Không hợp tác với các cuộc diệt chủng của Trung Cộng thêm nữa
Hôm 28/08, Tập Cận Bình, Tổng Bí thư của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), đã tuyên bố, “[Chúng ta] cần giữ vững trận địa tư tưởng. [Chúng ta] cần phải giải quyết chủ động và dứt điểm các vấn đề về tư tưởng có yếu tố dân tộc, cũng như tiếp tục quét sạch các tư tưởng độc hại về chủ nghĩa chia rẽ dân tộc và chủ nghĩa cực đoan tôn giáo.”
Tuyên bố trên của ông Tập mang tính phân biệt chủng tộc sâu sắc và vô cùng hẹp hòi được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc có ba cuộc diệt chủng chống lại người Duy Ngô Nhĩ, người Tây Tạng, và Pháp Luân Công.
Diễn thuyết trước một hội nghị về công tác dân tộc trung ương, ông Tập nói rằng những người tham dự nên “kiên quyết đề phòng những rủi ro và nguy hiểm tiềm ẩn hệ trọng trong các vấn đề dân tộc.”
Ở đây ông Tập đang biện minh cho ba cuộc diệt chủng trên ngay cả khi không có “mối nguy hiểm” rõ ràng nào về sắc tộc, nhưng mối nguy hiểm đó lại là “tiềm ẩn.”
Dường như không thể lý giải nổi hành vi đạo đức giả của mình, ông Tập đã tuyên bố, “Việc hợp tác nhằm chống khủng bố quốc tế cũng cần phải được tăng cường, cần phải làm việc với các quốc gia, các khu vực, các tổ chức quốc tế chính yếu cũng như nhóm dân tộc thiểu số Hoa kiều.”
Ông Tập xem ra chẳng hề quan tâm đến vấn đề sắc tộc, miễn sao đó là Hoa kiều (biết chữ Hán). Trên thực tế, dường như họ nên được ưu tiên hợp tác. Điều đó càng đậm chất phân biệt chủng tộc hơn, đặc biệt là do người dân Tây Tạng và người Duy Ngô Nhĩ không còn được phép đi lại, vì vậy hẳn nhiên là, họ không phải là những người Hoa mà ông Tập khuyến khích hợp tác về vấn đề “chống khủng bố quốc tế.”
Cách mà ông Tập đã đề nghị hợp tác với người Hán ở Hoa Kỳ hoặc tại Afghanistan, tỉ dụ như để chống lại chủ nghĩa khủng bố và “chủ nghĩa cực đoan tôn giáo” chính xác là thế nào? Để có được một số manh mối, hãy đọc nghiên cứu điển hình mới nhất của tổ chức phi chính phủ Freedom House về sự đàn áp nhóm người thiểu số xuyên quốc gia của Trung Quốc.
Tại hội nghị này, ông Tập đã diễn thuyết tập trung vào việc “rèn luyện ý thức cộng đồng của dân tộc Trung Hoa.”
Từ “cộng đồng” này được các chuyên gia người Trung Quốc phân tích là chống Mỹ. Ông Tạ Mạo Tùng (Xie Maosong), nhà nghiên cứu cao cấp tại Học viện Khoa học Trung Quốc, nói với tờ Bưu điện Nam Hoa Tảo Báo, “Hoa Kỳ bắt đầu cuộc chiến thương mại chống lại Trung Quốc vào năm 2018, sau đó là một cuộc chiến công nghệ và một cuộc chiến ý thức hệ, bao gồm các cáo buộc vi phạm nhân quyền ở Tân Cương. Ý thức cộng đồng của dân tộc Trung Hoa có thể giúp chúng ta đương đầu trong cuộc cạnh tranh mang tính quốc gia với Hoa Kỳ. Đó là về an ninh và sự ổn định của quốc gia, và chúng ta không nên để điều đó ảnh hưởng đến sự phát triển của [đất nước] chúng ta.”
Nhưng theo nhà nghiên cứu Đằng Bưu (Teng Biao) thuộc Đại học Chicago và luật sư nhân quyền quốc tế Terri Marsh, bản thân ĐCSTQ hoạt động như một tổ chức khủng bố và cần được chính phủ Hoa Kỳ nhìn nhận đúng như vậy.
Hợp tác với Trung Cộng về bất kỳ phương diện nào, kể cả chống chủ nghĩa khủng bố, thì đó cũng là giả nhân giả nghĩa và chắc chắn là tự mình chuốc lấy thất bại, là phân biệt chủng tộc, và chấp mê bất ngộ nếu xét về các tội ác diệt chủng của Trung Cộng, chủ nghĩa chống Mỹ, cũng như quyền lực ngày càng lớn mạnh và khuếch đại của Trung Cộng.
Tuy nhiên, dường như chính phủ ông Biden đang khẩn khoản để tiếp tục được hợp tác nhiều hơn nữa, mà trên thực tế là có nhiều sự trừng phạt hơn.
Trước khi trở thành Ngoại Trưởng Hoa Kỳ, ông Antony Blinken từng ủng hộ việc hợp tác với Bắc Kinh về COVID-19. Hiện giờ ông ấy lại tán thành việc hợp tác với Trung Quốc để chống lại chủ nghĩa khủng bố, ngay cả khi ĐCSTQ đang thực hiện một cuộc diệt chủng chống lại người Duy Ngô Nhĩ mà họ tuyên bố một cách sai trái rằng đó là một hình thức chống khủng bố. Trung Quốc cũng tuyên bố sai sự thật về sự tồn tại của Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan (ETIM), vốn là một “nhóm khủng bố Duy Ngô Nhĩ” trong trí tưởng tượng tư lợi của chính ĐCSTQ.
Tháng Bảy vừa qua, ông Blinken đã đưa ra lời mời hợp tác bằng cách nói rằng sự kết giao của Trung Quốc với Afghanistan có thể là “một điều tích cực.” Ông ta quả là vô cùng ngây thơ, hoặc thậm chí còn tệ hơn, khi nhận định như vậy.
Ông Blinken là nhà đồng sáng lập của công ty tư vấn WestExec Advisors, vốn “quảng cáo rằng công việc chính của công ty là giúp các trường đại học lớn của Hoa Kỳ cố gắng có được quyên góp từ Trung Quốc mà không ảnh hưởng đến các học bổng nghiên cứu do Ngũ Giác Đài tài trợ,” theo trang tin Washington Free Beacon. “Một phiên bản lưu trữ của trang WestExec tuyên bố rằng các trường đại học nghiên cứu của Hoa Kỳ là một trong những khách hàng của công ty này và bộ phận tư vấn của công ty đã làm việc với các trường học để tiếp tục là đối tác đáng tin cậy cho các học bổng nghiên cứu do DoD bảo trợ, đồng thời mở rộng hợp tác nghiên cứu ngoại quốc, chấp nhận các khoản tài trợ ngoại bang, và chào đón các sinh viên ngoại quốc [tham gia] vào các chương trình giáo dục STEM trọng yếu.”
Vào thời điểm mà Trung Quốc thực hiện vụ đánh cắp tài sản trí tuệ từ Hoa Kỳ làm cho đất nước chúng ta một năm tiêu tốn lên đến 600 tỷ USD, thì đây chính là người mà Tổng thống Joe Biden đã chọn với tư cách là ngoại trưởng của nước nhà.
Hôm 29/08, ông Blinken lại có một cuộc điện đàm với Trung Quốc, lần này là với Ngoại trưởng Vương Nghị, người được cho là đã nói với Ngoại trưởng của Hoa Kỳ “rằng cộng đồng quốc tế nên kết giao với nhà cầm quyền mới Taliban của Afghanistan và tích cực hướng dẫn họ,” theo bản tóm tắt của Reuters về một tuyên bố của ông Vương.
Hãng thông tấn Reuters cũng tóm lược thêm về tuyên bố của ông Vương khi nói rằng “Hoa Thịnh Đốn nên làm việc với cộng đồng quốc tế để chu cấp viện trợ kinh tế và nhân đạo cho Afghanistan, giúp chế độ mới này vận hành các chức năng của chính phủ một cách bình thường, duy trì sự ổn định xã hội, ngăn chặn sự trượt giá của đồng tiền và gia tăng chi phí sinh hoạt.”
Nói cách khác, theo ông Vương, Hoa Kỳ nên đổ tiền vào chính quyền Taliban, sau 20 năm Taliban sát hại người Mỹ, và bảo vệ Osama bin Laden.
“Mặc dù tôn trọng chủ quyền của Afghanistan, Hoa Kỳ nên có hành động cụ thể để giúp Afghanistan chống lại chủ nghĩa khủng bố và ngăn chặn bạo lực, thay vì áp dụng các tiêu chuẩn kép hoặc chống khủng bố một cách có chọn lọc,” ông Vương tuyên bố. Ông đổ lỗi cho “sự rút lui vội vàng” của Mỹ quốc, vốn đã diễn ra một cách từ từ và bắt đầu từ năm 2011 dưới sự giám sát của Tổng thống Obama, điều này có khả năng cho phép những kẻ khủng bố “tái tổ chức và trở lại mạnh mẽ hơn.”
Ông Vương dường như đã phớt lờ cam kết kéo dài 20 năm của Hoa Kỳ và đồng minh trong việc xây dựng nền dân chủ và pháp quyền ở Afghanistan, cũng trong thời gian đó Trung Quốc luôn ủng hộ Pakistan, một nhà nước bảo trợ chủ nghĩa khủng bố. Việc bảo trợ đó bao gồm cả Taliban.
Tháng Bảy vừa qua, ông Vương đã tiếp đón Chánh văn phòng chính trị của Taliban, ông Mullah Baradar. Sự kiện này phù hợp với sự ủng hộ ngoại giao nhiều năm và [các] hỗ trợ khác của Trung Cộng đối với Taliban.
Tuy nhiên, trong tuần lễ từ ngày 23-29/08, có vẻ là ông Blinken đã bị hoàn cảnh buộc phải tập trung vào mục tiêu di tản ngắn hạn ở phi trường Kabul, thay vì một chiến lược dài hạn. Ông Ned Price, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, đã đưa ra một tuyên bố cho biết ông Blinken và ông Vương đã thảo luận về “tầm quan trọng của cộng đồng quốc tế về việc yêu cầu Taliban phải chịu trách nhiệm về những cam kết công khai mà họ đã tuyên bố liên quan đến lối đi an toàn và quyền tự do đi lại cho người dân Afghanistan và các công dân ngoại quốc.”
Nói cách khác, Hoa Thịnh Đốn đang khẩn cầu Taliban và Trung Cộng để cho người Mỹ và các bằng hữu của mình rời khỏi Kabul. Các nhà ngoại giao của chúng ta đang rất tuyệt vọng, vì bị buộc phải rơi vào trong một cuộc khủng hoảng mà ông Vương đang biến [điều đó] thành có lợi cho Trung Quốc.
Trong cuộc điện đàm hôm 16/08 với ông Blinken về Afghanistan, được biết là ông Vương đã nói với vị ngoại trưởng rằng “Hoa Kỳ không thể một mặt chủ động tìm cách kiềm chế và đàn áp Trung Quốc, làm tổn hại đến các quyền và lợi ích hợp pháp của Trung Quốc, mặt khác lại hy vọng vào sự hợp tác của Trung Quốc.” Ông Vương cũng chỉ trích Hoa Kỳ đã loại bỏ Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan – ETIM khỏi danh sách các tổ chức khủng bố.
Thực tế là sự “hợp tác” của Trung Cộng trong việc đưa người dân Hoa Kỳ ra khỏi Afghanistan đi kèm với một cái giá quá đắt: Hãy để Trung Cộng bành trướng, và từ bỏ đạo đức dân chủ, luân lý, và cam kết về nhân quyền của Mỹ quốc. Tham gia cuộc chiến của ông Tập Cận Bình chống lại “chủ nghĩa cực đoan” tôn giáo và sắc tộc “độc hại” hoặc là chứng kiến các bằng hữu và công dân của Hoa Kỳ tại Kabul bị sát hại bởi Taliban do Trung Cộng hậu thuẫn.
Điều đó đủ để ngăn bất kỳ nhân viên chính phủ Hoa Kỳ sáng suốt nào đối thoại với Trung Cộng. Họ là những kẻ cực đoan, và không nên thương lượng với những kẻ khủng bố, cho dù là các kiểu loại như Taliban hay Trung Cộng.
Quan điểm trong bài viết này là ý kiến của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Ông Anders Corr có bằng cử nhân/thạc sĩ khoa học chính trị tại Đại học Yale (2001) và tiến sĩ về chính phủ tại Đại học Harvard (2008). Ông là người đứng đầu Corr Analytics Inc., nhà xuất bản của Tạp chí Rủi ro Chính trị, và đã thực hiện các nghiên cứu sâu rộng ở Bắc Mỹ, Âu Châu và Á Châu. Ông là tác giả của cuốn sách sắp ra mắt vào năm 2021 có nhan đề “The Concentration of Power” (“Tập Trung Quyền Lực”) và “No Trespassing” (“Không Xâm Phạm”), đồng thời đã biên tập cuốn sách “Great Powers, Grand Strategies” (“Những Quyền Lực Lớn, Những Chiến Lược Lớn”).
Doanh Doanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: