Khóa học dành cho cha mẹ (P.9): Mẹ nên làm gì khi bị cắn lúc cho con bú?
Cho con bú sữa mẹ hay là sữa bột? Khi bú sữa mẹ, em bé cắn đầu ti thì phải làm sao? Trên thực tế, việc cho con bú sữa bình không tốt cho sự phát triển năng lực ngôn ngữ của trẻ, cũng dễ dẫn tới biến dạng hàm răng. Thậm chí là khi cho con bú, người mẹ nên nghe những âm nhạc “tốt”, không suy nghĩ vẩn vơ.
Tôi cho rằng khi trẻ con xảy ra vấn đề là lúc chúng ta mở rộng trí huệ, chứ không phải lúc buồn phiền, quan trọng ở chỗ người lớn dùng tâm thái nào để đối mặt với những vấn đề đó. Bởi vì cơ thể người cần tốn rất nhiều sức lực để xử lý những cảm xúc tiêu cực của bản thân, một khi cảm xúc tiêu cực xuất hiện rất nhiều thì người làm cha mẹ sẽ không dễ dàng học hỏi thêm điều mới.
Phải làm gì khi bị cắn lúc cho con bú?
Hiện nay có rất nhiều bà mẹ vừa làm công việc, vừa muốn cho con bú sữa mẹ, nên họ dùng cách hút sữa ra ngoài rồi cho vào bình sữa, đến khi cần thì đem ra cho con bú. Cảm nhận của đứa bé về đầu ti của người mẹ và núm giả của bình sữa có gì khác biệt không?
Tuy rằng việc dùng núm giả để bú thì đứa trẻ cũng được tập luyện sức mút của các cơ, nhưng đầu ti của người mẹ thì mềm, có tính đàn hồi, lại có thần kinh và sự ấm áp của người mẹ. Đầu ti của người mẹ có tình cảm, cho con trẻ những cảm nhận chân thực. Còn núm giả làm bằng chất keo, cho dù giá tiền cao đến đâu cũng không có sinh mệnh, không có sự ấm áp, hình dạng cố định và không biến đổi.
Tốc độ phát triển của trẻ sơ sinh rất nhanh, sơ sinh cũng là một giai đoạn rất quan trọng trong cuộc đời của đứa trẻ. Tôi khuyên người mẹ sau khi sinh con tốt nhất nên dành ba năm để ở nhà tự mình chăm sóc con, đây là những kinh nghiệm có dùng bao nhiêu tiền cũng không thể mua được.
Lúc tôi giảng dạy cho các sinh viên thường nói rằng lúc bắt đầu người mẹ sẽ phải mất rất nhiều thời gian nhưng bù lại sẽ giảm đi rất nhiều phiền não về sau.
Tuy nhiên lúc bú sữa mẹ, có lúc em bé sẽ dùng lực cắn vào đầu ti của người mẹ, đặc biệt là lúc mới mọc răng sẽ cắn rất đau. Kỳ thực, khi trẻ cắn đầu ti, người mẹ có thể ấn nhẹ hai bên mũi của con, lúc này miệng của bé sẽ mở ra, đừng chọn cách đánh trẻ. Cần phải chú ý chúng ta chỉ ấn nhẹ vào hai bên mũi của trẻ, bản thân mình có thể thử để biết dùng sức như thế nào cho phù hợp, động tác ép hai bên mũi phải “thuận” (trẻ không cảm thấy “đột ngột”)
Đây là một quá trình tương tác, em bé hơn một tháng tuổi đã có thể cảm nhận được nụ cười và những tình cảm của người lớn. Khi bị bạn trêu chọc, trẻ sẽ có phản ứng giống như đang cười. Khi em bé dùng lực để cắn vào đầu ti, người mẹ sẽ dùng động tác “kích thích” một cách dịu dàng và ấm áp, con sẽ hiểu được điều này. Chỉ cần làm vậy vài lần thì đứa trẻ sẽ hiểu được và biết điều chỉnh sức mút như thế nào.
Giữ tâm thái bình hòa lúc cho con bú
Một lần nữa cần phải nhắc nhở người mẹ lúc cho con bú đừng suy nghĩ lung tung. Tốt nhất là nên nghe những loại nhạc tường hoà, ấm áp và dịu dàng, đừng xem ti vi hay gọi điện thoại tán gẫu. Ngoài ra, người mẹ cần phải chú ý việc ăn uống của mình, bởi vì nếu ăn những thức ăn quá cay hay các mùi vị mạnh, thì sữa mẹ cũng sẽ có mùi vị đó, em bé sẽ đột ngột bị khiếp sợ và không muốn bú nữa.
Suy nghĩ của con người có thể làm sản sinh ra những hooc môn khác nhau, khi người mẹ cảm thấy khẩn trương một việc gì thì hooc môn tuyến thượng thận sẽ gia tăng, sữa mẹ sẽ thay đổi mùi vị và không còn ngon nữa. Khi chúng ta nhâm nhi một loại thức uống, lúc ban đầu rất là ngọt, đang uống thì tự nhiên biến thành vị đắng, vị cay, lập tức chúng ta có thể cảm giác muốn nôn ra và không muốn uống nữa. Đứa trẻ cũng như vậy, nó cảm thấy đột nhiên sữa mẹ không còn ngon nữa, thế là nó dừng lại không muốn uống tiếp. Cho nên đừng trách nhầm trẻ con, có thể là vấn đề của bản thân người mẹ đã dẫn tới việc nếu trẻ không muốn bú.
Sức mút khi bú sữa mẹ là tiêu chí đánh giá sức khoẻ của trẻ, có thể giúp phán đoán sự phát triển của trẻ có đạt được mức độ bình thường hay không.
Lúc đứa trẻ lớn lên sẽ có lúc phải phát triển ngôn ngữ. Nếu như hiện tại sức mút của bé đủ mạnh, khi bú sữa mẹ cháu sẽ được luyện tập các cơ vùng mặt, việc phát âm của trẻ sau này sẽ dễ dàng chuẩn xác hơn. Nếu không đứa bé sẽ phát âm không rõ ràng, mơ mơ hồ hồ, lùng bùng và nghe không rõ nó đang nói gì.
Một em bé được bú sữa mẹ không chỉ được luyện tập các cơ vùng mặt, còn có lưỡi và sức cầm nắm của tay.
Những bệnh nhân đột quỵ khi làm vật lý trị liệu tại bệnh viện thường được cho một trái banh mềm, rỗng ở bên trong, để luyện tập sức cầm nắm của tay. Khi đứa trẻ đang bú sữa mẹ cũng vậy, đa số dùng tay chơi với bầu ngực của mẹ, cũng là đang luyện tập sức cầm nắm. Nếu như chúng ta dùng bình sữa thì trẻ con sẽ giữ lấy chiếc bình, đây là một vật cứng và cảm giác sẽ hoàn toàn không giống như được bú trực tiếp.
Có nên cho trẻ ngậm núm giả không?
Trước đây người lớn thường nói không cho trẻ suốt ngày ngậm đầu ti của mẹ, nhưng ở các nước phương Tây, trẻ con thường ngậm núm giả đến mấy tuổi, ngay cả tã cũng mặc tới lúc mấy tuổi. Rất nhiều người Hoa cảm thấy việc này rất khoa học, nhưng vẫn có thắc mắc trong lòng.
Tôi cho rằng cách làm này chưa chắc đúng, cũng không phải tất cả các nhà giáo dục phương Tây đều khuyến khích cách làm này. Bản thân tôi khi sinh đứa con đầu lòng, lúc xuất viện, hộ lý rất tốt bụng đã giúp tôi chuẩn bị các vật dụng dành cho trẻ sơ sinh trong đó có cả núm giả.
Khi tôi bế con về nhà thì cháu đói bụng. Vừa đặt xuống thì cháu bắt đầu khóc. Tôi còn bận bịu sắp xếp hành lý, chưa kịp chuẩn bị để cho con bú được, lúc đó chợt nhớ ra hộ lý có cho một chiếc núm giả, tôi lập tức đặt núm giả vào miệng của con, hi vọng tạm thời giúp con tôi ngừng khóc.
Không ngờ rằng con tôi lập tức dùng lực phun chiếc núm giả ra ngoài. Tôi nhớ rất rõ, chiếc núm giả bay một đường hình vòng cung rớt xuống nền nhà. Một đứa trẻ mới sinh ra có mấy ngày tuổi thôi đã dùng sức lực lớn như vậy để phun chiếc núm giả ra và bay xa như vậy.
Tôi lập tức ý thức được rằng tôi đã làm một việc sai, đó là thứ mà con tôi hoàn toàn không cần. Tôi lập tức xin lỗi con: Mẹ làm sai rồi, từ nay trở đi, mẹ sẽ không đem núm giả nhét vào miệng con nữa. Cho dù mẹ có bận rộn đến đâu, cho dù con khóc lớn đến mức mẹ không chịu nổi, mẹ cũng sẽ không làm việc này nữa.
Nuôi con bằng núm giả không phải là phương pháp khoa học
Sự việc này đã trôi qua mười mấy năm rồi, nhưng lúc tôi thảo luận cùng đứa con út của mình, tôi thường nói rằng con phải cảm ơn anh trai năm đó đã làm một việc như vậy, cho nên đứa thứ hai và thứ ba của tôi đều không phải dùng đến núm giả.
Nếu như bạn có bạn bè làm bác sĩ nha khoa trẻ em, thường họ sẽ kiến nghị bạn nếu có thể không dùng núm giả thì tốt, bởi vì đứa trẻ thường xuyên nhằn núm vú giả thì hàm răng sẽ bị biến đổi hình dạng.
Tuy nhiên, bởi vì người lớn muốn có không gian yên tĩnh, nên rất nhiều người đã chọn dùng núm giả. Rất nhiều người lớn không thể chịu nổi tiếng khóc của trẻ con, nhét vào miệng nó một chiếc núm giả là cách làm nhanh nhất và đỡ tốn công sức. Các chuyên gia giáo dục, bác sĩ nha khoa trẻ em đều không cho rằng đây là cách làm khoa học.
Lúc tôi ở Đài Bắc có một người hàng xóm là một giáo viên đã về hưu rất tốt bụng, cô ấy làm ở một ngôi trường tư thục rất danh tiếng ở Đài Bắc, dạy học cả một đời. Có một hôm, cô ấy cùng tôi nói về những hành vi của trẻ con hiện nay, cô ấy nói rằng hiện nay phụ huynh không còn biết cách làm cha mẹ nữa, họ dùng núm giả để nuôi trẻ con. Đây là trí huệ của một giáo viên có thâm niên.
Cô ấy dạy học cho những đứa trẻ từ mầm non xuyên suốt cho đến lúc chúng trưởng thành ở bậc Cao Trung (Trung học phổ thông), cô ấy có quá nhiều, quá nhiều kinh nghiệm để nói với phụ huynh rằng đừng hi vọng chọn cách nhanh chóng và hiệu quả khi nuôi con. Vì làm như vậy thì vấn đề của chúng sẽ xuất hiện sau này và không dễ dàng sửa đổi bởi vì lúc đó chúng đã lớn rồi.
Không phải cách làm mà rất nhiều người sử dụng thì sẽ là đúng. Rất nhiều người Hoa đang bắt chước cách cho trẻ con ngậm núm giả này, kỳ thực đây là cách làm sai.
Khi con người lớn lên có rất nhiều cá tính là do tích luỹ mà ra. Cho nên tôi thường nói, thà rằng bạn dành ra thêm ba năm để nuôi con nhỏ, còn hơn là sau này phải mất 30 năm chịu đựng những phiền toái do nó đem lại.
(Còn tiếp)
Tiến sĩ Trần Ngạn Linh có hơn 30 năm kinh nghiệm giúp đỡ các bậc cha mẹ và giáo viên ở Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Nhật Bản, Singapore, Malaysia, Indonesia, Hoa Kỳ, Âu Châu, Úc Châu, và New Zealand. Cô đã giải quyết vô số vấn đề khó khăn. Nhiều phụ huynh và giáo viên xem cô Trần là nhà cố vấn trọn đời. Khả năng tư vấn của cô không chỉ giới hạn lĩnh vực nuôi dạy con trẻ và giáo dục, mà còn bao gồm nghiên cứu phát triển và thiết lập văn hóa doanh nghiệp cho các công ty tư nhân. Kinh nghiệm trong nhiều lĩnh vực khác nhau giúp cho cô Trần có cái nhìn toàn diện và tổng quát hơn trong việc hướng dẫn các bậc cha mẹ và các giáo viên khác bồi dưỡng nên những nhân tài khỏe mạnh.
Tiến sĩ Trần có bằng tiến sĩ Tâm lý học chỉnh thể và Năng lượng y học của Đại học Y khoa Thân Tâm Hoa Kỳ (nay là Viện nghiên cứu Thân và Tâm), Thạc sĩ Học viện Đại học Y Đài Loan, Thạc sĩ Phát triển nhi đồng Đại học California (US), Thạc sĩ về Giáo dục năng khiếu của Đại học California và chứng chỉ lập trình máy điện toán. Video bài diễn văn trên truyền hình của cô được Thư viện Chính phủ Trung Hoa Dân Quốc lưu giữ, và được China Airlines International phát sóng.
Mời bạn xem video “Khóa học dành cho cha mẹ” – Tập 9
Tác giả: Tiến sĩ Trần Ngạn Linh
Phụ trách biên tập: Tào Cảnh Triết
Biên dịch: Bách Hợp
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times Hoa ngữ
Xem thêm: