Không ngừng nỗ lực, không ngừng trưởng thành
“Nếu như Chúa bắt ta phải làm người quét đường, hãy quét đường như thể Beethoven đang soạn nhạc, như thể Michelangelo đang vẽ tranh, như thể Shakespeare đang làm thơ. Hãy quét thật sạch, sạch đến nỗi các thiên thần trên trời và con người nơi trần gian đều ngừng bước mà thốt lên rằng: Nơi đây từng in dấu của một người quét rác vĩ đại.” – Trích: “Ba chiều của một đời sống trọn vẹn”, Martin Luther King, Jr.
Khi con trai của tôi còn nhỏ, tôi luôn khuyến khích con hãy làm hết sức mình. Bất cứ lúc nào, dù là ở trường hay ở nhà, kể cả khi giúp đỡ người khác, tôi đều nhấn mạnh rằng việc nỗ lực hết mình của con mới là điều quan trọng.
Có thể một số người cho rằng tôi đã tạo ra quá nhiều áp lực lên con trai, rằng không phải lúc nào cậu bé cũng có thể xuất sắc trong mọi việc. Trong chuyện này đôi khi chúng ta bị nhầm lẫn dẫn đến việc hiểu và chú tâm không chính xác.
Làm người giỏi nhất
Việc yêu cầu con trai tôi làm hết sức mình và làm người giỏi nhất là hai điều rất khác nhau. Cậu bé không thể giỏi nhất ở mọi phương diện, và đây cũng không phải là mục tiêu. Nhưng cậu có thể luôn làm hết sức mình.
Trở thành người giỏi nhất liên quan đến yếu tố cạnh tranh, chúng ta liên tục so sánh những thứ mình làm với những thứ người khác làm. Nó dẫn đến việc phải chú ý tập trung đến thế giới bên ngoài nhiều hơn và thiếu sự tập trung vào nỗ lực bên trong.
Việc chú tâm để làm người giỏi nhất, rất tự nhiên, trở thành việc đặt bản thân lên trên hết thảy, thay vì nghĩ đến người khác. Và như vậy, trong hành trình theo đuổi danh vọng này chúng ta có thể thiếu lòng trắc ẩn đối với người xung quanh.
Để làm người giỏi nhất, chúng ta phải để ý đến vị trí, lợi ích của bản thân lên hàng đầu và luôn phải canh chừng để bảo đảm rằng không ai vượt qua mình. Chúng ta không quan tâm nhiều đến sự đúng và sai mà chỉ tập trung vào việc so sánh giữa những gì mình làm với người khác (để trở thành số một) – chúng ta có thể trượt khỏi các giá trị của bản thân.
Vì cố gắng vượt qua người khác nên luôn ở trạng thái bất an, và tâm trí chúng ta bị khuấy động suốt ngày đêm, ngay cả trong giấc ngủ cũng không có được sự bình yên.
Sống theo cách này không những căng thẳng mà còn vô cùng mệt mỏi.
Làm hết sức mình
Làm hết sức mình có nghĩa là nỗ lực hết mình và dồn toàn bộ tâm trí để hoàn thành công việc. Bất kể nhiệm vụ đó khó khăn đến đâu, điều quan trọng là phải cố gắng tập trung và luôn tiến về phía trước.
David Erichsen, trên trang web Lifehack. của mình đã viết, “Làm hết sức mình đồng nghĩa với việc sống hết mình trong từng khoảnh khắc. Và khoảnh khắc này tồn tại trong mọi tình huống bạn gặp phải trong cuộc sống. Tất cả những gì bạn cần là không tranh đấu với bất cứ điều gì cuộc sống mang tới theo cách của bạn.”
Làm hết sức mình là một mỹ đức. Những nỗ lực đó không chỉ mang lại cho chúng ta cảm giác hoàn thành mà còn giúp củng cố những điều tốt đẹp trong chúng ta, làm tăng mức độ hài lòng, cảm thấy sống có ý nghĩa. Làm hết sức mình cần có ý chí và quyết tâm, tập trung và kiên trì, cũng như rất nhiều kỷ luật tự giác. Nó cũng cần phải có sự kiên nhẫn, trung thực, khéo léo và chu đáo, biết quan tâm đến người khác. Và nó còn là một hành trình thấm đẫm mồ hôi, nước mắt và cả máu.
Chúng ta có thể tìm thấy ở một số huấn luyện viên thể thao – những người thành công và rất được mọi người kính trọng – có những phẩm chất này, và họ hiểu sâu sắc việc này. Họ biết rằng ngay cả trong thi đấu, giá trị cốt lõi – điều vô cùng quan trọng – chính là: việc tập luyện chăm chỉ, dám hy sinh bản thân và nghĩ đến người khác.
Tại Thế vận hội năm 1980, Huấn luyện viên khúc côn cầu nổi tiếng Herb Brooks đã dẫn dắt đội Hoa Kỳ yếu thế giành chiến thắng trước đội Liên Xô có tiếng tăm vang dội, ông nói rằng: “Tôi đánh giá phẩm chất con người là đầu tiên, tiếp sau mới là phẩm chất vận động viên. Tôi muốn tìm những cầu thủ có phẩm chất tốt, vì bạn không thể mua được phẩm chất. Bạn chỉ tốt khi bạn có những phẩm chất tốt. Tôi biết trước rằng không nên đặt sự kỳ vọng vào con người… nhưng bằng cách nào đó hãy cố gắng lan tỏa điều này.”
Phil Jackson, huấn luyện viên xuất sắc nhất mọi thời đại trong các giải vô địch bóng rổ, người đã đưa cả đội L.A. Lakers và Chicago Bulls đến nhiều chiến thắng, cho biết, “Một khi bạn đã có một chiến thuật, bạn phải lao vào hành động với toàn bộ tâm huyết. Điều đó không chỉ là sự dũng cảm, mà còn phải có lòng từ bi với chính mình, với đồng đội và với đối thủ của mình.”
Trong các môn thi đấu thể thao, các huấn luyện viên giỏi đều nhận ra rằng các đức tính như bản lĩnh và sự từ bi đối với người khác là cần thiết.
Làm hết sức mình cần có sự nỗ lực, và đôi khi, nó thật khó khăn. Nó là sự thử thách sức chịu đựng và đẩy chúng ta đến giới hạn của bản thân, đối với cả thể chất và tinh thần. Nó là điều vượt xa những gì mà chúng ta nghĩ là có thể, vượt lên giới hạn của bản thân, là việc tìm kiếm khả năng và sức mạnh tiềm ẩn.
Lou Holtz, cựu huấn luyện viên trưởng đội bóng đá vô địch quốc gia tại Arkansas và Notre Dame nói rằng: “Hãy chỉ cho tôi một người đã làm được điều xứng đáng, tôi sẽ chỉ cho bạn một người đã vượt qua nghịch cảnh.”
Tất nhiên không dễ dàng để thực hiện được việc này, nhưng hầu hết mọi người đều đồng ý rằng: mỗi đêm, khi ngả lưng trên chiếc giường của mình, chúng ta sẽ có một giấc ngủ ngon lành và thoải mái bởi vì ngày hôm đó chúng ta đã cố gắng, nỗ lực hết mình. Đó là trải nghiệm viên mãn sâu đậm, được lấp đầy trong tâm hồn, theo cách mà không điều gì khác có thể làm được.
Không ngừng học hỏi
Mọi thứ không phải lúc nào cũng diễn ra như mong muốn, kể cả khi bạn đã cố gắng làm hết sức. Bất kể kết quả như thế nào, chúng ta cần tập trung vào quá trình hơn là kết quả, bởi vì đó là quá trình chúng ta học hỏi và trưởng thành. Đó chính là những bài học giá trị giúp bản thân cải thiện và làm tốt hơn nữa trong những lần sau.
Trên thực tế, chúng ta học được nhiều điều quý giá từ khó khăn, thất bại hơn là từ thành công.
Mặc dù biết rõ điều này, nhưng đôi lúc tôi vẫn cố gắng bảo vệ con trai mình thoát khỏi những khó khăn, việc này xuất phát từ lợi ích của tôi hơn là cho cậu bé. Thật không dễ dàng khi nhìn thấy con trai mình gặp khó khăn hay bị thất bại, nhưng nếu tôi bảo vệ con tránh né mọi khó khăn trong cuộc sống, con sẽ không bao giờ học được cách đối phó với chúng. Trên thực tế, khi tôi cố gắng sắp xếp để cuộc sống của con dễ dàng và thuận lợi, tôi đã cướp đi những bài học quý giá giúp con tiến bộ hơn.
Từ trong những nghịch cảnh, chúng ta trở nên mạnh mẽ hơn, học cách làm tốt hơn và phát triển nhân cách đạo đức của mình. Như Mahatma Gandhi đã nói, “Sức mạnh không đến từ chiến thắng. Những nỗ lực của bạn phát triển thế mạnh của bạn. Bạn trải qua gian khó mà không lùi bước, đó chính là sức mạnh.”
Cuộc sống không thể tránh khỏi những lúc thăng trầm. Nếu tôi không cho con trai mình học cách đương đầu với nghịch cảnh và phát triển khả năng phục hồi (sức bật tinh thần), thì khi trưởng thành, con tôi sẽ giải quyết những thách thức trong cuộc sống như thế nào?
Khi đối mặt với nghịch cảnh, đây là lúc chúng ta dừng lại và xem xét bản thân. Những khổ nạn của chúng ta – cho dù khó khăn đến mấy – thực sự là một món quà, chúng ta tự quyết định cách nhìn nhận khổ nạn của mình. Nhà văn Arthur Golden có chia sẻ như sau: “Nghịch cảnh giống như một cơn gió mạnh. Nó xé toạc mọi thứ rời khỏi ta, trừ những gì không thể xé rời được, nhờ đó, ta có thể nhìn thấy được con người thực sự của chính ta”.
Cuộc sống của chúng ta đã bị đảo lộn bởi virus Trung Cộng, một số người đã mất đi người thân, nhiều người bị thất nghiệp, sự lo lắng về việc giữ gìn sức khỏe, bảo đảm an toàn cho bản thân và những người thân thiết, áp lực của việc dạy dỗ con cái tại nhà, và một tương lai không chắc chắn.
Khi được yêu cầu ở phạm vi giới hạn trong ngôi nhà mình, chúng ta cũng có thể gặp khó khăn với việc kết nối. Nhưng chúng ta buộc phải sống chậm lại và tạm dừng nhiều thứ, chúng ta có thể xem đây là cơ hội để suy ngẫm.
Suy ngẫm kỹ hơn tư duy và hành động của chúng ta để gợi mở những điều có thể cải thiện. Ví dụ, khi cuộc sống bận rộn, bạn có lẽ đã không làm hết sức để chăm sóc sức khỏe hoặc theo dõi những tư tưởng và hành động của mình. Có thể chúng ta đã để sự tức giận, sợ hãi hoặc ghen tị kiểm soát suy nghĩ và hành vi. Sử dụng quãng thời gian này để nhìn nhận một cách trung thực trái tim và tâm trí bản thân, qua đó có thể bảo đảm rằng chúng ta đang phù hợp với các giá trị mà mình muốn đề cao.
Làm như vậy, có lẽ chúng ta có thể tử tế hơn với người hàng xóm, cùng giúp nhau khi có cơ hội, gọi điện hỏi thăm những người bạn quan tâm và ghi nhớ điều gì thực sự quan trọng trong cuộc sống. Nắm giữ những điều tốt đẹp trong trái tim và tâm trí, chủ động chăm sóc sức khỏe bản thân, chính là cách tốt nhất để giảm thiểu bệnh tật và nâng cao sức khỏe tinh thần.
Người xưa tin rằng mỗi khi đại nạn xảy đến chính lời cảnh tỉnh từ Thiên thượng đối với con người, là dấu hiệu cảnh báo khi các giá trị đạo đức xã hội đã suy thoái đến mức nguy hiểm. Khi con người nhận ra việc làm sai trái, thành tâm sám hối và cải thiện bản thân, làm điều tốt và đúng đắn thì tai họa sẽ hóa giải, phước báo sẽ đến.
Chúng ta ai ai cũng có cơ hội để nâng cao tầm hiểu biết và bồi dưỡng tâm hồn của bản thân mình, bỏ qua lợi ích cá nhân và cái tôi nhỏ bé, thực sự cố gắng hết sức mình và thực hiện những điều chân chính. Những điều này dường như khó tiếp thu nếu theo cách nghĩ hiện đại, tuy nhiên, đại dịch này chắc chắn đủ để chúng ta phải dừng lại để suy ngẫm về mọi thứ. Các nguyên tắc cơ bản về đúng-sai là vĩnh cửu và vẫn được áp dụng cho đến ngày nay.
Mỗi cá nhân đều có những tiềm năng và thế mạnh mà chúng ta có thể chưa nhận ra. Sức bật tinh thần, khả năng phục hồi và lòng hào hiệp luôn sẵn có bên trong mỗi người. Khi mọi thứ không diễn ra như chúng ta muốn, khi đối diện với khó khăn chính là lúc chúng ta học hỏi. Vấp ngã và đứng lên từ vấp ngã là một phần của quá trình. Thông qua quá trình này – vấp ngã, đứng dậy và trưởng thành – chúng ta có thêm những bài học giá trị để thực hiện tốt hơn và trở thành người tốt hơn.
Cẩn trọng trong suy nghĩ và hành động
Nếu lựa chọn mọi việc theo hướng dễ dàng và thuận lợi, chúng ta có thể trở nên lười biếng, tự mãn và thậm chí trở thành lãnh đạm. Khi đi theo con đường này, chúng ta không bao giờ thực sự cảm thấy hài lòng về bản thân, ít nhất là sâu thẳm bên trong. Chúng ta có thể đã bỏ qua điều gì đó, vượt qua điều gì đó đối với ai đó hoặc vượt lên trước người khác, nhưng điều này thực sự đưa chúng ta đến đâu? Khi làm hại người khác, khi muốn một thứ gì đó vô nghĩa hoặc khi không nỗ lực, chúng ta thực sự gây hại cho chính bản thân mình.
Điều nguy hiểm của việc cố gắng trở thành người giỏi nhất là chúng ta có thể không thực sự nỗ lực hết mình. Nếu thấy người khác vượt lên trước, chúng ta có thể làm bất cứ điều gì cần thiết để đạt được mục tiêu. Thậm chí có thể hạ thấp chuẩn mực của bản thân, mà quên rằng chúng ta nên tuân theo những giá trị nhất định, vì xét cho cùng, trở thành người tốt nhất mới là điều quan trọng nhất.
Với mục tiêu này, chúng ta có thể cố ý thay đổi, xâm phạm, đặt công việc của mình lên người khác, hoặc những thứ tệ hơn nữa. Nếu mục tiêu là vượt qua người khác để trở thành người giỏi nhất, thì chúng ta có thể làm mọi cách, từ nói dối, lừa dối, đến ăn cắp.
Phát triển bản sắc cá nhân
Người xưa đã cho rằng làm việc chăm chỉ và làm hết sức mình để xây dựng bản sắc cá nhân, những thế hệ đi trước hiểu rất rõ điều này. Họ đã được nuôi dạy như thế.
Trên tờ The Wisconsin Farmer, ngày 14 tháng 2 năm 1908 có viết những câu thâm sâu như sau: “Một triết gia nói rằng: ‘Không phải ai ai cũng có tài năng, tất cả chúng ta không thể có quyền lực vĩ đại, không thể làm điều vĩ đại, nhưng tất cả chúng ta đều có thể, bằng cách từ tốn và kiên trì nỗ lực, xây dựng bản sắc, điều này giúp chúng ta có thể làm việc được tốt, kể cả những việc nhỏ bé. Chúng ta không cải thiện tính cách của bất kỳ ai khác theo bất kỳ cách nào khác mà bằng cách cải thiện tính cách của chính mình, và điều đó nằm trong khả năng của mỗi người chúng ta; chúng ta có thể bắt đầu ngay lập tức, và chúng ta luôn có thể tiếp tục công việc này, bất cứ nơi nào có vai trò của chúng ta ở đó.’”
Những điều chúng ta làm có thể không to lớn hay vĩ đại, chúng ta có thể không xuất sắc trong tất cả những việc mình làm, nhưng, nếu cố gắng hết sức mình, làm tốt công việc, bất kể nhiệm vụ đó khó khăn như thế nào, chúng ta sẽ trở nên tốt hơn. Tại bất cứ vai trò nào trong công việc hay cuộc sống – là tổng giám đốc hay người bảo vệ – chúng ta cần thực hiện mọi việc với khả năng tốt nhất.
Joshua Becker, trên blog Becoming Minimalist, khi thảo luận về việc nỗ lực hết mình – kể cả đối với những nhiệm vụ chúng ta có thể không thích – anh chia sẻ, “Tôi hiểu rằng không phải công việc nào cũng thú vị, nhưng tìm cảm giác có động lực để làm việc chăm chỉ sẽ trở nên dễ dàng hơn đối với những người luôn mong đợi tiếng chuông công sở vào mỗi sáng (hoặc tối).
Đôi khi, chúng ta được yêu cầu làm công việc mà chúng ta không yêu thích. Trong trường hợp ấy, xin hãy nhớ rằng, niềm yêu thích công việc của bạn không làm giảm đi giá trị vốn có của nó.”
Bằng cách nhận ra rằng trong một nhiệm vụ nhỏ nhất cũng có giá trị, chúng ta có thể tìm thấy động lực để nỗ lực hết mình và nhìn sâu hơn vào những gì có thể học được từ sự trải nghiệm.
Becker tiếp tục nói: “Nếu bạn đang đương đầu với một công việc chán ghét để chu cấp cho gia đình, bạn đang làm một việc cao cả và đáng được khen ngợi. Và chăm chỉ làm công việc ấy để có vị trí như ngày hôm nay, chính là bước quan trọng nhất của bạn, thoát ra khỏi việc chán ghét.”
Trở thành người giỏi nhất và làm hết sức mình không nhất thiết phải loại trừ lẫn nhau; chính trái tim và ý chí của chúng ta mới là điều quan trọng. Khi cố gắng làm hết sức mình, bạn có thể tự nhiên thấy mình ở một nơi tốt hơn vì đã hy sinh bản thân, vì đã thúc đẩy bản thân, kể cả thử thách về thể chất hay tinh thần.
Nhưng quan trọng hơn, khi đã làm hết sức, khi đã cống hiến hết mình, chắc chắn chúng ta sẽ không bao giờ phải hối tiếc hay hối hận.
Mong rằng sau khi bạn đọc bài viết này, đến khi có một nhiệm vụ hoặc một tình huống tương tự xuất hiện, ngay cả khi đó là nhiệm vụ bạn không thích, hãy cố gắng nỗ lực hết sức của mình, sao cho tất cả các chủ nhân trên thiên thượng đều dừng lại để quan sát, và xem chuyện gì xảy ra. Bạn có thể thấy rằng bạn học hỏi, trưởng thành và thành công theo những cách bạn chưa bao giờ tưởng tượng!
Tatiana Denning, D.O., là một bác sĩ gia đình chuyên về sức khỏe và phòng ngừa. Cô tin tưởng tin tưởng vào việc trao cho các bệnh nhân quyền duy trì và cải thiện sức khỏe của chính họ bằng những tri thức và kỹ năng cần thiết.
Tatiana Denning
Tân Dân biên dịch
Xem thêm: