Khóa học dành cho cha mẹ (P.8): Con có ngốc không?
Đôi mắt của trẻ con giống như ống kính của máy quay vậy, 24 tiếng đồng hồ đều đang dõi theo người lớn. Vì vậy, trong quá trình trưởng thành, chỉ cần một câu nói vô ý của bạn cũng sẽ gây ảnh hưởng đến tâm lý trẻ trong thời gian dài. Là cha mẹ, làm thế nào để tránh những lời nói và việc làm không đúng trước mặt con?
Một hôm, có một phụ huynh đến gặp tôi, cô kể rằng đứa con hai tuổi của mình vài ngày trước đã tỏ ra rất cẩn trọng và nói: “Mẹ ơi, con có phải ngốc không?”
Người mẹ này hiểu rằng làm cha mẹ cần phải học hỏi, cô ấy đọc qua rất nhiều sách, cũng không ngừng nhắc nhở bản thân ở trước mặt trẻ con phải cẩn thận trong lời nói. Khi đứa con hỏi câu này, cô ấy nhớ lại quá trình nuôi con của mình và cảm thấy bản thân không biểu lộ ra cách nghĩ rằng đứa con của mình là một đứa trẻ ngốc.
Tôi đã hỏi người mẹ này, đứa trẻ này có phải chỉ có một mình cô chăm sóc không? Cô ấy trả lời: Đúng rồi, đều là một mình tôi chăm sóc.
Tôi lại hỏi cô ấy, khi đứa bé định đi ngủ, hoặc khi cô cảm thấy là lúc con không chú ý đến mình, cô thường làm những việc gì?
Cô ấy nói: Tôi thường gọi điện thoại để tán gẫu với bạn bè.
Tôi lại hỏi cô ấy: Cô thường cùng bạn bè tán gẫu những chuyện gì?
Cô ấy trả lời rằng: Đương nhiên là bàn về tình hình của trẻ con rồi.
Sau đó tôi hỏi,”Trong lúc trò chuyện cô có nói đùa không?” Cô ấy bị tôi hỏi đúng trọng tâm rồi, sau khi suy nghĩ đã trả lời là có.
Tôi tiếp tục hỏi, “Cô đã nói những điều gì vậy?”
Thế là cô ấy kêu to lên, “A! Thì ra là tôi nói điều đó!”
Người mẹ này có thể trong lúc vô ý đã nói đùa với bạn bè như vậy, cũng có thể chỉ là câu nói khiêm tốn, nhưng đứa trẻ đã nghe được và ghi nhớ. Tuy rằng đứa trẻ hai tuổi có thể vẫn chưa hiểu ý nghĩa của chữ “ngốc”, nhưng có thể từ trong lời nói của người mẹ mà cảm nhận được ý nghĩa nào đó.
Khả năng nghe của trẻ sơ sinh rất nhạy bén
Ở phần 5, khi chúng ta nói về âm thanh, chúng ta biết rằng tần suất của âm thanh có chứa đựng tình cảm. Đứa trẻ này từ trong lời nói của người mẹ có thể nghe được một ý nghĩa khác lạ, có một chút cảm giác không thoải mái, cũng không phải rất khó chịu, nhưng điều đó không giống như cách mẹ vẫn thường nói hằng ngày.
Trong định nghĩa giáo dục trẻ em ưu tú, một đứa trẻ thông minh thường có năng lực tiếp thu nhạy bén, có thể cảm nhận được sự khác biệt mà những đứa trẻ khác không thể. Sự khác biệt đó tuy nhỏ, nhưng tiếp thu được càng hoàn chỉnh chứng tỏ năng lực tiếp thu của đứa trẻ sẽ càng mạnh, càng có khả năng trở thành đứa trẻ ưu tú.
Đứa con của người mẹ này thuộc kiểu trẻ em ưu tú, cháu bé tiếp nhận được rằng có điều gì đó trong lời nói của mẹ không được thoải mái, cháu bé suy nghĩ không ra. Nhưng mà, đứa trẻ này đã làm một điều đúng đắn đó là đi hỏi mẹ.
Nếu như sự thắc mắc này không được giải đáp, đứa trẻ sẽ phát sinh một vấn đề, ví dụ như không chịu ăn, ngủ không ngon giấc, hay khóc,…
Ở đây tôi khuyên phụ huynh rằng, nếu xảy ra biến đổi gì khác thường của con thì chúng ta cần suy nghĩ một chút, trước đó có phải phát sinh ra sự việc gì, có lời nói nào vô ý nói ra hay không.
Trong đa số các trường hợp, khi người lớn vô ý làm một việc gây tổn thương cho con, trước tiên phải xin lỗi con, làm sai thì phải xin lỗi, cho dù là đối với đứa trẻ hai tuổi. Trẻ con có thể cảm nhận được một điều rất quan trọng chính là sự chân thành của người lớn.
Xin lỗi con như thế nào mới là đúng?
Khi chúng ta đi mua sắm, nếu như món đồ có cùng một giá tiền thì chúng ta thường chọn những người bán hàng chân thành, cho dù là giá tiền có cao hơn một chút. Bởi vì bạn biết rằng món đồ được bảo đảm chất lượng và còn có hậu mãi.
Mối quan hệ giữa mẹ và con, giữa cha và con thì thời gian ‘hậu mãi’ kéo dài cả một đời người! Vì vậy khi xin lỗi bạn, bạn nên thể hiện sự chân thành, đây là bước đầu tiên để thành công.
Con trẻ cảm nhận được sự chân thành của cha mẹ sẽ thực sự bằng lòng đem cảm nhận của mình nói với người lớn, sẽ không che giấu. Khi đứa trẻ không che giấu thì chúng ta mới có được cách giải quyết vấn đề tốt nhất.
Như vậy cách xin lỗi con như thế nào mới là đúng? Chỉ cần trực tiếp nói, “Xin lỗi con, mẹ sai rồi.” Sau đó phải giải thích một chút, lấy một ví dụ cụ thể để trẻ có thể hiểu dễ dàng.
Ví dụ, khi đứa trẻ hai tuổi có thể sẽ cầm một cái ly phải không nào? Có thể làm vỡ một cái ly? Bạn có thể nói với con, “Thực ra mẹ hiểu nhầm con làm rơi cái ly là một việc làm “ngốc”, đó là bởi vì cái ly nặng quá con cầm không được, mẹ sai rồi.”
Bước thứ hai rất quan trọng, đó là nên có việc làm cụ thể để cải tiến điều đó. Bạn lấy một cái ly nhẹ hơn, đổ vào đó thức uống mà đứa bé yêu thích, nói bé cầm lấy để chứng minh rằng cháu bé có thể cầm được chiếc ly. Như vậy, bé có thể hiểu được thành ý của người lớn, thực sự là cha mẹ đã trách nhầm con.
Thị lực của trẻ sơ sinh có thể thấy rõ đến đâu?
Như vậy từ lúc nào trẻ con đã giống như một chiếc máy quay phim, 24 tiếng đồng hồ dõi theo người lớn.
Điều này rất quan trọng, tôi đã làm công tác tâm lý trẻ em hai mươi, ba mươi năm rồi, phát hiện rất nhiều phụ huynh có chút vô cảm với việc trẻ con bắt đầu quan sát hành vi và cách nói của người lớn. Điều này rất phổ biến, rất nhiều.
Tôi từng làm thử nghiệm, đó là hỏi từ lúc nào trẻ con bắt đầu bắt chước biểu cảm của người lớn. Có rất nhiều người trả lời rằng từ bốn tháng tuổi. Bởi vì khi đứa trẻ bốn tháng tuổi thì đôi mắt bắt đầu hoàn thiện, bắt đầu nhìn rõ những vật xung quanh, mới có thể bắt chước biểu cảm của người lớn.
Vào những năm 1970, có nghiên cứu phát hiện rằng khi người mẹ ẵm con để cho con bú, khoảng cách giữa đôi mắt của người mẹ và đôi mắt của đứa trẻ là khoảng cách mà trẻ có thể nhìn thấy được rõ ràng. Nghiên cứu đó còn phát hiện từ vài ngày tuổi sau khi sinh ra đứa trẻ đã có thể nhìn rõ những vật ở thế giới bên ngoài rồi.
Còn có một số nghiên cứu phát hiện ra, có những đứa trẻ khoảng 6 hoặc 7 tuổi đã có thể nói với người lớn rằng, “Khi ở trong bụng mẹ, con đã làm những việc gì, con nhớ được những điều gì.”
Cha mẹ không nên vì vậy mà cảm thấy khẩn trương giống như là mình không thể mắc sai lầm vậy. Thật ra, công việc làm cha mẹ có thể hoàn thành tốt hơn và vui vẻ hơn. Tôi thường động viên mọi người trong quá trình nuôi dạy trẻ con, thứ nhất là có thể học được tâm thái thật “chính”; thứ hai có thể giúp bản thân khai mở nhiều trí huệ.
Khi đứa trẻ bị hù dọa thì phải làm sao?
Trẻ con ngoài việc từ lúc nhỏ đã có thể nhìn thấy rõ các vật xung quanh, đối với những âm thanh đột ngột chúng cũng có phản ứng.
Mỗi một sinh mệnh đều có nhu cầu sinh tồn, ngoài sự an toàn, chúng còn phải có năng lực bảo vệ bản thân. Đối với những việc đột nhiên xảy ra, chúng phải có phản ứng bảo vệ tất yếu. Chúng tôi không khuyến khích bạn hù doạ trẻ con, trong cuộc sống, lúc mở cửa, lấy đồ vật, kéo một chiếc ghế, hoặc lúc có người nhấn chuông cửa, đều sẽ phát ra những âm thanh đột ngột, lúc này bạn thuận tiện nhìn qua xem con mình có phản ứng gì.
Con bạn có thể có cảm giác bị khiếp sợ, nhưng sẽ không quá nhiều, không quá mãnh liệt, bởi vì đó đều là những thứ sẽ xảy ra trong cuộc sống của chúng ta.
Nếu trong nhà có ông ngoại đột nhiên hắt xì lớn tiếng làm cho đứa cháu sợ và khóc to lên. Lúc này, người lớn cứ nói với trẻ con: Xin lỗi đã làm cháu sợ rồi, ông ngoại không cố ý đâu. Những lần bị khiếp sợ như vậy thường sẽ không xảy ra vấn đề gì, đứa trẻ khóc xong sẽ ổn thôi.
Có những đứa trẻ khi sợ hãi thì xung quanh mũi đột nhiên xanh xao, có thể do mạch máu bị ứ trệ. Thông thường thì nơi nào xanh xao, thì phải xoa cho mạch máu được lưu thông thuận lợi, cũng có trẻ bị nơi khác chứ không phải ở mũi.
Người lớn có thể xoa bóp những vùng bị xanh xao này, nếu như bị ứ trệ nhiều, có thể chườm ấm một chút, sau đó mới xoa bóp. Việc này giúp con đẩy những áp lực phụ diện ra bên ngoài, đồng thời người mẹ cần không ngừng dịu dàng nói với con, “Mẹ ở đây, con đừng sợ, chúng ta sẽ bảo vệ con.” Người mẹ có thể ôm ấp con nhiều một chút, lâu một chút. Nếu như trẻ con cảm nhận được lời hứa của bạn, bé sẽ bình tĩnh trở lại, bắt đầu tin tưởng bạn và hình thành mối quan hệ nương tựa.
Tiến sĩ Trần Ngạn Linh có hơn 30 năm kinh nghiệm giúp đỡ các bậc cha mẹ và giáo viên ở Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Nhật Bản, Singapore, Malaysia, Indonesia, Hoa Kỳ, Âu Châu, Úc Châu, và New Zealand. Nhiều phụ huynh và giáo viên xem cô Trần là nhà cố vấn trọn đời. Khả năng tư vấn của cô không chỉ giới hạn lĩnh vực nuôi dạy con trẻ và giáo dục, mà còn bao gồm nghiên cứu phát triển và thiết lập văn hóa doanh nghiệp cho các công ty tư nhân. Kinh nghiệm trong nhiều lĩnh vực khác nhau giúp cho cô Trần có cái nhìn toàn diện và tổng quát hơn trong việc hướng dẫn các bậc cha mẹ và các giáo viên khác bồi dưỡng nên những nhân tài khỏe mạnh.
Tiến sĩ Trần có bằng tiến sĩ Tâm lý học chỉnh thể và Năng lượng y học của Đại học Y khoa Thân Tâm Hoa Kỳ (nay là Viện nghiên cứu Thân và Tâm), Thạc sĩ Học viện Đại học Y Đài Loan, Thạc sĩ Phát triển nhi đồng Đại học California (US), Thạc sĩ về Giáo dục năng khiếu của Đại học California và chứng chỉ lập trình máy điện toán. Video bài diễn văn trên truyền hình của cô được Thư viện Chính phủ Trung Hoa Dân Quốc lưu giữ, và được China Airlines International phát sóng.
Mời bạn xem video [ Khóa học dành cho cha mẹ – Tập 8]
Phụ trách biên tập: Tào Cảnh Triết
Bách Hợp biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: