Không khóc khi tranh biện
Những nam sinh, nữ sinh đến tham dự buổi tranh biện trong trang phục áo khoác, quần tây và váy. Các em xem cách ăn vận như vậy là một chiến lược để giành chiến thắng. Đây là cuộc tranh biện đầu tiên của các em vào ngày cùng nhau học diễn ra hàng tuần trong chương trình của trường học tại gia. Chủ đề của cuộc tranh biện là một chủ đề nghiêm túc: Chính quyền liên bang nên ngừng án phạt tử hình.
Jane, một nữ sinh 15 tuổi, có tính cách nhút nhát, lẩn tránh mọi sự chú ý, lo lắng sắp xếp bài vở của mình tại bàn được phân công bên cạnh bạn cùng đội là Mary – cô bé này gần như không hề che giấu nỗi sợ hãi của mình. Jane đặc biệt lo lắng về phần tranh biện có tên là “đối chất”. Trong phần này đối thủ của cô có thể đặt câu hỏi mở về bất kỳ nghiên cứu hoặc quan điểm nào của cô về chủ đề này. Việc tung đồng xu trước đó đã dẫn đến việc Jane và Mary tranh luận về việc đồng ý [với chủ đề] và phản đối án phạt tử hình.
Dạy tranh biện là môn học gần như đã biến mất. Ngày nay, học sinh thường chỉ học đơn giản là để ghi nhớ các kiến thức do giáo viên cung cấp và sau đó thể hiện lại vào bài thi. Thế nhưng tranh luận là biện pháp giúp chúng ta chống lại bạo lực. Chúng ta nên dạy trẻ em nghệ thuật thuyết phục, và tranh luận là một cách để khám phá sự thật và có được sự hiểu biết. Trong khi hầu hết các trường công lập đều bám giữ lối tư duy cứng nhắc, thì hướng dẫn cho thanh thiếu niên một cách có chủ đích về phương pháp suy luận sẽ giúp các em có sự linh hoạt trong suy nghĩ, để một ngày nào đó các em có thể chiến thắng trong “thị trường ý tưởng” tại các cuộc tranh biện công khai, tự do. Tranh biện chính là cách thức mà nước Mỹ khám phá ra, và nhờ đó đã đem lại tự do và theo đó là sự đột phá về thịnh vượng mà thế giới chưa từng chứng kiến trước đây.
Căn phòng chật hẹp trong nhà thờ nơi các em học sinh gặp gỡ có bàn tranh biện, bục phát biểu, và một số ghế dành cho phụ huynh và các học sinh khác tới tham dự. Lẽ ra đó chỉ là không gian cho mọi người đứng.
Đột nhiên, Jane chăm chú nhìn mẹ, đứng dậy ra khỏi bàn, và bước nhanh ra khỏi không gian chật hẹp của căn phòng. Ngoài hành lang không có người và mẹ của Jane đến sau lưng hỏi cô bé. “Chuyện gì vậy, Jane?”
Jane quay về phía mẹ, khuôn mặt đẫm nước mắt, đôi môi run run. “Con… không thể… làm được… việc này.”
“Có, con có thể,” mẹ cô bé nói một cách nghiêm khắc. Đầu óc bà quay cuồng. Không được khóc khi tranh biện! Nếu lần này bà nhượng bộ sự hoảng sợ của Jane, thì cô bé sẽ thất bại hết lần này đến lần khác. Không được, bà tự nhủ. Con bé phải vượt qua điều này bằng cách nào đó. Nhưng bằng cách nào? Jane đang suy sụp tinh thần trước mắt bà. “Mẹ ơi, mẹ nhìn con này. Con không thể ngừng khóc. Con không thể làm được điều này. Con không biết mình đang làm gì… phải nói cái gì! ”
“Jane, chúng ta đã trải qua chuyện này. Con có bài chuẩn bị của con. Con đã chuẩn bị cho cuộc tranh biện này. Mọi thứ đều được viết ra rồi.” “Nhưng không thể chuẩn bị cho phần đối chất!” Jane kịch liệt đáp. “Con không biết bạn ấy sẽ hỏi con điều gì!” “Con sẽ trả lời một cách đơn giản nhất trong khả năng của mình, Jane. Con có thể làm được việc này. Con hãy tiến vào trong đó, và vượt qua điều này. Mọi người đều tin tưởng vào con. Và thế là con đã làm xong việc của mình.” Mẹ của Jane cảm thấy tội lỗi, nhưng về căn bản bà hiểu rằng nhượng bộ trong lúc này còn tệ hơn việc phải giữ vững lập trường.
Sau khi hết dồn ép rồi đến thuyết phục, người mẹ đã thành công khi đưa được cô nữ sinh quay trở lại căn phòng. Cô sẽ bắt đầu cuộc tranh biện, và đại diện cho phe ủng hộ. Trên bục tranh biện, cô bé quay ra hai lần để cố gắng lấy lại bình tĩnh trước khi bắt đầu. Sau đó, nước mắt liên tục lăn dài trên má, Jane nức nở đọc những trang viết được chuẩn bị kỹ lưỡng của mình. Cô bé thậm chí còn cầm cự được đến phần đối chất, và vào cuối cuộc tranh luận, cô bé đã chứng tỏ với bản thân rằng hóa ra cô mạnh mẽ hơn mình tưởng trước đó.
Cuộc tranh biện lần đầu tiên luôn là một cuộc vật lộn. Một cách tự nhiên, chúng ta thường sợ hãi những trải nghiệm mới, đặc biệt là những trải nghiệm giúp chúng ta trưởng thành. Tranh biện đòi hỏi rất nhiều ở người tham gia nếu họ muốn thắng. Chúng ta cần dạy con cái cách chiến thắng về tư tưởng.
Chúng ta đến với cuộc tranh biện thứ hai, trong đó những người tham gia sẽ tìm cơ hội để sửa chữa những sai lầm trước đó và thử nghiệm nhiều chiến thuật khác. Lần này, Jane biết mình sẽ ở phe không đồng ý [Chính quyền liên bang nên ngừng án phạt tử hình], và cô bé đã có chiến thuật cho bản thân dựa vào kinh nghiệm lần đầu.
Ngày đó đã đến, Jane cảm thấy bớt lo lắng hơn một nửa so với tuần trước đó. Cô bé đã đấu trí với nhiều đối thủ đáng gờm vào ngày hôm đó và chinh phục được các đối thủ còn mạnh hơn. “Có phải giết người là sai trái?” Jane hỏi một nam sinh cao, tóc đen khi cô đang đối chất với cậu ấy. “Đúng vậy,” cậu bé trả lời nhanh chóng và dứt khoát. “Mọi lúc ư?” “Đúng vậy, tất nhiên là vậy!” Là một học sinh tại gia theo đạo Cơ đốc, chàng trai trẻ biết trong điều răn nói không được giết người.
“Còn trong chiến tranh thì sao?” Jane hỏi, hồi hộp, nhưng vẫn quyết tâm giữ vững chiến thuật của mình và chứng minh hiệu quả của chiến thuật đó. “À,” cậu bé nhìn sang bên trái, suy xét. Rõ ràng cậu biết ở đây có một cái bẫy, nhưng cậu không thể tránh được. Cậu tin rằng một số vụ giết người là chính đáng, đặc biệt là trong chiến tranh, và vì vậy, cậu thành thật trả lời. “Trong chiến tranh, giết người là chính đáng.”
“Cảm ơn bạn. Mình không còn câu hỏi nào nữa.” Jane mỉm cười một mình. Một đối thủ đáng gờm khác đã bị đánh bại. Khi Jane bước lên bục bác bỏ luận điểm của đối phương, cô bé đưa ra luận cứ rằng nhà nước xem những kẻ giết người hàng loạt là chiến tranh chống lại loài người. Trường hợp cụ thể là một câu chuyện đặc biệt nghiêm trọng về một kẻ sát nhân được trả tự do, sau đó kẻ này đã thực hiện thêm tám vụ giết người khủng khiếp trước khi bị xử tử.
Jane đã thắng trong cuộc tranh biện. Thế nhưng hơn cả điều này, cô bé đã chiến thắng trong trận chiến với nỗi sợ hãi của chính mình. Học tập và tham gia tranh luận mở ra con đường dẫn đến tự do. Thất bại trong việc dạy hoặc né tránh dạy cho lớp trẻ kỹ năng này chính là trói buộc họ đến với tự do.
Thật không may, hầu hết các trường công ngày nay không hào hứng với việc tranh biện hoặc khuyến khích học sinh suy nghĩ độc lập; thay vào đó, các trường này tìm kiếm sự đồng điệu và thỏa thuận một cách miễn cưỡng. Học sinh ở trường công có lẽ phải khóc vì không có khả năng tranh biện.
Sam Sorbo là một nữ diễn viên, người dẫn chương trình trò chuyện trên đài phát thanh và là tác giả của cuốn “They’re Your Kids: An Inspirational Journey from Self-Doubter to Home School Advocate” (Chúng là Con của Bạn: Hành Trình Đầy Cảm Hứng từ Người Hoài Nghi đến Người Ủng Hộ Trường Học Tại Gia).