‘Khoảnh khắc rùng mình’: Cách Bắc Kinh gây sức ép với Thượng viện California về Nghị quyết Nhân quyền
Các nhà ngoại giao Trung Quốc trong nhiều năm đã làm việc ở hậu trường để gây áp lực với các quan chức tiểu bang và địa phương chấp nhận các chính sách thân thiện với Bắc Kinh.
Nhưng gần đây vấn đề này chỉ mới thu hút được sự chú ý toàn quốc khi chính phủ Trump lên tiếng báo động về các hoạt động gây ảnh hưởng của chế độ cộng sản trên khắp đất nước.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo đã cảnh báo trong một bài phát biểu ngày 23/9 tại thủ phủ bang Wisconsin rằng các hoạt động gây ảnh hưởng ngầm của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) nhắm vào các chính trị gia cấp bang và địa phương đã “được tự do hoạt động trong nhiều năm” và “cường độ ngày càng gia tăng”.
Ông trích dẫn một ví dụ về một thượng nghị sĩ bang California vào năm 2017 đã tìm cách đề xuất một nghị quyết lên án cuộc bức hại của ĐCSTQ đối với nhóm tâm linh Pháp Luân Công. Sau đó, Lãnh sự quán Trung Quốc tại San Francisco đã khởi xướng một chiến dịch nhằm phá hoại nghị quyết đó và đã viết thư phản đối gửi lên cơ quan lập pháp của bang.
“Thật không may, Thượng viện bang California đã cúi đầu trước chiến dịch gây áp lực của ĐCSTQ và gác lại dự luật được đề xuất đó,” ông Pompeo nói.
Ông Joel Anderson, nhà lập pháp bang lúc bấy giờ đề xuất nghị quyết của Thượng viện, đã nói trong một cuộc phỏng vấn với NTD, một chi nhánh của The Epoch Times, rằng đối với ông việc “xoa dịu” như vậy là “thái quá” và gây thất vọng sâu sắc. Ông Anderson rời nhiệm sở vào năm 2018 và hiện đang tranh cử vào Hội đồng Giám sát Hạt San Diego, một cơ quan lập pháp của hạt gồm năm thành viên.
Khi “mọi người thấy rằng một lá thư và một cuộc điện thoại đã tạo ra một hiệu ứng làm nhụt chí các đồng nghiệp của tôi đến vậy, người ta liền đặt ra câu hỏi tại sao – tại sao họ lại bị ràng buộc với Lãnh sự quán Trung Quốc? Tại sao việc không được làm mất lòng và việc nhắm mắt làm ngơ trước những hành động tàn ác lại là điều quan trọng đối với họ?”
Pháp Luân Công là một môn thiền định truyền thống, gồm các bài khí công chậm rãi và các bài giảng đạo đức xoay quanh các giá trị Chân, Thiện và Nhẫn. Từ năm 1999, những người theo học môn tập luyện này đã phải đối mặt với cuộc đàn áp tàn bạo ở Trung Quốc. Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp có trụ sở tại Hoa Kỳ ước tính hàng triệu người đã bị giam giữ và hàng trăm hàng ngàn người đã bị tra tấn. Liên tục xuất hiện các bằng chứng gây lo ngại về việc chế độ Trung Quốc tiến hành các hoạt động do nhà nước cho phép để giết hại những người theo học môn này và bán nội tạng của họ cho việc phẫu thuật cấy ghép.
Với một lập trường mang tính biểu tượng nhằm khen ngợi “lòng dũng cảm không thỏa hiệp” của các học viên Pháp Luân Công và lên án “bất kỳ sự đàn áp do chính phủ phê chuẩn nào” chống lại họ, nghị quyết đã được ủy ban tư pháp tiểu bang nhất trí thông qua vào ngày 29/8/2017, nhưng chỉ hai ngày sau đó nó đã bị chặn do sau khi một lá thư không được ký tên được gửi từ Lãnh sự quán Trung Quốc đến tay mọi thành viên của Thượng viện tiểu bang. Hạ viện Hoa Kỳ, cùng với nhiều cơ quan lập pháp tiểu bang như Minnesota, Arizona, Missouri, Illinois và Colorado, đã thông qua các nghị quyết tương tự.
Đóng khung dự luật là “chống Trung Quốc” và “chống nhân loại”, bức thư của lãnh sự quán tuyên bố rằng nó “có thể gây tổn hại sâu sắc đến mối quan hệ hợp tác giữa Bang California và Trung Quốc và làm tổn thương nghiêm trọng tình cảm của người Trung Quốc.”
Ông Anderson đã gọi bức thư là “gây ấn tượng sâu sắc”.
“Bức thư rất quả quyết. Nó nói với các nghị sĩ rằng những ai tiếp tục thúc đẩy nghị quyết sẽ phải chịu trách nhiệm,” ông nói. Một “cuộc săn điện thoại” xảy ra sau đó, theo đó lãnh sự quán gọi điện cho các thượng nghị sĩ để đảm bảo rằng họ đã đọc bức thư, theo ông Anderson.
Vài ngày sau, cựu thượng nghị sĩ này đã lên án những lời đe dọa đó tại một cuộc mít tinh trước Lãnh sự quán Trung Quốc. Ông cũng đã nỗ lực kiên trì để đưa nghị quyết ra bỏ phiếu — ít nhất 18 lần trong tuần cuối cùng của phiên họp Thượng viện — với hy vọng rằng “mọi người sẽ tỉnh ngộ”.
Tại một thời điểm trong một bài phát biểu tại Thượng viện, ông đã kêu gọi các đồng nghiệp của mình nhìn quanh lô dành cho nhà báo, nơi có các nạn nhân và người thân đã chạy trốn khỏi Trung Quốc do cuộc đàn áp, và kêu gọi các thượng nghị sĩ hãy “nhìn vào gương mặt họ”.
“Đó là một khoảnh khắc rùng mình,” ông nói. “Tôi chỉ nghĩ rằng, đối với những người nói rằng họ quan tâm đến việc ngăn chặn những hành vi tàn bạo, đứng về phía những mạng sống vô tội, luôn đứng về phía kẻ yếu, tôi đã vô cùng thất vọng.”
“Thật đáng sợ khi nghĩ rằng các nhà lập pháp California hoặc bất kỳ nhà lập pháp nào của Hoa Kỳ có thể bị ảnh hưởng hoặc bị đe dọa bởi chính phủ Trung Quốc. Chúng ta nên có sự tin tưởng vào đất nước của chính chúng ta khi nêu ra những hành động tàn ác khi chúng ta nhìn thấy chúng,” ông nói thêm.
Ông cũng chỉ ra thói đạo đức giả của các chính trị gia “nhanh chóng kêu gọi mọi người” vì không được “tỉnh táo” về các vấn đề công bằng xã hội, nhưng lại không lên tiếng khi đối mặt với những hành động tàn bạo đó.
Một câu hỏi qua email gửi tới ông Kevin de León, chủ tịch tạm thời lúc bấy giờ của Thượng viện bang California và hiện là thành viên Đảng Dân Chủ được bầu vào Hội đồng thành phố Los Angeles, đã không được hồi đáp ngay lập tức.
Ông Anderson chưa có cơ hội nói chuyện với ông de León về vấn đề này, nhưng đã nghe được từ một số thượng nghị sĩ vào thời điểm đó mới vào cơ quan lập pháp rằng họ “hành động theo lệnh của lãnh đạo để bỏ phiếu chống lại nghị quyết này,” ông nói.
“Họ cảm thấy bị áp lực. Họ không chắc chắn về những gì được mong đợi ở họ. Và họ không đủ tự tin để là chính mình. Trong nhận thức muộn màng, tôi biết rằng họ có nhiều sự hối tiếc,” ông nói.
Bức thư đe dọa chỉ là một khía cạnh trong các hoạt động gây ảnh hưởng của chế độ Trung Quốc trong những năm qua.
Gần đây nhất, một cảnh sát thành phố New York đã bị bắt vì tình nghi làm gián điệp theo chỉ lệnh của các quan chức lãnh sự quán Trung Quốc. Và vào hồi tháng 3, lãnh sự quán Trung Quốc tại Chicago đã gửi email hai lần cho nghị sĩ bang Wisconsin, Roger Roth, yêu cầu ông thông qua một nghị quyết do lãnh sự quán soạn thảo để ca ngợi sự lãnh đạo của Bắc Kinh trong việc ngăn chặn sự bùng phát virus Vũ Hán.
Đáp lại, ông Roth đưa ra một nghị quyết phơi bày “từng điểm” mà Bắc Kinh đã “nói dối thế giới” và che đậy sự bùng phát.
Chế độ này đã đưa ông Anderson vào danh sách đen và gọi ông là “kẻ khủng bố” khi một bức thư mà ông soạn thảo gửi tới các quan chức Trung Quốc vào năm 2008 thúc giục trả tự do cho một học viên Pháp Luân Công người San Diego bị giam giữ ở Trung Quốc. Tuy nhiên, ông Anderson nguyện sẽ tiếp tục ủng hộ cho nhân quyền của Trung Quốc bất cứ khi nào có thể.
“Đây là một thời điểm quan trọng trong lịch sử. Những người có bản chất tốt… phải đứng về phía những người bị bức hại. Nếu không, thế giới này sẽ thất bại,” ông nói.