Khủng hoảng bủa vây, Tập Cận Bình của Trung Quốc nhắm tới dân thường
Chủ nghĩa dân tộc và ‘thịnh vượng chung’ biện minh cho những thách thức dữ dội – từ tình trạng thiếu điện đến đấu đá chính trị – bày ra trước mắt chế độ cộng sản và lãnh đạo của chế độ này.
Tháng Tám năm nay, tờ Nhật báo Thông tin Kinh tế – một tờ báo do nhà nước Trung Quốc điều hành – đã đăng một bài báo phê phán gay gắt dài 6,000 từ lên án ngành công nghiệp trò chơi trực tuyến của quốc gia này là đang thúc đẩy “nha phiến tinh thần,” thu về hàng tỷ nhân dân tệ trong khi tạo ra một thói nghiện “nha phiến mới” trong dân chúng, đặc biệt là giới trẻ. Bài báo này đã được đăng lại trên hàng chục kênh thông tấn và theo sau đó là những bài bình luận tương tự trên các phương tiện truyền thông nhà nước và các bài đăng trên mạng xã hội của chính phủ.
Trong vòng vài ngày, những đại công ty về trò chơi điện tử của Trung Quốc như Tencent và NetEase đã chứng kiến cổ phiếu của họ giảm mạnh đến 300 tỷ NDT; hôm 30/08, Bắc Kinh đã áp đặt các quy định nghiêm ngặt đối với trò chơi trực tuyến, giới hạn thời gian chơi đối với trẻ vị thành niên là ba giờ một tuần.
Sự tấn công dữ dội của báo chí và chính quyền đối với ngành công nghiệp game diễn ra ngay sau những vụ việc lớn liên quan đến những bên tham gia lớn khác trong lĩnh vực công nghệ khổng lồ của Trung Quốc. Hôm 30/06, ứng dụng gọi xe Xuất hành Didi (Didi Chuxing) đã ra mắt tại Sàn giao dịch Chứng khoán New York mà không có sự chấp thuận của Bắc Kinh, khiến công ty này nhanh chóng bị trừng phạt.
Và bắt đầu từ năm ngoái, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã liên tục gây sức ép lên Jack Ma, người sáng lập đại tập đoàn thương mại điện tử Alibaba và là một trong những người đàn ông giàu nhất Trung Quốc. Đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) trị giá 30 tỷ USD đáng lẽ phá kỷ lục của Ant Group của ông Ma đã bị hủy đột ngột vào tháng 11/2020; theo Wall Street Journal, đợt phát hành IPO này sẽ mang lại những rủi ro tài chính nghiêm trọng cho Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Ông Ma đã biến mất trong nhiều tháng, và giờ đây đang tránh gây sự chú ý từ mọi người.
Cuộc trấn áp trong lĩnh vực công nghệ này chỉ là một khía cạnh trong dự án đầy tham vọng của lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình nhằm định hình lại xã hội, vốn thêm vào đó là các hình thức giám sát và kiểm duyệt ngày càng mang tính công kích xâm phạm, gần đây đã bao gồm cả lệnh cấm toàn bộ việc dạy thêm ngoại khóa và một cuộc vận động trong ngành văn hóa nghệ thuật quần chúng của Trung Quốc khiến nữ diễn viên tỷ phú Triệu Vy bị tẩy chay trên mạng và các nam minh tinh bị cáo buộc truyền bá khiếu thẩm mỹ “ẻo lả” nữ tính hóa.
Vào hôm 17/08, ông Tập đã chủ trì cuộc họp của một ủy ban kinh tế của ĐCSTQ, vốn tập trung vào việc thúc đẩy “sự thịnh vượng chung” trong dân chúng Trung Quốc. Chương trình này kêu gọi một hệ thống tái phân phối xã hội chủ nghĩa “phổ quát” để bảo đảm “sinh kế của người dân.”
Kiểm soát so găng với Hỗn loạn
Người ta thường nói rằng cách tiếp cận độc đoán trong việc cai trị của ông Tập – được tổng kết qua những tuyên bố thường xuyên của ông ta là “Đảng lãnh đạo hết thảy mọi việc” – lấy cảm hứng trực tiếp từ Mao Trạch Đông, lãnh đạo sáng lập của Trung Quốc cộng sản. Nhiều hành động của ông Tập, và đặc biệt là những cuộc thanh trừng gần đây, được ví như cuộc Cách mạng Văn hóa khét tiếng của Mao – từ năm 1966 đến năm 1976 đã đẩy Trung Quốc vào một thập kỷ đau thương của sự cuồng tín chính trị trí mạng.
Thời Mao có cuốn “Tiểu Hồng Bảo Thư” [hay Mao chủ tịch ngữ lục], thì thời nay Đảng Cộng sản lại chỉ thị cho người Trung Quốc sử dụng ứng dụng “Học tập Cường quốc của Tập” để thấm nhuần “Tư tưởng Tập Cận Bình.” Chính sách ngoại giao “chiến lang” của các quan chức Trung Quốc dưới thời ông Tập nhắc lại những điểm nóng thời Chiến tranh Lạnh giữa ĐCSTQ và các địch thủ của mình. Và mặc dù ông Tập cam đoan rằng hoạt động cải cách kinh tế vẫn nằm trong nghị trình này, nhưng các nhà quan sát ở cả phương Tây và Trung Quốc đều đổ lỗi cho ông ta vì đã bỏ qua các chính sách của những nhà lãnh đạo Đảng tiền nhiệm, vốn chú trọng đến tăng trưởng và lợi nhuận hơn là những biểu hiện bên ngoài của ý thức hệ – thường đưa vào rất nhiều màu đỏ.
Những điểm tương đồng giữa ông Tập và ông Mao rất sâu sắc, nhưng cũng có những điểm khác biệt.
Ông Mao đã phát động Cách mạng Văn hóa để giành lại quyền lực sau khi bị gạt ra rìa do vai trò của ông ta trong chiến dịch Đại Nhảy Vọt thảm khốc khiến cho khoảng 45 triệu người Trung Quốc chết đói. Một trong những bài tiểu luận ngắn của ông có nhan đề “Oanh tạc Tổng hành dinh,” ghi lại tinh thần bạo lực và nổi loạn liều lĩnh đã sớm bao trùm cả nước và đưa ông ta trở lại vị trí đứng đầu.
Ngược lại, những luận điệu và chính sách của ông Tập chứa đựng chẳng là bao hiệu lệnh kêu gọi sự huỷ diệt và đả phá những tín ngưỡng lâu đời trong dân chúng từng bao trùm Trung Quốc dưới thời Mao. Trong khi hàng triệu quan chức Đảng đã bị kỷ luật trong chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập, thì duy chỉ có cơ quan kỷ luật của Đảng và các tòa án Trung Quốc mới được tiến hành các cuộc thanh trừng này mà thôi.
Thay vì lên án Trung Quốc cổ xưa, như chủ đề của khẩu hiệu “phá tứ cựu” của Cách mạng Văn hóa, ĐCSTQ dưới thời ông Tập đã biến văn hóa và lịch sử Trung Quốc thành một câu chuyện về sự vĩ đại của quốc gia. Doanh nghiệp tư nhân và các dịch vụ tài chính sẽ được đưa về dưới sự quản lý chính thức, thay vì bị tấn công hoàn toàn.
Những thay đổi chính trị dưới thời ông Tập chứa đựng một động lực xã hội và ý thức hệ mạnh mẽ, đặc biệt là khi các cuộc khủng hoảng như đại dịch COVID-19, tình trạng thiếu lương thực, và thị trường bất động sản phát triển quá nóng đe dọa làm mất ổn định và thậm chí có thể gây nguy hiểm cho chính ĐCSTQ.
‘Thịnh vượng chung’
Cuộc họp hôm 17/08 của Ủy ban Kinh tế và Tài chính Trung ương ĐCSTQ đã đưa ra 10 điểm chính được báo chí nhà nước đưa tin, với hầu hết các điểm này tập trung vào mục tiêu đạt được “thịnh vượng chung.”
Đáng chú ý, bản tóm tắt cuộc họp kêu gọi các cá nhân và doanh nghiệp giàu có của Trung Quốc “trả lại cho xã hội nhiều hơn.” Đảng cũng có kế hoạch “làm sạch và tiêu chuẩn hóa các khoản thu nhập bất hợp lý, chấn chỉnh trật tự phân phối thu nhập, và cương quyết cấm thu nhập bất hợp pháp.”
Theo ông Minh Cư Chính (Ming Chu-cheng), giáo sư danh dự về khoa học chính trị tại Đại học Quốc lập Đài Loan (NTU), “sự thịnh vượng chung” có thể thành công trong việc lấy đi của cải của người giàu có, nhưng về thực chất thì những người Trung Quốc bình thường không chắc sẽ được hưởng lợi.
“Đây không phải là một chương trình hỗ trợ người nghèo, mà là để hỗ trợ ĐCSTQ,” ông Minh nói trên “Era Money,” một chương trình trò chuyện của Đài Loan.
Một loạt các yếu tố đã tác động nghiêm trọng đến nền kinh tế Trung Quốc, từ chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đến suy thoái kinh tế toàn cầu do các cuộc phong tỏa COVID-19. “Ngoại thương đã bị thu hẹp. Tỷ lệ thất nghiệp cao. Tất cả điều này đè nặng lên ngân sách quốc gia,” ông Minh nói.
Evergrande, nhà phát triển bất động sản lớn nhất Trung Quốc, đã lỡ hai lần thanh toán trái phiếu quốc tế hồi tháng Chín, làm dấy lên lo ngại rằng công ty này có thể sụp đổ, làm vỡ bong bóng bất động sản của Trung Quốc và dẫn đến “thời khắc Lehman” của quốc gia này.
Ngoài ra, Trung Quốc hiện phải đối mặt với tình trạng thiếu điện trên diện rộng ảnh hưởng đến hơn 20 tỉnh vốn bình thường là những khu vực giàu có và phồn vinh bậc nhất. Theo các phương tiện truyền thông nhà nước, các hạn chế về điện này đang được áp dụng do giá than dâng cao.
Việc thiếu điện hẳn là rất khó khăn gian khổ – và có thể gây thương vong – khi Trung Quốc bước vào mùa đông, đặc biệt là ở những khu vực như vùng đông bắc thường có nhiệt độ âm và tuyết rơi dày.
Ông Minh cho biết việc ĐCSTQ chuyển sang “thịnh vượng chung” phản ánh việc ông Tập không có khả năng thông qua các cải cách kinh tế cần thiết để thúc đẩy sự tăng trưởng lành mạnh của thị trường tự do.
Ban đầu, ông Tập không muốn áp đặt các chính sách tái phân phối theo kiểu xã hội chủ nghĩa, vị học giả này cho biết. “Nhưng sau khi nắm quyền, ông ấy nhận thấy rằng Trung Quốc đã đi đến mức về căn bản là không thể ban hành các cải cách.”
SinoInsider, một công ty tư vấn rủi ro có trụ sở tại New York chuyên về phân tích chính trị Trung Quốc, đã viết trong một bản tin hôm 19/08 rằng thịnh vượng chung là một câu cửa miệng tiện lợi “dễ chịu” mà ĐCSTQ hy vọng sẽ giúp họ vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế này.
Bản tin này lưu ý rằng trước đây, ông Tập đã từng ủng hộ chiến lược “lưu thông kép,” trong đó kêu gọi đất nước chi tiêu ít ngoại hối hơn mà không từ bỏ các hoạt động xuất cảng sinh lời. Tuy nhiên, những chấn động kinh tế toàn cầu, cộng với thái độ thù địch của nhà cầm quyền này, đã hạ nhiệt hoạt động giao thương với ngoại quốc. Giờ đây, chính quyền này đang khao khát bồi đắp cho kho bạc của mình – và hướng sự phẫn nộ của công chúng tới giới siêu giàu.
“Nếu các rủi ro tài chính bùng nổ, thì ĐCSTQ đã đặt nền tảng để hy sinh tầng lớp giàu có và trở thành ‘vị cứu tinh của dân chúng,’” theo phân tích nói trên.
“Nhưng ‘việc tái phân phối’ có nguy cơ bóp nghẹt hơn nữa hoạt động kinh tế và tạo ra sự phản kháng quyết liệt của giới tinh hoa đối với ông Tập.”
Cuộc đấu đá chính trị
Ngoài việc đưa xã hội vào sự kiểm soát của ĐCSTQ chặt chẽ hơn và việc chuẩn bị ứng phó với thời kỳ khó khăn phía trước, thì phần lớn hoạt động gần đây của ông Tập phản ánh một cuộc đấu tranh lâu dài giữa ông ta và các đối thủ chính trị trong nội bộ Đảng.
Trong khi các chế độ cộng sản có xu hướng đưa ra một “mặt trận thống nhất” lớn với công chúng, thì họ cống hiến cho việc đấu đá nội bộ phức tạp giữa các phe phái khác nhau, một động lực thường bị bỏ qua trong báo cáo của các phương tiện truyền thông chính thống của phương Tây. Những cuộc đấu tranh trong nội bộ chế độ này có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy chính sách và luận điệu.
Hồi tháng Hai, bà Ngụy Linh Linh (Lingling Wei) của The Wall Street Journal đã viết rằng theo hơn một chục người trong nội bộ chính quyền Trung Quốc, một nguyên nhân chính khiến ĐCSTQ hủy bỏ đợt IPO vào tháng 11 năm 2020 của Ant Group tại Thượng Hải là do “sự bất bình ngày càng tăng ở Bắc Kinh đối với cơ cấu sở hữu phức tạp của Ant – và những người ở vị trí được hưởng lợi nhiều nhất từ sự kiện lẽ ra là đợt IPO lớn nhất thế giới.”
Theo bà Ngụy, những cổ đông tương lai, những người “ở vị trí được hưởng lợi” bao gồm những người có liên hệ với ông Giang Trạch Dân, cựu lãnh đạo ĐCSTQ từng là tổng bí thư từ năm 1989 đến năm 2002, nhưng “vẫn là một thế lực đằng sau hậu trường.”
Nhiều quan chức bị thanh trừng trong chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập có liên hệ với phe của ông Giang, bao gồm nhiều cán bộ cấp cao của Đảng và các tướng lĩnh hàng đầu trong Quân đội Giải phóng Nhân dân.
Ông Minh, giáo sư danh dự của NTU, nói rằng ngay cả những cuộc đàn áp trong ngành giải trí cũng đóng một vai trò trong mối thù Tập-Giang, do ảnh hưởng của ông Tăng Khánh Hồng (Zeng Qinghong) – cựu phó chủ tịch Trung Quốc và là đồng minh thân cận của ông Giang — đối với các văn phòng chính phủ quản lý ngành công nghiệp giải trí.
Cuộc đấu tranh phe phái trong ĐCSTQ rơi vào chặng nước rút khi ông Tập chuẩn bị cho Đại hội Đảng lần thứ 20 dự kiến được tổ chức vào cuối năm tới. Trong khi ông Tập dự kiến sẽ có nhiệm kỳ tổng bí thư thứ ba không theo lẽ thường, thì các nhà phân tích của SinoInsider cho rằng trong lần nỗ lực này ông ta đang đối mặt với những thách thức.
“Ông Tập đã có thêm nhiều kẻ thù mới trong chín năm qua với chiến dịch chống tham nhũng và các chính sách không khoan nhượng khác,” công ty tư vấn rủi ro này viết trong một bài báo hôm 15/09. Bài báo lưu ý rằng chín năm cầm quyền của nhà lãnh đạo này đã chứng kiến nhiều thất bại của chính quyền — chẳng hạn như đại dịch COVID-19 và việc các quốc gia dân chủ tập hợp lại để phản đối Bắc Kinh và ủng hộ Đài Loan — và rất ít thắng lợi mà ông Tập có thể tuyên bố là “thành tựu chính trị hợp pháp.”
Theo bài báo, nếu không thực hiện các biện pháp mạnh mẽ hơn, nỗ lực của ông Tập cho nhiệm kỳ thứ ba có thể bị đe dọa.
Các hành động gần đây của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương của ĐCSTQ (CCDI) đã nhắm vào nhiều đồng minh của ông Giang hơn trong bộ máy an ninh của chính quyền.
Hôm 02/10, CCDI thông báo về một cuộc điều tra đối với ông Phó Chính Hoa (Fu Zhenghua), bộ trưởng tư pháp đã nghỉ hưu và là cựu phó giám đốc Bộ Công an (MPS), lực lượng cảnh sát của Trung Quốc. Hãng thông tấn nhà nước Tân Hoa Xã đã cáo buộc ông Phó tội “tham vọng chính trị quá lớn và tính liêm chính chính trị yếu kém,” nói rằng ông ta đã lan truyền những lời chỉ trích vô căn cứ đối với chính sách của Đảng cũng như các tin đồn chính trị.
Chỉ hai ngày trước đó, ĐCSTQ đã khai trừ ông Tôn Lập Quân (Sun Lijun), cũng là một cựu phó lãnh đạo Bộ Công an, ra khỏi Đảng, với việc các nhà chức trách cáo buộc ông này “đã tổ chức các cuộc thảo luận không thích hợp về chính quyền trung ương” cũng như “thành lập các băng nhóm để nắm quyền kiểm soát các phòng ban chủ chốt,” bên cạnh những lời buộc tội tương tự nhắm vào ông Phó.
Đài Á Châu Tự Do đã lưu ý trong báo cáo của họ về ông Phó rằng các cuộc thanh trừng này được xây dựng dựa trên việc kết án ông Bạc Hy Lai và ông Chu Vĩnh Khang, hai thành viên Bộ Chính trị quyền lực có liên hệ đến an ninh quốc gia. Cả bốn quan chức bị thất sủng đều là đồng minh của ông Giang.
Trong khi hầu hết các quan chức đã chính thức bị buộc tội tham nhũng, thì Đảng này đôi khi lại ám chỉ về những tội danh nghiêm trọng hơn. Chẳng hạn, bản tin của đài Á Châu Tự Do lưu ý việc ông Lưu Sĩ Dư (Liu Shiyu), nhà quản lý chứng khoán Trung Quốc, vào năm 2017 nói rằng các nhân vật cấp cao trong chính quyền này đã “âm mưu công khai chiếm đoạt quyền lãnh đạo đảng.”
Ông Leo Timm là một cộng tác viên tự do cho The Epoch Times. Ông đưa tin về chính trị, văn hóa và các vấn đề thời sự của Trung Quốc.
Huệ Giao biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times
Xem thêm: