‘Không có gì để kỷ niệm’: Cộng đồng thiểu số ở vùng Bay Area lên án Trung Quốc vào ngày Quốc khánh
Các nhóm Hoa Kỳ gốc Á đã tập trung tại Lãnh sự quán Trung Quốc ở San Francisco để lên án Đảng Cộng sản Trung Quốc vào ngày 1/10, là dịp kỷ niệm 71 năm ngày ĐCSTQ tiếp quản Trung Quốc.
Người Hồng Kông, người Tây Tạng, người Duy Ngô Nhĩ, người Mông Cổ, người Đài Loan và người Việt Nam cầm cờ và giương biển hiệu. Họ muốn công chúng và các nhà lãnh đạo thế giới biết về những tội ác ghê tởm của ĐCSTQ, bao gồm các tội ác về nhân quyền và xâm phạm quyền tự do ngôn luận.
Ở Trung Quốc, ngày 1/10 được biết đến là ngày lễ Quốc khánh.
“Không có gì để ăn mừng,” Jinwei Hu, một tình nguyện viên của Tổ chức Giáo dục Dân chủ Trung Quốc, nói với The Epoch Times.
Tại Trung Quốc, anh đã làm công tác nhân đạo, giúp đỡ người già và những người khác đấu tranh đòi quyền lợi. Anh là một trong những người tổ chức sự kiện tại lãnh sự quán.
Trước khi Twitter bị cấm ở Trung Quốc vào năm 2009, anh đã có nhiều bài đăng trên Twitter. Anh nhận ra rằng Trung Quốc không được nhìn nhận một cách chính xác thông qua các phương tiện truyền thông.
“Chúng ta đang sống ảo. Những gì chúng ta đã thấy trên tin tức và trong đời thực rất khác nhau,” anh Hu nói.
“Khi [các phương tiện truyền thông do nhà nước quản lý] đưa tin, họ chỉ đưa những tin tốt lành, như các chỉ số kinh tế … và mọi người đang sống hạnh phúc như thế nào. Khi tôi nhìn xung quanh cuộc sống của tôi, mọi người đang đau khổ.”
Anh Hu đã đưa ý tưởng của mình lên mạng xã hội Twitter và nhận thấy rằng nhiều người có cùng suy nghĩ với anh.
“[Khi] chúng ta được các quan chức Trung Quốc mời dùng trà, đó là một lời đe dọa,” anh Hu giải thích. “Họ đang chiêu đãi quý vị trà; họ đang mời quý vị để họ có thể nói chuyện với quý vị, họ có thể đe dọa quý vị. ‘Ngừng đăng trên Twitter, ngừng đăng bài … chỉ trích chính phủ trên internet. Nếu không các vị sẽ bị bắt.’”
Anh Hu nói anh đã trải qua điều đó nhiều lần. Lúc đầu anh thấy sợ, nhưng vài lần sau thì không còn sợ nữa. Tuy nhiên, anh còn có vợ và con gái, và gia đình lo lắng cho sự an toàn của anh nên anh đã rời Trung Quốc vào năm 2014.
Anh rất vui khi thấy rất nhiều quốc gia và nhóm thiểu số tụ họp vì một mục tiêu chung.
Ogo, một cư dân San Francisco gốc Mông Cổ, nói với The Epoch Times rằng, “ĐCSTQ đã bắt đầu kế hoạch loại bỏ dần việc dạy tiếng Mông Cổ ở Nội Mông, vốn là tiếng mẹ đẻ của người dân ở đó.”
Vào ngày 4/9, hàng chục nghìn người dân tộc Mông Cổ đã biểu tình nhằm ngăn ĐCSTQ xóa sổ ngôn ngữ và văn hóa Mông Cổ. Bắc Kinh đã lập ra một chính sách mới để đưa việc giảng dạy chỉ bằng tiếng Quan thoại vào các trường học địa phương và thay thế sách giáo khoa bản ngữ bằng các phiên bản tiếng Trung tiêu chuẩn.
“Vì vậy, mọi người đã phản đối ý tưởng ở đó một cách ôn hòa. Nhưng thật không may, nó đã vấp phải sự bạo lực và bất công từ phía ĐCSTQ,” Ogo nói.
Anh Lobsang Dorji, chủ tịch Hội Thanh niên Tây Tạng khu vực San Francisco, nói với The Epoch Times rằng anh và gia đình là những người tị nạn. Cha mẹ anh đã bỏ trốn khỏi Tây Tạng đến Ấn Độ khi Trung Quốc xâm lược đất nước của họ vào những năm 1950. Anh sinh ra ở Ấn Độ và nhập cư vào Hoa Kỳ vào năm 2013.
Kể từ đó, anh đã tiến hành nhiều hoạt động để nâng cao nhận thức về nhân quyền.
“Thế giới đã chứng kiến Tây Tạng bị xâm lược, và tất cả người dân Tây Tạng đang phải trải qua rất nhiều cuộc chiếm đóng tàn bạo. Và rất nhiều ngôi đền, hàng trăm ngàn ngôi đền, đã bị phá hủy,” anh Dorji nói. “Và bây giờ những ngày này họ (ĐCSTQ) đang cố gắng dùng mìn san đất để những người du mục có thể vào sống trong thành phố, nhưng một khi họ chuyển đến thành phố, họ không thể trang trải chi phí và mọi thứ. Chiến lược [của ĐCSTQ] là thế đó.”
Anh Tenzin Rangdol, một người Tây Tạng, sống ở Bay Area từ năm 2010. Anh có gốc là một người Ấn Độ tị nạn và là cựu chủ tịch Hiệp hội Tây Tạng Bắc California.
Anh nói về những khó khăn và đau khổ mà những người tị nạn đã phải trải qua khi trốn chạy khỏi chế độ cộng sản. Nhiều quốc gia không cấp quy chế tị nạn cho họ và coi họ là người nước ngoài.
Kể từ năm 2009, hơn 150 người Tây Tạng đã tự thiêu để phản đối sự cai trị của ĐCSTQ.
Anh Rangdol nói với The Epoch Times rằng, “Tôi rất vui và cảm thấy tự hào khi được đoàn kết với những người thực sự có cùng trải nghiệm vì sự áp bức của Bắc Kinh.”
“Trung Quốc cần hiểu rằng chúng ta không thể để điều này tiếp diễn lâu dài, bởi vì người Tây Tạng sẽ không bao giờ bị vùi dập bởi các chính sách đàn áp của họ. Họ có thể đàn áp và sát hại một vài người Tây Tạng hoặc hàng nghìn người Tây Tạng, nhưng họ không bao giờ thực sự có thể giết chết tình cảm của người dân Tây Tạng.”
Shoua Lo đến từ Lào. Đất nước của ông đã bị xâm lược bởi chủ nghĩa cộng sản sau chiến tranh Việt Nam. Ông đã tham dự sự kiện này để thể hiện sự ủng hộ của mình đối với chính phủ chống cộng.
“Trên lý thuyết, trong sách vở, chủ nghĩa cộng sản nghe có vẻ rất hay. Nào là vì dân này, làm cho mọi người đều [bình đẳng] như nhau. Không có … cấu trúc giai cấp khác nhau,” ông Lo nói với The Epoch Times. “Nhưng trên thực tế, điều nó làm là chia tách mọi người. Vì vậy, quý vị có giới tinh hoa của thế giới, và rồi quý vị có tầng lớp nghèo. Không có gì nằm ở giữa cả. Đó là lý do tại sao tôi ở đây, bởi vì chúng tôi không muốn chủ nghĩa cộng sản.”
Rất nhiều thành viên trong gia đình ông bị cưỡng ép đưa vào các trại cải tạo và bị cướp mất quyền tự do ngôn luận khi cộng sản tiếp quản.
“Trại cải tạo không hẳn là trại cải tạo. Nó giống một khám tra tấn hơn,” ông Lo nói. “Bây giờ các vị phải tuân theo một bộ quy định. Nếu các vị nói ra, chúng tôi sẽ sát hại gia đình các vị.”
“Họ bỏ tù, rất nhiều lần, những người nam của gia đình. Họ tra tấn người ta, và bắt họ phải tuân theo các quy định để khi trở lại xã hội, người đó sẽ lo sợ cho cuộc sống của mình. Chủ nghĩa cộng sản thực sự là vậy đó,” ông nói.
“Đối với chúng tôi, những người Hồng Kông, không có gì đáng để ăn mừng,” cô S, một cư dân vùng Bay Area, nói với The Epoch Times. “Trung Quốc là lý do tại sao chúng ta phải trải qua đại dịch khủng khiếp này.”
Cô viện dẫn đến việc Trung Quốc ngay từ đầu đã che đậy tình trạng bệnh dịch COVID-19, khiến dịch bệnh này có thể lây lan ra toàn thế giới.
Một người Duy Ngô Nhĩ, sử dụng bí danh Kevin Truman, cho biết ông đã bỏ xứ ra đi.
“Lý do là, tôi không thể ở lại đó vì tôi có lối nghĩ, lối nhìn khác. Tôi là người dân tộc Duy Ngô Nhĩ,” ông Truman nói với The Epoch Times. “Đã có bằng chứng về hành vi quấy rối và giam giữ tùy tiện. Chỉ vì là người Duy Ngô Nhĩ mà họ bị đưa đến các trại tập trung.”
Ông vẫn còn gia đình ở quê nhà, đó là một lý do khiến ông không muốn sử dụng tên thật của mình.
Ông nói, “Tôi lo sợ cho những người có liên quan đến tôi ở quê nhà.”
Kể từ khi đến Hoa Kỳ 20 năm trước, ông đã biểu tình tại các sự kiện như thế này để cho thế giới biết về những hành động tàn bạo của Trung Quốc.
“Hãy xem virus Vũ Hán đã gây ra những gì cho cộng đồng thế giới,” ông nói khi đề cập đến virus gây ra dịch COVID-19. “Chúng ta nên đảm bảo chắc chắn rằng điều này sẽ không xảy ra nữa và yêu cầu Trung Quốc phải chịu trách nhiệm.”
“Hôm nay là ngày mà chúng ta nên đứng lên và nói với thế giới… không thể tiếp tục như vậy nữa. Bản chất thực sự của Trung Quốc đã bị phơi bày, và bất kỳ ai có lương tâm mà lại im lặng trước một thảm kịch kinh hoàng như vậy là vô nhân đạo,” ông nói.
Lãnh sự quán Trung Quốc tại San Francisco không trả lời yêu cầu bình luận trước khi bài báo được đăng.