Khóa học dành cho cha mẹ (P.38): Cách người mẹ mang thai quản lý ‘cuốn sổ tinh thần’
Phụ nữ mang thai cần quản lý tốt “cuốn sổ tinh thần” của mình, trước tiên họ cần viết ba câu trên mỗi trang của cuốn sổ, sau đó sử dụng bút màu để ghi lại cảm xúc chân thực của mình.
Khi những màu sắc biểu thị sự tiêu cực như đỏ, đen, xám… được ghi mỗi ngày chiếm hơn 1/3 thì chính là cảnh báo nghiêm trọng, cảm xúc của bạn đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đứa con trong bụng rồi. Khi trẻ lớn lên và mang những cảm xúc tiêu cực đến trường, thì sẽ có thể xảy ra những hậu quả nghiêm trọng hơn.
Phụ nữ mang thai cần có một “cuốn sổ tinh thần” giúp loại bỏ những cảm xúc tiêu cực
Làm thế nào để phụ nữ mang thai tạo ra một “cuốn sổ tinh thần” của riêng mình? Nếu bạn không cần đi làm và đang tập trung cho việc sinh nở ở nhà, thì tốt nhất bạn nên tạo một cuốn sổ ghi chép tinh thần mỗi ngày, và ghi lại những cảm xúc của mình mỗi giờ bằng các loại bút màu khác nhau. Nếu bạn đang làm việc, hãy tạo ít nhất một trang mỗi tuần và ghi chú vài giờ một lần, tùy thuộc vào nhịp sống của bạn. Cùng với việc trở nên thành thục hơn, kỹ năng quản lý cảm xúc trở nên tốt hơn, thì những cảm xúc tiêu cực của bạn sẽ càng ngày càng ít.
Thông qua màu sắc được ghi chép lại, bạn có thể kịp thời nhận biết được cảm xúc của mình có ổn định và vui vẻ hay không. Nếu một lúc nào đó nhận thấy cảm xúc mình có vấn đề thì có 3 điều bạn cần làm.
Trước hết, bạn nhất định phải nói với chính mình rằng: “Tôi có thể thay đổi! Tôi có thể kêu gọi sự giúp đỡ!”. Giai đoạn mà mọi người dễ gặp thất bại nhất khi đối mặt với khó khăn chính là cảm thấy bản thân mình là người đen đủi nhất và tuyệt vọng nhất trên đời.
Tôi đã từng chứng kiến nhiều bệnh nhân có khúc mắc trong tâm, khi tìm được nguyên nhân gốc rễ thì họ đều sẽ ổn. Họ (kể cả những đứa trẻ) nói với tôi: “Cô ơi, con biết tại sao con đã ổn. Bởi vì con phát hiện ra rằng con không phải là người duy nhất trên đời này đen đủi như vậy. Con còn có những người bạn đang mắc bệnh giống con và mẹ bạn ấy không đối xử tốt với bạn ấy…”.
Ba câu trong “cuốn sổ tinh thần”
Điều thứ hai là tin rằng nhất định sẽ có biện pháp để giải quyết. Điều thứ ba là khẳng định rằng tôi vẫn ổn vì tôi còn sống. Tôi từng thường xuyên nhận được cuộc gọi từ những bệnh nhân muốn đăng ký tư vấn tâm lý, những phụ huynh hoặc giáo viên này bắt đầu nói qua điện thoại về rất nhiều vấn đề nghiêm trọng, những tình huống tiêu cực,… của một người nào đó khiến bản thân không thể chịu nổi nữa. Sau khi tôi nghe câu đầu tiên xong liền hỏi đối phương rằng: “Người mà anh nhắc đến còn sống không?” Người kia nói: “Đương nhiên là anh ta còn sống!”. Còn sống chính là còn có hy vọng! Khi con người còn sống, trong cơ thể sẽ tồn tại một loại năng lượng, đó là hiện tượng sinh lý tự nhiên, đừng quên sử dụng nó.
Bạn cần viết ba câu này vào mỗi trang trong “cuốn sổ tinh thần” của mình: “Tôi không phải là người xui xẻo nhất”, “Tôi đã làm tốt lắm rồi”, “Chỉ cần tôi sống là có hy vọng”.
Dù bạn có tệ đến đâu đi nữa, hãy nhìn vào ba câu này, và sau đó chân thật ghi lại trạng thái tinh thần của chính bạn bằng bút màu. Bạn hãy nhìn lại hàng ngày hoặc hàng tuần, và cần hết sức cảnh giác khi thấy 1/3 hoặc hơn 1/3 thời gian trong ngày của mình có màu đỏ, xám, đen hoặc bất kỳ màu nào khác trông không thoải mái, bởi vì như thế đã có thể khiến đứa trẻ trong bụng bị ảnh hưởng rất nhiều.
Tại sao đứa trẻ lại đánh nhầm người?
Tôi đã từng giải quyết rất nhiều vấn đề của trẻ ở trường học. Suy cho cùng, khi trẻ còn nhỏ, thực sự là do tâm trạng của cha mẹ đã khiến các em hoảng sợ, hoặc là những cảm xúc và khuôn mẫu tiêu cực. Kết quả là, đứa trẻ sẽ mang những cảm xúc tiêu cực này vào lớp học.
Một hôm, tôi đi đón con từ trường về. Bước vào lớp, tôi thấy một giáo viên đang giải quyết tranh chấp giữa 6 đứa trẻ, một trong số đó là Tiểu Minh (bút danh) đã đánh một số học sinh. Cô giáo chia các em thành 3 nhóm, mỗi nhóm 2 đứa trẻ. Cô ấy rất bận, vừa nhìn thấy tôi thì giống như gặp được “cứu tinh” vậy. Cô ấy giao cho tôi một đám trẻ con, trong đó có một bé là con của tôi, cũng bị Tiểu Minh đánh cho tơi tả.
Tiểu Minh ngay lập tức nói với tôi: “Con đánh nhầm người.” Tôi cố ý hỏi cháu: “Vậy con muốn đánh ai vậy?” Cậu bé sửng sốt và chỉ vào một đứa trẻ khác cũng nghịch ngợm trong lớp. Tôi tiếp tục nói với cậu bé: “Cô rất muốn biết câu trả lời, tại sao con lại đánh nhầm người? Con không cần phải trả lời cô ngay, con có thể về nhà và suy nghĩ, cô sẽ gọi cho con vào lúc 7 giờ tối.”
Bố mẹ của Tiểu Minh đi làm về lúc 8 giờ tối, và tôi chọn cách nói chuyện với cậu bé khi bố mẹ của cậu không có ở nhà, để loại bỏ sự hoang mang và lo sợ trong lòng cậu. Từ khi đứa trẻ này bắt đầu đi học mẫu giáo, biểu hiện của cháu cũng không được tốt lắm.
Người tính không bằng trời tính. Tôi gọi đến nhà của Tiểu Minh vào lúc 7h tối, và đúng lúc cha của cậu bé bắt máy. Tôi tuyệt đối không thể phàn nàn với cha mẹ của cậu bé, nếu không “cục diện” sẽ hỏng mất. Tôi nói với cha của cậu ấy rằng tôi là giáo viên của trường và cần nhờ Tiểu Minh giúp một chuyện ở trường. Cha cậu ấy không quan tâm đến những chuyện ở trường của cậu, vì vậy ông đã gọi cho mẹ của cháu. Mẹ cậu vừa nghe được cuộc điện thoại của trường học liền bắt đầu trách Tiểu Minh ở đầu dây bên kia lại đánh ai phải không? Tại sao cứ phạm lỗi này mãi vậy?
“Con không muốn đánh bạn, nhưng con rất cô đơn”
Tôi vội vàng nói: “Có lẽ cô đã hiểu lầm. Hôm nay tôi hẹn với Tiểu Minh để tìm câu trả lời cho một chuyện” Người mẹ đưa điện thoại cho Tiểu Minh, tôi nghe thấy tiếng TV qua điện thoại của cậu bé, bèn lập tức hỏi cháu: “Nhà con có phòng nào không có tiếng TV, để chỉ có cô với con thảo luận riêng với nhau không?” Cậu bé đáp ngay: “Có!” Điều này rất quan trọng, khi trẻ em (đặc biệt là các bé trai có cá tính mạnh) gặp phải những thời điểm khó khăn, bạn cần dành cho cậu ấy đủ sự tôn trọng tại một nơi riêng tư và xóa bỏ nỗi sợ hãi của cậu về những điều chưa biết.
Tiểu Minh nói với tôi rằng cậu ấy thực sự không muốn đánh bạn, nhưng cậu không biết phải làm gì ở trường học. Cậu ấy không thể ngồi yên và rất thích thu hút sự chú ý của người khác. Cha mẹ của cậu đến 8h tối mới về nhà, ở nhà sau khi tan học cũng rất cô đơn, cậu ấy cô đơn đã lâu và không nhận được quan tâm cũng như sự yêu thương đầy đủ. Trong trường học, cậu ấy dùng đủ mọi cách để thu hút sự chú ý của người khác. Cậu tưởng rằng người khác chú ý đến cậu thì cậu sẽ nhận được sự quan tâm và yêu thương, nhưng thực tế lại hoàn toàn ngược lại.
Nếu cha mẹ không quản lý được cảm xúc của con tre hoặc quản lý con không đúng cách, tâm trí và cảm xúc của trẻ không được thỏa mãn thì sẽ xảy ra những chuyện nghiêm trọng như vậy.
(Còn tiếp)
Tiến sĩ Trần Ngạn Linh có hơn 30 năm kinh nghiệm giúp đỡ các bậc cha mẹ và giáo viên ở Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Nhật Bản, Singapore, Malaysia, Indonesia, Hoa Kỳ, Âu Châu, Úc Châu, và New Zealand. Cô đã giải quyết vô số vấn đề khó khăn. Nhiều phụ huynh và giáo viên xem cô Trần là nhà cố vấn trọn đời. Khả năng tư vấn của cô không chỉ giới hạn lĩnh vực nuôi dạy con trẻ và giáo dục, mà còn bao gồm nghiên cứu phát triển và thiết lập văn hóa doanh nghiệp cho các công ty tư nhân. Kinh nghiệm trong nhiều lĩnh vực khác nhau giúp cho cô Trần có cái nhìn toàn diện và tổng quát hơn trong việc hướng dẫn các bậc cha mẹ và các giáo viên khác bồi dưỡng nên những nhân tài khỏe mạnh.
Tiến sĩ Trần có bằng tiến sĩ Tâm lý học chỉnh thể và Năng lượng y học của Đại học Y khoa Thân Tâm Hoa Kỳ (nay là Viện nghiên cứu Thân và Tâm), Thạc sĩ Học viện Đại học Y Đài Loan, Thạc sĩ Phát triển nhi đồng Đại học California (US), Thạc sĩ về Giáo dục năng khiếu của Đại học California và chứng chỉ lập trình máy điện toán. Video bài diễn văn trên truyền hình của cô được Thư viện Chính phủ Trung Hoa Dân Quốc lưu giữ, và được China Airlines International phát sóng.
Mời quý vị xem video “Khóa học dành cho cha mẹ” – Tập 38