thiết lập một phiên bản nâng cao khác của lệnh ngừng việc kéo dài 67 ngày đối với hàng chục khu vực bao gồm Thiên Tân, Hà Bắc, Sơn Đông, Sơn Tây, và Hà Nam, khiến hơn một nửa số doanh nghiệp công nghiệp nặng cấp tỉnh và thành phố của Trung Quốc phải ngừng hoạt động.
Báo cáo chính thức này cũng nhấn mạnh rằng đại dịch bùng phát rải rác và việc đóng cửa nghiêm ngặt sau đó ở nhiều vùng của Trung Quốc đã dẫn đến việc nhà máy thường xuyên đóng cửa, kiểm dịch nhân viên, cắt giảm giao thông tạm thời, và đóng cửa đường cao tốc, cũng như giá dầu và khí đốt tăng cao do khủng hoảng năng lượng, dẫn đến chi phí vận chuyển cao hơn ở Trung Quốc.
Ông Huang Renzhong (bí danh), một kỹ sư ở thành phố Ninh Ba, tỉnh Chiết Giang, miền đông Trung Quốc, nói với The Epoch Times, hiện nay nhiều hàng hóa không thể được vận chuyển và ĐCSTQ dường như đang sử dụng dịch bệnh này như một cái cớ để cố tình trì hoãn. Ông tin rằng điều này liên quan đến các yếu tố thể chế và chính trị của ĐCSTQ, ông nói, “ĐCSTQ dường như đang cố gắng cho thế giới thấy rằng chuỗi cung ứng toàn cầu không thể hoạt động nếu không có tôi [ĐCSTQ].”
Bản tin có sự đóng góp của Kane Zhang.
Bà Winnie Han tường thuật về tin tức Trung Quốc cho The Epoch Times.
Bà Ellen Wan đã làm việc cho ấn bản The Epoch Times tiếng Nhật từ năm 2007.
Do Winnie Han và Ellen Wan thực hiện
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: