Khóa học dành cho cha mẹ (P.31): Bé trai đòi mẹ ôm, làm sao giải quyết ‘nỗi lo xa cách’ của trẻ?
Tại sao có nhiều bé trai đã 5-6 tuổi, thậm chí lớn hơn vẫn quấn lấy đòi được mẹ ôm ấp và mong nhận được sự âu yếm của người mẹ? Đứa trẻ thiếu điều gì chăng? Lúc này cha mẹ nên ứng xử với trẻ như thế nào? Làm sao để giải quyết “nỗi lo xa cách” của trẻ?
Bé trai cũng thích được ôm
Mọi người sẽ không ngạc nhiên khi những bé gái bám lấy mẹ đòi làm nũng. Nhưng nếu những bé trai làm như vậy thì mọi người sẽ nói rằng “lớn như vậy rồi, sao con lại như thế”. Trên thực tế, tuổi thơ của những bé trai như vậy không được đầy đủ lắm. Cơ bắp và làn da trên cơ thể chúng ta đang phát triển mỗi ngày, mỗi cm trên da đều có cảm giác, giống như một sinh mệnh cần tiếp nhận mọi thứ bất cứ lúc nào. Cơ thể người có diện tích lớn như vậy thì cần tiếp xúc còn mãnh liệt hơn, chính là cần được ôm ấp, hơn nữa cũng cần thường xuyên. Khi tiếp nhận những cảm giác an toàn như vậy thì quá trình trưởng thành của trẻ sẽ ổn định hơn, đặc biệt là bé trai.
Khi bé trai bắt đầu nhận thức được vai trò xã hội của mình, chẳng hạn như “không được khóc”… như vậy sẽ dễ bị áp lực và khó có bạn thân. Trong tình huống chịu áp lực rất lớn, trẻ thực sự cần được yêu thương vỗ về một cách nhẹ nhàng hơn và thường xuyên hơn để giải tỏa những áp lực rất lớn đang đè nén lên cháu.
Vì vậy, khi trẻ 5-6 tuổi mà vẫn còn đòi được ôm thì trước hết người mẹ phải nghĩ xem trước đây trẻ đã thiếu thốn điều gì? Cha mẹ đã tạo ra những áp lực nào cho trẻ? Nếu thời thơ ấu của trẻ được âu yếm trọn vẹn thì khi đến 5-6 tuổi trẻ sẽ không quá quyến luyến mẹ, lúc này người cha có thể dẫn trẻ đi đạp xe, đi tận hưởng những cảm giác mạnh mẽ như gió lớn, phong cảnh rộng lớn để vui chơi, ca hát hay hướng về những ngọn núi xa xôi mà hét lớn.
“Nỗi lo xa cách” của bé trai
Đây là một câu chuyện có thật. Một cặp cha mẹ rất giàu có đã gửi đứa con duy nhất 8 tuổi của họ đến một ngôi trường quý tộc rất đắt tiền để học. Sau đó, nhà trường phát hiện ra rằng cậu bé này thích nội y và những thứ khác của con gái, mà khi đó cậu bé đã 13 tuổi. Người mẹ của cậu bé đã rất đau khổ, bà ấy nói rằng: “Mặc dù tôi không được học nhiều, nhưng tôi có thể trả tiền để mời giáo viên tốt nhất, huấn luyện viên giỏi nhất đến giáo dục cho đứa trẻ. Nhưng mà, cho dù là giáo viên tốt đến đâu cũng không thể thay thế được tình thương của người mẹ”. Khi cậu bé hình thành sở thích như vậy, có phải cháu đã thiếu thốn điều gì đó chăng?
Đầu tiên, phải chăng cậu bé đã nhận thức lệch lạc về giới tính của mình? Nếu cậu bé thuộc nhóm này, chúng ta cũng có phương thức điều trị thích hợp, nhưng ở đây chúng ta không nói đến tình huống này. Nếu cậu bé không phải như vậy, cháu còn nhỏ như thế đã phải xa mẹ thì cháu sẽ có sự lo lắng; Nếu “nỗi lo xa cách” của cậu bé không được giải quyết, khi không có ai quan tâm thì cháu sẽ đi theo một con đường khác, nghĩa là trong quan niệm nhận thức xã hội thông thường của cậu bé sẽ xuất hiện những điều không nên có.
Chẳng hạn, cậu bé có thân hình con trai nhưng lại không thích mặc đồ con trai. Cậu bé có thể đặc biệt thích một cô giáo nào đó nên đã lấy đồ của cô ấy để thỏa mãn một chút ham muốn của bản thân.
Điều này là bình thường đối với một đứa trẻ nhỏ, nếu có mẹ ở bên ôm ấp trẻ thì sẽ không sao cả. Khi một đứa trẻ như vậy đi học nội trú, cậu ấy giống như một “dân tộc” yếu đuối, những người anh trai ở đó lớn hơn cậu và cậu cũng không thể chơi cùng họ. Vì vậy, chúng ta có thể hình dung ra sự cô đơn của cậu bé.
Trước đó chúng tôi từng nghiên cứu học sinh năng khiếu, rất nhiều người sau khi lên đại học thì tình trạng đều không tốt lắm, thậm chí có người học tiến sĩ 10 năm mới tốt nghiệp. Còn có những người thành tích học tập rất tốt nhưng kỹ năng sống lại rất kém. Vậy nên, sự phát triển cân đối là một điều rất quan trọng.
Sự hậu thuẫn mạnh mẽ của một ông chủ lớn
Cổ nhân nói rằng: “Nữ tử bổn nhược, vi mẫu tắc cường” (phụ nữ vốn yếu đuối, nhưng khi làm mẹ thì ắt sẽ trở nên mạnh mẽ). Khi bạn trở thành người mẹ, bạn sẽ sẵn sàng chịu đựng rất nhiều khó khăn để tạo nền tảng tốt cho sự phát triển của con cái. Vì vậy đừng coi thường thiên chức làm mẹ, thiên chức này không ai có thể thay thế được. Cho dù bạn có kiến thức và tiền bạc hay không, cảm giác an toàn và sự không ngừng cố gắng mà bạn mang lại cho con mình là vô cùng quan trọng.
Có một vị chủ tịch rất giỏi, ông ấy có rất nhiều công nhân. Ông ấy đã trải qua hai cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, nhưng ông đều vượt qua được. Ông nói rằng: “Tôi có thể vực dậy được, chính là nhờ sự dìu dắt tinh thần từ người mẹ thất học làm ruộng ở quê. Chính hình dáng, tấm gương và sự tận tụy thực sự của bà đã dạy tôi một điều rất quan trọng – “chỉ cần trái tim của bạn là vì người khác, ý chí của bạn sẽ không bị đánh bại.”
Bởi vậy, khi điều hành công ty lớn này, ông ấy đã quan tâm đến khách hàng chứ không phải hiệu suất kinh doanh, vì vậy ông có thể đứng vững sau hai cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Không có điều gì có thể thay thế việc người mẹ ôm con
Tôi có một người bạn chăm sóc một bé trai 5 tuổi. Người mẹ do công việc bận rộn nên khi cậu bé tỉnh dậy vào mỗi buổi sáng thì mẹ đã đi làm rồi, cậu bé sẽ khóc lóc một cách uỷ khuất. Người bạn chăm sóc cậu bé này là một người đàn ông, anh ấy hỏi rằng anh có thể ôm cậu bé được không?
Cách ôm đứa trẻ cần chú ý: ôm trẻ ở bộ phận nào, ôm trẻ trong bao lâu, dùng bao nhiêu lực… Những điều này không thể thực hiện một cách tuỳ tiện. Ví dụ, nếu đó là một cậu bé lớn hơn 4-5 tuổi mặc quần áo có hình của thần tượng anh hùng (siêu nhân), hoặc thường mang một chiếc khăn quấn trên vai lúc ở nhà giống điệu bộ của “siêu nhân”, thì bạn không nên ôm những đứa trẻ như vậy quá chặt. Thay vào đó, bạn có thể vỗ vào vai trẻ giống như một người “anh em” với cháu.
Nếu là bé trai nhớ mẹ và khóc, thì tình trạng đó không phải một sớm một chiều xảy ra, mà có thể là do khi trẻ còn nhỏ, cha mẹ đã không có thời gian để chăm sóc trẻ trong một thời gian dài. Bởi vì khi trẻ còn nhỏ, có một giai đoạn khi những thứ trước mắt biến mất, cháu sẽ cho rằng thứ đó sẽ vĩnh viễn không trở về nữa. Do đó, trẻ sẽ sợ hãi và căng thẳng.
Trong cuộc sống của chúng ta, đứa trẻ 5-6 tuổi cho dù là trai hay gái thì sẽ có lúc không có cha mẹ ở bên cạnh và cảm thấy lạc lõng, các cháu sẽ nghĩ rằng mãi mãi mất đi họ rồi. Làm cha mẹ, chúng ta có nhận ra sự lo lắng này của trẻ không?
Việc ôm con là điều tuyệt vời, và cách ôm của mẹ cũng khác với những người khác. Vai trò của cha mẹ là quá quan trọng, không ai có thể dùng tiền bạc hay sự giúp đỡ của các chuyên gia để thay thế. Cũng không thể dựa vào một vài kỹ năng để giải quyết, mà đó là sự thể hiện tấm lòng của cha mẹ.
(Còn tiếp)
Tiến sĩ Trần Ngạn Linh có hơn 30 năm kinh nghiệm giúp đỡ các bậc cha mẹ và giáo viên ở Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Nhật Bản, Singapore, Malaysia, Indonesia, Hoa Kỳ, Âu Châu, Úc Châu, và New Zealand. Cô đã giải quyết vô số vấn đề khó khăn. Nhiều phụ huynh và giáo viên xem cô Trần là nhà cố vấn trọn đời. Khả năng tư vấn của cô không chỉ giới hạn lĩnh vực nuôi dạy con trẻ và giáo dục, mà còn bao gồm nghiên cứu phát triển và thiết lập văn hóa doanh nghiệp cho các công ty tư nhân. Kinh nghiệm trong nhiều lĩnh vực khác nhau giúp cho cô Trần có cái nhìn toàn diện và tổng quát hơn trong việc hướng dẫn các bậc cha mẹ và các giáo viên khác bồi dưỡng nên những nhân tài khỏe mạnh.
Tiến sĩ Trần có bằng tiến sĩ Tâm lý học chỉnh thể và Năng lượng y học của Đại học Y khoa Thân Tâm Hoa Kỳ (nay là Viện nghiên cứu Thân và Tâm), Thạc sĩ Học viện Đại học Y Đài Loan, Thạc sĩ Phát triển nhi đồng Đại học California (US), Thạc sĩ về Giáo dục năng khiếu của Đại học California và chứng chỉ lập trình máy điện toán. Video bài diễn văn trên truyền hình của cô được Thư viện Chính phủ Trung Hoa Dân Quốc lưu giữ, và được China Airlines International phát sóng.
Mời quý vị xem video “Khóa học dành cho cha mẹ” – Tập 31