Không có bằng chứng cho thấy Cambridge Analytica thông đồng với Nga
Một cuộc điều tra kéo dài 3 năm được thực hiện bởi một cơ quan giám sát dữ liệu của nước Anh đã không tìm thấy bằng chứng nào cho thấy công ty tiếp thị kỹ thuật số gây tranh cãi Cambridge Analytica và công ty liên kết SCL đã thông đồng với nước Nga để can thiệp vào bất kỳ quy trình chính trị nào.
Công ty SCL Group, có liên kết với công ty Cambridge Analytica và đã giải thể vào năm 2018, bị cáo buộc sử dụng bất hợp pháp dữ liệu cá nhân thu thập được để gây ảnh hưởng đến cuộc trưng cầu dân ý Brexit ở nước Anh và cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ năm 2016.
Cuộc điều tra này, “là một trong những cuộc điều tra lớn nhất và phức tạp nhất từng được thực hiện bởi một cơ quan bảo vệ dữ liệu”, đã không tìm thấy bằng chứng nào chứng minh các công ty này đã lạm dụng dữ liệu thu thập được để thay đổi quan điểm bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý của nước Anh, hay đã làm việc với nước Nga để can thiệp vào bất kỳ cuộc bầu cử nào khác, bà Elizabeth Denham – quan chức cấp cao tại Văn phòng Ủy viên Thông tin của Anh (Britain’s Information Commissioner’s Office-ICO) cho biết trong một báo cáo gửi tới các nhà lập pháp Vương quốc Anh.
“Chúng tôi không tìm thấy bất kỳ bằng chứng bổ sung nào về sự tham gia của nước Nga trong việc phân tích tài liệu trong các máy chủ của SCL/CA,” bà viết.
Bà Denham cho biết trong báo cáo này rằng trước đó cơ quan ICO đã lật lại bằng chứng về địa chỉ IP của nước Nga (được tìm thấy trong dữ liệu của SCL/CA) cho Cơ quan Tội phạm Quốc gia của Anh (Britain’s National Crime Authority) để xem xét. Tuy nhiên, báo cáo của bà cũng lưu ý rằng việc điều tra cách một địa chỉ IP được sử dụng “nằm ngoài thẩm quyền của ICO.”
Mặc dù lưu ý rằng các công ty dữ liệu này không lạm dụng dữ liệu để ảnh hưởng đến các quy trình chính trị, nhưng bà cảnh báo rằng họ đã áp dụng “các quy tắc thực hành dữ liệu tồi tệ (poor data practices)” và có “ít suy nghĩ về các biện pháp bảo mật hiệu quả.” Bà cũng nói thêm rằng nếu các công ty tiếp tục kinh doanh, họ “có thể sẽ khiến văn phòng của tôi thực hiện thêm các hành động pháp lý chống lại họ.”
Công ty Cambridge Analytica, SCL và một số công ty chị em đã ngừng hoạt động vào năm 2018 sau khi người tố cáo ông Christopher Wylie đưa ra thông tin phơi bày các hoạt động khai thác dữ liệu của họ. Facebook tiết lộ vào năm 2018 công ty Cambridge Analytica đã truy cập trái phép vào [cơ sở] dữ liệu của 87 triệu người dùng, chủ yếu ở Hoa Kỳ.
Sau cuộc điều tra kéo dài một năm về vụ vi phạm dữ liệu, vào năm 2019, Ủy ban Thương mại Liên bang (Federal Trade Commission-FTC) đã phạt Facebook 5 tỷ USD vì không bảo vệ dữ liệu người dùng.
Công ty Cambridge Analytica đã bị một số người miêu tả không chính xác là một công cụ giúp ông Donald Trump đắc cử chức vị tổng thống vào năm 2016.
Chiến dịch tranh cử của TT Trump đã chi trả cho công ty này 5,9 triệu đô la trong chiến dịch tranh cử, bao gồm 5 triệu đô la được sử dụng để mua quảng cáo truyền hình. Công ty này cũng cung cấp cho chiến dịch TT Trump các báo cáo phân tích dữ liệu và hỗ trợ mua quảng cáo kỹ thuật số và truyền hình, nhưng không cung cấp cho chiến dịch bất kỳ dữ liệu thô nào về nhân cách (psychographic data), Wired báo cáo.
Theo đài CBS News, một lý do chính khiến chiến dịch tranh cử của TT Trump hợp tác với công ty Cambridge Analytica trong các cuộc bầu cử sơ bộ là do họ không thể chắc chắn rằng liệu có thể dựa vào sự hỗ trợ của Ủy ban Toàn Quốc Đảng Cộng Hòa (RNC) trong bối cảnh các cuộc bầu cử sơ bộ đang diễn ra sôi nổi.
Sau khi TT Trump chính thức giành được đề cử cho chức vị tổng thống của Đảng Cộng Hòa vào tháng 7/2016, chiến dịch của ông đã hoàn toàn ngừng dựa vào cơ sở dữ liệu của công ty Cambridge Analytica và thay vào đó dựa vào cơ sở dữ liệu của RNC. Điều này cho thấy rằng công ty Cambridge Analytica không đóng vai trò quan trọng trong cuộc tổng tuyển cử năm 2016.