Khóa học dành cho cha mẹ (P.6): Nuôi con bằng sữa mẹ cho con cảm giác an toàn
Vì sao làn da trẻ em dễ mẫn cảm? Vì sao trẻ con thích cắn môi, cắn móng tay, thậm chí là bứt tóc? Bạn có biết rằng có rất nhiều vấn đề nan giải của trẻ khi trưởng thành đều xuất phát từ việc người mẹ quên làm một việc trong quá trình nuôi con bằng sữa mẹ?
Một đứa trẻ còn bú sữa mẹ sẽ cần bú mẹ 12 lần mỗi ngày. Trong suốt quá trình bú mẹ 12 lần này, đứa trẻ sẽ tạo lập một mối liên kết vô cùng quan trọng. Chuyên gia gọi đó là quan hệ nương tựa,”tiếng Anh gọi là Attachment.
Bú sữa mẹ đồng thời tạo lập cảm giác an toàn
Khi được bú sữa mẹ, trẻ sẽ bắt đầu cho rằng mình quan trọng, mình có người chăm sóc và những yêu cầu của mình đều có thể được đáp ứng một cách an toàn, ổn định và liên tục. Lúc này, từ trong nội tâm của đứa trẻ sẽ phát triển một tâm lý cần thiết và rất căn bản, đó là cảm giác an toàn. “Tôi sống trong hoàn cảnh này, cùng với những người này thì tôi sẽ được an toàn.”
Khi đứa trẻ phát hiện ra mình an toàn, cơ thể sẽ không làm một việc đáng sợ đó là “đánh nhau” (fight). Bất kỳ người nào khi đến một nơi mà anh ta cho rằng nơi đó không an toàn thì anh ta sẽ muốn trốn thoát và có cảm giác sợ hãi. Trong cơ thể anh ta, hormone từ tuyến thượng thận sẽ tăng lên đột ngột và dẫn đến trạng thái cảm xúc không được tốt.
Khi chúng ta nuôi con, nếu như phát hiện đứa trẻ này có tính tình không “thuận”, bạn cần phải chú ý, có thể cảm giác an toàn của trẻ bị bỏ sót. Như vậy bạn cần phải tạo lập cảm giác an toàn cho trẻ từ khi nào?
Trên thực tế từ khi trẻ mới sinh ra, khi người lớn chạm vào mặt của đứa bé, cháu sẽ quay đầu qua hai bên để tìm xem ai là người chạm vào mình. Khi trẻ sơ sinh quấy khóc, hầu hết mọi người thường cho rằng đứa trẻ đang đói, thực ra đó cũng là biểu hiện của cảm giác thiếu an toàn. Rất nhiều phụ huynh đã bỏ sót cảm giác an toàn của trẻ.
Trẻ em có thể dồn nén nỗi sợ trong lòng chúng
Hầu như tất cả phụ huynh đều có trải nghiệm như thế này, khi mới đưa trẻ đi học mẫu giáo, chúng thường quấy khóc không ngừng. Hầu hết các trường mẫu giáo đều nói phụ huynh mau mau rời khỏi là được, qua một lúc đứa trẻ sẽ tự nín khóc. Nhưng chúng tôi đã nhìn thấy hậu quả tiếp diễn của sự kiện này sau một, hai năm, thậm chí là sau mười mấy năm, thực sự không phải như vậy. Cách làm đó chỉ áp chế sự sợ hãi của đứa trẻ vào bên trong, cưỡng ép nó vào trong nội tâm sâu thẳm và cảm giác khiếp sợ không hề được hóa giải.
Cách giải quyết như thế này của trường mẫu giáo, có thể trong mười đứa trẻ có hai đứa sinh ra với kiểu tính cách vui vẻ, dễ quên đi những đau khổ thì sẽ thích ứng nhanh.
Tám đứa trẻ còn lại, một số trẻ sẽ từ từ hóa giải cảm giác sợ hãi này trong tâm lý của chúng. Cha mẹ của chúng có thể cũng là những người vốn có tính tình cởi mở, từ từ có thể hướng dẫn chúng, giúp chúng đi qua được giai đoạn này.
Nhưng có một số trẻ sẽ không thể nào hóa giải được. Như vậy sự đau khổ trong nội tâm của chúng sẽ tích lũy lại, sẽ xuất hiện vài trạng thái.
Trạng thái thường gặp là cắn móng tay. Điều này cho thấy đứa bé có một cảm giác không an toàn rất lớn, cảm giác bứt rứt dữ dội. Năng lượng phụ diện của việc bị tổn thương này sẽ tích lũy ở đó, Trung y gọi là“không thông.”
Kiểu thứ hai là bứt tóc, tình trạng này nghiêm trọng hơn. Có những đứa trẻ bứt tóc ở trên đầu đến mức da đầu lộ ra từng mảng từng mảng. Có đứa trẻ thực sự nghiêm trọng, trong lúc ngủ bứt gần như sạch tóc, chỉ còn lại vài ba sợi thôi!
Còn có tình trạng là cơ quan trong cơ thể bị đau. Có đứa trẻ bị đau đầu, có đứa bị đau dạ dày, có đứa thì đau ngực. Còn có một kiểu là bệnh quá mẫn, có những đứa trẻ bị dị ứng thực ra đến từ việc không có được cảm giác an toàn từ nhỏ, chứ không phải đến từ di truyền hay nguyên nhân khác.
Bé gái cắn môi
Trên lâm sàng tôi gặp qua không ít những trường hợp như vậy. Trong đó có một bé gái, trước khi đến chỗ tôi cô bé đã khám ở hai bác sĩ khác. Trong bệnh án của của cô bé có hình vẽ đôi môi, trên dưới và hai bên trái phải vẽ các đường dài và có tiếng Anh chú thích bên cạnh.
Khi tôi gặp đứa bé bốn tuổi này, tôi thấy cháu gần như đã cắn nát môi của mình. Những bác sĩ trước đây đã chẩn đoán đây là hành vi do lo âu, cách giải quyết là để cho đứa trẻ thật bận rộn, không có thời gian cảm thấy lo âu, tránh cho cô bé nhớ lại những sự việc không tốt. Bác sĩ hy vọng phụ huynh để cho trẻ tham gia hoạt động này, hoạt động kia, để khi về đến nhà thì đứa trẻ mệt quá lập tức đi ngủ.
Nhưng phương pháp này không có hiệu quả, vì vậy họ mới tìm đến tôi. Sau cùng tôi phát hiện cô bé bị khiếp sợ nên xảy ra tình trạng lo âu này.
Tôi có rất nhiều phương pháp cho đứa trẻ tương tác, một ví dụ là dùng trị liệu cát (Sandplay Therapy). Tôi phát hiện ra, trong đầu của cô bé chứa quá nhiều ngôn ngữ khủng hoảng. Mẹ của cô bé hầu như không biết điều này, chăm sóc cho cô bé hoàn toàn giao cho bảo mẫu.
Người bảo mẫu này thường dùng phương thức đe dọa buộc những đứa trẻ mà cô ấy chăm sóc phải im lặng. Đứa trẻ nào không ngoan sẽ bị nhốt vào một căn phòng trống. Ngoài ra, cô bảo mẫu còn dọa đứa trẻ rằng bị nhốt trong căn phòng trống đó thì “con sói xám lớn” sẽ đến tìm con.
Bạn có thể tưởng tượng, trong căn phòng đó, dưới ánh đèn lờ mờ, tất cả những vật dụng trong nhà đều cao lớn hơn đứa trẻ này, đứa bé nhỏ bé như vậy ngồi ở đó, làm gì cũng không được, nghe thấy những âm thanh bên ngoài của những đứa trẻ khác, chúng đang ăn uống, còn cô bé này không có gì cả. Chỉ là bởi vì lúc nãy cô bé đã làm một việc mà ngay bản thân cô bé cũng không biết đó là sai, đứa trẻ có thể thực sự không biết là đã sai ở chỗ nào.
Người lớn cũng vậy, nếu như không biết bản thân mình vì sao bị trách phạt, thì có phải bạn sẽ cảm thấy lo âu và bực dọc không? Giả sử bạn mới đến nước Mỹ, mơ mơ hồ hồ nhận một giấy phạt 1000 đô la. Bởi vì bạn không biết đó là quy tắc gì, bạn sẽ trở nên lo âu, có thể nào còn nhận thêm những giấy phạt khác hay không.
Trẻ con cũng như vậy, cô bé này càng sợ hãi hơn khi mọi vật đều lớn hơn cô bé. Trong hoàn cảnh này, sự sợ hãi của con người cũng bị khuếch đại lên. Đưa một đứa trẻ đơn độc vào một căn phòng chỉ có những vật dụng của người lớn, so với việc cho đứa bé vào một hoàn cảnh có rất nhiều đồ chơi, gấu bông,… thì sự sợ hãi của đứa trẻ sẽ khác nhau. Hoàn cảnh có những đồ dùng của người lớn sẽ làm gia tăng thêm sự sợ hãi của trẻ.
Lời nói hù dọa của người lớn
Mối quan hệ tương hỗ giữa con người và hoàn cảnh rất là mật thiết, nhưng điều này thường bị phụ huynh bỏ sót. Trẻ con có lúc không chịu đi ngủ, phụ huynh hù doạ chúng rằng cảnh sát sẽ đến tìm chúng, hoặc là có thứ gì đó đáng sợ sẽ đến. Điều này không tốt lắm. Bản thân tôi không dùng và cũng không khuyến khích các phụ huynh dùng phương pháp này.
Cảnh sát thật là đáng thương! Có lẽ là cảnh sát là công việc xui xẻo nhất trên thế giới. Vì phụ huynh thường dùng cảnh sát để hù dọa trẻ con, hoặc là dùng quỷ, sói đe dọa chúng.
Có những đứa trẻ sẽ thực sự tin lời bạn, chúng sẽ có một ấn tượng. Tuy rằng thứ đó đã không xuất hiện, nhưng trong nội tâm của đứa trẻ, thậm chí chúng có thể nhìn thấy được trong hoàn cảnh của chúng. Tôi có rất nhiều trải nghiệm như vậy, có những đứa trẻ đến phòng khám đã kể lại với tôi, rằng chúng thực sự đã nhìn thấy những gì, những thứ mà cha mẹ của chúng không nhìn thấy.
Chúng tôi từng khảo sát, về cơ bản những đứa trẻ trước khi vào tiểu học sẽ dễ nhìn thấy thế giới mà mắt thường của người lớn không nhìn thấy. Bạn có thể nói đó là sự sáng tạo của trẻ con, bạn cũng có thể nói rằng năng lực cảm nhận của trẻ con đặc biệt nhạy bén. Điều này thực ra không lạ, nhưng người lớn thường không biết làm thế nào để đối đãi với những việc như thế này, và không lý giải được chúng. Điều này tạo nên một khoảng cách rất lớn trong giao tiếp giữa cha mẹ và con cái.
Chọn một nỗi đau này để quên đi một nỗi đau khác
Như bé gái lúc nãy chúng ta kể, ở trong hoàn cảnh như vậy, không thể mở cửa và ra ngoài được. Sự đau khổ do sợ hãi sẽ ép vào trong nội tâm của cô bé, cô bé phải tìm một cảm giác đau khác để thay thế, nhưng cảm giác đau này nhẹ hơn so với sự đau khổ trong nội tâm. Như vậy có thể tạm thời quên đi sự đau khổ ở trong tâm.
Cô bé đã chọn lựa cắn lên môi của mình. Nhưng người lớn lại không lý giải được, còn dọa nạt cô bé, nếu như còn cắn môi nữa thì sẽ bị tước đi quyền lợi gì đó của cô bé, không cho phép làm điều này, không cho phép làm điều kia.
Nhưng đứa trẻ lại không làm được, cuối cùng phụ huynh cũng cảm thấy vô cùng buồn phiền, không biết phải làm thế nào mới tốt. Chúng ta yêu cháu như vậy, chúng ta giáo dục cháu, nói với cháu rằng con xinh đẹp như thế này nếu cắn môi thì nhìn không đẹp nữa. Những đứa trẻ dường như không để ý tới, dường như cô bé hoàn toàn không thể khống chế được bản thân.
Đừng dọa nạt trẻ con nữa
Sau đó, phụ huynh đã đánh cô bé cho đến đau. Dù vậy, cô bé vẫn cắn môi như trước. Tôi nói với đứa trẻ, con người cho dù là người lớn hay là trẻ con đều có thể mắc sai lầm. Khi phạm sai lầm thì phải làm sao? Từ trong quá trình này mà học hỏi, thứ nhất, không phạm lại sai lầm giống như trước; thứ hai làm thế nào để vui vẻ trở lại, từ trong sai lầm mà học được điều gì. Thông qua quá trình như vậy không ngừng luyện tập, đây là liệu pháp cát. Có rất nhiều thú bông khác nhau để tạo lập nhiều hoàn cảnh khác nhau, không ngừng lặp lại cho đến khi đứa trẻ có được cảm giác và hành vi an toàn mới thôi.
Sau đó tôi cho đứa trẻ một tấm chứng chỉ tốt nghiệp thật đẹp, là lúc cô bé có thể rời khỏi phòng khám của tôi rồi. Cả một quá trình này trải qua thời gian ba, bốn tháng. Tôi cảm thấy lý do thành công quan trọng nhất chính là phụ huynh có thể lý giải được và phối hợp. Không còn dọa nạt đứa trẻ nữa, không còn dùng bạo lực để khiển trách đứa trẻ, và không phải làm cho đứa trẻ bận rộn với nhiều hoạt động khác nữa. Cần có thời gian để thắt chặt mối quan hệ phụ thuộc giữa cha mẹ và con cái.
Có rất nhiều vấn đề ở những đứa trẻ ba, bốn tuổi, thậm chí mười mấy tuổi là do xuất hiện từ lúc trẻ mới mấy tháng tuổi, có thể là do phụ huynh gây ra. Trong lúc người mẹ cho con bú sữa, phải dùng tiếng nói dịu nhẹ, dùng thiện tâm, dùng không gian thiện lương mà lan tỏa cho đứa trẻ. Trong lúc ôm đứa trẻ cho bú, xin người mẹ hãy toàn tâm toàn ý đem tất cả năng lượng thiện của chính mình truyền vào sữa mẹ cho trẻ. Tốt nhất đừng làm cùng lúc việc cho bé bú và xem máy tính hay tivi.
Tiến sĩ Trần Ngạn Linh có hơn 30 năm kinh nghiệm giúp đỡ các bậc cha mẹ và giáo viên ở Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Nhật Bản, Singapore, Malaysia, Indonesia, Hoa Kỳ, Âu Châu, Úc Châu, và New Zealand. Nhiều phụ huynh và giáo viên xem cô Trần là nhà cố vấn trọn đời. Khả năng tư vấn của cô không chỉ giới hạn lĩnh vực nuôi dạy con trẻ và giáo dục, mà còn bao gồm nghiên cứu phát triển và thiết lập văn hóa doanh nghiệp cho các công ty tư nhân. Kinh nghiệm trong nhiều lĩnh vực khác nhau giúp cho cô Trần có cái nhìn toàn diện và tổng quát hơn trong việc hướng dẫn các bậc cha mẹ và các giáo viên khác bồi dưỡng nên những nhân tài khỏe mạnh.
Tiến sĩ Trần có bằng tiến sĩ Tâm lý học chỉnh thể và Năng lượng y học của Đại học Y khoa Thân Tâm Hoa Kỳ (nay là Viện nghiên cứu Thân và Tâm), Thạc sĩ Học viện Đại học Y Đài Loan, Thạc sĩ Phát triển nhi đồng Đại học California (US), Thạc sĩ về Giáo dục năng khiếu của Đại học California và chứng chỉ lập trình máy điện toán. Video bài diễn văn trên truyền hình của cô được Thư viện Chính phủ Trung Hoa Dân Quốc lưu giữ, và được China Airlines International phát sóng.
Mời bạn xem video [ Khóa học dành cho cha mẹ – Tập 6]
Phụ trách biên tập: Lý ÂuBách Hợp biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ
Xem thêm: