Không bao giờ quá sớm để học cách chịu trách nhiệm
Nếu chúng ta thực sự nghiêm túc mong muốn quay trở về giá trị phổ quát của nước Mỹ, chúng ta phải vượt ra khỏi những người nhiều chuyện (và nỗi sợ hãi của chính mình) và bắt đầu khuyến khích xây dựng một xã hội trong đó trẻ em được trao nhiều trách nhiệm và xây dựng tính tự lập ngay khi các em còn nhỏ.
Như thế nào là quá nhỏ để trẻ làm việc nhà? Câu hỏi đó chiếm một thời lượng lớn trong chương trình thực tế “Đủ lớn!” của Netflix. Chương trình này nói về trẻ mẫu giáo ở Nhật Bản giúp đỡ cha mẹ làm các công việc vặt trong nhà.
Theo nhiều bài báo, chương trình này ngày càng thu hút nhiều sự chú ý của người Mỹ. Tôi đặc biệt chú ý tới hai trong số những bài báo này, cả hai đều của Đài Phát thanh Quốc gia NPR. Bài đầu tiên của một người mẹ bắt đầu gửi em bé 4 tuổi của mình làm những công việc nhà với hy vọng rằng con gái mình sẽ không còn bày ra các trò nghịch ngợm khi cô bé được đảm nhiệm nhiều trách nhiệm hơn (Việc này đã phát huy tác dụng.) Bài báo thứ hai giới thiệu phản hồi của độc giả đối với bài báo đầu tiên, một loạt các bậc cha mẹ đã thành công trong các dự án tương tự, trong khi trước đó họ không thể tưởng tượng được làm sao lại có thể để con họ một mình.
Cả hai bài báo đều đưa ra lời cảnh báo từ Đài phát thanh Quốc gia NPR rằng ở một số địa phương, việc cho phép trẻ em “làm việc nhà hoặc đi tới những nơi mà không có sự giám sát của người lớn có thể vi phạm luật địa phương.”
Cảnh báo trên có lẽ áp dụng cho hầu hết mọi nơi ở Mỹ; nhiều người trong chúng ta sẽ cảm thấy kinh ngạc với ý tưởng để một đứa trẻ 10 tuổi – hay một đứa trẻ còn nhỏ hơn nhiều mới 3 tuổi [ở những nước khác như Nhật Bản] – làm việc nhà hoặc thực hiện một công việc gì đó cho người lớn. Nhưng trong khi trẻ em ở các quốc gia khác được hướng đến học cách chịu trách nhiệm khi còn rất nhỏ, thì chúng ta lại do dự vì điều gì. Do đâu mà người Mỹ đánh mất tinh thần tự lập và bắt đầu bao bọc con cái ngay cả khi chúng đã trưởng thành, từ chối trao cho con cơ hội trưởng thành và làm việc cũng như trở thành một người có trách nhiệm? Câu trả lời nằm ở chủ nghĩa cấp tiến đã hiện hữu trong toàn hệ thống giáo dục của chúng ta, đặc biệt trong sách dành cho trẻ em.
Nội dung sách dành cho trẻ em đã thay đổi đáng kể vào đầu thế kỷ 20, tác giả Taylor Gatto đã nêu trong cuốn sách của mình “Lịch sử ngầm của nền Giáo dục Hoa Kỳ”. Một trong những thay đổi này là cách trình bày khái niệm về công việc. Thay vì miêu tả công việc là một điều tốt mà trẻ em nên được khuyến khích làm toàn tâm toàn ý và thông qua đó các em có được sự tự lập, thì điều ngược lại đã xảy ra:
“Các nhân vật trong sách hướng tới bằng cấp thay vì kinh nghiệm thực tế, và trẻ em tham gia lao động trở thành mục tiêu bị lên án mặc dù theo cách truyền thống đó là cách nhanh nhất, đáng tin cậy nhất để học cách tự lập như hai tỷ phú Mỹ Carnegie và Rockefeller đã từng làm. Nhiều người giờ đây đã khá lo lắng và kêu gọi dừng xu thế này lại.”
Trong những cuốn sách “đổi mới” này, tác giả Gatto viết: “trẻ em được khuyến khích không làm việc gì cho đến những năm cuối tuổi thiếu niên, đôi khi cho đến ba mươi tuổi,” “Một điển hình thể hiện tính ưu việt khi thanh niên làm việc thay vì ngồi im trong lớp học thường được đưa ra trước năm 1900, nhưng chưa bao giờ được nhắc lại trong sách dành cho trẻ em sau năm 1916.”
Một thế kỷ sau lần thay đổi đầu tiên đó, chúng ta dường như đã đưa quan điểm này lên một tầm cao mới. Hiện tại, nhiều người lớn không chỉ không khuyến khích thanh thiếu niên làm việc – thay vào đó là yêu cầu trẻ em tập trung vào việc học — chúng ta còn không khuyến khích trẻ độc lập và thực hiện những bước chuẩn bị cho việc bước vào đời sau này. Chúng ta không chỉ phủ nhận trách nhiệm và kinh nghiệm làm việc nhà của trẻ em, mà còn không để các em đạp xe một mình bên ngoài hoặc trong sân.
Tuy nhiên, một số bậc cha mẹ can đảm lại trao cho con cái họ cơ hội tự lập, dần dần chuẩn bị cho tuổi trưởng thành. Có một vấn đề duy nhất là, có những người hay thích can dự vào chuyện của người khác, họ đôi khi hoảng sợ và gọi Trung tâm bảo vệ trẻ em khi họ thấy những đứa trẻ ra ngoài và trải nghiệm tính tự lập.
Nếu chúng ta thực sự nghiêm túc mong muốn quay trở về giá trị phổ quát của nước Mỹ, chúng ta phải vượt ra khỏi những người nhiều chuyện này (và nỗi sợ hãi của chính chúng ta) và bắt đầu khuyến khích một xã hội trong đó trẻ em được trao nhiều trách nhiệm và học cách tự lập ở độ tuổi nhỏ hơn. Thay vì băn khoăn do dự, chúng ta có thể tìm cách giúp trẻ mở rộng tầm nhìn. Chúng ta có thể khuyến khích các bậc cha mẹ hãy ít bao bọc con cái hơn và để con được tự do phát triển. Chúng ta có thể nói chuyện với những người hàng xóm của mình, nói với họ rằng việc trẻ em học tính tự lập là tốt như thế nào và đề nghị họ giúp chúng ta để mắt đến con mình từ xa khi chúng ta dạy các con được tự do trải nghiệm những điều mới mẻ.
Benjamin Franklin nổi tiếng với câu nói rằng: “Những người có thể từ bỏ tự do trân quý để đổi lấy sự an toàn tạm thời ít ỏi, không xứng đáng với cả tự do lẫn sự an toàn.” Điều này cũng đúng đối với con cái của chúng ta. Nếu người lớn chúng ta từ chối để con trẻ dần dần học tính độc lập và trách nhiệm khi còn nhỏ vì chúng ta sợ rằng làm như vậy sẽ đưa con trẻ vào những tình huống không an toàn — ít nhất là theo quan điểm về một xã hội bao bọc — thì chúng ta chính là đang chuẩn bị cho các con mình thiếu tự do và an toàn khi các con trưởng thành hơn.
Cho con trẻ đảm nhận nhiều trách nhiệm hơn có thể là một bước tiến lớn đối với nhiều bậc cha mẹ, vì vậy nếu bạn không cảm thấy thoải mái khi gửi con mình làm điều đó bên ngoài, thì hãy bắt đầu huấn luyện con trong chính ngôi nhà của mình. Nếu trẻ nhỏ khi 2 tuổi, 3 tuổi hoặc 4 tuổi ở Nhật Bản có thể làm việc nhà, thì tại sao trẻ em Mỹ ở độ tuổi đó lại không thể dọn giường, quét sàn, xếp chén bát và gấp quần áo? Khi các con thực hiện những công việc này — và khi tự bạn hướng dẫn con bạn làm như vậy — hãy cho con bạn tự do hơn trong các lĩnh vực của cuộc sống hàng ngày để con bạn có thể trải nghiệm về phần thưởng của cuộc sống tự lập và là người có trách nhiệm.
Những người bạn của bạn sẽ cảm ơn bạn vào một ngày nào đó, con cái bạn là một trong số ít những người trưởng thành vẫn có tinh thần quả cảm, độc lập và mang tinh thần của nước Mỹ để đưa đất nước chúng ta thoát khỏi vết xe đổ hiện nay.
Bài viết này ban đầu được đăng trên Intellectual Takeout.
Annie Holmquist là biên tập viên của Intellectual Takeout và biên tập viên trực tuyến của Tạp chí Chronicles, cả hai dự án của Viện Charlemagne.
Chú thích của dịch giả:
Carnegie và Rockefeller được đề cập trong bài viết có tên đầy đủ là Andrew Carnegie và John Davison Rockefeller là những tỷ phú từng giàu nhất trong lịch sử nước Mỹ nói riêng và thế giới nói chung thời thế kỷ XIX.