Không như truyền thông rao giảng, chính sách zero COVID đang làm chậm nền kinh tế toàn cầu
Giới truyền thông của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tiếp tục thổi phồng chính sách “zero COVID”, khẳng định rằng chính sách này mang lại sự chắc chắn hơn cho Trung Quốc và đóng góp tích cực cho nền kinh tế thế giới. Tuy nhiên, điều này mâu thuẫn với những phát hiện của các công ty nghiên cứu quốc tế cho rằng, cùng với chiến tranh Nga-Ukraine, chính sách COVID của ĐCSTQ đang làm chậm tăng trưởng kinh tế toàn cầu và đẩy lạm phát lên những mức cao mới.
Một bài báo đăng ngày 12/05 của Tân Hoa Xã, cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ, cho biết chính sách zero COVID của Trung Quốc “không chỉ tạo ra một môi trường lành mạnh, an toàn và ổn định hơn cho sự phát triển của Trung Quốc mà còn mang lại lợi ích cho thế giới bằng cách mang lại sự chắc chắn hơn cho nền kinh tế.”
Bài báo tuyên bố rằng bằng cách tuân thủ chính sách này, nền kinh tế Trung Quốc đã cho thấy “sức bật và sức sống lớn mạnh” và từ đó quốc gia này trở thành một điểm nóng đối với các nhà đầu tư toàn cầu.
Bài báo cho biết nền kinh tế Trung Quốc đã vượt quá kỳ vọng vào năm 2021 và đó là năm kỷ lục về dòng vốn. Ngoài ra, lượng vốn đầu tư ngoại quốc vào Trung Quốc tiếp tục tăng hai con số vào quý đầu tiên của năm 2022. Hiệu suất có lợi này là do chính sách “zero COVID linh hoạt” đã củng cố niềm tin của các nhà đầu tư dài hạn như thế nào, bài báo nhấn mạnh.
Nhưng trái ngược với những tuyên bố này, chính sách zero COVID của ĐCSTQ đã gây ra thiệt hại kinh tế to lớn và các nhà đầu tư đang rời bỏ Trung Quốc trên quy mô chưa từng có. Theo dữ liệu do Viện Tài chính Quốc tế (IIF) công bố, dòng vốn ngoại quốc chảy ra khỏi Trung Quốc đạt mức cao kỷ lục 17.5 tỷ USD hồi tháng Ba. Con số này bao gồm 11.2 tỷ USD trái phiếu và phần còn lại là cổ phiếu.
Bài báo của Tân Hoa Xã thậm chí còn mâu thuẫn với dữ liệu chính thức của chính quyền ĐCSTQ, trong đó xác nhận rằng, trong những tháng gần đây, các nhà đầu tư ngoại quốc đã rút khỏi thị trường trái phiếu của Trung Quốc ở mức kỷ lục.
Công ty Thanh toán Bù trừ và Lưu ký Trung ương Trung Quốc cũng báo cáo rằng các nhà đầu tư ngoại quốc đã bán ròng 5.5 tỷ USD trái phiếu chính phủ Trung Quốc trong tháng Hai. Đây là mức giảm kỷ lục trong một tháng. Đợt bán tháo này đã tăng tốc vào tháng Ba, đạt mức cao mới là 8.1 tỷ USD.
Các mâu thuẫn cũng đã được phát hiện trong báo cáo của Tân Hoa Xã về chính sách zero COVID của ĐCSTQ. Hai ngày trước khi bài báo trên được xuất bản, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa ra một tuyên bố hiếm thấy của một người có mối liên hệ mật thiết với ĐCSTQ. Ông cho biết khi xem xét [sự ứng phó với] virus corona chủng mới của ĐCSTQ và những kỳ vọng tương lai của họ, WHO cho là chính sách zero COVID là không bền vững.
Cùng ngày WHO đưa ra tuyên bố của mình, công ty dịch vụ tài chính quốc tế Morgan Stanley dự đoán tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2022 sẽ thấp hơn một nửa mức tăng trưởng của năm 2021. Công ty cho rằng sự sụt giảm này sẽ xảy ra bất chấp việc các ngân hàng trung ương thắt chặt chính sách tiền tệ để kiểm soát lạm phát cao kỷ lục được thúc đẩy bởi chiến sự tại Ukraine và những nỗ lực cứng rắn của ĐCSTQ nhằm kiểm soát đại dịch COVID-19.
Các nhà kinh tế của Morgan Stanley cũng đã báo cáo rằng các biện pháp hạn chế COVID-19 chặt chẽ hơn của ĐCSTQ đã dẫn đến việc đóng cửa các nhà máy và giảm nhu cầu quốc nội, ảnh hưởng đến nền kinh tế Trung Quốc và làm chậm tăng trưởng xuất cảng xuống mức thấp nhất trong hai năm.
Một báo cáo gần đây của S&P Global, một công ty nghiên cứu thị trường quốc tế, cho rằng cả Trung Quốc và Nga đã kéo tăng trưởng toàn cầu xuống mức thấp nhất trong vòng 22 tháng, đẩy lạm phát giá lên mức cao kỷ lục.
Ông Chris Williamson, nhà kinh tế trưởng của S&P Global Market Intelligence cho biết trong một báo cáo hôm 06/05 rằng trong tháng Tư, tăng trưởng kinh tế toàn cầu đã chậm lại ở mức thấp nhất kể từ cuộc suy thoái trong quý II năm 2020. Ông cho rằng hai nhân tố liên tục gây ra sự tăng trưởng chậm này là: cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine và các đợt phong tỏa chống dịch COVID-19 của Trung Quốc.
Hoạt động kinh tế của Nga sụp đổ trong hai tháng liên tiếp do các lệnh trừng phạt chiến tranh hạn chế hoạt động kinh doanh của quốc gia này. Sản lượng sản xuất và hoạt động của khu vực dịch vụ cũng giảm mạnh trở lại trong tháng Tư. Sự sụt giảm tương tự cũng có thể quan sát được ở Trung Quốc do việc siết chặt chính sách phong tỏa chống dịch COVID-19 hồi tháng Tư.
Trái ngược hoàn toàn với tuyên bố của Tân Hoa Xã về ảnh hưởng có lợi của Trung Quốc đối với nền kinh tế thế giới, có thể nói, thực tế là ngược lại. Dựa trên dữ liệu tháng Tư từ các nguồn độc lập đáng tin cậy, thế giới đang gồng mình đương đầu với các vấn đề trong chuỗi cung ứng tê liệt, lạm phát giá cả kỷ lục do chiến tranh Nga-Ukraine, và các hạn chế của chính sách phong tỏa zero COVID của Trung Quốc.
Cô Jessica Mao là một nhà văn của The Epoch Times, chuyên về các chủ đề liên quan đến Trung Quốc. Cô bắt đầu viết cho ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times từ năm 2009.
Khánh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: