‘Không có đầu tư mới vào việc mở rộng nhiên liệu hóa thạch’
Ông Antonio Guterres, Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc đương nhiệm và là cựu chủ tịch tổ chức Quốc tế Xã hội chủ nghĩa, đã khẳng định rằng “không được đầu tư mới vào việc mở rộng nhiên liệu hóa thạch” và tài chính tư nhân phải thoái vốn hoàn toàn khỏi ngành than.
Ông Guterres nói: “Trong thời gian quá dài, lĩnh vực dịch vụ tài chính đã kích hoạt việc lạm dụng nhiên liệu hóa thạch của thế giới. Đã đến lúc các nhà cung cấp dịch vụ tài chính cần đẩy nhanh sự chuyển dịch sang năng lượng tái tạo. Họ có quyền lực – và có trách nhiệm.”
“Mệnh lệnh mang tính khoa học và đạo đức rất rõ ràng: không được đầu tư mới vào việc mở rộng nhiên liệu hóa thạch, trong đó có sản xuất, cơ sở hạ tầng và thăm dò.”
“Năm nay, tất cả các nhà tài chính tư nhân cần ngừng cấp vốn cho toàn bộ ngành than, từ khai thác đến phát điện, và tích cực chuyển tài chính sang năng lượng tái tạo.”
Một tuyên bố từ Hội đồng Giáo hội Thế giới (WCC), Hội đồng Người Cao niên Hồi giáo, Hội đồng Giáo sĩ New York, và các cơ quan trong Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc (UNEP) đã thúc đẩy nhận xét của ông Guterres.
Trong thông báo về Tài chính có Trách nhiệm về Khí hậu của họ, các bên đó đã yêu cầu các tổ chức tài chính cung cấp dịch vụ cho nhiên liệu hóa thạch ngừng tài trợ cho hoạt động thăm dò và sản xuất dầu khí sau năm 2022, “đặc biệt là tất cả các dự án thuộc dạng này ở khu vực Bắc Cực.”
Họ cũng yêu cầu các tổ chức tài chính này “[chấm dứt] tất cả các khoản tài trợ cho bất kỳ dự án dầu khí mới, thăm dò và khai thác …” và nhanh chóng loại bỏ tất cả các khoản tài trợ cho ngành than.
Ngoài ra, họ còn đề nghị các tổ chức tài chính này tham gia các nhóm tài chính do Liên Hiệp Quốc lãnh đạo như Liên minh Ngân hàng phát thải Ròng bằng Không của Liên Hiệp Quốc, “nếu họ chưa phải là một phần của các tổ chức đó.”
Các ngân hàng trong liên minh đó kiểm soát khoảng 40% tài sản ngân hàng toàn cầu.
Yêu cầu của các nhóm này xuất hiện sau một năm giá than, dầu, và khí đốt tự nhiên tăng nhanh.
Trước những xu hướng đó, một số quốc gia đã đảo ngược hướng đi đối với nhiên liệu hóa thạch, trong đó có than đá.
Chẳng hạn, theo báo cáo của Reuters, Ấn Độ dự định tiếp tục khai thác tại hơn 100 mỏ than đã đóng cửa.
Nhiều nước Âu Châu cũng đã chuyển sang kích hoạt lại các nhà máy than hoặc tránh giảm sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng.
Tại Hoa Kỳ, Cơ quan Thông tin Năng lượng (EIA) dự đoán tiêu thụ than sẽ tiếp tục tăng trong năm 2022 trước khi giảm vào năm 2023, dựa trên dự kiến giá khí đốt tự nhiên sẽ giảm.
Khi giá cả thay đổi, một số nhà lập pháp đã chuyển thông điệp của họ sang các công ty nhiên liệu hóa thạch.
Trong phiên điều trần cuối năm 2021, Dân biểu Ro Khanna (Dân Chủ-California), Dân biểu Alexandra Ocasio-Cortez (Dân Chủ-New York) và Dân biểu Raja Krishnamoorthi (Dân Chủ-Illinois) đã lên án các công ty năng lượng Mỹ vì không cắt giảm sản xuất dầu mỏ và khí đốt, phù hợp với hành động của một số công ty Âu Châu.
Dân biểu Khanna hỏi ông Michael Wirth, Giám đốc điều hành của Tập đoàn Chevron rằng, “Với tư cách là một công ty Mỹ, quý vị có thấy xấu hổ khi sản xuất của mình đang tăng trong khi các đối tác Âu Châu lại đi xuống không?”
Bà Ocasio-Cortez nói sau khi đặt câu hỏi với ông Darren Woods, Giám đốc điều hành của ExxonMobil: “Điều rất quan trọng là không phải chúng ta đạt tới con số 0 ròng trong một tương lai tưởng tượng nào đó, mà chúng ta thực sự cần cắt giảm lượng khí thải carbon tại Hoa Kỳ và trên toàn cầu.”
Tuy nhiên, đến tháng Tư năm 2022, ông Frank Pallone (Dân Chủ- New Jersey) đã nói với các giám đốc điều hành ngành dầu mỏ rằng lợi nhuận cao của họ “có được với chi phí của người dân Mỹ, những người cần quý vị tăng đáng kể sản lượng, chứ không phải là vì sự giàu có của cổ đông.”
Hội đồng Giáo hội Thế giới, một bên ký trong tuyên bố “Tài chính có Trách nhiệm về Khí hậu”, đã được ghi nhận về mối liên hệ của họ với các tổ chức chính trị cánh tả bạo lực, đặc biệt là trong Chiến tranh Lạnh.
Ví dụ, hồi năm 1978, hội đồng này đã cung cấp 85,000 USD cho Mặt trận Yêu nước của Zimbabwe, một tổ chức du kích do ông Robert Mugabe lãnh đạo.
Ông Mugabe, người tự mô tả mình là một người theo chủ nghĩa Marx-Lenin trong thời kỳ đó, đã trở thành tổng thống của Zimbabwe, nơi ông lãnh đạo trong thời siêu lạm phát, tịch thu đất đai của nông dân da trắng, và cuộc diệt chủng Gukurahundi của bộ tộc Ndebele.
WCC cũng phát đi tín hiệu ủng hộ những người theo chủ nghĩa Marx ở Nicaragua trong suốt đầu những năm 1980, ngay cả khi những người theo chủ nghĩa Sandinistas đã bức hại một cách có hệ thống những người theo đạo Cơ đốc không ủng hộ cuộc cách mạng của họ.
Ông Ernest Lefever viết trong một ấn bản năm 1988 của The National Interest rằng, “Bất chấp hàng loạt vụ bắt giữ các linh mục Công giáo và các bộ trưởng của Giáo hội Moravian, hồi năm 1981 một nhóm của WCC có thể thấy rằng ‘không có cuộc đàn áp nhà thờ nào có thể nhận biết’ ở Nicaragua.
Ngày nay, Hội đồng Giáo hội Thế giới cũng có đại diện tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới.
Năm 2018, Tổng thư ký của tổ chức này, Tiến sĩ Olav Fykse Tveit, đã có bài diễn văn chống lại vũ khí hạt nhân tại WEF.
Giám đốc đặc trách các vấn đề quốc tế của tổ chức này, ông Peter Prove, có mặt trong Hội đồng Nghị trình Toàn cầu của WEF với vai trò về đức tin.
Ông Tim Stewart, chủ tịch Hiệp hội Dầu mỏ và Khí đốt Hoa Kỳ, đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ nhận xét của ông Guterres cũng như lập trường của Hội đồng Giáo hội Thế giới về hydrocarbon.
Ông Stewart nói, “Với tất cả sự kính trọng đối với Tổng Thư ký Guterres và Hội đồng Giáo hội Thế giới, mệnh lệnh đạo đức được chia sẻ dựa trên thánh thư của tất cả các tín ngưỡng phải là ‘nhấc lên những cánh tay bị rủ xuống.’ Những người thuộc mọi tín ngưỡng đã được Chúa truyền lệnh để giúp người nghèo và những người bị áp bức thoát khỏi cảnh nghèo đói.”
“Hành động do Liên Hiệp Quốc đề nghị này là hoàn toàn ngược lại. Việc hạn chế khả năng tiếp cận với năng lượng nhiên liệu hóa thạch bằng cách hạn chế đầu tư sẽ bảo đảm những người nghèo nhất trong số những người nghèo vẫn còn nghèo về năng lượng trong một thế hệ khác và một thế hệ xa hơn nữa.”
“Bằng cách choàng cho mình lớp áo cao đạo giả dối về thay đổi khí hậu, Liên Hiệp Quốc đã vô tình thực hiện vai trò đàn áp người nghèo dù có chủ đích hay không.”
The Epoch Times đã liên hệ với WCC và Liên Hiệp Quốc để đưa ra bình luận.
Ông Nathan Worcester là một phóng viên môi trường tại The Epoch Times. Quý vị có thể liên lạc với ông tại [email protected] hoặc theo dõi ông trên Twitter @nnworcester.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: