Không ngạc nhiên khi niềm tin vào truyền thông không ngừng tụt dốc
Kỷ nguyên đại dịch đã không nương tay với sự lành mạnh của báo chí Canada và với sự quan tâm mà công chúng nói chung dành cho nó.
Một cuộc khảo sát được công ty truyền thông Edelman công bố vào tháng Ba đã đào sâu thêm vấn đề này, trong đó phản ánh một năm hoạt động báo chí trong đại dịch và chủ nghĩa thức tỉnh đã thống lĩnh nhiều tổ chức vào mùa hè năm ngoái.
Theo cuộc khảo sát, 49% những người được khảo sát đồng tình rằng cánh nhà báo đã cố tình đánh lạc hướng [công chúng] bằng việc đăng tải những điều mà họ biết là sai sự thật hoặc phóng đại. 52% tin rằng các tổ chức truyền thông bận rộn với việc quảng bá một hệ tư tưởng hơn là cung cấp tin tức đến công chúng. 52% này cũng tin rằng các hãng thông tấn đang thất bại khi mà họ cam kết là phi đảng phái và khách quan. Đây là những gì xảy ra sau khi niềm tin của người dân Canada vào các tổ chức tăng lên vào thời kỳ đầu của đại dịch, mặc dù cũng không có gì ngạc nhiên khi điều này chỉ tồn tại trong thời gian ngắn ngủi.
Thời đại kỹ thuật số đã tạo nhiều căng thẳng cho ngành công nghiệp báo chí, với tham vọng ham muốn không ngừng cung cấp thông tin đã cản trở năng lực của cả các nhà báo và độc giả trong việc nhận thức và cắt nghĩa sự thật một cách đúng đắn. Môi trường truyền thông xã hội đã làm nhiều điều để tăng cường những vòng lặp thông tin nhằm ngăn người ta tương tác với bất kỳ nguồn tin nào khác mà có thể mâu thuẫn với thế giới quan của họ. Điều này có thể cung cấp vô số thuyết âm mưu theo bất kỳ hệ tư tưởng nào, do đó có thể dẫn đến các xung động phản dân chủ.
Một trong những vấn đề này là dường như một số chuyên gia nhất định có tâm lý rằng họ chỉ đơn giản là có được sự tôn trọng của công chúng, mà không cần phải làm gì nhiều để đạt được điều đó. Không có nỗ lực rõ ràng nào trong việc tham gia phê bình một cách có hiệu quả. Cần một sự tự vấn liên quan đến tư cách đạo đức của tự mình, và đáng buồn là rất nhiều nhà báo ngày nay dường như hoàn toàn không còn khả năng làm được như vậy.
Liên quan đến đại dịch, những ai tin rằng các nhà báo đang thao túng việc đưa tin của chính họ nhằm tiếp sức cho một quan điểm nhất định bất chấp tình trạng thiên vị – thì đều có thể được cảm thông. Tại thời điểm này, có một dãy đầy các nghiên cứu và quan điểm về COVID-19 và cách ứng phó với đại dịch này diễn ra giữa các bác sỹ và các chuyên gia khác. Chẳng hạn, các thông tin được tiết lộ đã được đưa ra ánh sáng, chỉ ra những tác động tiêu cực và hậu quả của việc phong tỏa cùng các biện pháp khác mà chính phủ đã thực thi để chống lại đại dịch. Tuy nhiên, các bản tin về vấn đề này của các phương tiện truyền thông chính thiên tả lại hầu như không đáng kể, với những người hăng hái ủng hộ phương pháp #COVIDZero (một ý tưởng loại bỏ hoàn toàn bệnh dịch) thường là những chuyên gia duy nhất được nhờ tư vấn hoặc mời tham gia vào các ban cố vấn. Những ai kêu gọi đánh đổi nhiều hơn hoặc cân bằng trong các biện pháp ứng phó [với đại dịch] thường bị coi là những kẻ kích động có vấn đề trầm trọng.
Cũng tương tự đối với các cuộc tranh luận với quan điểm trái chiều xoay quanh các vấn đề về chủng tộc và tính đa dạng. Do quá mong muốn thể hiện lòng trung thành với các học thuyết thức tỉnh thời thượng, một số phương tiện truyền thông chính thiên tả đã tiếp nhận bất kỳ cáo buộc về phân biệt chủng tộc nào mà không cần điều tra nhiều, và biến những câu chuyện khá thừa hơi thành một kịch bản đồ sộ về phân biệt chủng tộc trong xã hội Canada.
Còn có những cuộc tranh luận khác trong đó có một nhóm “chuyên gia” về chủng tộc tuyên bố rằng hệ thống của chúng ta chỉ đơn giản là một hệ thống của thực dân da trắng thượng đẳng và phải bị phá bỏ. Một lần nữa, những điều này luôn là bức tranh đơn sắc và không cân xứng với quan điểm phản biện của một nhà bình luận không thuộc loại “thức tỉnh,” mà người này cũng có thể ca ngợi thể chế của chúng ta và giải thích được tại sao lại [ca ngợi] như vậy. Việc loại bỏ Stockwell Day khỏi cuộc sống của công chúng vào tháng Sáu năm ngoái vì đã nhấn mạnh quan điểm của mình về điều, mà bề ngoài thì như là một cuộc thảo luận về chủng tộc, đã cho thấy cái nhìn sâu sắc về việc các quan điểm yêu nước chính thống bị đối xử như là những kẻ đáng bị tình nghi ra sao.
Những gì mà việc này phơi bày cho công chúng thấy là hình ảnh các nhà báo say sưa và cổ xúy các cách nhìn tiêu cực về đất nước của họ trong khi theo đuổi một mục tiêu về ý thức hệ, cũng như thuyết giảng cho công chúng những quan điểm đạo đức đúng đắn cần phải giữ gìn. Tất nhiên rồi, bởi dựa trên những thông tin có sẵn, công chúng đâu có khả năng tự quyết định quan điểm của riêng họ nên là như thế nào.
Nhằm cung cấp một tài liệu phân tích áp dụng cho Canada giống như Hoa Kỳ, một nhà trí thức Hoa Kỳ Yuval Levin lập luận trong cuốn sách của mình “A Time to Build” (Thời khắc để Kiến thiết) rằng cốt lõi của những vấn đề này là việc hiểu về các thể chế như một nền tảng phục vụ cho lợi ích của chính mình hơn là một điều gì đó mang tính nền tảng.
“Trong những tình huống như vậy, tổ chức này bộc lộ ra là đã bị biến chất trở thành thứ phục vụ những người bên trong thể chế, bất chấp hy sinh mục đích cốt lõi của nó,” ông viết. “Thay vì định hình những con người bên trong nó, tổ chức này lại bị những người đó bóp méo vì chính mục đích riêng của họ.”
Đáng chú ý nhất là, điều này đã tự thể bộc lộ trong lĩnh vực báo chí khi cả các nhà báo mới và có kinh nghiệm đã bắt đầu công khai không còn tôn trọng nghề nghiệp của chính họ bằng cách phản bác lại những thông lệ cốt lõi nhân danh các mục tiêu về ý thức hệ.
Một nhà báo lâu năm hiện là giáo sư báo chí tại Đại học British Columbia đã cho rằng tính khách quan là một “quan điểm từ hư không” và là một khái niệm có thể gây hại cho những nhóm thiểu số. Bà lập luận trên một chương trình phát thanh của CBC rằng tính khách quan núp đằng sau “những câu chuyện thống trị” và trật tự xã hội trong xã hội. Bà nói rằng, thay vào đó, công việc này nên được thực hiện với tư duy gần với vận động chính sách, trong đó cần nhấn mạnh lối tiếp cận là luôn luôn xét đến các yếu tố đặc quyền và cấu trúc, vì một số bản tin có thể cản trở hành động nhân danh các cộng đồng thiểu số. Bà nói, chúng ta có trách nhiệm đạo đức là phải suy nghĩ về việc “hiểu rõ ràng về trật tự xã hội mà quý vị đang đóng góp và quý vị đang lặp lại các quan điểm thống trị cùng một câu chuyện thống trị như thế nào.”
Đây là một người đang giáo dục thế hệ nhà báo kế tiếp về cơ bản đang kêu gọi hãy bỏ qua thực tiễn và chi tiết câu chuyện nếu nó không phục vụ cho hoạt động tích cực của chính mình. Nếu các nhà báo gia nhập vào xu hướng này, họ đơn giản sẽ không còn là nhà báo nữa.
Nhà báo huyền thoại người Hoa Kỳ Walter Lippmann đã viết vào năm 1920 rằng, “Cuộc khủng hoảng hiện nay trong nền dân chủ phương Tây là một cuộc khủng hoảng báo chí.” Cho đến nay không có nhiều thay đổi. Nếu những người trong giới truyền thông băn khoăn về việc công chúng thiếu tín nhiệm và tác động của điều này đối với đời sống dân chủ của chúng ta, thì chắc hẳn đã đến lúc cần thực sự tự nhìn vào bản thân mình.
Tác giả Shane Miller sống ở London, Ontario là nhà văn chuyên viết về chủ đề chính trị.
Quan điểm được trình bày trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Do Shane Miller thực hiện
Nguyễn Lê biên dịch
Xem thêm: